;
Trong bài viết, “Tăng Ni trẻ với việc truyền tải giáo lý Phật Đà trong xã hội ngày nay”, đăng trên trang tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 25/12/2019, sư cô Thích Nữ Thanh Tâm đã quảng bá cho mục đích . “Để thích ứng với cuộc sống mới, con
người mới của xã hội hiện đại đòi hỏi Phật giáo phải có sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức Truyền Tải và phương cách Truyền tải. Hiển bày đạo Phật bằng Chân,Thiện, Mỹ không cần bề ngoài hình thức.”
Để minh chứng cho thành quả của việc “thích nghi với cuộc sống mới”, sư cô đã trưng ra nhiều tấm hình trong đó có hai tấm:
- Một tấm hình trong đó một tăng sinh trẻ người ngoại quốc và một ni sinh trẻ người Việt Nam đưa hai ngón tay hình chữ V. Thưa sư cô, sư cô có biết biểu tượng chữ V là gì không? Và nó ra đời từ lúc nào? Theo Biên Niên Sử Thế Kỷ XX (Chronicle of the 20th Centery) thì vào năm 1941 khi nước Anh sắp xụp đổ trước những cuộc không kích dữ dội vào thủ đô Luân Đôn của Đức Quốc Xã, Thủ Tướng Anh Churchill đã phải qua Mỹ cầu viện.
Sau khi đọc bài diễn văn cầu viện trước quốc hội Hoa Kỳ, Ô. Churchill đưa hai ngón tay hình chữ V để nói rằng chúng ta sẽ chiến thắng (Victory). Từ đó thủ hiệu chữ V tượng trưng cho chiến thắng. Chẳng hạn trước khi vào trận đấu, hay các chính trị gia muốn chứng tỏ mình thành công hoặc sẽ thành công đều đưa ra thủ hiệu chữ V.
Hiện nay tại Việt Nam một số rất đông các cô gái khi đi lễ chùa, hoặc sinh hoạt ở trường, hoặc đi đâu chơi, chụp hình chung cũng đưa ra thủ hiệu chữ V. Tôi rất ngạc nhiên là tại sao họ lại “lai Mỹ” nhanh đế thế, lai Mỹ còn hơn cả Mỹ. Bởi vì ngay tại Mỹ này, hầu hết các cô gái khi chụp hình vui chơi chung, đâu phải lúc nào cũng giơ ra hai ngón tay hình chữ V. Vậy thì khi giơ hai ngón tay hình chữ V, hai thiền sinh kia muốn nói gì? Phải chăng họ muốn nói, “Tôi lả kẻ chiến thắng”, hoặc tôi là “Số Một” (Number One) đây?
Nếu họ là kẻ chiến thắng thì họ chiến thắng cái gì? Chiến thắng kẻ thù chăng? Thưa sư cô, Phật Giáo đâu nhìn thấy ai là kẻ thù. Mà kẻ thù của loài người chính là đam mê, dục vọng, vô mình, cao ngạo, nhố nhăng, tâm địa quay đảo, hành động hỗn loạn…cũng chỉ vì mê đắm vào cuộc sống ảo giống như giấc chiêm bao này.
Nếu các tăng/ni sinh kia đã đạt được những chiến thắng như tôi nói ở trên thì thân-tâm họ phải vắng lặng, bình ổn, lúc nào cũng như như, hiền từ, không nhố nhăng, không bị cảnh đời chi phối. Năm xưa, sau 49 ngày thiền định, Thái Tử Tất Đạt Đa đã chiến thắng những cám dỗ ghê gớm của kiếp người như tiền bạc, danh vọng, xác thịt, si mê, ngã mạn…và thành Phật, ngài đâu có chạy ra đường là hét rằng tôi đã thành Phật và đưa ra thủ hiệu chữ V?
Nhưng khi đã thành Phật, thì tâm ngài đi vào đại định, nhìn thấu suốt thế giới này là giả dối, đầy khổ đau và cần cứu độ. Vậy thì khi đưa ra thủ hiệu chữ V… đó là hành động của các cô gái trẻ, thanh niên trẻ bình thường háo thắng, ham vui chứ không phải dấu hiệu của một nhà tu hành tự nhận là đệ tử của Đức Phật.
- Còn hình của một sồ nam tăng sinh quàng vai nhau. Tôi có cảm tưởng đây là hình ảnh của các học sinh tiểu học, trung học…quàng vai nhau chụp hình trong những cuộc vui chơi họp mặt…chứ đâu phải là các tu sĩ tu theo Phật.
Sư cô có thấy trên 2500 năm nay, hàng Bồ Tát, La Hán, các bậc tu sĩ trên khắp thế giới này quàng vai nhau không? Thậm chí khi gặp nhau họ chỉ vái chào mà không bắt tay. Thưa sư cô, tình bạn ngoài đời khác với tình đồng đạo. Ngoài đời, hễ có chén rượu, đĩa thịt thì la hét nhảy nhót, quàng vai nhau ca hát. Còn trong Tăng/Ni đoàn, tình đồng đạo, đồng tu lúc nào cũng “trang nghiêm Phật độ”.
Tình đồng đạo không thể hiện bằng quàng vai nhau mà bằng lễ độ, kính trọng, đối xứ với nhau dịu dàng đúng mức. Sư cô có được bổn sư giảng dạy về “cảm thụ” hay không? Có được giảng dạy về 348 giới cấm dành cho ni không? Khi nam hay nữ quàng vai nhau như thế là có tiếp xúc da thịt và cảm thụ nảy sinh. Khi cảm thụ nảy sinh thì lập tức ái-dục theo liền như Thập Nhị Nhân Duyên đã nói. Khi ái-dục nảy sinh thì tư tưởng chiếm hữu, chiếm đoạt theo liền (thủ và hữu). Và như thế con người chui vào chuỗi vô mình, sinh tử luân hồi.
Sư cô có biết rằng bao tội lỗi trên thế gian này này cũng chỉ vì cảm thụ, tiếp xúc làn da sớ thịt không? Và sư cô có biết ngày nay nạn đồng tính luyến ai nam và nữ đang lan rộng toàn cầu không? Người nam ôm người nam, người nữ ôm người nữ cũng có thể là biểu hiện của ham muốn xác thịt đồng tính.
Trong bài viết, sư cô không nói rõ thuộc giáo phái nào. Nhưng qua tấm hình của thầy Nhất Hạnh in ở trên tôi đoán sư cô thuộc giáo phái Làng Mai. Giáo phái Làng Mai nổi tiếng với lối tu “thiền ôm” (nam nữ ôm nhau ngồi thiền) và nam-nữ đàn ca xướng hát.
Một số đệ tử của thầy Nhất Hạnh ca ngợi đó là “thích ứng với cuộc sống mới, con người mới của xã hội hiện đại.” Thế nhưng một số lại cho rằng giáo phái Làng Mai là một sự pha trộn giữa Phật Giáo và Phản Thệ Giáo (Protestan) có thể thích hợp với một số người Tây Phương hiếu kỳ, dễ dãi, nhưng đi ngược với truyền thống Phật Giáo Việt Nam và toàn thế giới.
Sư cô có thấy vài ngàn thiền đường (Meditation Center) của Tây Phương trên toàn thế giới này…họ có ôm nhau ngồi thiền không? Hay họ ngồi vắng lặng một mình trong yên tĩnh, tập buông xả và trí óc ngưng nghỉ để cho “thân tâm vắng lặng”.
Thưa sư cô, Đạo Phật nhập thế không có nghĩa là phá bỏ giáo lý của Đức Phật và biến Tăng/Ni thành những con người trần tục. Chúng ta phải đổi thay cách hành đạo nhưng không đổi thay con người, giống như câu nói, “Bần tiện bất năng di”. Nghèo túng mà trở thành trộm cắp là đổi thay theo hoàn cảnh. Ngày nay xã hội loài người vô cùng đảo điên và nhố nhăng. Nhưng chúng ta không thể nhố nhăng như họ để cứu họ.
Mà chúng ta phải không nhố nhăng để cứu họ. Chạy theo thời thế thì chúng ta điên lên làm sao có thể cứu đời? Tâm địa chúng ta phải luôn luôn bình ổn. Đạo đức phải sáng tỏ và mẫu mực. Người ta tham, mình phải bỏ tham. Người ta ham vui, mình phải thanh tịnh.
Người ta nhố nhăng, mình phải mẫu mực. Bà mẹ muốn con từ bỏ thói nhố nhăng mà cũng nhố nhăng như con...thì làm sao dạy con? Chạy theo thời thế là tâm chúng sinh. Tâm như như bất động… nhưng hành động quyền nghi, thích hợp là bồ tát nhập thế. Bồ tát nhập thế lúc nào cũng uy nghi, giữ gìn giới luật. Vào chốn trần lao mà hóa độ chúng sinh…nhưng không trôi lăn theo chúng sinh.
Chẳng hạn, vào một bộ tộc ăn thịt người, hoặc lõa thể để hóa độ, chẳng lẽ vị tăng cũng phải ăn thịt người và lõa thể để giáo hóa họ sao? Đức Phật đã hóa độ cho đạo sĩ Uruvela Kassapa thờ Thần Lửa và đạo sĩ Upaka tu lõa thể, mà Đức Phật đâu cần lõa thể và thờ thần lửa để cứu họ. Đức Phật cũng đã hóa độ cho một cô gái điếm nhưng Ngài đâu có cần lân la vào các khu ăn chơi xác thịt để độ cô ta đâu.
Ngày nay thanh niên thiếu nữ thế giới ở các quốc gia chậm tiến đang điên cuồng theo đá bóng. Chẳng lẽ tăng ni cũng phải trở thành cầu thủ nổi tiếng để hóa độ họ sao? Trai gái ôm nhau, nhảy nhót, xì ke ma túy… chẳng lẽ tăng ni cũng phải học nhảy đầm, hút xì ke để giáo hóa họ sao? Sư cô nên nhớ “Chạy theo con ngựa và cưỡi lên mình ngựa” là hai chuyện khác nhau.
Chạy theo con ngựa là chạy theo thời thế, chiều lòng thế tục. Còn ngồi lên mình ngựa là kiềm chế con ngựa. Bậc xuất gia theo Phật, tâm bồ để phải kiên cố, phải chế ngự bớt những tham-sân-si điên cuồng của chúng sinh chứ không chạy chúng sinh…tức chạy theo con ngựa. Khi mình chạy theo thế tục thì mình trở thành thế tục, thì mình “vong thân” đâu còn đâu ‘Giới Định Huệ” để giáo hóa chúng sinh nữa?
Hiện nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và tăng ni trong nước ý thức được điều này cho nên đã tập trung vào việc đưa Phật pháp đến giới trẻ. Các hội trại, Gia Đình Phật Tử, Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Sinh Viên Phật Tử, các khóa tu mùa hè, các buổi xuất gia gieo duyên, sinh hoạt ngoài trời, làm sạch môi trường, đường phố, hoạt động thiện nguyện…là những việc làm đúng đắn nhất.
Khi mọi gia đình thấm nhuần lời Phật dạy, khi thương trường, y tế, giáo dục, đại học biết làm theo Phật, kể cả các chính trị gia. Khi tăng ni giữ nghiêm giới luật, kiến thức mở mang, mẫu mực cho mọi người… thì đất nước sẽ trở thành Đất Phật. Còn thiền ôm, ca hát, ôm nhau nhảy múa trong tăng ni đoàn, chạy theo thị hiếu, cảm xúc nhố nhăng của quần chúng chỉ là pháp hữu vi, chữa căn bệnh trầm kha tham-sân-si của chúng sinh bằng cách “xức dầu cù-là”, phá hết giới luật của Phật và xa lạ với truyền thống hơn 2500 năm nay.
Thưa sư cô, tôi có cô em gái Thích Nữ Hoàn Tuệ sinh năm 1958, xuất gia năm 1977 nên tôi rất thương và quý mến các ni cô. Cho nên đây là những lời rất chân tình để sư cô suy nghiệm. Ngoài ra thì không có ý gì khác.
Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 25/12/2019)
Vài nét về tác giả:
Đào Văn Bình sinh năm 1942 tại Hải Phòng.
Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam.
Năm 1955 quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Hải Tràng tại Chùa Phổ Quang, Sài Gòn, được HT ban cho pháp danh là Thiện Quả
Năm 1966 tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa, Đại Học Luật Khoa Sài Gòn.
Năm 1968 tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi, Kiến Hoà.
Sau 30/4/1975 bị giam cầm 9 năm qua các trại tù từ Nam ra Bắc.
Được phóng thích Tháng 5, 1984 tại Trại Tù Xuân Lộc Z. 30 A.
Tháng 10, 1984 vượt biển đến Mã Lai (Đảo Bidong.
Năm 1989 là một trong 9 thành viên sáng lập Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam.
Được bầu vào chức vụ Chủ Tịch BCH Tổng Hội Cựu TNCT/VN từ 1993 tới 2005.
Giải Ba cuộc thi viết “Hành Trình Biển Đông” (Tháng 4, 2004) qua truyện ngắn “Biển Ơi Trả Cho Ta” (đã được phiên dịch qua Anh Ngữ trong tác phẩm Risking Death to Freedom xuất bản năm 2005.)
Năm 2009 được The Vietnamese American Heritage Project thực hiện một phim truyện tiểu sử mang tựa đề A Path to Freedom. (Quý vị muốn xem DVD với truyện kể kèm theo hình ảnh của tác giả từ thuở thiếu thời và 20 năm sinh họat, sáng tác ở hải ngọai.)
Các tác phẩm đã xuất bản:
• Hồi ký tù, hồi ký lịch sử Những Sự Thực Không Thể Chối Bỏ (1987)
• Thơ tù và kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (1987)
• Truyện dài vượt biên Chọn Lựa (1989)
• Đoản văn và truyện ngắn Sóng Bạc Đầu (1991)
• Tuyển tập truyện ngắn Hương Xót Xa (1998)
• Ký Sự 15 Năm (2000)
• Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển (2002)
• Hồi ký 20 Năm Viết Văn (2004)
• Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh
Tác phẩm phiên dịch:
• Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck (đã được đăng từng kỳ trên Văn Nghệ Tiền Phong năm 1999)
và một số truyện ngắn nổi tiếng viết bằng Anh Ngữ.
(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)