nguoiphattu.com Ngày 5 tháng 12 năm 2017, nhằm ngày 18 tháng 10 năm Đinh Dậu, tại chùa Bằng (Linh Tiên tự) đã trang nghiêm khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày (lần thứ XII PL2561 – DL2017)
Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư ba thời và trưa cúng ngọ.
Trước khi bắt đầu chương trình khai mạc Pháp hội, Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và thực hiện nghi thức sái tịnh đàn để khai mạc Pháp hội Dược Sư PL2561 - DL2017.
Sau đó, là thời khai kinh Dược Sư được đặt dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Buổi chiều cùng ngày, ban nghi lễ đã cung thỉnh Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại tới đại chúng về chủ đề "Thất Phật Dược Sư và 12 đại nguyện của Đức Dược Sư".
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ: Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Công Đức được hoẳng truyền tại đất nước Việt Nam nói chung và trên miền Bắc nói riêng. Vào cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ thứ XX, Tổ Bồ Đề đã khắc ván đưa vào bản kinh Nhật Tụng, tức là bản kinh được trì tụng hàng ngày tại các tổ đình, già lam tự viện, đặc biệt nhất là vào tiết xuân để cầu quốc thái dân an và để cầu bình an cho mọi người. Cũng như theo quan niệm của Phật giáo Bắc truyền, vào ngày vía của Đức Phật Dược Sư – Ngày 30/9 âm lịch hàng năm, các chùa đều tổ chức nghi thức trì tụng nhưng thiết lập lại có phần khác nhau. Giống nhau ở điểm bày Pháp hội hoặc bày đàn, bày theo tượng Phật Dược Sư 7 khu, lập 7 bàn thờ để thờ 7 pho tượng của 7 Đức Phật Dược Sư. Có những chùa chuyên trì 1 ngày tụng 7 biến kinh Dược Sư và trì trong 7 ngày là 49 biến kinh, nhưng cũng có chùa thì lại tổ chức chư Tăng, Phật tử tham dự đông đủ 3 ngày, 7 ngày nhưng cũng có nhiều chùa trì tụng trong 49 ngày nhưng tính chất mở Pháp hội thì chưa được chú trọng.
Hòa Thượng nêu lên 2 khái niệm về Đàn Dược Sư và Pháp hội Dược Sư:
- Giống Nhau: Nghi thức đàn tràng đều được bày biện trang nghiêm, cung thỉnh tôn tượng của 7 Đức Phật Dược Sư tại 7 bàn thờ và bày biện hương, hoa, đèn, nến trang nghiêm, treo phan, treo phướn mà lá phướn lớn nhất là 10 gang tay như trong kinh Dược Sư đã dạy. Điểm thứ 2 giống nhau nữa là chư tôn đức Tăng, Ni Phật tử và người dân thập phương lúc đến, lúc đi nhưng cũng cố gắng ngồi xuống tụng 1 biến kinh hoặc đơn giản là vào chỉ niệm hoặc chỉ là vào đỉnh lễ nhưng đều là đọc tụng bản kinh lưu truyền bằng chữ Hán. Tuy sau này có nhiều bản dịch nhưng bản dịch của Ngài Tuệ Nhuận là bản dịch được nhiều người trì tụng nhất và dễ thâm nhập nhất, đặc biệt là các Phật tử miền Bắc. Bên cạnh trì tụng kinh văn, phụng thờ 7 Phật Dược Sư thì còn làm những việc như phóng sinh, tu phúc hay làm những việc từ thiện, bố thí cho những người khốn khó bần cùng, giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khó khăn rồi cho tới cúng dường Tam Bảo, cúng dường cho việc trùng tu chùa cảnh, in ấn kinh sách và cúng hiện tiền chư Tăng.
- Khác nhau:
+ Đàn tràng: là chuyên về trì tụng tức là Phật tử chỉ nghiêm trì đọc bản kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai Bản Nguyện Công Đức và xướng niệm hồng danh của Đức Phật Dược Sư. Nhưng trong Pháp hội và đặc biệt nhất là Pháp hội của chùa Bằng trong 11 năm qua thì đều có phần Lý và phần Sự. Phần Lý tức là các Phật tử khi tụng kinh mà Tổ đã dạy “Tụng kinh giả, minh Phật chi lý” tức là tụng kinh để hiểu lời Phật, tụng kinh là để làm theo lời Phật dạy trong kinh chứ không phải thiên về tụng kinh để cầu nguyện, cũng không phải là tụng kinh để cho Phật nghe mà phải là chính bản thân mình tai nghe, bụng nghĩ, mắt nhìn như Tổ Thảo Đường đã dạy “rõ ràng như Phật hiện tiền trước ta”. Ở đây là Phật hiện tiền ở trong kinh, khi ta đọc lên cũng giống như Phật đang hiện tiền ở trước mặt dạy chúng ra những phương thức để đối trị lại những căn bệnh trong người mình. Chính từ những ý nghĩa đó, mà trong 7 ngày diễn ra Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng đều có 7 vị giảng sư khác nhau về thuyết giảng để tránh tình trạng giải đãi, tụng để lấy lượt, không chuyên sâu. Bởi theo Hòa thượng, "với vấn đề trì tụng, chúng tôi nghĩ rằng không thể đi theo lối cũ là kể biến kể lượt xem ngày hôm nay tụng được bao nhiêu biến kinh. Bởi nếu kể được từng ấy biến kinh mà thân tâm trễ nải, lòng người giải đãi, tụng để lấy lượt cho xong thì cũng chỉ như một máy cát sét bật lên, thậm chí còn không bằng một chiếc máy bởi lúc khỏe thì tụng trôi chảy, lúc mệt lúc nản thì tụng rời rạc, không chuẩn xác văn tự. Vì vậy, chúng tôi không đặt ra vấn đề ngày tụng mấy biến, mà để thích hợp với công việc hàng ngày của các Phật tử. Những người già, người trung tuổi và đặc biệt tầng lớp thanh niên trung niên đang đi làm có thể vẫn trì tụng được. Do đó, chúng tôi tổ chức tụng một ngày 3 thời, mỗi thời tụng một biến kinh. Buổi sáng và chiều thông thường dành cho các Phật tử lớn tuổi, hết độ tuổi lao động. Buổi tối là sự tham dự của nhân dân địa phương, thanh thiếu niên và Phật tử đều tham dự trì tụng được. Tụng bằng bản kinh tiếng Việt, ai cũng đọc và hiểu được, hơn nữa giờ đó các nhà đã cơm nước xong, thảnh thơi ra chùa lễ Phật. Khóa lễ này, chúng tôi chiêm nghiệm qua các năm thì phần lớn là thanh niên, trung niên, những người đang công tác học tập và làm ăn đều trở về tham dự".
+ Sự khác biệt nữa ở Pháp hội so với đàn tràng là việc giảng Pháp, Pháp hội phải có giảng pháp mà giảng pháp lại là điều vô cùng quan trọng. Tại Pháp hội Dược Sư của chùa Bằng, bộ Kinh Dược Sư được chia làm 7 phần, mỗi một vị giảng Sư giảng một phần, 1 chủ đề khác nhau. Trong Pháp hội Dược Sư lần thứ 10 và 11, được sự hướng dẫn và chỉ dạy của Thượng Tọa Thích Tiến Đạt, đại chúng đã phần nào nắm được những kiến thức cơ bản nhất về Bộ Kinh Dược Sư.
Sau đó, Hòa thượng đã nhắc lại về các hạnh nguyện, bản hoài của Phật Dược Sư khi còn tu nhân hạnh Bồ Tát, về điều căn bản nhất trong bộ kinh Dược Sư, đó là 12 đại nguyện. Vì khi chúng ta xâu chuỗi lại sẽ thấy các Đức Phật hiện tại, quá khứ, và của cả các Phật hạnh nguyện đến tương lai, ba đời chư Phật, các Đại Bồ Tát đều do phát hạnh nguyện, nương theo hạnh nguyện để thành đạo Vô Thượng chính đẳng chính giác. Người Phật tử chúng ta nói chung, và ngày hôm nay trong pháp hội, Phật tử đạo tràng tu theo Bổn Môn Pháp Hoa của Hòa thượng tôn sư thượng Trí hạ Quảng cũng đều có phát nguyện làm hành giả Pháp Hoa, người thụ trì Pháp Hoa, người quảng tuyên lưu bá Pháp Hoa, người đọc tụng Pháp Hoa. Khi chúng ta phát nguyện như vậy hay chúng ta đưa ra 1 tiêu chí, 1 phương hướng, 1 mục đích, để từ đó chúng ta đạt tới quả vị giải thoát giác ngộ mà mười phương chư Phật đều do phát nguyện mà thành Phật đạo.
Để đi vào thiết thực, hệ thống giáo lý Phật đà, tư tưởng kinh điển của đại thừa chia làm 2 phần: Phần Sự và Phần Lý. Phần Sự chúng ta thấy trong gia đình, những người ốm đau hoạn nạn, khi đất nước thiên tai dịch họa, khi người tật bệnh gặp nạn gặp bệnh hiểm nghèo, thiết lập đàn tràng Dược Sư, thỉnh chư tăng trì tụng, tín chủ chí thành cũng rất ứng nghiệm. Đầu năm các chùa đều tổ chức tụng kinh Dược Sư cũng có sự cầu nguyện ở trong đó. Nhưng phần quan trọng là để lấy từ Sự mà hiện tỏ Lý, nếu đọc kinh điển đại thừa mà quý Phật tử chỉ lấy sự cầu nguyện, sự linh nghiệm rồi cho Phật pháp là linh thiêng, mà quên đi ý nghĩa sâu xa của kinh điển thì nhiều khi chúng ta đưa Phật giáo thành 1 tôn giáo cầu nguyện, đức Phật như 1 vị thần quyền. Mà Đức Phật đã từng dạy chúng ta, các vị hãy tin những điều gì mà chiêm nghiệm trong cuộc sống, ứng nghiệm trong cuộc sống thấy nó có lợi ích cho mình, mang lợi ích cho hiện tại, mang kết quả tốt đẹp cho mai sau cho mình và cho người thì điều đó các vị nên tin. Trong phần giải thích về Lý kinh, chúng ta phải hiểu được như là 1 chân lý, mà chân lý Đức Phật dạy chúng ta đó là định luật Nhân Quả. Chư Phật tu hạnh Bồ Tát thành Phật tức là có nhân ở Bồ Tát mà kết quả thành Phật. Chúng ta hôm nay cũng vậy, nhân của phạm phu của sinh tử luân hồi mà kết nhân lành tốt để đoạt trừ sinh tử luân hồi, từ thân của phàm phu sinh – già – bệnh – chết mà được thân Phật, thân kim cương bất hoại.
Tại Pháp hội Dược Sư, 7 tôn tượng của 7 vị Phật Dược Sư trong 7 thế giới đó là: Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai ở cõi Quang Thắng, Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai ở cõi Diệu Bảo, Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai ở cõi Viên Mãn Hương Tích, Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Vương Như Lai ở cõi Vô Ưu, Pháp Hải Lôi Âm Như Lai ở cõi Pháp Tràng, Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai ở cõi Thiện Trụ Bảo Hải và Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở cõi Tịnh Lưu Ly. Bảy vị Phật chính là hiện thân và phương tiện độ thoát chúng sinh mà các Đức Phật phân thân ra.
Trong bài giảng lần này, Hòa thượng đã giảng cho đại chúng hiểu được 12 nguyện lớn của Đức Phật Dược Sư khi còn đang hành đạo Bồ Tát. Bởi “bản hoài của chư Phật là mong tất cả chúng sinh đều được như Ngài”.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng nên tinh tiến tu tập, nuôi dưỡng và phát triển Phật tính, hạt giống bồ đề trong con người, làm những việc thiện lành, ứng dụng lời Phật dạy để chuyển hóa thân tâm,đặc biệt phải có niềm tin sâu vào nhân quả.