;
Tham dự và chứng minh lễ truyền Giới có Chư Tôn đức thiền phái Trúc Lâm. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS - Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh đã quang lâm đăng đàn truyền trao giới pháp cho các giới tử tham dự.
Trước giờ đăng đàn thụ giới, các giới tử phát nguyện tu tập Bát Quan trai giới để lãnh thụ giới pháp, đồng thời được nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giảng về phát tâm Bồ Đề, ý nghĩa cao cả của việc phát tâm thụ giới Bồ Tát. Người thụ giới Bồ tát phải thực hành hạnh của Bồ tát (Nhận tất cả mọi điều gian khổ về mình, dành tất cả mọi điều thuận lợi tốt đẹp cho người khác) Hòa thượng ví dụ: Người thụ giới Bồ tát đi ngủ sau, thức dậy trước người khác.
Hay nói cách khác là tất cả vì mọi người mà phục vụ, đó là thực hành hạnh Bồ tát. Giới tử thực hành hạnh Bồ tát phải xả thân: (Không được kiêu ngạo cho ta là Bồ tát) - Hòa thượng nhấn mạnh điều này.
Tại buổi lễ, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm cùng Chư Tôn Giới sư cũng đã huấn từ giáo giới và giảng giải để các giới tử hiểu được ý nghĩa lợi ích của người tại gia phát nguyện thọ Bồ tát giới để các hành giả làm tư lương trước khi lãnh thọ giới pháp.
Chư Tôn Giới sư giáo giới.
Giới tử lắng nghe giáo giới.
Kết thúc thời giáo giới, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng Chư Tôn Giới sư đã cử hành truyền Giới Bồ Tát cho các giới tử với sự tham dự và chứng minh của Chư tôn đức đại diện các Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm.
Giới Bồ tát theo Ưu Bà Tắc Giới Kinh (Đại Chính, tập 24), gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh.
Giới là đạo sư, Giới là nền tảng của thiền định và trí huệ, là phước báu vô lượng, người tại gia thực hành tốt Giới Bồ Tát là đang đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sanh chìm nổi trong sanh tử tạo vô lượng ác nghiệp, thọ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ.
Người phát Bồ đề tâm thọ Bồ Tát giới, hành Bồ tát đạo là công đức và phước báu to lớn nhất. Được chư Phật trong mười phương hộ niệm, lâm chung tâm thần không loạn động, chánh niệm hiện tiền, sanh nơi nào cũng được gần chư Bồ tát thành tựu nhiều công đức lớn, nhờ trì giới nên đạt được định, huệ viên mãn.
Việc các nam nữ cư sĩ đối trước tôn tượng Phật, Bồ tát, Chư Tăng phát Bồ đề tâm xin thọ giới Bồ Tát là chính họ đã nhận thức rõ cuộc đời là huyễn mộng, phải lập chí dứt tâm phiền não nhiễm dục từ cõi ngũ trược này.
Được biết, đây là lễ thọ giới Bồ tát tại gia đầu tiên tại Hà Tĩnh do thiền phái Trúc Lâm tổ chức. Giới đàn thành công là duyên lành vô cùng hoan hỷ phấn chấn của Phật giáo tỉnh nhà. Nhân tốt đẹp thì quả sẽ tốt đẹp, các cư sĩ thọ trì tốt giới pháp họ sẽ là tâm gương sáng cho các Phật tử cư sĩ khác noi theo.
Ảnh CTV
***************************************
Sáu giới trọng là:
1. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được sát sanh.
2. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được trộm cắp.
3. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được tà dâm.
4. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được nói dối.
5. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được nói lỗi của người tại gia và xuất gia.
6. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được bán rượu, nấu rượu.
Hai mươi tám giới khinh như sau:
1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
2. Say đắm rượu chè, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
3. Cố ý gớm ghê không chăm sóc người bệnh khổ, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
4. Gặp người hành khất, không nhiều thì ít, phải tùy tâm mà bố thí, nếu để người hành khất về không, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
5. Nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Trưởng lão, bậc Tôn Đức, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di... không đứng dậy nghinh tiếp hỏi thăm, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
6. Nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hủy phạm giới đã thọ, sinh tâm kiêu mạn, rồi nói rằng: Ta hơn người kia, người kia không bằng ta..., đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
7. Trong mỗi tháng có sáu ngày trai, nếu không đi thọ Bát quan trai giới, không cúng dường Tam Bảo, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
8. Trong khoảng tám mươi dặm, nơi có thuyết pháp mà không đến nghe, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
9. Thọ dụng vật của Thường trụ Tăng như ngọa cụ, giường, tòa ngồi, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
10. Nghi trong nước có vi trùng nhưng vẫn tùy tiện dùng, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
11. Không có bạn mà vẫn một mình đi vào nơi hiểm nạn, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni nếu là Ưu Bà Tắc, hoặc chùa Tăng nếu là Ưu Bà Di, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
13. Vì của cải, thân mạng mà đánh mắng người giúp việc, trẻ con hầu hạ hoặc người ngoài..., đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
14. Nếu đem thức ăn dư thừa dâng cúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni hoặc cung cấp cho người đồng giới, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
15. Nếu nuôi những loài ăn thịt như mèo, chồn..., đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
16. Có các loài vật như voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà... nếu không làm phép tịnh thí mà cho những người chưa thọ giới, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
17. Nếu không sắm cất các thứ y bát tích trượng ngọa cụ (để phòng khi cần cúng dường cho vị xuất gia thọ Bồ Tát giới), đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
18. Nếu vì nuôi thân mạng mà cần làm ruộng, nhưng không tìm nước trong (để tưới..) và đất ruộng cũ (để trồng trọt), đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
19. Nếu vì nuôi thân mạng mà mở phố buôn bán, cân đong hàng hóa; không được đã thỏa thuận giá cả rồi lại đem bán cho người trả giá cao hơn; cân đấu dùng để cân đong hàng hóa phải đúng mức quy định, nếu chưa đúng mức phải bảo sửa chữa lại, không làm như vậy, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
20. Nếu không phải chỗ, không phải thời mà hành dục, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
21. Nếu vì sinh sống mà buôn bán đem giá lên xuống, mua rẻ bán quá đắt, gian lận, trốn thuế, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
22. Trái phạm luật pháp nhà nước, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
23. Nếu có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không hiến cúng Tam Bảo mà thọ dụng trước, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
24. Nếu chúng Tăng không chấp thuận mà vẫn tự mình thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
25. Trên đường đi mà dành đi trước Tỳ Kheo, Sa Di, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
26. Khi dọn thức ăn ở giữa Tăng chúng nếu vì thiên vị thầy mình mà lựa chọn các thứ ngon lành dâng cho nhiều hơn các vị khác, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
27. Nếu nuôi tằm, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.
28. Trên đường đi gặp người bệnh tật mà không dừng lại chăm sóc, làm các phương tiện, như dặn bảo những người khác chăm sóc, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.