;
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng Chư tôn đức cử hành nghi thức lễ Tổ
Chứng minh lễ khai pháp có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng ban Hoằng pháp TƯ- Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Chư tôn đức Tăng ni hành giả an cư các chùa, tự viện huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hơn 1.000 nam nữ Phật tử thính chúng tham dự buổi lễ.
Tại thiền đường Trung tâm Văn hóa Phật giáo, Hòa thượng Đường chủ niêm hương cẩn bạch lịch đại chư vị Tổ sư; sau đó cùng Chư tôn đức hành giả vân tập về đại hùng bảo điện đảnh lễ Tam bảo cử hành các nghi thức tâm linh truyền thống.
Hòa thượng Đường chủ niêm hương cùng Chư tôn đức đảnh lễ Tam bảo
Mùa an cư kiết hạ Phật lịch 2567, toàn tỉnh có 3 trường hạ an cư tập trung do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm làm ngôi Đường chủ. Trường hạ Trung tâm Văn hoá Phật giáo tỉnh dành cho Chư tăng gồm 52 vị; Trường hạ chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài, Tp Hà Tĩnh) dành cho Chư ni 21 vị; Trường hạ Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh, (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) 26 vị Tăng ni; tổng hành giả an cư trên toàn tỉnh trong trong hạ an cư này là 99 vị.
Khóa an cư kiết hạ năm nay Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh được sự chứng minh của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – ngôi Đường chủ ba hạ trường. Cung an chức sự hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh, Chánh duy-na, Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn; Phó Duy-na, Thượng tọa Thích Chánh Thành; Thượng tọa Thích Thiện Nhơn.
Phật giáo Hà Tĩnh từ năm 2011, năm đầu khóa an cư chỉ có đủ chúng để bạch an cư, trải qua 13 năm, từ một trường hạ an cư là chùa Cảm Sơn, nay đã có 3 hạ trường là Trung tâm văn hóa Phật giáo, Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh, chùa Cảm Sơn và gần 100 vị hành giả Tăng ni, vẫn duy trì thời gian khóa hậu an cư từ 16 tháng 05 đến 16 tháng 8 (âm lịch).
Về thời khóa tu học trong mùa an cư, tụng kinh, niệm Phật, thiền hành, quá đường, học Tiểu trường và bộ luận "Truy môn cảnh huấn" được lấy làm chủ đạo trong các thời khóa cũng như Tam tạng Thánh giáo. Bên cạnh đó ban chức sự hạ trường thỉnh Chư tôn đức giáo thọ sư Tăng và Ni, đến giảng chia sẻ trải nghiệm tu tập, truyền trao kiến thức Phật pháp đến hành giả.
Đại diện hành giả an cư các hạ trường dâng lời tác bạch thỉnh cầu Hòa thượng Đường chủ ban thời pháp thoại
Sau các nghi thức truyền thống, Chư tôn đức Tăng ni nhị bộ đại diện các hành giả an cư dâng lời tác bạch thỉnh cầu Hòa thượng Đường chủ ban thời pháp thoại đầu tiên cho khóa hạ an cư, đáp lời thỉnh cầu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp nói về ý nghĩa và mục đích An cư kiết hạ. Mở đầu pháp thoại Hòa thượng nói về sự khác biệt giữa người xuất gia và người tại gia trong pháp an cư kiết hạ.
Theo Hòa thượng, đối với người xuất gia là người xuất thế siêu phàm, sống một đời phạm hạnh không bị ràng buộc bởi gia đình, danh vọng, tiền tài vật chất, do vậy thời gian tu học người xuất gia rộng rãi, có điều kiện hơn hơn, các vị tăng ni chuyên tâm học hỏi và trau dồi giáo lý nhiều hơn.
Vì vậy mà Đức Phật chế cho người xuất gia có 3 tháng an cư còn người tại gia thì bận công việc mưu sinh trong cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà Đức Phật không có những điều giới luật để đưa đến an lạc giải thoát cho người tại gia.
Chư tổ có câu: “Chủng chủng phương tiện. Độ thoát chúng sanh. Hàm linh ly nhiễm…” uyển chuyển để cho tất cả mọi người mọi loài xa lìa trần cấu ô trược của ta bà trần thế khổ đau được giải thoát an vui, đối với người xuất gia như đã nói, thời gian dành cho tu học là cả cuộc đời của mình để hoằng pháp độ nhân. Lấy 3 y và bình bát sống hàng ngày trước giờ ngọ một bữa ăn, nửa đêm một lần nghỉ đi tới đâu là nhà của mình đi tới đâu là bà con quyến thuộc của mình lấy pháp giới làm bồ đề quyến thuộc. Do vậy mà Đức Phật chế ra pháp hạ an cư.
Nói về thời gian an cư, Hòa thượng cho hay, thời gian an cư 3 tháng của mùa hè, mùa hè là mùa nóng nực, khắc nghiệt của thiên nhiên mưa giông bão tố, lũ lụt, mùa hè cũng là mùa côn trùng sinh sôi nảy nở, để để hộ trì cho thân mạng của tăng ni bảo vệ sức khỏe do những mùa Xuân,Thu, Đông Tăng ni du hóa từ thành thị đến nông thôn từ hải đảo đến đông bằng.. nên Đức Phật chế ra 3 tháng hạ mùa hè để nghỉ nhưng không phải nghỉ để chơi…mà nghỉ trong tinh thần an lạc với giới luật giải thoát, Luật tạng có dạy: “Hình tâm nhiếp tĩnh yếu kỳ tại trụ” nghĩa là thân tâm phải ở yên một chỗ.
Lịch sử của Đức Phật ghi lại, năm Ngài 35 tuổi thành đạo và bắt đầu chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh. Trong 45 năm mùa hạ an cư của Đức Phật chủ yếu ở thành Vương Xá nhiều nhất.
Trong 45 năm đức Phật còn tại thế được ghi lại rất kỹ lưỡng ở trong kinh điển Nam truyền, 45 mùa hạ của đức Phật ghi rõ ràng mỗi một năm mùa hạ trở về các thầy tỳ kheo Tăng, tỳ kheo Ni mà không thực hành phép hạ an cư thì phạm tội tương đương với việc hình phạt của nhà vua, quốc gia đương thời là tội đánh roi…
Các thánh đại đệ tử của Đức Phật đứng đầu là là ngài Ma Ha Ca Diếp do muốn duy trì bảo vệ kinh điển, lời Phật dạy nên mới tổ chức đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất để kết tập lại những lời Đức Phật dạy, từ đó cho đến nay Tăng ni trên toàn cầu không kể Nam Bắc tông phái nào cứ hết mùa hạ là kết thúc an cư 3 tháng trau dồi tam vô lậu học.
Căn cứ trên kinh điển, luật Phật chế thì mục đích Đức Phật cho Tăng ni an cư là để trau dồi Giới-Định-Tuệ học, ở Việt Nam chủ yếu an cư tập trung, tập trung tại trụ xứ từ bốn vị trở lên.
Hòa thượng cho rằng, an cư tập trung để kết tình, kết hòa hợp chúng làm việc gì cũng phải lấy tinh thần dân chủ, hòa hợp đoàn kết với nhau như nước với sữa không tách rời nhau ra khỏi, như vậy cũng nên từ “kết túc” tức dừng chân lại một nơi hay là “cấm túc” – không được bước ra.
Hòa thượng lấy ví dụ lợi ích việc an cư cấm túc của Tăng ni Hà Tĩnh chẳng hạn, nếu ngày thường không thể nào gặp được tất cả gần 100 Tăng ni của ba trường hạ nhưng nhờ pháp đó mà quy tụ đông đủ, hòa hợp chúng, đoàn kết chúng sống với nhau trong tình tăng thân pháp lữ.
Một ví dụ khác được Hòa thượng nêu ra nói lên ý nghĩa của việc “cấm túc” là, ngày thường ít ai về đây, ít khi được gặp được đầy đủ chư Tăng ni, còn các Phật tử thì cúng dường từng chùa, từng vị thầy nhưng hôm nay hay trong ba tháng an cư từ xa xôi các huyện thị đều được về đây để thân cận với ba ngôi Tam bảo, có ký gạo mới, có quả cam ngon hay vật dụng gì…mang về đây thì chúng ta đã được cúng dường thập phương Tăng, và trong pháp hạ cấm túc đó cũng chứa đựng tình pháp lữ tăng ni.
Hòa thượng Đường chủ khẳng định rằng, 3 tháng hạ an cư rất quan trọng với Tăng ni đó là nhờ sự tu tập tinh cần mà giới đức trang nghiêm tăng trưởng và cũng rất ý nghĩa với Phật tử với việc hộ trì phụng sự để tăng trưởng phước đức. Đức Phật đã dạy ở trong giới luật “Bất dĩ thế tuế duy tòng tăng lạp” là người xuất gia không quan trọng tuổi đời mà quan trọng tuổi hạ, sau ba tháng an cư thêm một tuổi nữa gọi là mừng tuổi hạ, năm mới của Chư tăng là ngày mãn hạ, ai tuổi hạ cao người đó làm anh, là người đứng đầu.
Sau ba tháng an cư, Chư Tăng ni tăng trưởng công đức hạ lạp, đó cũng là lý do mà Đức Phật dạy ngài Mục Kiền liên đến ngày mãn hạ tự tứ cầu đại Tăng chú nguyện để cứu mẹ thoát cảnh đọa đày địa ngục sau đó bà Thanh Đề - mẹ ngài được lên cung trời Đao Lợi từ đó mới thấy rằng giới luật an cư và năng lượng công đức tu tập của chúng tăng rất lớn - Hòa thượng nhấn mạnh.
Nhắc lại lịch sử Chư tổ, Hòa thượng nói đến tấm gương đặc biệt, nhà phiên dịch đại tài là ngài Trần Huyền Trang, ngài phát tâm đi Ấn Độ qua 36 nước Tây vực thỉnh kinh, đến nơi Đức Phật thuyết pháp, thời gian là 17 năm, đến hạ an cư ngài đến địa phận nước nào đều đóng dấu triều đình ở quốc gia đó để thực hành pháp hạ an cư. Ở Việt nam thập kỷ 60-70-80, Chư tôn đức Phật giáo phía Bắc đi cả trăm cây số đi bộ để tới nơi kiết hạ an cư bởi vì thời gian chống Pháp chưa có địa điểm an cư.
Hòa thượng tiếp tục thời pháp nói về những thành quả về pháp hạ an cư qua thực tiễn từ những khó khăn ban đầu của Phật giáo Hà Tĩnh (thành lập từ năm 1997). Mùa an cư đầu tiên và duy nhất chỉ có một điểm duy nhất là chùa Cảm Sơn năm 2011 chỉ đủ chúng, cho đến nay năm 2023, đã có trên 100 vị hành giả tăng ni an cư và cả tỉnh đã có ba điểm an cư, đặc biệt là đã có giáo đoàn Ni trên 30 vị. Qua đó để thấy rằng Phật giáo Hà Tĩnh đã rất phát triển, phát triển đến đâu thì mùa an cư thể hiện rõ đến đó.
Phật tử, thính chúng ngồi tràn phía hành lang giảng đường
Để đại chúng hiểu rõ về “Lễ Khai Pháp – Tạ Pháp” Hòa thượng nói tại sao gọi là “Lễ tạ pháp”? và Thầy nhắc lại câu chuyện khi về tạ lễ Đức Đệ Tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ ngài nói: “Hôm nay Chư tăng xin lễ tạ pháp tức là thôi không giảng, đây là không giảng của mùa hạ an cư năm nay nữa nhé, chứ còn giáo pháp của Phật khai từ ngày đầu tiên Đức Phật sơ chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển xứ Ba-la-nại, người nghe kinh đầu tiên là năm anh em của thầy Kiều Trần Như, giáo pháp của Phật bắt đầu từ đó mà tuyên giảng tại xứ đó cho tới hôm nay khắp năm châu, và chắc chắn giáo pháp của Phật không lúc nào ngừng nghỉ tắt cho nên không có bế giảng tạ pháp…” Ngài dạy thế đấy. Ngày nay vì phép hữu hạn trong mùa an cư “tạ pháp” là tạ pháp của khóa hạ an cư đó.
Nói về tầm quan trọng của khóa hạ an cư ngày nay, Hòa thượng cho biết, hằng năm vào cuối tháng 3 (âm lịch) Trung ương GHPGVN có hai văn bản quan trọng để chỉ đạo việc an cư, nghĩa vụ thiêng liêng, qua đó để thấy rằng giá trị an cư của Tăng ni đã được Hiến chương Giáo hội dù đã có nhiều sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn quy định rất rõ ràng “Kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp của Đức Phật…”.
Pháp thoại của Hòa thượng đưa ra nhiều ví dụ, nhấn mạnh nhiều yếu tố tu học có kết quả tốt đẹp trong việc cử hành pháp hạ an cư trong đời sống hằng ngày nhằm mang lại an lạc giải thoát cho các hành giả, ngoài việc an cư cho người xuất gia, Hòa thượng cũng nhắc đến pháp tu bát quan trai giới cho người tại gia – tức người tại gia thực hành làm người xuất gia trong một ngày một đêm, qua đó Thầy cũng lưu ý về việc đời sống tại gia của người Phật tử vất vả về cuộc sống mưu sinh nên tùy duyên tùy điều kiện để ứng dụng phù hợp về năm giới.
Để mọi người hiểu rõ hơn về ứng dụng năm giới của người tại gia, Hòa thượng dẫn giải ví dụ về giới đầu tiên của hàng tại gia, như có một gia đình sống vùng miền biển nếu bảo họ thọ giới thứ nhất “Không sát sinh” thì con dân thuyền chài sông nước tổ tiên sống bao đời nay lênh đênh mặt nước giờ thụ giới không sát sinh này thì cả gia đình bỏ nghề chết đói hết…nên chỉ để họ giữ bốn giới mà mưu sinh bảo tồn giống nòi họ không thể bỏ thuyền chài nghề biển ngay được.
Sau gần hai giờ đồng hồ với bài pháp đầu tiên của khóa hạ an cư, Hòa thượng Đường chủ đúc kết và nhấn mạnh rằng, trong giới luật, Tăng ni không kiết hạ an cư gọi là ông sư vô tuế Phật gọi người đó là “Sư vô tuế” tức là sư không có tuổi mà tuổi ở đây là tuổi cao quý quan trọng, người trí cũng có tuổi người ngu cũng có tuổi nhưng tuổi hạ an cư ở đây là phải có tu tập xứng đáng trong ba tháng an cư tu tập thanh tịnh. Trong 90 ngày an cư thì tổng cộng ở trong giới ít nhất phải là 60 ngày còn 30 ngày có thể được phép ra ngoài để tổ chức khóa tu cho Phật tử, về trụ xứ chùa mình ngày sóc, ngày vọng các vị tăng ni đó Bố-tát sáng chiều tối về sám hối cho Phật tử.
Bài Pháp thoại của Hòa thượng trước hơn một ngàn thính chúng trong lễ khai pháp đã giúp mọi người hiểu rõ về giá trị lợi ích của pháp an cư và gương an cư của lịch đại Chư vị tổ sư của hàng xuất gia, đồng thời nhắc nhở cho hàng Phật tử tại gia hiểu rõ về pháp hộ trì chúng tăng an cư để được lợi lạc, nhắc nhở lợi ích của việc giữ gìn giới luật của hạ an cư của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo phía Bắc nói riêng cũng như công đức tăng trưởng để thăng tiến bồ đề tâm chóng thành đạo quả.
Cuối thời pháp thoại Hòa thượng yêu cầu các hành giả trong ba tháng an cư cần đọc và đọc kỹ cuốn “Truy Môn Cảnh Huấn”, và tại đây, Hòa thượng cũng đã đọc cho đại chúng nghe bài pháp đầu tiên trong cuốn sách này.
Thời Pháp kết thúc đã để lại trong lòng người xuất gia cũng như người tại gia một tình cảm quý kính, một tư lương kiến thức cho đời tu nhân học đạo của mình và hiểu rõ hơn về pháp hạ an cư cao quý đủ niềm tin phát tâm đại tinh tấn hơn và tu tập cho đến ngày được giác ngộ giải thoát.
Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ khai pháp PL 2567 - DL 2023
Ban TTTT Phật giáo Hà Tĩnh