;
Trong thư, lý do mà ông Tùng Chu Trí có lời đề nghị này là vì tác giả bài viết trên "trích Kiều mà không hiểu Truyện Kiều, không biết Tiếng Việt."
Ông Chu Trí giải thích chữ "Tài ở đây là tiền, là tiền tài, tài sản. Chứ không phải là Tài năng, trí tuệ." như tác giả Đào Văn Bình đã hiểu và viết trong bài.
Từ đó, ông Chu Trí nhận định rằng "Nguyễn Du viết Truyện Kiều phỏng theo Kim Vân Kiều truyện phản ánh một xã hội nhiễu nhương của Trung Quốc coi trọng Tiền tài hơn Tâm đức con người. Cụ Nguyễn đã phản ánh tình trạng xã hội đó và đề cao chữ Tâm trong đạo làm người. (Tâm vi bản)."
Chùa Phúc Lâm online đã chuyển ý kiến đề nghị của ông Tùng Chu Trí đến tác giả Đào Văn Bình và đã nhận được hồi âm. (Xin đọc ở dưới)
Nhân đây, Chùa Phúc Lâm online xin bàn đôi chút về chữ Tài theo nghĩa Hán văn.
Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, trong Hán văn có một số chữ Tài như sau:
- 才: 1. Tài, làm việc giỏi gọi là tài. 2. Chất, như tài liệu 才料, cũng một nghĩa như chữ tài 材. 3. Vừa mới, như cương tài 剛才 vừa rồi, tài khả 才可 mới khá.
- 材: 1. Gỗ dùng được, phàm vật gì của trời sinh mà có thể lấy để dùng được đều gọi là tài, như kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ 金、木、水、火、土 gọi là ngũ tài 五材. 2. Tính chất, như tất nhân kì tài nhi đốc yên 必因其材而篤焉 ắt nhân tính chất nó mà bồi đắp thêm vậy. 3. Cùng một nghĩa với chữ tài 才.
- 裁: 1. Cắt áo. Như tài phùng 裁縫 cắt may. Phàm cứ theo cái khuôn khổ nhất định mà rọc ra đều gọi là tài. Như chỉ tài 紙裁 rọc giấy. 2. Dè bớt, như tài giảm 裁減 xén bớt. 3. Xét lựa. Như tổng tài 總裁 xét kĩ và phân biệt hơn kém. Người đứng xét các trò chơi như đá bóng, đánh quần xem bên nào được bên nào thua gọi là tổng tài 總裁. 4. Thể chế, lối văn. Như thể tài 體裁 lựa ra từng lối. 4. Quyết đoán. Như tài phán 裁判 xử đoán phân phán phải trái 5. Lo lường.
- 財: Của, là một tiếng gọi tất cả các thứ của cải như tiền nong đồ đạc nhà cửa ruộng đất, hễ có giá trị đều gọi là tài sản 財產, các đồ đạc trong cửa hàng buôn đều gọi là sinh tài 生財.
Như vậy, trong câu "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài", chữ Tài mà tác giả Đào Văn Bình muốn nói đến là chữ 才 (không có bộ Bối bên trái), còn ông Tùng Chu Trí nói đến là chữ 財 (có bộ Bối bên trái).
Thử tìm hiểu các tài liệu về Truyện Kiều xem chữ Tài trong câu "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" là chữ Tài nào.
Ngay hồi mở đầu trong Kim Vân Kiều - Hán dịch của Trương Cam Vũ có nói đến chữ 才 (tài):
逆 旅 人 生 百 歲 中
Nghịch lữ nhân sinh bách tuế trung
命 才 兩 字 巧 相 沖
Mệnh tài lưỡng tự xảo tương xung
Nghĩa: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Còn trong nhà thầy giáo Đoàn Văn Phê có treo một bức thư pháp đại tự vẽ chữ Tâm (心), ở dưới có trích dẫn một câu lục bát lấy từ truyện Kiều và dịch ra chữ Hán:
善 根 居 在 人 心
Thiện căn cư tại nhân tâm,
字 心 新 彼 平 三 字 才
Tự tâm tân bỉ bình tam tự tài.
Nghĩa: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Theo Những bài văn mẫu 12, NXB Thanh niên, thì chữ Tài trong câu "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" được hiểu là Tài năng, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp tinh xảo, năng khiếu tài hoa trí tuệ hơn người.
Như vậy, chữ Tài trong câu "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của đại thi hào Nguyễn Du xưa nay đều được hiểu là tài năng, tài giỏi. Hầu như không có ai hiểu chữ Tài là tiền tài, tài sản như ông Tùng Chu Trí.
Tuy nhiên, nếu xét câu "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" trong bối cảnh độc lập, không liên quan đến nội dung xuyên suốt của truyện Kiều, thì cách hiểu chữ Tài là tiền tài/ tài sản của ông Tùng Chu Trí cũng có thể chấp nhận được.
Thiết nghĩ, việc ông Tùng Chu Trí 'bắt' mọi người phải hiểu chữ Tài như ông đã hiểu có vẻ như chưa đúng với tinh thần học thuật lắm. Nên coi suy nghĩ của mình như là một sự gợi ý thì hay hơn.
Đến đây, xin mượn lời của nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn để kết thúc phần bình luận về ý kiến của ông Tùng Chu Trí:
"Truyện Kiều có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa và văn học của dân tộc ta. Một nhà văn ở đầu thế kỷ XX đã ví Truyện Kiều như tờ “trước bạ” (giống như khái niệm “sổ đỏ” hiện nay) để hình dung vai trò của tác phẩm đối với việc xác định tư cách văn hóa của người Việt, chủ nhân chân chính của giang sơn gấm vóc. Nếu thiếu đi tác phẩm, chân dung văn hóa của dân tộc ta không thể trọn vẹn. [trích Hành trình Truyện Kiều từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI].
Quần Anh
***************************
Hồi âm về đề nghị gỡ bài của ông Tùng Chu Trí
Trong ngôn ngữ của dân tộc nào cũng vậy, có rất nhiều tiếng "đồng âm, dị nghĩa". Chẳng hạn tiếng Anh: hai chữ "son" và "sun"; "know" và "no"; "right" và "rite"; "knot" và "not" phát âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau.
Tiếng Hán (tiếng Trung Hoa) có rất nhiều tiếng "đồng âm, dị nghĩa". Tiếng Việt (trong văn học) của mình ảnh hưởng bởi tiếng Hán cho nên có rất nhiều tiếng "đồng âm, dị nghĩa".
Mở Hán -Việt Từ Điển của Đào Duy Anh xuất bản năm 1957 (trang 221), chữ Tài có có rất nhiều nghĩa.
Chữ Tài nếu nghĩa là "tài sản" thì viết khác.
Chữ Tài nếu nghĩa là "tài năng" viết khác.
Chữ Tài nếu nghĩa là "trồng cây", "bồn tài" (bonsai) thì viết khác.
Cụ Đào Duy Anh còn dẫn chứng một câu ngạn ngữ để giải nghĩa thêm chữ Tài (có nghĩa là tài năng) : "Tài Bất Khả Ỷ" có nghĩa là "người có tài không nên cạy tài mà kiêu ngạo".
Vậy chữ tài trong câu thơ "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" và "Chữ Tài liền với chữ Tai" một vần có nghĩa là "tài năng".
Trong bài pháp thoại "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của TT. Thích Nhật Từ cũng giải thích "Tài" là tài năng. (Xin vào youtube để kiểm chứng).
Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ nghe ai nói hoặc giải thích chữ Tài trong câu thơ "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" có nghĩa là tiền tài, của cải.
Truyện Kiều phổ biến rộng rãi trong dân gian, cho dù một người không có học chi cả cũng hiểu câu thơ "Chữ tài liền với chữ tai một vần" có nghĩa là "có tài năng mà khoe tài, ỷ tài, cậy tài thì thế nào cũng có ngày gặp tai nạn" và "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" có nghĩa là tấm lòng thì quý giá hơn tài năng rất nhiều.
Dầu sao sự góp ý của Ô. Tùng Chu Trí - dù không đúng - cũng đáng trân trọng vì tạo thêm cơ hội làm rõ thêm nghĩa và khiến tác giả duyệt lại cho chắc ăn.
Đào Văn Bình
************************************
Xem bài viết: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Tài ở chỗ này nhưng chưa chắc đã tài ở chỗ kia. Cái Tài tạo ra sự tranh đua, ghen tuông, đố kỵ “chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Nhưng cái Tâm thì ai cũng thương mến, do đó nó xuyên suốt, vô ngại, ở đâu cũng dung thông được. Do đó cái Tài thường hay chết yểu, còn cái Tâm thì bất tử.
Em yêu dấu:
Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã cô kết Truyện Kiều bằng hai câu:
Thiện căn kia bởi lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Vậy chữ Tâm là gì mà nó vượt trội và đáng quý trọng hơn hẳn tài năng của con người ?
Cội nguồn của chữ Tâm:
1)Vì thiện căn vốn bởi lòng ta cho nên chữ Tâm không phát xuất từ Thần Linh (God) mà nó phát xuất từ bản chất thuần lương vốn có của con người: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Chữ Tâm không do cầu xin, cầu nguyện, van vái, thờ cúng mới có. Chính vì thế mà Lục Tổ Huệ Năng đã nói rằng “bản lai vô nhất vật”. Cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm.
Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng nếu được giáo dục và tu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ. Rất nhiều bộ tộc, rất nhiều người chẳng thụ huấn một nền giáo dục nào mà chữ Tâm cũng vẫn có. Ngay ở loài vật cũng vậy. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Voi con bị bệnh không đi được, voi mẹ ở lại quấn quít cho đến khi nào voi con chết hẳn mới chịu bỏ đi. Một con chim bị đạn, đàn chim xà xuống kêu tiếng bi thương cho đến khi biết chắc bạn mình đã chết mới chịu bay đi.
2) Ngoài ra chữ Tâm cũng không liên quan gì đến sự thông minh. Người thông minh có khi lại là người ác độc nhất không biết chừng. Bằng cớ là các dân tộc văn minh đã dùng sự thông minh của mình để đi đô hộ, bóc lột, tàn sát, triệt hủy tôn giáo, văn hóa của những dân tộc kém thông minh hơn họ.
Nội dung của chữ Tâm là gì ?
1) Đó là lòng biết xót thương (động tâm): Chẳng hạn thấy người nghèo khó, hoạn nạn ta động lòng trắc ẩn.
2) Đó là lòng ngay thẳng, thành thật: Người đời thường nói: Tâm địa ngay thẳng tức không quanh co, gian dối, che đậy, ngụy biện.
3) Đó là lòng cảm thông, tha thứ: Người đời thường nói "chín bỏ làm mười".
4) Đó là lòng bao dung: Tức tâm địa rộng rãi, tấm lòng quảng đại.
5) Đó là tấm lòng tốt (tấm lòng vàng): Biết an ủi, chia xẻ, biết giúp đỡ.
6) Đó là tấm lòng từ bi: Chẳng hạn như tâm Phật
7) Đó là tấm lòng hỷ xả, cởi mở, không câu thúc: Không thắc mắc, không thù dai, không hờn oán, ghen ghét đố kỵ. Người đời thường nói: Bụng để ngoài da.
8) Đó là tấm lòng hy sinh: Thương người như thể thương thân.
9) Đó là lòng biết chia sớt, bố thí. Thấy người hoạn nạn thì thương. Câu nói này hàm ngụ tình thương không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da. Cứ thấy người hoạn nạn thì thương.
10) Bằng chữ Tài thì mình nghĩ cho mình, nghĩ về mình. Bằng chữ Tâm thì nghĩ về người, nghĩ đến người. Bằng chữ Tài thì có kẻ được người thua. Bằng chữ Tâm thì ai cũng như ai “Tứ hải giai huynh đệ”, chẳng ai giầu ai nghèo, chẳng có cao có thấp, chẳng có sang hèn.
11) Bằng chữ Tài thì cái Tôi, cái Ngã lồ lộ ra đó. Bằng chữ Tâm thì cái Tôi, cái Ngã tan biến mất và thể nhập vào tha nhân hay vào Đại Ngã. Khi vua Sở nói rằng “Vua nước Sở mất ngựa thì người nước Sở được ngựa.” là nhà vua đã nói bằng cái Tâm, bằng sự an bình của toàn dân chứ không bằng lý trí.
12) Bằng chữ Tài, cái Tôi hay con người chúng ta thu hẹp lại nhỏ xíu và trở nên ích kỷ. Bằng chữ Tâm con người chúng ta lớn tựa hư không.
13) Tài ở chỗ này nhưng chưa chắc đã tài ở chỗ kia. Cái Tài tạo ra sự tranh đua, ghen tuông, đố kỵ “chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Nhưng cái Tâm thì ai cũng thương mến, do đó nó xuyên suốt, vô ngại, ở đâu cũng dung thông được. Do đó cái Tài thường hay chết yểu, còn cái Tâm thì bất tử.
Nếu nội dung của chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẳm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài.
Thảm họa của thế giới ngày nay là con người không sống bằng chữ Tâm mà sống bằng sự cầu nguyện. Người ta cầu nguyện Thần Linh để có thêm sức mạnh tiêu diệt kẻ thù. Người ta van vái Thần Linh để hỗ trợ cho sự chiến thắng, giành giựt của họ. Người ta cầu nguyện, van vái Thần Linh để ban phát cho họ có thêm nhiều của cải vật chất. Anh chưa thấy người ta cầu nguyện để cho người khác cùng tiến lên, cùng giàu có, hạnh phúc như mình, ngoại trừ Phật Giáo.
Khi chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người được ăn được nói như chúng ta, được sung sướng như chúng ta, được trí tuệ minh mẫn như chúng ta, được thong dong tự tại như chúng ta, được kính trọng như chúng ta đang được kính trọng.
Khi chúng ta đem tất cả sự thành công của mình mà hồi hướng về tất cả, biết ơn tất cả rồi cầu nguyện cho tất cả mọi người đều thành Phật… thì chúng ta đã thực sự sống với chữ Tâm.
Nghi thức Hồi Hướng kết thúc mọi khóa lễ của chư tăng, ni, cư sĩ và Phật tử cho thấy người con Phật không bao giờ lưu giữ lại cho mình cái gì, mà chuyển tất cả những thứ đó đến chúng sinh ở mười phương cõi để cùng tận hưởng những phúc lợi như mình.
“Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sinh,
Đều trọn thành Phật đạo.”
Nếu ai cũng biết ”hồi hướng” như vậy thì một chiến công là sự hy sinh xương máu của tướng sĩ từ trên xuống dưới. Sự cường thịnh của một quốc gia là nỗ lực vun bồi của toàn dân từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sự thành công của nền giáo dục là do tấm lòng yêu nghề của quý thầy cô, tinh thần trách nhiệm của phụ huynh, học sinh, sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội, và đó cũng là niềm hãnh diện chung của quốc gia.
Nói xa hơn nữa, sự tu hành chứng đắc của một vị sư cũng là nhờ ơn chư Phật, chư Tổ trong quá khứ, các bậc thiện tri thức trong hiện tại, sự cúng dường của hàng Phật tử khắp nơi và công lao gìn giữ an toàn xã hội để các vị có nơi chốn an tĩnh tu hành.
Cho nên trong kinh điển, các hàng Bồ Tát chứng đắc vì có trí tuệ lớn, đều hồi hướng công đức đến muôn loài chúng sinh, vừa để nhớ ơn, vừa để diệt trừ “ngã tướng” trong con người mình.
Chữ Tâm vĩ đại như thế đó. Vậy thì anh và em cùng sống với chữ Tâm chứ đừng sống với chữ Tài em nhé.
(California 13/2/2012)
Minh Nhật
Tôi tuy không biết về chữ hán, nhưng tôi biết truyện kiều.Tôi xin ủng hộ ông Đào Văn Bình, Giải thích của ông Đào Văn Bình có tính thuyết phục.
Thích Trả lời 7/20/2012 1:52:50 PM