;
Vĩnh Phúc tự là một ngôi chùa cổ, theo các văn bia, câu đối được các cụ già tinh thông chữ nho, hán dịch lại, chùa được xây dựng từ năm 639 khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, trên khuôn viên hơn 7.000 m2.
Chùa có đầy đủ các công trình như nhà Tăng, chùa Thượng, chùa Hạ, tượng hộ pháp, cổng tam quan, giếng nước... và đầy đủ các hạng mục khang trang của một ngôi chùa lúc bấy giờ. Ngoài ra chùa còn có một mẫu ruộng lúa, vườn cây ăn trái hoa lợi hằng năm đủ dùng cho các Phật sự.
Lối vào chùa Vĩnh Phúc.
Các tôn tượng vừa mới được an vị trong thời gian gần đây.
Rễ cây ăn sâu bao bọc xuyên qua tường.
Chánh điện chùa Vĩnh Phúc được xây dựng từ năm 639 trước công nguyên.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và chiến tranh, chùa bị đập phá hư hại và trở thành phế tích hoàn toàn.
Theo cụ ông Nguyễn Đường, năm nay 89 tuổi, người có thâm niên hơn 20 năm nguyên là bí thư Đảng ủy xã Thạch Hương, chùa bị hư hỏng đập phá hoàn toàn vào khoảng năm 1965 - 1966, đến năm 1972 chùa bị đem làm kho thuốc bảo vệ thực vật. Đất vườn chùa bị chia cho các hộ dân trong xã, đến nay có 6 hộ dân đang sống trên đất của chùa. Cũng ngôi chùa này, còn nhiều những câu chuyện huyền bí, linh thiêng chúng tôi (PV) sẽ được đề cập vào một bài viết khác.
Ông Dương Văn Phác (đeo kính đen) người được cấp đất của chùa kể lại những câu chuyện huyền bí xẩy ra tại chùa Vĩnh Phúc.
Cụ Nguyễn Đường (hình trái) năm nay 89 tuổi kể lại những bước thăng trầm của ngôi chùa.
Một mùa Vu lan nữa đã về, mùa báo hiếu tri ân của tất cả mọi người, những ai sinh ra có cha có mẹ, có cửu huyền thất tổ, có thầy tổ tông môn, có quê hương đất nước...Hiếu hạnh, tri ân là ý nghĩa của đạo đức, là phẩm chất của đời sống hạnh phúc, tự tại và giác ngộ.
Lễ vu lan là một thông điệp nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo ân đối với cha mẹ, thầy tổ nhắc nhở chúng ta tu tập trong tinh thần tự lợi và lợi tha là dịp để tự quán xét bản thân, trên tinh thần học và thực hành lời Phật dạy.
Sau 59 năm ước nguyện của thân quyến và hàng con cháu đệ tử Ngài, sau 59 năm nhập diệt của Hòa thượng – Tỳ kheo thượng Nhật hạ Sách pháp hiệu Thích Tinh Cần (còn gọi là Sư Hanh) người suốt 40 năm xã thân cầu đạo, hai mươi năm cống hiến cho Phật giáo Hà Tĩnh.
Hôm nay đây, Phật giáo quê hương Hà Tĩnh đang trên đà khởi sắc, khắp nơi các chùa tháp đã và đang được xây dựng và đổi mới từng ngày, hàng Phật tử và những người con quê hương cũng không quên tri ân công đức của Chư Tôn đức GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh hiện tiền.
Xin được sơ lược đôi nét về Ngài như sau:
Hòa thượng Nhật hạ Sách pháp hiệu thượng Tinh hạ Cần, tục danh Hà Thế Hanh – Sinh năm: 1902. - Nguyên quán: Xã Vĩnh Ninh – Huyện Quảng Ninh – tỉnh Quảng Bình.
Năm 1916 mới 14 tuổi xuất gia vào Cố Đô Huế để tu học, bổn tính thông minh nhanh nhẹn, siêng năng cần cù của chú tiểu đất Quảng Bình, nên được các bậc tôn túc Hòa thượng yêu quý, đặc biệt là vị thầy Bổn sư đã kèm cặp tu hành sớm trở thành một vị Tỳ kheo trẻ, tinh thông giáo lý Đức Phật lại có phẩm hạnh. Năm Ất Hợi 1935 tỳ kheo Thích Tinh Cần được bổ xứ ra Hà Tĩnh để hoằng truyền giáo pháp và xây dựng Phật pháp trên đất Hà Tĩnh. Lúc Ngài mới 33 tuổi. Tại đây Ngài đã xây dựng Đạo tràng, xây dựng Chùa Tháp, trụ trì chính là ngôi chùa Cổ Lam Tự (cạnh Nhà Văn hóa tỉnh bây giờ).Từ đó Ngài đã đặt chân đến hầu hết các chùa trên đất Hà Tĩnh, Ngài còn liên lạc chặt chẽ với Phật giáo miền Bắc để thỉnh mời các vị tôn túc vào bồi dưỡng, tăng thêm kiến thức Phật pháp cho Phật tử hiện hữu nhân dân.
Mới đã hoàn thành tâm nguyện bước đầu, nhưng quê hương đất nước đang trong cảnh thực dân đô hộ, nhân dân Phật tử đói khát lầm than, nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người dân, trong đó có cha mẹ và 2 người anh chị của Hòa thượng để lại người cháu đích tôn duy nhất là Hà Thế Nhơn, nên năm 1945 Đại đức Thích Tinh Cần phải về quê để phần nào đền ơn báo hiếu, Ngài đã đưa đứa cháu ruột là Hà Thế Nhơn ( sinh 1930) ra nương nhờ cửa Phật để tiếp bước theo Ngài, nhưng duyên lành xuất gia chưa đủ nên người cháu lập gia đình tiếp nối tổ tiên.
Sau năm 1945 Ngài phụ trách tỉnh Hội Phật giáo Hà Tĩnh. Cách mạng thành công năm 1954 thực dân pháp rút quân khỏi Đông Dương, Phật giáo miền Bắc kiện toàn, Ngài được tấn phong Hòa Thượng và phụ trách Phật giáo Tỉnh Hội Hà Tĩnh. Lấy Chùa Phật học làm trụ sở của Tỉnh Hội.
- Ngày 3 tháng 7 năm Ất Mùi vào ngày 20/8/1955 Ngài đã viên tịch, nay ninh phần và tháp mộ của Hòa thượng Giác linh Thích Tinh Cần tọa lạc tại nghĩa trang xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Đệ tử còn lại của Hòa thượng hiện nay là cụ Biện Văn Hiếu – Pháp danh Lệ Quảng Tự Thanh Bình đã ngoài 90 tuổi (2014) đang sinh sống tại xã Thạch Hương, và một người cháu gái Hà Thị Hương (theo thế tục gọi Hòa thượng bằng ông chú) cũng là Phật tử đang sống tại TPHCM.
Cụ ông Biện Văn Thiệu – Pháp danh Lệ Quảng Tự Thanh Bình - đệ tử tại gia còn lại của cố Hòa thượng Thích Nhật Sách.
Vợ chồng người cháu gái Hà Thị Hương.
Mùa Tri ân hiếu hạnh trở về gợi lên trong mỗi người con Phật cảm xúc trào dâng về một vị tôn sư khả kính, bậc thầy mô phạm mà gần 60 năm về trước đã xây dựng cho Phật Pháp Hà Tĩnh một truyền thống tâm linh quý báu, đó là giữ vững tiếp nối ngọn cờ Chánh pháp trong lúc đất nước xã hội, quê hương đang khó khăn nhất.
Đại đức Thích Quảng Duyên cùng thân quyến và các Phật tử dâng hương tại mộ phần Hòa thượng.
Trước lúc buổi lễ chính thức diễn ra, hoan hỷ trước sự phát tâm tổ chức buổi lễ tưởng niệm của các Phật tử. Đại đức Thích Quảng Duyên trụ trì chùa Xuân Đài mặc dầu mới qua cơn bạo bệnh đang trong thời kỳ an dưỡng thầy vẫn tranh thủ về đảnh lễ dâng hương trước phần tháp mộ của Hòa thượng. Việc làm cũng như lời tác bạch của thầy trước bậc tiền bối là lời giáo huấn cho những ai đang hiện diện, về tinh thần biết ơn, và tri ân.
Tại buổi lễ, dù trong thời khóa An cư đạo tràng được sự quang lâm hướng dẫn cử hành nghi lễ của Đại đức Thích Chúc Giác trụ trì chùa Phúc Linh.
Trong giờ phút thiêng liêng, đại diện hàng cháu, đệ tử tại gia quy y Ngài sơ lược qua về tiểu sử thân thế của Cố Hòa thượng Thích Tinh Cần, không gian trầm lắng xúc động, những giọt nước mắt lăn dài trước những công lao to lớn, trước những thiệt thòi hy sinh cao cả vì Đạo pháp, vì chúng sanh, vì thời cuộc đem đến lúc bấy giờ, mà gần 60 mươi năm nay đây là lễ tưởng niệm đầu tiên tại một ngôi chùa có hình bóng chư Tăng. Thật xót xa thay!
Đại đức Thích Chúc Giác cùng Đạo tràng cử hành nghi lễ tưởng niệm.
Trước ngôi cổ tự bị tàn phá hư hại hoàn toàn, Đại đức Thích chúc Giác có thời pháp ngắn nhắc nhở, sách tấn quý Phật tử tinh tấn tu học, nỗ lực cùng nhau hộ trì Tam bảo, cố gắng phục dựng lại ngôi chùa cổ tự quý giá này. Bên cạnh đó người Phật tử cần thực hành lời Phật dạy với tinh thần báo hiếu ông bà cha mẹ, tri ân, biết ơn những người đã có công xây dựng Đạo pháp, xây dựng Phật giáo tỉnh nhà, quá khứ cũng như hiện tại để ba ngôi báu mãi mãi trường tồn và ngày càng phát triển tốt đẹp trong lòng quê hương.
Đại đức Thích Chúc Giác chia sẻ pháp thoại
Đại diện thân quyến Cố Hòa thượng dâng lời cảm niệm.
Cuối buổi lễ, xúc động trước những nghĩa cử đẹp, tình cảm gắn bó và sự quan tâm của quý thầy và Đạo tràng Phật tử, đại diện thân quyến của Hòa thượng bày tỏ lời cám ơn sâu sắc đến quý thầy và ban tổ chức./.