;
I. Kinh Hành
Cách nay hơn 25 thế kỷ, nơi xứ Ấn độ linh thiêng và đầy màu sắc tôn giáo, người ta nhận thấy có một tăng đoàn hành khất do đức Phật Thích Ca Mâu Ni lãnh đạo.
Hình ảnh đoàn hành khất thật trang nghiêm và thanh tịnh đã gây xúc động không biết bao nhiêu con tim và tạo nên tình cảm kính quý vô vàn trong lòng xã hội từ vua chúa cho đến thứ dân.
Hình ảnh ấy biểu trưng cho sự giải thoát của những bậc đã giải thoát mà đức Phật là vị khai sáng.
Họ đã giải thoát khỏi sự ràng buộc bởi vật chất và tình cảm thế gian và sống một đời sống tâm linh thanh thoát ngay trong cuộc đời lắm sự trói buộc này. Có lẽ, không ai nghĩ rằng đức Phật khất thực vì cái ăn bởi vì ai cũng biết rằng Ngài xuất thân từ địa vị thái tử của một nước giàu có.
Vậy thì, mục đích thực hành hạnh nguyện này, theo lời Phật đáp lại yêu cầu của vua cha, là theo truyền thống của chư Phật. Là vị Phật, Ngài cũng phải kế thừa truyền thống ấy và cũng để làm tấm gương mô phạm hướng dẫn tăng đoàn đệ tử cũng như giáo hóa chúng sanh.
Bậc khất sĩ đầu ‘đội trời’ chân ‘đạp đất’ là biểu trưng cho sự thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi hướng đến với mọi người.
Không phân biệt sang hèn, phẩm vật ngon dỡ, nhiều ít thì làm gì có tâm tham và sân khởi lên khi nhận phẩm vật. Sự thanh tịnh của tâm sẽ chế tác nên năng lượng công đức và phước báo để có thể nuôi lớn tâm vị hành khất và mặt khác hồi hướng cho các Phật tử cúng dường.
Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ ngọ tức trước lúc mặt trời đứng bóng.
Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không.
Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín.
Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá bảy nhà.
Chư vị không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh, các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên, cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức ăn ngon hơn.
Kinh hành quán tưởng niệm Phật: Đây là phương Pháp kinh hành niệm Phật, kết hợp quán tưởng, tức là miệng niệm Phật trong lúc đi kinh hành, quán tưởng mình đang bước trên hoa sen.
Khi bước chân phải lên quán tưởng mình đang bước đi trên hoa sen, miệng niệm hai chữ: Nam Mô, rồi tiếp bước chân trái lên quán tưởng mình đang bước trên hoa sen, miệng niệm hai chữ: A Di, bước tiếp chân phải lên quán tưởng mình đang bước trên hoa sen niệm chữ: Đà và sau cùng bước tiếp chân trái lên cũng quán tưởng mình bước trên hoa sen niệm chữ: Phật. Như vậy khi kinh hành niệm một câu Phật hiệu thì đi bốn bước chân, bốn khoảng thời gian niệm: Nam Mô, A Di, Đà và Phật đều bằng nhau mỗi khi chúng ta bước tới một bước.
Kinh-hành niệm-Phật
Vừa đi niệm Phật
Miệng niệm tai nghe
Bước đi thật đều
Không nên lật đật.
Kinh hành là đi vòng quanh điện Phật để niệm Phật. (Bước đều đặn, bước theo tiếng Niệm Phật. Thí dụ: Nam Mô A “Bàn chân trái” thì Di Đà Phật “Bàn chân phải).
Đây cũng là một phương pháp rất tốt. Vừa lợi ích cho sức khỏe cũng vừa lợi ích cho sự nhiếp tâm.
Một buổi hành lễ, muốn cho thân tâm được an lạc thoải mái, thì ta phải khéo linh động, thay đổi động tác. Lạy nhiều thì mệt, ngồi lâu thì bị tê chân, đứng lâu thì mỏi, nên cần phải có đi.
Ba động tác nầy cần phải thay đổi. Cho nên sau khi đại chúng ngồi niệm Phật, thì phải đứng lên đi kinh hành. Thời gian lạy, ngồi và đi, đều có phân chia thời gian thích hợp.
Điều ta nên nhớ, khi đi kinh hành, tai ta nghe tiếng nhạc niệm Phật, miệng ta niệm nhỏ theo. Điều quan trọng, ta nên chú ý là: “Nghe”, “tiếng”, và “bước đi” cả 3 đều phối hợp cho đều nhau.
Tai ta nghe rõ ràng từng câu hiệu Phật. Tâm ta duyên theo tiếng và hòa nhập cùng với tiếng nhạc, tiếng đại chúng và tiếng của ta thành một.
Nên nhớ là nương vào tiếng, chớ không phải dính kẹt vào tiếng.
Như thế, thì tâm ta không phóng nghĩ ra ngoài âm thanh niệm Phật.
Khi phóng nghĩ, ta liền nhận diện nó rõ ràng. Muốn nhận rõ, ta cần phải có chánh niệm.
Chánh niệm là ngọn đuốc soi sáng qua mọi hành động và ý nghĩ của tâm ta. Ta chỉ cần nhận rõ vọng tưởng, tức thời vọng tưởng sẽ tan biến ngay. Vì bọn chúng không thật. Cho nên, lúc nào cũng phải có trí huệ soi sáng. Có thế, thì chắc chắn sự tu hành của chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp cao.