;
“Tu càng lâu, ngã càng cao, đạo càng xa, đọa càng nặng” – câu nói được trích trong cuốn sách Chó Rừng Và Sư Tử của tác giả Thích Chân Tính tưởng chừng như không liên quan gì đến các lĩnh vực xã hội, thế nhưng khi ngẫm kỹ thì chính câu nói đó lại hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, phản ánh hiện thực đời sống cả đời lẫn đạo.
Thông thường, khi một ai đó đạt đến độ tinh xảo trong công việc, dù là công nhân đến bác sĩ, cho đến các vị nguyên thủ quốc gia… nếu không tự phản tỉnh lại chính mình thì tâm cống cao ngã mạn rất dễ trỗi dậy, cho mình là trung tâm của vũ trụ, không xem ai ra gì. Họ tự thấy mình là người có công lao lớn rồi khinh thường, miệt thị kẻ khác, dẫn đến nhiều người không ưa thích họ, từ đó bị mọi người xa lánh, thù hằn và ghét bỏ. Lẽ dĩ nhiên, thì thất bại sẽ đến với những người cống cao ngã mạn không sớm thì muộn.
Trong đạo cũng thế, tu càng lâu nhưng sai đường, ngã cao thì cũng lối cũ ta về, tử sanh tiếp nối, muôn kiếp trầm luân. Người xuất gia, kẻ tại gia nếu không tự hồi quang phản tỉnh, để tâm cống cao ngã mạn đến đỉnh điểm thì than ôi! Tiếc thay, luống uổng một đời người trùng phùng Phật pháp nhưng lại vụn về đường tu.
Hung thần nơi cửa Phật, người cư sĩ lúc mới đến chùa công quả, tâm cung kính Phật, Pháp, Tăng nguyên sơ vững mạnh. Sau một thời gian thân cận, chiếm được lòng tin của mọi người, hay được giao cho một vài công việc quan trọng thì cái ngã theo đó tăng trưởng. Công quả ở chùa lâu năm, ức hiếp người mới, kiểu như “ma cũ ăn hiếp ma mới”, thậm chí có những người muốn điều khiển luôn cả quý Thầy. Phước báu đâu không thấy, chỉ thấy đang tạo nghiệp. Có nhiều người khi đến chùa, thấy trước chùa có những tượng Hộ Pháp tay cầm binh khí, gương mặt dữ tợn thì thấy hoảng sợ.
Khi được hỏi tại sao lại sợ thì họ trả lời thấy mặt dữ quá sợ. Tượng bằng xi măng nguyên chất, có làm hại ai đâu mà sợ? Cái đáng sợ không phải là những bức tượng xi măng, mà là những người đến chùa lâu năm, hình thức thì có sự thay đổi nhưng nội dung thì trở về con số không, khiến cho người khác phải sợ hãi và lánh xa. Điển hình như có hai mẹ con, vì lỡ đường nên đến xin chùa cho tá túc qua đêm. Do là người mới không biết, nên vô nhằm chỗ của một bác Phật tử lâu năm (phòng thì chỗ trống còn rất nhiều). Lẽ ra, bác này thấy có trẻ nhỏ phải thông cảm, vậy mà nửa đêm lại đánh thức hai mẹ con dậy, lấy mền lấy gối, nói nặng lời, bắt hai mẹ con phải đi chỗ khác. Hai mẹ con phải lủi thủi dời đi trong nước mắt. Chỉ nhiêu đó thôi để thấy được rằng, nếu chúng ta vô chùa làm công quả, không khéo tu thì rất dễ trở thành hung thần, khiến người khác phải hoảng sợ.
Đối với người xuất gia, lúc mới chỉ là chú tiểu, chí xuất trần còn mạnh như cội cây cổ thụ, bão táp không dễ gì làm cho gốc rễ lung lay. Tuy nhiên, khi đã thọ đại giới, được Phật tử gọi bằng Thầy, thì bắt đầu từ thời điểm này, nếu không hồi quang phản tỉnh, thiếu tâm khiêm hạ thì rất dễ bị lôi cuốn vào vòng thế tục, như cây yếu trước gió dần xa rời lý tưởng cao đẹp ban đầu. Cho nên, con đường đạt đến đạo quả thật khó thay!
Một hôm, đứng trên bờ sông Ganga, đức Phật nhìn thấy một khúc gỗ lớn đang trôi theo dòng nước chảy về phương Đông. Phật dạy, khúc gỗ kia nếu không bị vướng vào hai bên bờ, nếu không bị người ta vớt lên hoặc bị mục nát tan rã, thì sẽ cứ trôi như thế cho đến ngày ra tới biển cả.
Trên con đường tu tiến theo chánh pháp, nếu không bị vướng mắc vào các cạm bẫy của cuộc sống hàng ngày, không bị người đời lôi cuốn ra khỏi con đường tu tiến, không tự thối chí ngã lòng, chắc chắn các Thầy sẽ đi đến đại dương của sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.
Lời kinh ghi lại, vẳng như bên tai pháp âm vi diệu cảnh tỉnh chúng sanh. Quả thật, người tu xét cho cùng, mục tiêu tối hậu vẫn là Niết-bàn, giải thoát tử sanh. Thế nhưng, để đạt được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Bồ-tát hạnh, trí tuệ, phải trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trao dồi các công hạnh Ba-la-mật, một khoảng thời gian dài vô tận. Cho nên, chỉ có một chúng sanh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trên thế gian, đó là đức Phật.
Còn chúng ta phước mỏng nghiệp dầy. Lúc Phật xuất thế thì còn đang trầm luân, không được đích thân nghe được những lời dạy từ kim khẩu của Ngài, nhưng cũng may thay vì còn được đọc, được nghe lời Ngài dạy qua những trang kinh.
Chính vì vậy, chúng ta phải biết trân quý thân người, thường thân cận bậc minh sư, nghiên cứu kinh điển, lánh dữ làm lành thì mới có sự thăng hoa trên con đường tu tập, tiến đến đạo lộ giải thoát.
Tâm Thịnh