;
Đồ ăn chay tràn lan với mùi vị giống đồ ăn mặn
Theo quan niệm của Phật giáo, ăn chay là để dưỡng pháp thiện, tĩnh tâm, kiêng sát sinh. Ăn chay là sự trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn. Nhưng ngày nay, ăn chay không đơn thuần chỉ phục vụ vấn đề về tôn giáo. Ðối tượng ăn chay vì thế cũng đã mở rộng và ăn chay trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Ðể chiều lòng các thượng khách thì thực đơn đồ chay cũng được biến tấu bắt mắt hơn, hương vị cũng phong phú hơn.
Các thực phẩm chay đều được gọi bằng tên của đồ ăn mặn, ví dụ như bò lát, gà ướp xả, tôm, cá thu, sườn non, heo quay, sườn khúc chay, chà bông gà. Nó cũng được xem là cứu cánh với người tiêu dùng khi thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan và khó kiểm soát.
Đồ ăn chay tràn lan với mùi vị giống đồ ăn mặn
Giá của hầu hết các đồ ăn chay đóng gói sẵn khá “mềm”, nhiều loại giá bán tính ra khoảng bằng 2/3 giá của sản phẩm mặn cùng loại. Giò chay 60.000 đồng/kg, ruốc thịt chay khoảng 170.000 đồng/kg, một số thực phẩm chay đóng hộp như: Cari gà, bò hầm, thịt hầm măng, nấm… giá từ 15.000-35.000 đồng/hộp.
Năm nay, thị trường có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay, tương đậu Hàn Quốc, mì chay nấm nhiều mẫu mới và các loại cá hồi, ba sa, điêu hồng, tai tượng. Đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú, ngoài các thương hiệu uy tín lâu năm như sản phẩm đóng gói sẵn của Công ty Âu Lạc, Kim Chi, thì cũng có nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, gần đây, hàng loạt vụ thực phẩm chay được phù phép, ngâm tẩm hóa chất bị phanh phui. Ví dụ như sườn non giả mặn có dòi, đậu sử dụng thạch cao. Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, thật giả lẫn lộn như hiện nay đã khiến người tiêu dùng phải nghi ngờ đặt câu hỏi về sự an toàn của những món ăn chay đang được bày bán ở cửa hàng.
Hương liệu trong đồ ăn chay độc tới cỡ nào?
Trả lời báo chí, bà Đặng Hồng Diễm, chủ nhà hàng đồ ăn chay Nàng Tấm, tại phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết, đồ ăn chay ngon phải bảo đảm sạch, đủ chất dinh dưỡng. Điều dễ nhận thấy là các món chay sử dụng rau củ, khoai, đậu đỗ… để chế biến thì không thể nào có độ giòn dai. Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm chay đóng gói sẵn, thực khách dễ dàng thấy độ giòn, dai trong mỗi món chay. Một số món chay giả mặn như xúc xích, thịt gà, ốc… nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà sản xuất phải sử dụng phẩm màu, phụ gia để những sản phẩm này trông bắt mắt, có hình dáng giống thực phẩm mặn.
Hương liệu trong đồ ăn chay độc tới cỡ nào?
Ở nhà hàng chay, các đầu bếp hạn chế sử dụng thực phẩm chay đóng gói sẵn, mà thường mua thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên ở chợ, rồi tự chế biến các món. Chế biến món ăn chay đòi hỏi cầu kỳ và mất thời gian để tạo được tính thẩm mỹ giúp cho người ăn chay thấy ngon miệng hơn.
Bà Đặng Hồng Diễm nói: “Khi dùng những thực phẩm chay đóng gói thì ít nhiều nó cũng phải có hóa chất bảo quản, thì khi dùng phải ngâm rửa, thậm chí có những món phải tráng qua nước chanh hoặc nước muối để loại trừ hết chất bảo quản. Có món chỉ được sơ chế trong ngày, có những món có thể bảo quản ở tủ đông hoặc tủ mát thì có thể để được 2 đến 3 ngày”.
Theo thông tin được đăng tải trên báo Gia đình và Xã hội, BS Nguyễn Trọng An, Chuyên gia Dinh dưỡng Bà mẹ-Trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết, thông thường, đồ ăn chay chủ yếu làm từ đậu nành, rau củ quả. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm…
Đặc biệt là chất tạo màu, tạo mùi, nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng gây rối loạn về hormone giới tính, thậm chí gây ung thư. Các thực phẩm có chất acid oxalic nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt ở những người có tiền sử về thận, khớp, gút… nguy cơ cao bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh về xương khớp và thần kinh.
Trong khi đó, trả lời HTV, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết những hóa chất được sử dụng để tạo hương vị hay cố định hình dáng thực phẩm chay giả mặn như hình đùi gà, con cá, thịt heo quay khi vào cơ thể người sẽ liên kết với các thành phần protein tạo ra các chất gây ung thư.
Lâu nay, nhiều người cho rằng, chỉ có chất bảo quản mới gây hại, thế nhưng đối với thực phẩm chay, trên thực tế, nhiều chất khác thậm chí còn độc hại hơn như chất tạo mùi, vị, định hình mà ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại. Chính vì suy nghĩ, “đồ chay là sạch, vô hại” nên ít khi thấy cơ quan chức năng kiểm tra loại thực phẩm này.
Chế độ ăn chay mặc dù đúng là có giúp con người tránh được một số bệnh nhưng không hoàn toàn tuyệt đối. Bởi người ăn chay cũng có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe như không đủ chất đạm, thiếu chất béo... Những người ăn chay trường thường dễ bị thiếu máu, loãng xương, giảm đề kháng… do thiếu các vi chất dinh dưỡng như: Acid folic, sắt, vitamin B12, kẽm, phốt pho, canxi… vì các chất này trong thức ăn thực vật khó hấp thu hơn thức ăn động vật.
PV(t/h)
Nguồn:http://www.sohuutritue.net.vn/huong-lieu-trong-do-an-chay-doc-toi-co-nao-d19276.html