;
Tác hại của vọng ngữ là vô cùng lớn. Có nhiều người lúc nào cũng nói dối người khác, nhưng đến lúc gặp chuyện cần nói thật thì không ai tin. Khi chúng ta đã làm mất lòng tin ở mọi người thì khó có thể hàn gắn lại được. Nhưng ngược lại, lợi ích của không vọng ngữ thì vô cùng lớn. Nếu xa lìa vọng ngữ thì được tám pháp mà trời người khen ngợi.
1. Miệng thường thanh tịnh, thơm mùi hoa ưu đàm: người không nói dối thì được quả báo tốt là miệng có mùi hương hoa sen. Thượng tọa Thích Chân Tính có câu:
“Miệng ta là hoa sen
Một phen đã hé nở
Tỏa hương thơm Phật pháp
Gieo mầm giác cho người”.
Vậy, người nào miệng thường hôi hám thì biết đời trước đã nói dối nhiều nên mới có quả báo xấu như vậy.
2. Được người đời tán phục: người không nói dối lúc nào cũng nói lời chân thật, thì có uy tín với mọi người nên được mọi người tín cẩn, kính phục.
3. Mở lời thành chứng, nhơn thiên kính mến: khi mở miệng nói điều gì là có chứng tín rõ ràng, không nói mơ hồ, không nói vu vơ, nên người trời luôn kính mến.
4. Thường đem lời êm dịu an ủi chúng sanh: thường dùng lời hòa nhã để an ủi người đang khổ đau được an vui lợi ích.
5. Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh: được quả báo là tâm lúc nào cũng an vui thanh thản, ba nghiệp thân khẩu ý thường trong sạch.
6. Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ: khi nói không lầm lỗi, lòng không hối hận, thường an vui.
7. Mở lời tôn trọng, nhân thiên vâng làm: có thần lực nơi lời nói, mỗi khi nói ra thì trời người đều tôn trọng, vâng làm.
8. Trí tuệ thù thắng, không ai chế phục: có trí tuệ thù thắng hơn mọi người nên không ai có thể áp bức, chế phục được.
Trên đây liệt kê ra tám điều lợi ích của việc giữ gìn giới vọng ngữ. Thử hỏi, có ai từ nhỏ đến lớn chưa từng nói một lời nói dối nào không? Giữ được một giới vọng ngữ mà phước đức như thế, huống chi là đầy đủ năm giới. Đời này mình giữ thanh tịnh thì được an vui, đời sau cũng được an vui.
Cho nên, dù là một giới nhỏ cũng đừng nên xem thường, nó đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Nếu không giữ giới thì đời này khổ và đời sau cũng khổ. Vì thế, phải biết đức Phật dạy chúng ta tu để được lợi ích chính là điều căn bản, rồi sau đó mới làm lợi ích cho người. Hiểu được như vậy là quý báu lắm thay!
Tâm Hứa