;
>Vai trò của giới luật đối với đời sống tăng già và đạo đức xã hội
Nhân ngày rằm tháng 2 kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Niết bàn, Ni sư Tịnh Nghiêm thỉnh tôi giảng về công hạnh của Đức Kiều Đàm Di nhằm sách tấn chư Ni tỉnh Tiền Giang. Nhưng vì ngày rằm, tôi đã hứa đến thăm và thuyết giảng cho khóa tu Thiền thất tại chùa Pháp Vân, nên hôm nay tôi đến đây giảng trước một ngày mà nhận thấy đại chúng đã tập trung nghe pháp đông, thực đáng tán dương.
Tôi gợi một số ý để quý vị xuất gia và tại gia nên suy nghĩ trên bước đường tu hành. Theo kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng khi quán sát một người, chúng ta không chỉ nhận biết họ qua cuộc sống hiện tại, mà phải nghĩ xa đến quá khứ; vì tất cả mọi việc của quá khứ đều tập hợp trong đời sống hiện tại, thấy thành quả hiện tại mà biết cuộc sống quá khứ của một người. Thí dụ thấy người
được kính trọng, hay thành công việc lớn, chúng ta liền suy nghĩ quá khứ của họ tu tạo nhân gì mà có kết quả tốt đẹp trong hiện đời. Ý này được Phật dạy rằng nhìn quả để nhận biết nhân; muốn có quả tốt tất yếu phải tu nhân lành. Thực tế chúng ta thấy nhiều người ham muốn được hưởng thành quả tốt đẹp mà không chịu tu nhân, nên không bao giờ họ được hưởng những điều tốt lành. Trên bước đường tu, chúng ta muốn làm Phật, làm Thánh, nhưng không nỗ lực hành Bồ tát đạo, không lo dọn sạch tâm nhơ cấu thì làm gì có quả Phật, quả Thánh.
Nhìn thấy hiện tại của một người gợi cho chúng ta nghĩ đến quá khứ họ đã tạo. Điển hình như thấy Đức Phật Thích Ca có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và Ngài cũng có trí thông minh kỳ diệu cùng với sức cảm hóa mọi người một cách mãnh liệt. Muốn được hảo tướng, được thông minh, được quý trọng như Phật, phải nghĩ xem Ngài tu nhân gì mà kết thành quả báu như vậy để chúng ta làm theo, chứ không phải muốn hưởng quả mà không làm gì cả. Điều rõ ràng là không trồng cây thì không thể nào có quả.
Đức Phật đã dạy rằng thành quả ngày nay một người có được là do quá khứ tu tạo; quá khứ gần là trong một đời, quá khứ xa là họ đã tu nhân nhiều đời nhiều kiếp, nên đời này họ mới có mọi thứ tốt đẹp. Riêng Đức Phật, trong vô số kiếp quá khứ xa xưa, từ thời Phật Oai Âm Vương, Ngài đã tu hạnh kính trọng, trong lòng Ngài luôn kính trọng tất cả mọi người, tất cả mọi loài. Đức Phật khác chúng ta là thế. Chúng ta thường chỉ kính trọng được người trên; thậm chí còn không kính trọng được người trên là ngã mạn, tăng thượng mạn, cứ nghĩ mình trên hết, cuối cùng tự chuốc họa vào thân. Một số bạn đồng tu học với tôi đã phạm sai lầm này, họ xem thường người có phước báo hơn, có trí tuệ hơn, thậm chí xem thường Thầy, Tổ, nghĩ họ có học vị, Thầy dở hơn, quên rằng Thầy là cái nôi nuôi dưỡng, nâng đỡ họ đi lên. Người như vậy, trước mắt là cuộc đời họ bị mai một, tuy rất giỏi, nhưng cái tài giỏi đó chỉ mang họa đến cho họ mà thôi. Là Phật tử, nghe Phật dạy về hạnh cung kính của Ngài đối với mọi người, cần phải dẹp bỏ ngay tánh ngã mạn, tăng thượng mạn, dứt trừ tâm xem thường người. Người biết trên dưới, phải trái là người biết sống, đối với người trên thì kính trọng; với người dưới, thì nâng đỡ; với người ngang hàng thì nhường nhịn. Biết xử thế như vậy, sẽ được bạn bè chấp nhận, Thầy Tổ thương yêu, chúng sanh quy ngưỡng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cách sống của người bình thường biết đứng đúng chỗ.
Theo Phật dạy, tu hành phải biết hạ mình; không phải chỉ đứng đúng chỗ. Còn muốn đứng trên vị trí mình, người ta sẽ kéo xuống. Tìm chỗ thấp đứng, nhưng tu hành nghiêm trang, thể hiện đức hạnh, người ta quý trọng thì sẽ đề bạt mình lên. Đức Phật là tấm gương điển hình thể hiện nếp sống khiêm hạ từ Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Đại Thông Trí Thắng, Oai Âm Vương. Bước theo dấu chân Phật, tôi quán sát hành trạng của Đức Phật Thích Ca và làm theo Ngài. Nhờ vậy mà từng bước thăng hoa đời tu, không phải tự mình bước lên giành chỗ đứng; vì tu hành công đức sanh ra, làm được việc, Giáo hội cần gì tôi sẵn lòng phục vụ. Nhiều người nhận xét rằng tôi lên nhanh quá, lên hàng giáo phẩm Thượng tọa lúc mới 38 tuổi. Lúc đó, vì hoàn cảnh hành đạo rất khó khăn vào thời điểm nước nhà mới độc lập thống nhất, Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo đã giao cho tôi trách nhiệm là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, tôi sẵn lòng hy sinh cho đạo, nên được chư tôn đức quý trọng.
Vì thế, để tôi có thể lãnh đạo, điều hành Phật sự, trong khi tuổi còn quá trẻ, Hòa thượng Hành Trụ mới đề bạt với Đức Tăng Thống là Hòa thượng Giác Nhiên ra giáo chỉ tấn phong tôi lên hàng giáo phẩm. Tôi không tự xin, nhưng nỗ lực tu hành, dấn thân phục vụ, các vị Hòa thượng lớn tự nâng đỡ lên. Tôi nghĩ không cần danh lợi, chỉ cần làm việc mới sanh ra công đức; còn danh lợi thì người sẽ tranh giành, nói xấu. Trên bước đường tu, cố gắng lập công bồi đức sẽ dễ dàng tiến tu, quan trọng là làm được việc, lãnh chức mà không làm việc thì người ta chê trách.
Phật Thích Ca từ thời Phật Oai Âm Vương đã thực hành hạnh nguyện không dám xem thường bất cứ người nào. Còn chúng ta, sự thực khi nghiệp còn, phiền não đủ, thì chúng ta dễ xem thường người khác. Có thể nói sai lầm này ai cũng thường mắc phải. Tu hành, đa số hay phân biệt Ni sư này tốt, Ni sư nọ xấu, người này giỏi, người kia dở. Theo kinh nghiệm riêng tôi, khen nhiều, chê ít, thì còn có đất đứng; chê nhiều, khen ít dễ dàng mất chỗ làm. Còn chỉ khen mà không chê ai, chắc chắn chỗ đứng của mình rộng hơn nhiều.
Đức Phật thể hiện lòng kính trọng đối với tất cả chúng sanh trong lục đạo, kể cả những người ở trong địa ngục A tỳ, Ngài cũng thấy họ có điểm dễ thương. Nói cho dễ hiểu là những người sa cơ thất thế, chúng ta có kính trọng được họ hay không và chúng ta thấy gì ở họ mà kính trọng được. Tu Pháp Hoa, phải khởi tâm kính trọng thực sự, đối với người tốt đã đành mà cả với người xấu, chúng ta vẫn thấy được cái tốt để kính trọng; vì cái quả xấu hôm nay của họ chính là cái nhân của quá khứ. Thật vậy, những người ở địa ngục, nếu nhìn kỹ đời trước sẽ thấy họ đã từng làm quan, làm tướng, làm vua, làm giám đốc cũng có, thậm chí những vị Hòa thượng A Xà Lê cũng hiện diện trong đó. Đơn giản vì tất cả những người này đã tạo ác nghiệp khi họ có quyền thế, có chức vụ và họ dễ xem thường người khác. Còn chúng ta là dân đen không dám khinh ai là chuyện thường. Người có quyền thế, có sức mạnh mới dám cướp của, giết người, giam người.
Thực sự họ có phước, đáng lẽ sử dụng phước báo để thăng hoa tiến đến quả vị Phật, Bồ tát hay chư Thiên; nhưng đáng thương, họ đã phạm sai lầm, làm mất phước và bị đọa. Thấy biết vậy, chúng ta không dám khinh khi ai. Nhìn kỹ người đương chức đương quyền ngày nay có thể từng bước đi vào địa ngục trong tương lai, nếu họ làm những việc sai trái tội lỗi, tất nhiên uy tín của họ mất lần, rồi thất thế sa cơ, thì sao tránh khỏi bị đọa địa ngục. Không phải những người ở địa ngục chỉ toàn là người nghèo đói, khổ sở; mà những người này đã từng làm mưa làm gió trên cuộc đời, cho nên tội ác của chính họ mới đưa họ vào địa ngục. Quan sát kỹ theo góc độ đó, chúng ta liền khởi tâm đại bi. Ta kính trọng họ, vì họ đã cho ta bài học khôn, từ đó chúng ta rút tỉa được những kinh nghiệm quý báu ở tất cả mọi người trên bước đường tu.
Đức Phật hành Bồ tát đạo quán sát như vậy, Ngài kính trọng tất cả mọi người; không chê người này phá giới phạm trai, người kia phạm lỗi lầm gì. Nếu ai làm ác sẽ đọa địa ngục và phải nếm mùi khổ như thế nào, rồi họ sẽ phát tâm tu lại. Đơn giản như vậy thôi. Theo con đường của Phật đi, chúng ta cũng phải bắt đầu quán sát như thế. Với cách nhìn bao dung, kính trọng mọi người, trải qua giai đoạn dài hành Bồ tát đạo, trong từng niệm tâm, Đức Phật luôn giữ gìn hạnh khiêm cung, cho đến tròn đầy hạnh đức này, thì những người mắng nhiếc Phật trước kia, được Ngài dìu dắt trở thành Bồ tát, Thánh Tăng. Quý vị đọc lại kinh Pháp Hoa sẽ thấy rõ, năm trăm Bồ tát trong hội Pháp Hoa hiện đời hết lòng với Phật là nhóm của Bạt Đà Bà La Bồ tát. Ông này nổi tiếng hiền lành nhất, tốt nhất; nhưng kiếp trước các ông này đã từng khinh chê, mắng nhiếc Phật. Đức Phật cho biết nhờ Ngài tu hạnh kính trọng, mà họ cảm phục hạnh đức của Phật, nên một lòng theo Ngài tu hành. Từ ý này của Phật dạy, khi gặp người khinh chê mắng nhiếc, tôi tự nghĩ không biết chừng mai kia họ sẽ là đệ tử mình. Vì người chê nhiều, thì sau này họ sẽ khen nhiều; đừng buồn. Ngày nay họ chê, mình tu đàng hoàng, mai kia họ sẽ khen.
Ngày nay họ khen, mình nở mũi thì dễ bị đọa. Bị chê, phải nỗ lực tu. Khi họ chê, theo tôi, một là họ không hiểu ta. Ta tốt, nhưng họ chưa hiểu, lần lần sẽ hiểu; mai mốt không hiểu thì kiếp sau hiểu. Nếu mình tu được, thăng hoa được, đạt quả vị Phật thì họ phải hiểu thôi. Hai là ta chưa tốt, nhưng nhận lầm mình tốt. Hoặc chính ta cũng chưa hiểu ta, cái sai của mình ít bao giờ mình hiểu; con mắt mình thấy thiên hạ, mà không thấy chính mình. Vì vậy, Phật dạy phải tu nội quán là xem ngược lại mình bằng cách xem xã hội đối với mình như thế nào mà biết được con người thực của chính mình; vì cuộc đời là tấm gương soi bóng mình. Người đánh giá ta thế nào, chúng ta phải nhận ra để tự tháo gỡ, được giải thoát.
Một số Ni sư ở thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các Ni trẻ, thưa với tôi rằng tại sao Đức Phật đặt ra Bát kỉnh pháp, thiệt khổ quá, không hợp lý chút nào, lỗi thời rồi. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ, khi chúng ta rơi vô ngã mạn, tăng thượng mạn, không thấy đúng về mình. Nếu mình mang thân nghèo, đó là nghiệp; mang thân xấu xí cũng là nghiệp; mang thân phụ nữ cũng là nghiệp. Tất cả những gì thuộc về thân này, gia đình này, hoàn cảnh này đều là nghiệp và duyên từ quá khứ dẫn đến, tạo nên; trừ các vị Bồ tát thị hiện thân thì không kể. Chúng ta không bằng lòng với chính cái thân của chúng ta, không bằng lòng với cuộc sống của chúng ta, không bằng lòng với hoàn cảnh của chúng ta; phải tự biết đó là nghiệp.
Phải nhìn thấy bức tranh của xã hội, tấm gương của xã hội để soi bóng mình; tại sao mình sanh ở vùng này, ở nước này, có phong tục tập quán này. Nước trọng nam khinh nữ mà sanh vào làm thân người nữ là thua rồi. Mang thân nữ muốn được kính trọng thì sanh vào các nước Tây phương đi. Còn sanh ở Việt Nam, xuất gia mang thân nam giới đi tu cho sướng; nhưng chưa chắc được sướng, vì có thân nam mới chỉ được một phần thôi. Nhận thức được rằng ta sanh nơi nào vì nguyện đến độ nơi đó thì vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh đó; còn vì nghiệp thì phải mang thân đó để trả nợ, cũng vui vẻ, không thể khác. Chúng ta nhận ra cái thực này để sống, cuộc đời là tấm gương cho ta soi bóng và ta điều chỉnh lần đến khi ta tốt thực sự.
Ta tốt thực, người chưa hiểu, rồi họ sẽ hiểu, sợ nhất mình chưa tốt mà tưởng lầm mình tốt là rơi vào tăng thượng mạn, khó cứu chữa. Bị người đổ lỗi, ta nhận, dù không có lỗi; nhưng lỗi này không phải là lỗi hiện tại mà là lỗi quá khứ của chúng ta. Lỗi từ vô thỉ do tham sân si, nên dẫn đến bị đổ lỗi ngày nay. Hiện tại ta không có hành động lỗi nữa, nhưng dư nghiệp của chúng ta vẫn còn, mới khiến họ đánh giá ta xấu. Thậm chí có việc phải trải qua một kiếp sau nữa mới thay đổi được. Thí dụ như Ni sư Tịnh Nghiêm phải đến đời sau mới làm Tăng được, nhưng nếu kiếp sau không nhớ lại kiếp này, chắc gì được làm Tăng.
Với cách quán sát như vậy, chúng ta mới nhìn thực về mình, về Đức Phật và các vị Thánh Tăng trong thời Phật tại thế, thì thấy sự thật từ địa ngục A tỳ cho đến Trời Hữu Đảnh, nói chung tất cả lục đạo tứ sanh luôn luôn có sự thay đổi như vậy. Nhìn chung thấy vậy rồi, trở lại thực tế, quan sát vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma Gia và Kiều Đàm Di, chúng ta thấy thế nào? Nếu nhìn theo thế gian, thấy những người này là vua, là hoàng hậu, là bà phi. Nhưng nếu nhìn với đôi mắt Đại thừa của hành giả Pháp Hoa sẽ thấy khác hoàn toàn. Thấy Đức Phật Thích Ca từ thời Phật Oai Âm Vương đã tu hạnh khiêm cung và tiếp tục thể nghiệm hạnh này cho đến khi được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Phật. Thấy Đức Phật Thích Ca trải qua quá trình tu hành vô số kiếp thay đổi sắc thân, nhưng con người thực của Ngài vẫn như như hoàn hảo.
Và thấy vua Tịnh Phạn đời nào cũng làm cha của Ngài, hoàng hậu Ma Gia ở đời nào cũng làm mẹ của Ngài. Hiện đời vẫn làm cha mẹ Ngài là do nhân duyên quá khứ dẫn đến hiện tại như thế. Do đó, nhìn ở góc độ này, ngày nay chư Ni và Phật tử tu hành gặp gỡ tôi và cùng nhau tu hành trong giáo pháp Phật, chúng ta tự biết cũng từng là quyến thuộc Bồ đề từ quá khứ, nên kiếp này mới quý trọng được. Nếu không, chấp nhận nhau cũng khó, nói chi đến quý nhau.
Tôi hành đạo đến chỗ người không kính trọng thì nhận ra rằng từ quá khứ tôi và họ chưa quen biết nhau, thì ngày nay sao quý trọng được; như vậy phải làm gì cho họ thương quý, tức phải có quá trình xây dựng, không thể tự nhiên mà làm Thầy bạn thân thương được. Đến nơi người chống phá, tôi cũng nhận ra được đây là oan gia từ quá khứ, cho nên gặp lại là họ phải chống thôi. Thật vậy, có thể họ từng tu theo ngoại đạo, nhưng mình tu chánh đạo thì đã làm ngược lại quyền lợi của họ rồi.
Các Phật tử nghiệm xem phải vậy hay không; người làm nghề mê tín dị đoan mà mình bài trừ việc này thì trút nồi cơm của họ rồi, nên họ thù mình, cái đúng của mình làm hại cho cái sai của người thì trở thành oan gia. Vì thế, trên bước đường tu, Phật dạy rằng được một việc sẽ mất một việc, vì sẽ tạo ra phản ứng phụ. Truyền đạo, tôi thấy rõ điều này, đụng chạm quyền lợi người khác khi tuyên dương chánh pháp, nên họ trở thành thù nghịch với mình.
Đức Phật khẳng định rằng một ngàn hai trăm vị A la hán đang theo Phật, các ngài đã đắc quả A la hán từ kiếp trước rồi. Vì thế, nay Phật tái sanh trên cuộc đời, họ gặp Phật là theo liền và tu đắc đạo ngay; không phải đời này mới tu mà đắc quả A la hán mau vậy được đâu. Có người đọc kinh thấy Phật thọ ký cho sát nhân Vô Não thành Phật, thọ ký cho người hốt phân thành A la hán, mới nghĩ rằng tu dễ quá, nên phát tâm tu để đắc đạo cho nhanh như vậy. Nhưng họ vào chùa tu trần thân, không được gì thì hoàn tục. Người bỏ cuộc rất nhiều, chỉ vì thấy cái quả dễ quá nên ham hưởng quả mà tu, tu như vậy chẳng được gì.
Tôi thường suy nghĩ tại sao Phật chỉ độ có một Vô Não sát nhân đắc quả La hán, còn tất cả các sát nhân khác sao Phật không độ. Tại sao Phật chỉ độ một ông Sunita, mà không độ tất cả những anh gánh phân khác. Phật cũng dạy rõ việc này, rằng Vô Não cũng tu nhiều kiếp rồi, quả vị của ông đã đạt đến chỗ đó rồi, nhưng vì phạm sai lầm mà phải sanh lại để trả quả. Sunita cũng vậy, đời trước từng là đại Pháp sư giảng kinh nổi tiếng, nhưng phạm lỗi lầm nên sanh lại làm người gánh phân. Khi giảng về nhân duyên, Đức Phật nói rõ về ông này bị đọa phải trả quả báo xong thì gặp Phật khai ngộ, đắc đạo; nhưng cũng phải để ông trả hết nợ cũ, mới phát tâm tu và chứng quả.
Trong kinh Vị Tằng Hữu, Phật dẫn chứng rằng bốn người khiêng kiệu cho hoàng hậu của vua Ba Tư Nặc đi nghe pháp và một người dọn dẹp phòng hầu bà, cả năm ông này đời trước là Tỳ kheo. Nhưng vì họ phạm sai lầm, phải đọa, làm việc đó để trả nợ. Nghe Phật nói vậy, bà hoàng hậu sợ quá, trả tiền cho họ và không dám cho làm việc này nữa. Năm ông này lạy khóc, xin được tiếp tục hầu hoàng hậu, với lý do rằng họ không có lầm lỗi gì mà bà nở đuổi họ. Đức Phật cho biết vì nghiệp của họ chưa mãn, nên phải để họ tiếp tục hầu bà hoàng hậu. Đến khi họ khiêng kiệu đến KỳViên tịnh xá để hoàng hậu nghe Phật giảng pháp, lúc đó nghiệp của họ mới hết, thì cả năm ông này liền tỉnh ngộ, xin xuất gia và được Phật tiếp độ.
Có nhiều việc chúng ta không thể chỉ thấy bằng mắt, mà phải thấy bằng trí tuệ, bằng tâm mới biết chính xác. Chúng ta thấy bà Kiều Đàm Di như thế nào đây. Ni chúng thờ Kiều Đàm Di là Thánh Ni đứng đầu thì nhận thấy Thầy mình, Tổ của mình ra sao. Mỗi người chắc chắn có cái thấy riêng. Theo tôi, điều thứ nhất thấy bà này sanh vào hoàng cung, làm bà phi cũng là điều khác lạ, sanh trong dòng họ cao quý thì biết công đức của bà không nhỏ.
Quý vị xuất thân là Ni, nhưng so với Kiều Đàm Di thì sao? Chắc hẳn quý vị còn nhớ phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện có nói: "Sanh ra dòng họ cùng dung sắc, tướng tốt trí huệ đều đầy đủ, các ma ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi”. Như vậy, rõ ràng thấy Kiều Đàm Di và quý vị cách nhau xa lắm, còn phải trải qua bao nhiêu kiếp tu bồi công đức nữa thì may ra mới bằng với Kiều Đàm Di, đương nhiên còn bao nhiêu lâu không biết. Tuy nhiên, quý vị hãy cố gắng lên, lấy hình ảnh của Tổ Kiều Đàm Di làm biểu tượng để tiến tu đạo hạnh.
Phải khẳng định rằng khi chúng ta xuất gia tu hành, việc quan trọng theo tinh thần Đại thừa là khi đầy đủ phước đức nhân duyên thì đắc đạo được. Trái lại, muốn tu là tu, tu không được thì ra, rồi muốn tu lại trở vô nữa; tu như vậy bao nhiêu kiếp cũng không được gì. Vì vậy, theo Đại thừa, muốn xuất gia phải gieo trồng thiện căn trước, kinh gọi là chủng thiện căn. Thực sự đời sống của người xuất gia có thể nói là bị khóa tay chân lại, có nhiều việc đáng lẽ làm được, nhưng vì mặc áo tu, chúng ta không được phép làm; cho nên chúng ta đã bỏ rơi một số việc, chớ không phải đi tu là làm được hết. Vì thế, cần phải chủng phước đức cho đầy đủ. Người có phước đức đầy đủ thể hiện qua vị trí của họ trên cuộc đời và Bồ tát vị của họ ở thế giới Phật; đó là điều tối quan trọng. Trên bước đường tu của chúng ta làm sao gieo trồng phước đức, tức vị trí của chúng trên cuộc đời thì cao sang, vị trí trong Tịnh độ là Bồ tát.
Điển hình như Quan Âm ở Cực Lạc là trưởng tử của Phật A Di Đà, còn vị trí trên cuộc đời của ngài thực vô cùng, muốn đóng vai nào cũng được, ngài hoàn thành mọi việc cứu khổ độ sanh một cách xuất sắc. Điều quan trọng là cốt lõi bên trong của con người mà chúng ta phải nhận ra để tu hành, thì từ đó chúng ta mới chủng phước đức được. Mỗi kiếp chúng ta tu hành, phát huy được trí tuệ của mình, tăng trưởng được đạo hạnh của mình. Trí tuệ và đạo hạnh cứ lớn lần trên bước đường tu, tuy không thấy bằng mắt, nhưng đạo hạnh của chúng ta có sức cảm hóa người và trí tuệ của ta có khả năng nhìn thấu được mọi việc trên cuộc đời. Đó là hai việc quan trọng phải tu tạo.
Trở lại hành trạng của bà Kiều Đàm Di, tức Ma ha Ba Xà Ba Đề. Bà sanh trong dòng họ cao quý, vị trí trong xã hội cao sang, nhưng bà không có con, nên đã nuôi dưỡng thái tử Sĩ Đạt Ta như con. Bà là người dì của thái tử, tức chị ruột của hoàng hậu Ma Gia. Vì hoàng hậu sau khi sanh thái tử bảy ngày thì qua đời, nên bà Ma ha Ba Xà Ba Đề đã chăm sóc thái tử đến trưởng thành. Bà không có con, có thể gợi ý cho quý vị suy nghĩ rằng cấu trúc cơ thể của bà chắc chắn không giống các phụ nữ khác. Nói đến cấu trúc cơ thể đặc biệt khiến chúng ta liên tưởng đến Đức Phật Thích Ca, Ngài có cơ thể đặc thù và yếu tố Bồ đề vô thượng, chính hai điều này giúp Ngài thành Phật dễ dàng.
Cấu trúc cơ thể đặc thù là Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và còn ẩn chứa sức mạnh thực phi thường. Khi còn là thái tử, Ngài đã cầm một cây cung đồng rất nặng để trong miếu thờ, không ai cầm nổi và Ngài cầm cây cung chỉ một tay và bắn một mũi tên xuyên thủng tâm điểm cách xa ngàn dặm. Đến khi thể nghiệm pháp tu khổ hạnh, Ngài đã nhịn đói đến da bụng dính với xương sống mà vẫn không sao. Mình thử nhịn, không ăn đến một tháng cũng được, nhưng vẫn phải uống nước, không phải nước lã, mà phải uống nước trái cây, hay sữa, hoặc nước cháo thì mới sống nổi. Nhưng Phật trải qua sáu năm khổ hạnh chốn rừng già, quên cả việc ăn uống vì mãi sống trong Thiền định, mà vẫn sống như thường chứng tỏ cơ thể Ngài rất đặc biệt và trí tuệ cũng đặc biệt mới thành Phật.
Cơ thể của bà Kiều Đàm Di cũng rất đặc biệt. Ở thành Ca Tỳ La Vệ, khi Đức Phật về thăm hoàng cung, bà Kiều Đàm Di đã đến xin Phật xuất gia tu hành. Phật không nhận lời thỉnh cầu của bà và sau này có Bát kỉnh pháp cũng từ đây mà ra. Phật nói rằng người phụ nữ đi tu có nhiều chướng ngại, khó lắm và nếu cho phép nữ giới đi tu thì chánh pháp sẽ giảm thọ năm trăm năm. Điều này Phật dạy tôi có suy nghĩ, như thế nào là giảm tuổi thọ của chánh pháp. Chúng ta thấy rõ nếu đứng ở lập trường triết học Ấn Độ theo Upanishad thì điều này chịu ảnh hưởng của quan niệm theo đạo Bà la môn thời đó. Dù Phật ở vị trí Phật thuyết pháp, Ngài cũng không bỏ thông lệ của thế gian. Điểm này quan trọng. Nói theo tinh thần Pháp Hoa, thì Phật nói pháp tùy người, tùy chỗ, tùy lúc có khác nhau.
Tùy chỗ, nghĩa là tùy theo phong tục tập quán của từng nơi được thể hiện rõ nét qua quan niệm của Ấn Độ thời Phật tại thế cho rằng người phụ nữ không thể làm Sa môn; cho nên Đức Phật phải thuận theo cuộc đời mà nói chứ không phải thực sự là như vậy. Chúng ta thấy rõ trong kinh điển Đại thừa không hề đặt ra vấn đề giới tính, điển hình như trong kinh Hoa Nghiêm, nữ giới cũng nổi bật trong việc tu đắc quả, có nhiều Tỳ kheo Ni, đồng nữ, Ưu bà di như Hưu Xã; rõ ràng các bậc Thánh không phải dành riêng cho chư Tăng.Nếu có tâm hồn Đại thừa, chúng ta nhìn thoáng hơn về vấn đề Phật dạy.
Có thể khẳng định rằng Phật hiện hữu trong loài người, giáo hóa con người, thì Ngài sử dụng phương tiện thuận thế; cuộc đời quan niệm như thế nào thì Phật thuận theo đó để chỉ dạy cho người chấp nhận được, kể cả việc An cư kiết hạ cũng không ngoài tinh thần thuận thế. Còn giáo lý cao siêu theo kinh điển Đại thừa thì khó nói, khó nghe, khó chấp nhận. Đức Phật không cho phép bà Kiều Đàm Di đi tu cũng là thuận thế, vì nhiều người không đồng ý cho phụ nữ đi tu, nên Phật cũng bảo bà đừng xuất gia, xuất gia làm cho giáo pháp của Ngài mau diệt. Mặc dù Phật nói như vậy, nhưng Phật đi đâu, bà cũng đi theo, Phật từ thành Ca Tỳ La Vệ đến Câu Thi Na xa cả trăm cây số, mà bà vẫn theo sau không rời bước, thể hiện ý chí tu hành cao độ.
Người ta thường nói người phụ nữ không có ý chí, không có sức khỏe, nên tu hành khổ hạnh không được. Vì xuất gia theo Phật, làm Sa môn sống không nhà cửa, không tài sản, cuộc sống không ổn định, có gì ăn nấy, chắc chắn phụ nữ không thể chịu nổi. Ngày nay các cô có chùa ở, cơm ăn thì sống dễ rồi. Nhưng thời Phật tại thế, hành đầu đà, rày đây mai đó, thì phụ nữ sống cách nào đây. Thực tế cho thấy điều kiện sống của phụ nữ cũng khác với nam giới, thí dụ chỗ này một trăm người đàn ông ở chung được, nhưng nếu là nữ giới thì chỉ có thể cho mười bà ở thôi, vì đòi hỏi một số tiện nghi tối thiểu của phụ nữ kèm theo.
Ở Nhật Bản, người ta ít mướn nữ công nhân làm việc vì điều kiện sống cho phụ nữ đòi hỏi nhiều, tốn kém nhiều, trong khi sinh hoạt của nam giới đơn giản hơn. Thời Phật tại thế là thời kỳ du Tăng thì điều kiện cho phụ nữ ở trong Tăng đoàn quả là khó khăn vô cùng. Theo tinh thần Đại thừa, chúng ta phải hiểu bên trong Đức Phật ngầm gia hộ cho đoàn tu nữ giới của bà Kiều Đàm Di để tạo cho họ có đủ nghị lực phấn đấu đi lên, còn bên ngoài thì Phật nói họ không được xuất gia. Học kinh Pháp Hoa, chúng ta mới thấy và hiểu ẩn ý này. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa, Xá Lợi Phất thỉnh Phật nói nhưng Phật có nói đâu, vì nếu nói sự thực thì người ta sẽ đọa hết, tức sự thực trái với phong tục tập quán, người ta không chấp nhận, không tu được; cho nên phải nói thuận theo phong tục tập quán, họ mới tu. Cho nên đối với đoàn người quyết chí tu hành mà chỉ toàn nữ giới do bà Kiều Đàm Di hướng dẫn, bên trong Phật ngầm hộ niệm, nhưng bên ngoài thì Ngài đuổi xua. Ai có đời sống nội tâm dễ nhận ra ý này. Thầy đuổi, nhưng đuổi giả, không phải đuổi thực. Phật không cho đi xuất gia, nhưng lại ngầm gia bị, nên các bà cứ lủi thủi theo sau Ngài. Phật tử cúng dường nhiều, thức ăn dư dả, A Nan cũng chia sẻ cái lộc của Phật và chư Tăng, các bà này cũng có thức ăn dù không đủ, nhưng với ý chí kiên định như vậy, nên khổ cực mấy cũng vẫn theo Phật tu hành. Quyết chí cao như vậy, cuối cùng Phật mới cho xuất gia.
Trong luật nói A Nan khóc lóc kể lể đủ thứ, Phật mới cho phép họ xuất gia. Tôi nghĩ A Nan không đến nổi phải khóc lóc kể lể đâu, nhưng trên nguyên tắc phải có người thưa thỉnh, nhân đó Phật mới dạy. Tự nhiên mà Phật gọi họ lại và cho xuất gia thì đại chúng sẽ nói Phật còn vị tình thân sơ, vì bà Kiều Đàm Di là mẹ nên Phật phải nuôi. Nhận ra cách xử sự của Phật là dựa vào thực tế có người thưa thỉnh và Ngài cũng thấy được ý chí tu hành của các vị này; vì thế Phật cho xuất gia với điều kiện phải tôn trọng Bát kỉnh pháp.
Tại sao Phật đặt ra Bát kỉnh pháp? Vì nếu không có quy định này, thì chúng Tỳ kheo Tăng thấy đây là sự phá cách, sẽ không chịu được. Thật vậy, từ trước đến nay, họ đã quen với truyền thống như vậy, mà làm khác đi thì chắc chắn họ không chịu nổi. Cũng như các Thầy tụng kinh Pháp Hoa 28 phẩm, rất nhiều. Nay tôi biên soạn Bổn môn Pháp Hoa, các Thầy không chịu. Đây cũng là sự phá cách, tức thay đổi. Tôi buộc lòng giải thích, vì kinh Pháp Hoa dày quá, các Thầy không làm gì, nên có thì giờ tụng hoài được. Còn Phật tử phải đi làm, không có thì giờ đọc kinh dài, tôi phải biên soạn bộ kinh ngắn gọn nhưng vẫn có đủ phần cốt lõi của kinh để giúp họ có điều kiện tu. Giải thích như vậy, các Thầy mới đồng ý.
Từ trước, truyền thống tu hành của Tăng đoàn đã ăn sâu vào nề nếp rồi, nay cho phụ nữ tham gia sẽ gây phiền phức, rắc rối; cho nên Đức Phật phải đặt ra quy chế riêng là Bát kỉnh pháp để tránh những điều phức tạp xảy ra. Điều một của Bát kỉnh pháp là Tỳ kheo Ni bao nhiêu tuổi hạ đi nữa, gặp Tỳ kheo Tăng cũng phải kính lễ đàng hoàng, không được cử tội. Các Tỳ kheo chưa đắc đạo nghe luật định vậy thì thấy vui, cũng hạn chế được nữ giới một bước. Đối với các Thầy đắc đạo rồi thì coi việc này là bình thường; vì kính trọng hay không kính trọng, không quan trọng nữa. Chưa đắc đạo, được kính trọng thì bằng lòng; xem thường thì khó chịu; cho nên Phật mới đặt ra điều luật này.
Hoặc nam nữ ở chung không thanh tịnh, nên Phật quy định Tăng Ni phải ở riêng. Điều luật này nhắm vô người sơ tâm xuất gia học đạo. Tăng Ni xuất gia, nhưng vì có thân nam nữ, nên luyến ái vẫn còn, nếu sống gần nhau, dễ bị sa đọa, nên chỗ ở phải có hàng rào ngăn cách. Và Phật cũng quy định chư Ni khi đi thỉnh pháp nơi chư Tăng, không được đi một mình, phải đi ba người. Xong việc phải về và chư Tăng cũng không được phép đến chỗ chư Ni ở.
Vì người sơ tâm xuất gia, Bồ đề tâm còn yếu, sợ nghiệp thức sanh khởi. Nghiệp này Phật nói rằng nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã tạo dựng, nên ái nghiệp nặng lắm. Nam nữ ở chung dễ sanh ái nhiễm thì cuộc đời tu mất trắng; vì thế Phật cho đi tu, nhưng phải ở riêng, không được tự do qua lại. Phật quy định điều này đương nhiên rất cần cho người sơ tâm để ngăn chặn các tội ác có thể xảy ra làm uổng đời tu. Còn các bậc Thánh Tăng hay người đã đắc đạo thì khác. Trên bước đường tu, tùy đạo lực cao thấp mà có khác nhau. Đối với người có trình độ thấp, cần phải có những sự hạn chế, họ mới tu tốt được. Những người tu cao, họ tháo gỡ hàng rào này để đi giáo hóa chúng sanh.
Vì thế, trong giới luật có nhiều quy định khắc khe, theo tôi rất cần thiết để bảo vệ giới thân huệ mạng của người mới tu; nhưng sau đó, chúng ta hành đạo, giáo hóa độ sanh thì tùy theo hoàn cảnh mà có thể thay đổi cho thích nghi và được lợi lạc, nhưng tất nhiên là vẫn an trụ được nếp sống thanh tịnh, giải thoát của hàng xuất trần làm sáng danh Đức Phật trên thế gian này.
(Bài giảng tại chùa Tịnh Nghiêm ngày 13-3-2006)