nguoiphattu.com Với đặc tính nở vào ban đêm và thơm lừng vào lúc mưa, hoa huệ còn được gọi là “dạ lai hương”, hay “vũ lai hương”. Bởi có sắc trắng tinh khiết và hương thơm ngào ngạt, nên hoa huệ thường được trồng làm cảnh trong vườn chùa, vườn nhà...
Không biết từ bao giờ, người Việt lại xem huệ là loài hoa dành cho những việc cúng lễ. Ở chợ quê, hoa huệ thường được bó thành từng chục, ngọn hoa được bọc cẩn thận bằng lá sen, với vài cọng rơm vàng quấn lỏng. Hoa để cúng chứ không dành để tặng. Vì đâu những mất mát kiếp người lại đượm màu hoa trắng? Cõi thánh thần mặc nhiên lảng tránh một hồ nghi. Vẫn tĩnh lặng như muôn xưa, bóng mái chùa cong cong, phảng phất mấy mùi hương đang tỏa ấm. Hoa vẫn như hoa, người vẫn như người. Chẳng có gì lắng đọng hơn khi được ngắm hoa cô vắng giữa trưa. Mùi hương đẫm dành riêng người mê mải, như gọi về hoa bí ẩn khúc gieo hương. Nắng cứ lên và nắng cứ buông…
Sắc trắng hoà vào màu đêm, đường hương ngát dẫn hồn đi không lạc
bước. Ta sống trọn với đêm hương bằng mùi vị gieo lẫn những vui - buồn, trong - đục. Hương thoảng qua hay gió thoảng qua? Hay có cả màn sương đêm nằng nặng, cũng muốn trộn thêm hương cho trời đất tỏ tình. Lòng lại hỏi lòng, có gì thẹn với hoa không. Cư trần bất nhiễm trần. Mùi hương huệ trong vườn cùng với mùi nước đái trâu ngai ngái, hòa thành “thể dụng”. Vào buổi sớm mai, con trâu bước qua, thoắt một nhành hoa vừa gãy. Một chú sâu xanh vẫn đang cuộn mình ngủ quên trong cánh trắng. Vị sư già đứng lặng nhìn nhành hoa im ngủ, không để những bất ngờ xảy động cả vườn thơm. Cứ mặc hoa sống chết như hoa, lòng Phật sáng giữa gam màu cô tịch. Tiếng chuông thức không gian, mấy lần cánh trắng mở ra nghe nắng sớm. Bầy côn trùng góp nhặt phấn hương đêm, chợt động cánh mơ màng gieo tình cho vũ trụ. Vị sư già kính cẩn lặng im trước một đoá tinh tuyền vừa chớm nở…