;
Chùa Yên Lệ tọa lạc tại (làng Yên Lệ xưa) còn có tên gọi khác là chùa Yên Lạc. Được xây dựng cách đây khoảng hơn 600 năm vào cuối thời nhà Lê, tại làng Yên Lệ, xã Đại Tiết, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An, ngày nay toàn bộ phần đất chùa đã được giao cho một đơn vị quân đội sử dụng, chỉ còn phần tháp mộ của sư bà có thế danh là Võ Thị Tú hiện nay là khu phố 6, P.Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chùa Yên Lệ là một quần thể nhiều ngôi chùa lớn nhỏ nằm trong một khuôn viên rộng, ngôi chùa chính gồm 7 gian, trước cổng chùa là 2 cây xoài cổ thụ, còn gọi là cây muỗm, gốc cây to 3 - 4 người ôm, hai cây muỗm này bị đổ vào một đêm mưa to gió lớn năm 1988.
Nếu tính theo niên đại của 2 cây muỗm thì có lẻ ngôi chùa còn có tuổi lâu hơn nữa. Lối đi vào cổng chùa là một cổng tam quan, trước ngôi chùa là một hồ nước hình bán nguyệt. Trong chùa là hàng trăm bức tượng Phật bằng gỗ mít.
Phần tháp mộ sư bà trụ trì chùa Yên Lệ
Ông Lê Văn Đính, 84 tuổi, ở xóm Vĩnh Hòa (cách chùa chừng 500m) cho biết: "Hằng năm vào rằm tháng bảy nhà chùa tổ chức cúng và phát xôi chè, bánh kẹo, trái cây cho phật tử, nhân dân đến dự.
Ông Đính cho biết, ông còn nhớ như in có vị sư thường gọi là Sư Hanh tướng mạo rất đẹp tụng kinh rất hay, sư thường thăm hỏi phát quà cho đám trẻ chăn trâu, chăn bò trong làng đến xem sư cúng trong đó có ông".
Sau những năm 1954 vì những biến cố lịch sử thời cuộc mà ngôi chùa đã bị phá huỷ hoàn toàn. Nay chỉ còn lại một cái am nhỏ mà thực chất đây là phần tháp cốt của vị sư trụ trì chùa.
Cũng theo các cụ cao niên và họ hàng thân tộc của vị sư trụ trì kể lại. Cách đây đã hơn 200 năm tại làng Hà Hoàng có một người con gái đẹp người đẹp nết tên là Võ Thị Tú. Năm 18 tuổi cô Tú đi lấy chồng là con một vị chức sắc trong làng. Khi đám rước dâu về đến cổng nhà chồng thì tự nhiên ở trong nhà người chồng lăn ra chết, buồn vì duyên phận cô đã đến chùa Yên Lệ xuống tóc đi tu.
Trải qua mấy chục năm tu hành. Năm cụ tròn 88 tuổi Sư bà sai các Phật tử chất một đống củi lớn, cụ leo lên ngồi và sai người châm lửa đốt. Kỳ lạ thay đống củi cháy rực mà sư cụ vẫn ngồi tụng kinh niệm Phật. Sau 3 ngày 3 đêm củi cháy hết, phần tro cốt và những viên xá lị trong người sư cụ được đem chôn ngay chính nơi sư cụ tự thiêu là cái am bây giờ.
Phật tử, thân quyến dòng họ, bà con khối phố tham dự.
Qua tìm hiểu các Phật tử lão thành chúng tôi được biết, sư bà chùa Yên Lệ, Hòa thượng Thích Tinh Cần, Thượng tọa Thích Mật Thể đều là thế hệ Tăng, Ni trong giai đoạn này. Gần 60 năm từ ngày chùa bị phá đây là lần đầu tiên Phật tử hậu thế đủ duyên thỉnh chư Tăng về tổ chức buổi lễ.
Tại buổi lễ, đại diện bà con khu phố có lời cám ơn sự quan tâm của các Phật tử thiện nguyện đã dành thời gian, vật chất để tổ chức buổi lễ tưởng niệm trọng đại này, đây là địa chỉ tâm linh gắn liền với di tích lịch sử trên địa bàn Khối phố 6 và phường Nguyễn Du.
Phật giáo Việt Nam đã hòa quyện vào dòng chảy thăng trầm của lịch sử dân tộc, có lúc thịnh lúc suy, ngôi chùa Yên Lệ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mong muốn của bà con hiện nay là được các cấp chính quyền và Ban Trị sự Phật giáo các cấp quan tâm cần có những kiến nghị cụ thể nhằm phục hồi lại di tích này – một cơ sở tôn giáo đã hy sinh làm kho quân khí cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Buổi lễ nhằm tri ân tưởng niệm bậc tiền nhân hữu công, ôn lại tinh thần Đạo pháp một thời hưng thịnh tại ngôi cổ tự bị tàn phá này.
Cũng tại buổi lễ, đại diện nhóm Phật tử thiện nguyện đã nói lên mục đích của buổi lễ, tuyên đọc sơ lược lịch sử về ngôi chùa và tiểu sử Sư bà.
Đại đức Thích Chúc Giác thay mặt Chư tôn đức có đạo từ tán thán tinh thần hộ trì Tam bảo của nhóm Phật tử thiện nguyện, thầy nhắc đến giá trị nhân văn mà ngôi chùa mang đến cho dân làng, cho dân tộc Việt từ hơn hai ngàn năm qua, tất cả những giá trị đó đã đúc kết tạo nên một nét văn hóa đậm đà và giàu tính nhân văn thế hệ chúng ta cần phát huy.
Đại đức Thích Chúc Giác nêu cao những giá trị của đạo Phật và ngôi chùa mang lại cho xã hội và dân làng.
Dù còn đơn sơ, nhưng với sự thành kính trang nghiêm của lễ tưởng niệm, Chư tôn đức niêm hương bạch Phật, tụng kinh, cúng tiến giác linh, chư hương linh tiền bối hữu công, lễ thí thực.
Chư tôn đức cùng toàn thể đại chúng đồng nhất tâm tưởng niệm công đức lịch đại chư vị Tổ sư sớm hội nhập ta bà hóa độ chúng sanh.