nguoiphattu.com Ngôi chùa Hòe Nhai là một trong những ngôi chùa cổ kính của Phật giáo Việt Nam, một trong những Tổ đình lớn của các dòng thiền phái của Việt Nam. Hồng Phúc là Tổ đình của dòng Tào Động. Trải qua hàng trăm năm, từ đức sơ Tổ Thủy Nguyệt, đặc biệt nhất là nhị Tổ Tông Diễn Chân Dung trụ trì ngôi Tổ đình này, dòng Tào Động đã được lan truyền khắp đất Bắc.
Cố Trưởng lão HT.Thích Thanh Khánh – Nguyên Uỷ viên BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội – Nguyên Trưởng Ban đại diện Phật giáo quận Ba Đình – Nguyên Uỷ viên HĐND – UBMTTQ quận Ba Đình – Viện chủ Tổ đình Hồng Phúc – Hoè Nhai – Hà Nội.
Hòa thượng Thích Thanh Khánh – đạo hiệu Nguyên Cát, thế danh Bùi Quang Khánh sinh ngày 25/5/1921 tại thôn Kiến Thái – xã Kim Chính – huyện Kim Sơn – tỉnh Ninh Bình, là một gia đình kính tin Tam Bảo, Hòa thượng là em trai thứ 2 trong một gia đình có 4 anh chị em.
Hòa thượng đã tế độ, giáo dưỡng bốn đệ tử xuất gia đều trưởng thành như Trưởng tử Thích Chính Tín trụ trì chùa Ngũ Xã, ĐĐ.Thích Tâm Hoan trụ trì chùa Hòe Nhai; ĐĐ.Thích Tiến Đức trụ trì chùa Linh Quang; ĐĐ.Thích Minh Đức trụ trì chùa Hải Ngạn.
Hòa thượng là tấm gương sáng trong việc hoằng dường Phật pháp tại nhân gian, thắp sáng đèn thiền tại các chốn Tổ, tự viện lớn trong toàn thành phố.
Hòa thượng đã xả báo an tường, hưởng thọ 93 tuổi, hạ lạp 73 năm.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng bày tỏ “Tôi trở về đây hôm nay trước tiên là để dâng hương cúng chư vị lịch đại Tổ sư, tưởng niệm giác linh cố trưởng lão Hòa thượng, đồng thời có bài pháp thoại tới quý Phật tử đạo tràng chùa Hòe Nhai trong ngày tu an lạc tháng thứ 5 năm Kỷ Hợi. Quý vị được ngồi nơi đây học giáo lý Phật đà, được tu tập tại ngôi Tổ đình cổ xưa và là trụ xứ của chư Tăng hành đạo ngày hôm nay, thì phải nhớ tới ơn của Tam Bảo…
Ngôi chùa Hòe Nhai là một trong những ngôi chùa cổ kính của Phật giáo Việt Nam, một trong những Tổ đình lớn của các dòng thiền phái của Việt Nam. Hồng Phúc là Tổ đình của dòng Tào Động. Trải qua hàng trăm năm, từ đức sơ Tổ Thủy Nguyệt, đặc biệt nhất là nhị Tổ Tông Diễn Chân Dung trụ trì ngôi Tổ đình này, dòng Tào Động đã được lan truyền khắp đất Bắc.
Dưới thời Hậu Lê gọi đó là xứ đàng ngoài. Gần đây nhất, trong thập kỷ 70 – 80 – 90, tại Tổ đình đã có bậc long tượng ứng cơ trụ trì, hoằng dương Phật pháp, trùng tu Tổ đình, đó là Đức trưởng lão Hòa thượng Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN pháp húy thượng Đức hạ Nhuận. Trong những năm tháng Ngài trụ trì Tổ đình hoằng pháp độ sinh, để việc Phật sự được trọn vẹn bên cạnh đó công lao lớn nhất có thể kể tới cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Khánh – người đệ tử lớn của Đức Đệ Nhất Pháp Chủ, nhưng cũng đồng thời là người đệ tử thân cận luôn bên Ngài cho tới giờ phút cuối cùng Ngài viên tịch. Sau này trưởng lão Hòa thượng cũng viên tịch tại Tổ đình nơi đây.
Dù Đức Đệ Nhất Pháp Chủ có khi ở Hòe Nhai, Quảng Bá, Đồng Đắc Kim Liên, chùa Phổ Giác (quận Đống Đa) hay về Quán Sứ làm việc, cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Khánh cũng vẫn là người đệ tử luôn sát bên cạnh Ngài với nhiệm vụ “phụng Phật sự sư”. Đặc biệt, ngọn đèn của Tổ sáng rực mãi, từ khi Đức Nhị Tổ Tông Diễn khai sáng cho tới ngày hôm nay là 16 đời trụ trì nhưng lúc nào ngọn đèn của Phật của Tổ cũng được soi sáng tại Tổ đình”.
Qua đó, Hòa thượng giảng sư bày tỏ niềm hoan hỷ bởi hàng chục năm qua, Thượng tọa Thích Tâm Hoan được kế đăng trụ trì ngôi Tổ đình Hồng Phúc là một trong những đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thanh Khánh. Thượng tọa là vị Tăng trẻ được đào tạo căn bản trong các chương trình đào tạo của Phật học, một vị tăng sĩ trẻ giới đức trang nghiêm, hạnh tu khiêm cung, đặc biệt nhất là công việc hoằng pháp và lợi ích xã hội. Thượng tọa luôn là người cần mẫn, gần gũi, thân thương và hết lòng phụng sự giáo pháp của Đức Phật, giảng dạy cho Tăng chúng và hướng dẫn cho Phật tử tu học.
Bên cạnh đó, Thượng tọa là người có công thành lập và duy trì lễ rước Phật vô cùng tôn kính, trang nghiêm trên đường phố của quận Ba Đình – quận trung tâm lịch sử của thủ đô, được chính quyền và nhân dân hết lòng ủng hộ cho nghi lễ này. Bên cạnh đó, ngày húy nhật của Tổ sư, của Đức Đệ Nhất Pháp Chủ luôn được tổ chức trang nghiêm, trọng thể. Hơn nữa, Thượng tọa Thích Tâm Hoan tuy là một vị Tăng trẻ nhưng luôn luôn thực hành hạnh Bồ Tát khi cùng các Phật tử thường xuyên làm nên những chương trình từ thiện hàng tuần một cách âm thầm không mệt mỏi. Khi thì ở đồng bằng, lúc thì miền núi hải đảo xa xôi, dù ngày thường hay ngày Tết…
Nhân dịp này, Hòa thượng giảng sư muốn truyền tải tới đại chúng 4 phương pháp tu “tứ nhiếp pháp” đó chính là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Hòa thượng chia sẻ “khi chúng tôi còn học ở chùa Quán Sứ, cố trưởng lão hòa thượng thượng Thiện hạ Siêu là thầy giáo thọ của chúng tôi, có nhắc và dạy bài này, trong đó có câu “bài tứ nhiếp pháp này như sợi dây vô hình gắn liền mọi người với nhau. Nếu vắng tứ nhiếp pháp thì không còn có sự sống của con người, hay nói cách khác cuộc sống của con người chẳng khác gì loài vật”. Đó là 4 phương pháp tu mà Phật đã dạy”.
Phật giáo Việt Nam là một trong các nước Phật giáo Đại thừa. Mà Đại thừa giáo đề cao tinh thần Bồ Tát đạo, lấy tấm gương, hình ảnh, việc làm của Bồ Tát làm việc thiết thực nhất. Bồ Tát không ở đâu xa, Bồ Tát chính là tất cả con người. Ai giác ngộ, ai hiểu, ai thực hành được việc lợi tha thì người đó gọi là Bồ Tát, là hữu tình giác – tức là từ loài hữu tình mà giác ngộ. Nhưng giác ngộ rồi không phải chỉ làm lợi mình, mà Bồ Tát đạo là vị tha, cho nên phải mang những điều giác ngộ, sở tu, sở chứng của mình để truyền lại cho thế hệ mai sau, truyền lại cho những người đương đại gọi là “giác hữu tình”. Mình giác ngộ, sau đó lại đem những điều mình đã giác ngộ cho mọi người, từ đó mình và mọi người cùng tu để cùng nhau tiến lên bờ giải thoát giác ngộ, đó chính là tinh thần của Bồ Tát đạo.
Bồ Tát đạo tu theo phép lục độ, nhưng trong 6 phép tu đó lấy bố thí đứng đầu. Đức Phật khi còn tại thế tùy theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ. Những ai tham lam Ngài dạy cho phép Bố Thí, ai sân hận Ngài dạy cho phép Nhẫn Nhục, ai si mê Ngài dạy cho phép tu Trí Tuệ. Bồ Tát đạo chính là con đường để chúng ta đến gần nhau hơn. Tổ tiên ta từ ngàn đời đã áp dụng tinh thần Bồ Tát đạo trong cuộc sống hàng ngày qua câu ca dao tục ngữ dạy con cháu “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đặc biệt, tinh thần Bồ Tát đạo là hi sinh, cho nên “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đây là tư tưởng chủ chốt của Bồ Tát đạo dạy người đệ tử tu tập chỉ có Bố thí mới gần lại nhau được. Bố thí tức là sự cho đi rộng rãi. Khi thực hành việc bố thí, việc đầu tiên người Phật tử cần làm là phải “từ tâm thí”.
Làm việc bố thí cho ai đó phải bằng tâm từ bi thành kính của mình. Điều thứ hai là “tự thủ thí”, phải tự tay mình tặng người bằng con mắt đồng cảm, yêu thương và trân trọng. Đặc biệt là phải có “bình đẳng thí”, tức là cúng – tặng – cho – biếu với tâm bình đẳng không phân biệt, nhưng tất cả đều phải “xứng cảnh thí” và “tùy thời thí” tức là bố thí đúng hoàn cảnh, đúng mục đích, đúng thời điểm và đối tượng.
Ngoài ra Hòa thượng còn giảng giải cho các Phật tử hiểu về 3 thứ của Bố thí đó là Tài Thí (nội thí và ngoại thí), Pháp Thí và Vô Úy Thí.
Điều thứ hai trong “tứ nhiếp pháp” là “ái ngữ”, chính là một phép tu để mọi người nói với nhau những lời nhẹ nhàng, ngọt ngào, yêu thương và chân thật. Đối với người Phật tử, một trong ngũ giới đó chính là giới thứ 4: không nói dối. Đây cũng chính là thứ nằm trong “ái ngữ”. Im lặng trong chính pháp, nói năng như chính pháp, không nói chuyện thị phi. Ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên, thanh thản cho người nghe, có tác dụng an ủi vỗ về những người đang bị phiền não, âu lo, sợ sệt. Hãy lấy sự tĩnh tâm của lời nói để an trú trong cuộc sống.
Với “Lợi hành” và “đồng sự”, Hòa thượng tiếp tục gửi lời tri ân tới Thượng tọa trụ trì Thích Tâm Hoan và đạo tràng Tổ đình Hồng Phúc trong nhiều năm qua đã hỗ trợ cùng chư Tăng và nhân dân Phật tử chùa Bằng tổ chức lễ rước Phật kính mừng Phật đản vô cùng trang nghiêm và tôn kính. Hòa thượng vô cùng hoan hỷ khi trong những lễ rước ấy, đạo tràng Tổ đình Hồng Phúc “mặc trang nghiêm, đi trang nghiêm và rất trân trọng từ xe hoa đến nghi trượng”.
Không những thế, chư Tăng và Phật tử chùa Hòe Nhai còn đóng góp công sức vào lễ rước Phật tại trụ sở Trung Ương Giáo Hội chùa Quán Sứ và những nghi lễ khác tại các chùa ở khắp các nơi. Qua việc này, Hòa thượng chia sẻ đây chính là ý nghĩa của từ “Lợi hành”, tức là những công việc, hành động mang lại lợi lạc cho người. Còn “đồng sự” có nghĩa là cùng làm chung việc với người, để giúp đỡ người và cảm hóa người theo lẽ phải, theo chính đạo.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng các Phật tử hãy coi “tứ nhiếp pháp” là kim chỉ nam để tu tập Bồ Tát đạo, hãy làm việc bằng tâm mình, tinh tiến tu tập nhiều hơn nữa để làm lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.