;
Nhân dịp kỉ niệm ngày lễ khánh đản Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày 06 tháng 04 năm 2015, nhằm ngày 18 tháng 02 năm Ất Mùi, nhận lời thỉnh mời của Thượng tọa trụ trì Thích Minh Hiền, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm về tham dự lễ hội kính mừng ngày Khánh đản của Bồ Tát Quán Thế Âm năm Ất Mùi PL.2558 - DL.2015 tại chùa Thiên Trù - xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức - HN và thuyết pháp cho đạo tràng bản tự với chủ đề "Phổ Môn thị hiện”.
Mở đầu, Hòa thượng đã nói lên tín ngưỡng về Bồ Tát Quán Thế Âm đối với các nước Phật giáo Đại thừa, đặc biệt nhất là tại Việt Nam. Trong ngày hôm nay, ba danh lam thắng cảnh phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm lớn nhất của Việt Nam đó là chùa Hương - xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức - HN, chùa Hương Tích - huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh cũng như là lễ đài Quán Thế Âm của Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng là những nơi tổ chức lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm vào dịp 19-2 lớn nhất trong đất nước. Lễ hội chùa Hương cũng là một lễ hội của Phật giáo gắn liền với dân tộc, thu hút đông đảo người dân và thời gian diễn ra dài nhất trong các lễ hội của Việt Nam.
Qua đó, Hòa thượng cũng đã giới thiệu tới toàn thể đại chúng các kinh điển Đại thừa Phật giáo nói về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.
1. Theo kinh Đại A-di-đà thì Ngài là Thị vệ bên trái, còn Bồ-tát Đại Thế Chí là Thị vệ bên phải của đức Phật A-di-đà lo việc cứu độ chúng sinh trong thế giới Ta-bà. Cả 3 vị được gọi chung là Tây phương Tam Thánh (3 vị Thánh ở phương Tây). Và trú xứ chính thức của các Ngài là cõi Tây phương Tịnh độ. Phàm khi chúng sinh gặp tai nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quan Âm Bồ-tát, thì lập tức Ngài đến nơi cứu giúp. Do thế mà Ngài được đức hiệu là Quan Thế Âm Bồ-tát (Vị Bồ-tát chuyên lắng nghe âm thanh - cầu cứu - của thế gian).
2. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn thì Ngài có 33 hóa thân, từ thân Phật, Độc giác… đến thân đồng nam, đồng nữ. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi nào chúng sinh thành tâm niệm đến danh hiệu của Ngài.
3. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì pháp môn tu của vị Bồ-tát này là Nhĩ Căn Viên Thông, nghĩa là tai Ngài có thể được sử dụng như năm căn khác. Ngài phát tâm tu hành nơi pháp hội của đức Phật Quan Thế Âm, và đức Phật này đã thọ ký cho Ngài khi thành Phật sẽ có Phật hiệu giống như mình. Do đó mà Ngài có hiệu là Quan Thế Âm. Đồng thời vị Bồ-tát này cũng có 32 ứng thân giống như kinh Pháp Hoa đã mô tả. Chỗ khác nhau là kinh Pháp Hoa kể đến 33 ứng thân, còn kinh Lăng Nghiêm thì liệt kê 32 ứng thân.
4. Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà-la-ni thì Ngài đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Ngài hiện thân Bồ-tát để dễ dàng hoàn thành đại nguyện.
5. Theo kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương thì Ngài là Thị vệ của đức Phật Thích-ca.
6. Theo Mật giáo thì Ngài là hóa thân của đức Phật A-di-đà.
7. Theo kinh Hoa Nghiêm thì đạo tràng của Ngài ở núi Bồ Đà Lạc trên biển Nam Hải.
Như vậy, Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát đa năng, ở thế giới Ta Bà, Ngài trợ giúp Đức Thích Ca để cứu khổ độ nạn cho chúng sinh. Ở cõi Cực Lạc Phương Tây, Ngài hầu giúp Đức Phật A Di Đà để cứu giúp chúng sinh lên 9 phẩm đài sen.
Đặc biệt, trong buổi pháp thoại này, Hòa thượng đã chú trọng giảng dạy cho đại chúng nghe về ý nghĩa của Phổ Môn thị hiện. Đây là điều căn bản nhất của Bồ Tát Quán Thế Âm. Phổ Môn là khắp cả. Môn là cửa, là nghĩa năng thông. Mười cõi không có cửa, duy người tự tạo. Đó là: từ bi, hoằng thệ, tu hành, đoạn hoặc, nhập pháp môn, thần thông, phương tiện, thuyết pháp, cúng dàng chư Phật, thành tựu chúng sinh.
Từ bi, hoằng thệ, tu hành và đoạn hoặc là nhân Quán Thế Âm tự hành. Nhập pháp môn là quả tự hành: 5 điều Phổ môn này là thuộc tự hành.
Thần thông, phương tiện, thuyết pháp: 3 điều Phổ môn này thuộc về lợi tha. Cuối cùng cúng Phật là tự lợi mà thành tựu chúng sinh lại là lợi tha. Tuy có chia ra 10 điều, nhưng tổng thị là Phổ môn bao la vạn tượng quảng đại vô cùng. Sở dĩ Quán Thế Âm Bồ Tát lại có hiệu nữa là Phổ Môn Đại Sĩ là như vậy.
Cuối cùng, Hòa thượng đã khuyến tấn đại chúng thực hành theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn dấn thân với đời, hòa nhập với đời để làm lợi ích cho đời. Đồng thời, hãy học đức tính "mắt thương yêu đời" (từ nhãn thị chúng sinh) để sống hòa hợp, đoàn kết với tất cả mọi người, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, gìn giữ nề nếp truyền thống Phật giáo vững bền.
Buổi pháp thoại đã kết thúc trong tiếng niệm đồng thanh của đại chúng "Nam Mô Hương Tích Sơn Quán Thế Âm Bồ Tát".