;
>Thai giáo bằng thiền và nhạc dân tộc
>Đôi dòng tiễn biệt GSTS Trần Văn Khê
Mới 4 tuổi mà đã cậu bé Khê đã biết niệm các câu “Nam Mô A Di Đà Phật” và “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, làm bất ngờ cả gia đình cũng như làng xóm…Trong tự truyện Những câu chuyện từ trái tim, GS.TS Trần Văn Khê kể, nhà khi đó ở gần chùa, chính vì vậy mà hàng ngày cậu bé Khê được nghe các thầy tụng kinh và niệm Phật. Cậu bé Khê khi đó đã niệm Phật rất hay và thuộc khá nhiều kinh.
Thấy nhà chùa tụng kinh cậu bé Khê cũng tụng kinh. Nhà chùa gõ mõ, cậu cũng gõ mõ. Cứ thế nên thành quen và thích. Mẹ của GS Trần Văn Khê phát hiện ra cậu bé Khê mê Phật nên đã cấm không cho gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật. Mẹ cậu sợ cậu xuất gia thành nhà sư.
Thật may mắn là cậu bé Khê khi đó có một vị “cứu tinh”, ông nội. Ông nội đã sắm cho cậu bé Khê cả bộ quần áo nhà chùa. Mỗi khi mẹ đi vắng là cậu bé Khê lại ngồi xuống và tụng tinh, gõ mõ, niệm Phật. Khi biết mẹ về, cậu bé Khê với sự trợ giúp của ông nội đã nhanh chóng cất bộ “đồ nghề” vào tủ. 4 tuổi đã thuộc nhiều kinh Phật thì thật là đáng quý.
Một chi tiết khác rất ấn tượng là khi GS kể về việc hàng xóm giết gà. Họ giết gà nhưng rất sợ cắt tiết. Chính vì vậy mỗi lần giết gà hàng xóm hay mời cậu bé Khê 4 tuổi sang tụng trước khi cắt cổ gà. Họ tin rằng như vậy gà sẽ được siêu thoát. Thế là cậu bé Khê có nghề mới “tụng kinh giúp hàng xóm”.
Cũng trong các buổi giao lưu tại nhà, GS Trần Văn Khê đã đọc vanh vách chú Vãng sinh “Nam mô a di đa bà dạ. Đa tha già đa dạ. Đa địa dạ tha. A di rị đô bà tỳ. A di rị đa tất đam bà tỳ. A di rị đa tỳ ca lan đế. A di rị đa tỳ ca lan đá. Già di nị Già già na. Chỉ đa ca lệ ta bà ha”. Điều này làm cho bao người ngạc nhiên, trong đó có nhiều nhà sư. Ông còn “ngộ” ra kinh Phật, khi hòa quyện vào đời sống thường ngày còn có nhiều tác dụng kỳ diệu khác để tâm an, thêm nhiều sáng tạo, nghị lực, sống chan hòa với con người và thiên nhiên…
GS Trần Văn Khê: "Đứa trẻ được mẹ hát ru tận nôi chính là đứa trẻ giàu tâm hồn và hạnh phúc nhất. Từ lời ru của mẹ, trẻ sẽ tự nâng tâm hồn và tự hình thành nhân cách của mình."
Sau này khi qua Pháp sống và làm việc, những tư tưởng Phật giáo vẫn ngấm sâu trong người GSTrần Văn Khê. Giáo sư kể rằng khi phương Tây làm bộ Bách khoa Âm nhạc Phật giáo không có người Việt Nam nào tham gia viết bài. GS nghĩ rằng không thể trong bộ bách khoa lớn vậy mà lại thiếu đi phần Việt Nam. Thời hạn nộp bài thì chỉ có 6 tháng. Tuy vậy GS vẫn quyết nhận và quyết làm. Chính nhờ những gì còn giữ lại trong đầu từ khi còn là cậu bé có tâm Phật, GS Trần Văn Khê đã liên lạc với những nhà sư Việt Nam để xin ý kiến, để nhờ tư vấn và giúp đỡ. Cuối cùng thành công bất ngờ đã đến. GS đã hoàn thành đúng hạn và được đánh giá cao.
GS Trần Văn Khê đã đưa ra cách giáo dục và phương pháp “học mà chơi” với trẻ nhỏ dựa trên trò chơi gõ mõ. Nhịp điệu gõ mõ giúp cho các bậc cha mẹ và thầy cô giáo có thể sáng tác ra những cách học mà chơi thú vị với các con. Nhất là thơ ca và đồng dao.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, giọng hát ru của người mẹ trong chín tháng thai kỳ chính là chất liệu cho việc hình thành nhân cách cũng như suy nghĩ, năng khiếu của đứa trẻ sau này. Khi trẻ chào đời, được mẹ hát ru sẽ giúp trẻ ngủ ngon và làm cho tình mẫu tử trở nên khắng khít.
Một vài suy nghĩ cho rằng, nếu ôm và hát ru cho trẻ, lâu ngày vô tình tạo thói quen dựa dẫm, thiếu sự lập trường ở trẻ thì càng nguy. Điều này không đúng, hát ru là thể hiện mối liên kết giữa mẹ và đứa bé, khác với việc ủ ấp quá nhiều, bọc con như trứng điều. Trong nhiều buổi trò chuyện về âm nhạc dân gian, GS Trần Văn Khê đã nhấn mạnh: “Bài hát ru là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền sang cho đứa con của họ. Cùng một lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ con, thì điệu thi ca dân gian sẽ được rót vào trong tiềm thức của đứa trẻ.
Hát ru không chỉ giúp xây dựng cho đứa trẻ có được tình yêu thương, sự gần gủi, tự hào về quê hương đất nước. Mà sự tiếp cận này còn xây dựng được cấu trúc âm thanh trong đầu đứa trẻ. Dù sau này đứa trẻ đó có tiếp nhận, hoà hợp với các nguồn âm nhạc nước ngoài, nhưng sự tiếp nhận này vẫn luôn đứng trên lập trường giữ vững và tôn trọng bản sắc của âm nhạc dân tộc mình. Đặc biệt trong thời kỳ mang thai, nếu đứa trẻ được thai giáo bằng âm nhạc đúng cách sẽ tác động tích cực rõ ràng đến sự hình thành tính cách của các em khi lớn lên.”.
Có nhiều bà mẹ theo phong trào “trở lại cội nguồn”, đã cho con nghe hát ru qua các băng đĩa, cũng với mong muốn tình cảm của mẹ con ngày một gắn bó hơn. Trong “thời đại số” này thì việc tìm một đĩa hát ru nhạc số chẳng khó. Nhưng, có một điều chúng ta chưa hiểu, vấn đề cốt lõi là cách bạn thể hiện sự quan tâm cho đứa con như thế nào. Không phải ở giọng hát hay, đầy kỹ thuật, mà âm điệu mộc mạc từ chính lời ru của mẹ mới là mối tương giao yêu thương dẫn đến đứa con. Theo như GS Khê, đứa trẻ được mẹ hát ru tận nôi chính là đứa trẻ giàu tâm hồn và hạnh phúc nhất. Từ lời ru của mẹ, trẻ sẽ tự nâng tâm hồn và tự hình thành nhân cách của mình.
Trong những sinh hoạt chuyên đề về âm nhạc dân gian gần đây, một điều tích cực, bên cạnh những bậc tiền bối, những người thuộc tuổi xế chiều, thì vẫn còn rất nhiều những mái đầu xanh đến tham dự bằng cả nhiệt huyết và sự tìm tòi. Ở trong bối cảnh giá trị gia đình ngày càng bị đe doạ bởi những phát sinh khó lường, thì con người ta càng cần được định hướng, dẫn dắt để đi đúng. Bắt đầu bằng những câu hát ru sẽ giúp nhân cách của mỗi chúng ta tốt hơn.
Theo: Nguyên Quốc/Báo Gia đình & Xã hội
(*) Tựa đề do BBT đặt lại
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=dgiQ7AG9GUc|500|500}