;
Hoà thượng Thích Quảng Độ là một trong những Người Thầy cao cả nhất trong cuộc đời tôi. Sẽ có huynh đệ thắc mắc về điều đó giữa bộn bề chuyện chính trị giáo hội... Nhưng chính trị giáo hội nọ kia thì có can hệ gì trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam và nơi đích sống của mỗi cá nhân.
Còn nhớ cứ mỗi lần anh em chúng tôi thuộc hàng con cháu trong sơn môn Vĩnh Nghiêm đến Thanh Minh thiền viện đảnh lễ vấn an Thầy, Thầy đều ân cần chỉ bảo đường lối tu tập, tinh tấn để hoằng đạo hộ đạo.
Giọng nói trầm ấm, vang vọng, ánh mắt từ hoà, nụ cười hiền hậu, dáng đi thanh thoát, thế ngồi sư tử, tất cả nơi Thầy toát ra một nguồn năng lượng trấn an vững tin rất lớn.
Tôi cũng từng là một trong những người đứng ngoài cổng hàng rào toà án nhân dân thành phố HCM chờ mong được nhìn thấy Thầy bước ra từ phòng xử án vào năm 1995. Khi ấy còn trẻ chỉ đọc sách của Thầy mà đã không tin vào bất cứ tờ báo nào tuyên truyền với những lời kết tội nặng nề về Thầy.
Ai cũng rõ một điều, nếu người ta chiêu dụ Thầy thành công thì Thầy trở thành cao tăng đầy chức phẩm, và khi người ta đe doạ Thầy không thành thì Thầy trở thành ác tăng phản động.
Nhưng có điều Thầy vẫn là Thầy, một thầy tu chí hiếu, chí nghĩa và chí tình.
Chí hiếu vì ghi lòng tạc dạ ơn sinh thành của cha mẹ, ơn giáo dưỡng tuệ mệnh của Thầy Tổ. Cho đến những năm cuối đời bài thơ dâng mẹ vẫn in trang trọng nơi kinh sách Thầy phiên dịch. Chí tình vì đồng đạo mà Thầy nhẫn nhục, nhận về mọi thử thách, oan khiên. Ngay cả khi rời chùa Thanh Minh, nghe tin người bạn đạo nằm viện, đứng bên ngoài nhìn vào nhỏ lệ nhớ thương. Chí nghĩa vì không chịu bước sang con thuyền khác mà từ bỏ con thuyền đã đưa mình vượt qua bao sóng gió thác ghềnh.
Thầy là Đức đệ ngũ Tăng thống bi trí dũng đầy đủ, nhưng tình, hiếu, nghĩa nhân gian vẫn gần gũi lay động lòng người.
Thầy mang trên mình sứ mệnh đấu tranh cho tự do chính nghĩa, nhưng Thầy cũng là hóa thân trong hạnh nguyện của những bậc Bồ tát nhập thế.
Phật giáo Việt Nam sẽ mang bộ mặt thế nào nếu không có một Giáo hội do Thầy dẫn dắt. Pháp nạn thực sự chỉ mới bắt đầu khi trước những việc lớn việc khó của dân tộc mà tăng sĩ chỉ biết vì danh lợi phẩm trật của mình mà nịnh bợ luồn cúi ra vào trước thế quyền. Thuyền ngược nước chở nặng, nhưng việc khó, việc lớn trong sinh mệnh dân tộc và Phật giáo thử hỏi ai dám tiên phong mà làm? Thầy nói về pháp cai trị nước nhà nào có ngoài những lời trong kinh Ánh sáng hoàng kim.
Thầy phản ứng với nhà cầm quyền về phép cai trị bóp nghẹt tư tưởng cũng bằng chính những ngôn ngữ ấy.
Nhưng khi có ai đến tham vấn về đạo, thì trí văn, trí tư, trí tu từ nơi Thầy tuôn chảy như suối nguồn, nề gì những sắc sắc không không nơi thân Thầy thực chứng.
Có lần khi tôi hỏi Thầy về sự tồn tại bao lâu của chế độ cộng sản. Thầy im lặng một hồi rồi Thầy bảo rằng cứ nhìn cho rõ cái đang diễn ra trước mắt mà suy thì sư ông sẽ có câu trả lời, nhưng mau hay chậm trong sự sụp đổ của một chế độ này hay chế độ kia cũng chỉ như ngày và đêm mà thôi.
Đấu tranh trong tri giác về lẽ xoay vần vô thường đắp đổi thì muôn đời hoá thân vô ngại, thức tỉnh nhân gian trong những đêm trường.
Tôi trở về với công án “ngày và đêm” ấy.
Ngày và đêm là một, vô minh và Phật tánh cũng không khác. Ca tụng ánh sáng nhưng không vì thế mà sợ hãi bóng đêm.
Có thể ngày và đêm đến với nhau trong chuyển động tạm thời, như con chim tích tích truyền cành ban ngày, như con dế rộn rã ban đêm, tăng đến nhà bái chào, giặc xâm phạm vẫn quyết đánh. Tâm thế vô ngại của bậc thượng sĩ xuất trần mà vẫn cư trần, bởi một lẽ nhân gian này chính là tịnh độ. Thầy lấy tâm mình làm đạo tràng chư Phật, lấy thân lấy chí của mình làm mái nhà che chở. Nên lịch sử sẽ mãi ghi về một Đức Tăng thống không chùa, không tịnh thất, lấy thân mộng tạm lánh nhờ nay đây mai đó.
Thầy ra đi không một lời tưởng niệm điếu văn tiểu sử, của tin nơi nhục thể còn một chút này cũng gửi vào biển cả mênh mông, một đời như huyễn như hoá, giấc mộng thế nhân này... thôi thì ai tỉnh ai say mặc ai ai mặc...
Thành kính đảnh lễ Giác linh Thầy nơi hoá thân vô số!
*Bài viết thể hiện văn phong quan điểm riêng của tác giả.