;
Đệ tử:
Dạ, thưa Sư, con thấy đời sống xuất gia cao quý hơn đời sống tại gia.
Sư: Con thấy ăn chay và ăn mặn, cái nào cao quý hơn?
Đệ tử: Dạ, có thể là ăn chay ạ.
Sư: Ăn chay với tâm tham lam, ngã mạn và ăn mặn với tâm chánh niệm, tỉnh giác thì cái nào cao quý hơn?
Đệ tử: Dạ, tất nhiên là ăn với tâm chánh niệm, tỉnh giác thì cao quý hơn.
Sư: Cũng vậy, tại gia hay xuất gia cũng như ăn chay và ăn mặn. Mọi ý nghĩ, lời nói và hành động có chánh niệm, tỉnh giác đều chung một chỗ cao quý như nhau.
Đệ tử: Vậy, thưa sư, tại sao Đức Phật lại chọn đời sống xuất gia?
Sư:
Đức Phật ví như người chọn học nghề bác sĩ để chữa bệnh cho chúng sinh. Còn chúng sinh ví như bệnh nhân nương theo đơn thuốc của Đức Phật đã kê ra để chữa cho hết bệnh khổ. Tất cả bệnh nhân không phải học làm bác sĩ rồi mới uống thuốc.
Tất nhiên những ai muốn chữa bệnh khổ cho mình và người khác cũng có thể chọn cách xuất gia ví như làm bác sĩ. Và cũng có người tại gia chia sẻ cách sử dụng đơn thuốc cho người khác chữa bệnh như mình.
Hãy tưởng tượng rằng nếu đạo Phật toàn người xuất gia thì không có ai hộ độ, cúng dường tứ vật dụng tới chư Tăng. Lúc đó vị tỳ kheo sẽ phạm giới vì phải tự chặt cây, đào đất dựng liêu cốc, chùa chiền, cũng như phải tự tay mua sắm các món vật dụng, phương tiện sinh hoạt để nuôi thân. Nhất là ở những nơi hạn chế việc đi khất thực. Nếu là như vậy thì hình tướng là người xuất gia nhưng thật sự đang sống như người tại gia.
Đức Phật đã dạy: "Luật ô nhiễm nên Pháp ô nhiễm. Pháp ô nhiễm nên Luật ô nhiễm." Đã ô nhiễm thì con đường thoát khổ bị đóng lại. Mọi lý luận, giảng thuyết sẽ chỉ loanh quanh bao biện cho sự ô nhiễm này. Cho nên vai trò người cận sự tại gia cũng là sự sống còn của Phật giáo. Người tại gia vướng nhiều bụi trần vì còn phải mưu sinh kiếm sống nhưng không có nghĩa là không cao quý khi học và thực hành giáo pháp, hộ độ chư Tăng.
Vì vậy, dù con là người tại gia hay xuất gia hãy làm thật tốt và sống hết lòng con đường mình đã chọn trong giây phút hiện tại, thì lúc nào cũng là cao quý.
Đệ tử:
Dạ, con kính tri ân Sư ạ!
Tỉnh Thức