;
Hình minh họa
Đa số chúng ta thường có quan niệm lầm lẫn, cứ nhìn vào người xuất gia, cho là những thần tượng, là những bậc Hiền Thánh, là những vị đã vượt qua người thế gian.
Nhưng nếu được ở gần các vị ấy một thời gian, mới thấy các vị ấy thỉnh thoảng cũng lộ ra đôi chút phiền não; lúc bấy giờ các thần tượng đều sụp đổ, các Phật tử mới than:
“Tưởng các vị tu hành là Thánh hết, tại sao còn dở quá vậy?”
Rồi chán nản không còn muốn tu theo.
Như thế, quan niệm đó đúng hay sai?
Đấy là điều tôi muốn nhắc quí vị.
Người tại gia, kể cả người xuất gia, quí vị phải quan niệm cho đúng.
Chúng tôi chưa có ai được vào hàng Thánh, chúng tôi là phàm Tăng, phàm Ni; đã là phàm tức là đang tu, đang tu tức là chưa sạch.
Quí vị nên nhớ rõ, người nào đang tu tức người đó chưa sạch, như chiếc áo còn đang giặt chưa phải là áo sạch, nếu sạch rồi không ai giặt nữa.
Như vậy còn giặt là còn nhơ, còn tu là còn khuyết điểm; còn khuyết điểm nên mới tu cho hết điều dở, xấu; hết khuyết điểm thì tu làm chi nữa, vì đã là Phật rồi.
Vì thế đối với người tu, không nên đòi hỏi các vị ấy phải là thần tượng, phải là hiện thân của chân lý.
Tuy nhiên có thể đòi hỏi các người tu như thế này: Nếu người tại gia xấu một trăm phần thì ít ra người xuất gia cũng được năm chục phần tốt, chỉ còn năm chục phần xấu, điều đó khả dĩ được.
Người còn tu chưa phải toàn vẹn trăm phần, toàn vẹn là khi nào thành Phật.
Người đang tu hơn được quí vị chừng hai, ba mươi phần trăm, hay khá lắm là năm mươi phần trăm là được lắm rồi, không nên đòi hỏi quá đáng.
Hiểu như vậy, quí vị mới có thể thông cảm được với người tu và ở gần không chán.
Nhưng người tu có nhiều điểm khác người thế gian, như người thế gian nghe lời trái tai có thể giận mười năm không bỏ; với người tu thì khác, trong sách có câu “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng giận không quá một đêm.
Như vậy người tu hay người thế gian đều có giận nhưng người tu chỉ giận chốc lát rồi bỏ.
Không nên đòi hỏi người tu không còn tâm giận, vì tham sân si là ba cái gốc của cõi luân hồi này, còn ở cõi này tức là còn tham sân si.
Khi nào dẹp sạch ba độc này là chứng quả A-la-hán; song hiện nay mấy ai chứng quả A-la-hán?
Nhưng có điều hay là người tu khi làm điều dở bị phê bình liền biết hối cải.
Tỉ dụ như người biết tu khi vừa nổi sân liền bị người chỉ lỗi “đó là hắc phong”, người biết tu liền hối hận bỏ ngay.
Như vậy là tốt, là đáng khen, chớ đừng bảo người tu không có giận.
Tất cả quí Phật tử cũng vậy, khi làm việc gì dở, được sự chỉ dạy của người trên, hoặc sự nhắc nhở của đồng bạn hay tự mình biết điều đó là dở liền bỏ, đó là người trí tuệ.
Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không có điều dở, chúng ta có dở, nhưng biết sửa đổi, đó là tốt, là trí tuệ.
Nếu dở mà cứ che giấu trong lòng hoài, đó là người không hiền.
Không hiền là người gì?
Là kẻ dữ.
Người che giấu lỗi hoài là kẻ dữ, còn người hiền có lỗi gì phơi bày ra rồi chừa bỏ, đó là người tốt, người khôn ngoan, người trí tuệ.
Trích trong KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI (Phẩm Thứ Ba Nghi Vấn)
Hòa thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ