;
Tại Làng Mai, chúng ta thường nói Tịnh độ và Ta bà tương tức. Tịnh độ được làm bằng chất liệu của Ta bà, cũng như hoa được làm bằng chất liệu của rác, nếu không có rác thì sẽ không có hoa. Ví dụ mà chúng ta thường dùng là sen với bùn, không có bùn thì không thể có sen, chỗ nào có sen là chỗ đó có bùn và chỗ nào có bùn thì ở đó chúng ta có thể trồng sen. Chúng ta thường nói với các bạn Kitô giáo: Ý niệm cho Thiên đường (Thiên quốc) là một nơi biệt lập không có khổ đau cũng như ý niệm coi Tịnh độ là một nơi không có khổ đau là những ý niệm còn ngây thơ.
Là người học Phật sâu sắc chúng ta phải thấy được điều đó. Con người thường sợ hãi, chán ghét khổ đau nên tìm cách trốn chạy khổ đau. Người ta mơ tưởng đến một cõi không còn khổ đau và gọi đó là Tịnh độ hay Thiên quốc. Đó là khuynh hướng chung của mọi người, khuynh hướng trốn chạy cõi khổ đau này để đi tìm một cõi khác không có khổ đau. Vì vậy Tịnh độ hay Thiên quốc có thể là một sáng tạo phẩm của trí óc chúng ta. Đó là nhu yếu của con người. Nếu Tịnh độ hay Thiên quốc là một nơi không có khổ đau thì quả thật đó là một sản phẩm do trí óc tưởng tượng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa Tịnh độ và Thiên quốc không phải là những cái gì không có thật, chúng có thật nhưng không có như chúng ta nghĩ.
Theo định nghĩa của Làng Mai thì Tịnh độ và Thiên quốc là những nơi có hiểu biết, có thương yêu. Đó là nơi con người biết sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc. Chúng ta cần sự hiểu biết và thương yêu nên ta mới mong về Thiên quốc và Tịnh độ. Nơi nào có hiểu và thương thì nơi đó ít khổ. Quán chiếu tính tương tức giữa rác và hoa, giữa phiền não và bồ đề, chúng ta thấy làm gì có hiểu và thương nếu không có khổ đau, làm gì có sen nếu không có bùn? Khổ đau dạy cho ta biết hiểu và biết thương. Khổ đau có công dụng của nó, chúng ta lớn lên và làm người được là nhờ khổ đau, chúng ta học hỏi được là nhờ khổ đau.
Phương pháp của đạo Bụt không phải là chạy trốn khổ đau mà là nhận diện và nhìn sâu vào khổ đau. Ngay trong sự thật thứ nhất của giáo lý Tứ diệu đế tức khổ đế, giáo lý căn bản của đạo Bụt, chúng ta đã thấy thái độ của đạo Bụt là không chạy trốn khổ đau mà ta phải dừng lại, đưa nỗi khổ niềm đau lên và nhìn sâu vào nó. Ta nhìn sâu vào trong khổ đau để thấy nguyên do, gốc rễ của khổ đau, nghĩa là thấy được sự thật thứ hai là tập đế. Hiểu được sự thật thứ nhất và sự thật thứ hai thì ta sẽ đi tới sự thật thứ tư là đạo đế, tức con đường đưa tới sự chuyển hóa khổ đau.
Ta không thể hiểu được sự thật thứ ba (diệt đế) nếu ta không hiểu được sự thật thứ nhất và sự thật thứ hai. Điều kiện căn bản để thấy được đạo là phải hiểu được khổ và bản chất của khổ là gì. Chạy trốn khổ đế và tập đế thì không bao giờ thấy được đạo đế, mà không thấy được đạo đế thì không bao giờ có thể đạt tới hạnh phúc, tức diệt đế. Diệt là diệt khổ, diệt đế là sự chuyển hóa và chấm dứt khổ đau.
Khổ đau cho con nguời cơ hội để hiểu và thương
Tứ diệu đế có hai cặp nhân - quả: tập làm nhân cho khổ và đạo làm nhân cho diệt, gốc rễ khổ đau tạo ra khổ đau, và con đường thực tập đưa tới sự chấm dứt khổ đau. Ngay trong giáo lý căn bản Tứ diệu đế, chúng ta cũng đã thấy được tính tương tức của hoa và rác, của khổ và diệt, của tập và đạo. Một nơi mà không có khổ đau thì cũng không có hiểu biết và thương yêu. Chúng ta nói tới sự thiết dụng của khổ đau (the goodness of suffering): Khổ đau rèn luyện con người, cho con người có cơ hội để có thể hiểu và vì hiểu được nên mới thương được.
Chúng ta hãy thử gửi con cháu ta tới một nơi không có khổ đau. Con cháu ta sẽ không bao giờ có cơ hội chế tác chất liệu của hiểu và thương nếu chúng không biết đói, biết nghèo, biết chiến tranh là gì. Cho rằng Tịnh độ hay Thiên quốc không có khổ đau là một điều rất vô lý! Chư Bụt và chư Bồ tát lấy gì để dạy cho dân chúng ở những nơi đó? Chúng ta lấy gì để nuôi sen nếu không có bùn?
Ở cõi Ta bà có dư giả khổ đau nên chúng ta có cơ hội thực tập. Khổ đau cần thiết nhưng chúng ta không cần phải chế tác thêm nữa vì chúng đã có quá nhiều. Rác có quá nhiều nên bây giờ ta phải học cách chuyển rác thành hoa. Nhờ có rác nên có hoa, nhờ có nhiều rác nên ta có nhiều hoa.
Khi đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác, chúng ta có thể cho họ biết quan điểm của chúng ta về Thiên đường hay về Tịnh độ vì giáo lý đạo Bụt không dựa trên đức tin mà dựa trên sự quán chiếu. Sự quán chiếu cho chúng ta biết rằng không có phiền não thì không có bồ đề, không có rác thì không có hoa, không có Ta bà thì không có Tịnh độ. Đó là tính tương tức giữa phiền não và bồ đề, một dấu ấn của Phật pháp và nếu đánh mất dấu ấn đó thì chúng ta đi vào tà đạo.
Người hành giả thấy rác không sợ, có rác thì ta biến rác thành hoa. Người hành giả thấy khổ đau không sợ, có khổ đau thì ta biến khổ đau thành hiểu và thương. Chúng ta có thể đánh tan cái ảo giác “có một cõi chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau” khi thấy được tính tương tức giữa phiền não (sự thật thứ nhất) và bồ đề (sự thật thứ ba).
Quan niệm bất thối chuyển
Trong đạo Bụt chúng ta có quan niệm bất thối chuyển, tức là sự không còn rơi xuống, không còn đọa lạc trở lại. Không đọa lạc trở lại không có nghĩa rằng nếu đã là hoa thì sẽ vĩnh viễn là hoa và không thành rác trở lại. Ta tưởng khi mới tu thì ta đang ở cõi khổ đau, mê mờ, ta đang ở cõi rác. Khi tu thành rồi thì ta ở cõi hạnh phúc, cõi sáng suốt và ta sẽ thường tại trong cõi đó, ta vĩnh viễn xa lìa cõi khổ đau. Nhưng vì khổ đau và hạnh phúc tương tức cho nên bất thối chuyển không có nghĩa là rác không trở thành hoa và hoa không thành rác trở lại. Hoa có thể thành rác trở lại. Một niềm vui hay một hạnh phúc cũng vậy, vì tất cả đều vô thường. Vô thường là một dấu ấn của Phật pháp (một trong Tam pháp ấn). Giáo lý nào đi ngược lại vô thường, vô ngã và Niết bàn thì giáo lý đó không phải đích thật là giáo lý đạo Bụt. Khổ đau và hạnh phúc cũng như rác và hoa, chúng đều vô thường. Chữ bất thối chuyển ở đây không có nghĩa là hoa không trở thành rác mà có nghĩa là khi hoa thành rác thì ta vẫn giữ được khả năng chuyển rác thành hoa. Chúng ta đã từng hiểu lầm chữ bất thối chuyển, ta cho rằng: khi rác đã trở thành hoa, phiền não đã trở thành bồ đề rồi thì ta vĩnh biệt rác, vĩnh biệt phiền não. Trên sự thật vô thường thì bông hoa nào cũng phải trở thành rác. Nếu là một người làm vườn khéo léo ta sẽ không sợ hãi khi hoa trở thành rác, vì ta biết trong rác có hoa và ta sẽ chuyển rác thành hoa trở lại.
Đó là sự sống, sự sống là vô thường, vô ngã và tương tức. Chữ “không đọa lạc” có nghĩa là không sợ hãi khi hoa trở thành rác vì ta biết cách liên tục biến rác thành hoa trở lại. Bất thối chuyển là nắm vững được pháp môn chứ không phải là sự tách rời vĩnh viễn giữa hoa và rác, sự tách rời vĩnh viễn giữa phiền não và bồ đề.
Hoa vĩnh viễn là hoa và mãi mãi không còn là rác nữa, ý niệm đó đi ngược lại với tuệ giác tương tức vì nhìn vào trong rác ta thấy hoa và nhìn vào trong hoa ta thấy rác. Muốn học Phật một cách thông minh ta phải có khả năng buông bỏ những ý niệm ngây thơ của mình về Phật pháp.
Trong cơ thể ta có rác và có hoa. Khi ta nâng lên trong tay một dĩa thức ăn thơm ngon thì dĩa thức ăn đó là hoa. Nhưng một giờ đồng hồ sau khi ăn thì dĩa thức ăn đó sẽ biến thành rác. Tất cả những chất liệu bổ dưỡng thấm vào cơ thể ta, lúc đầu là chất nuôi dưỡng, nhưng sau đó nó cũng thành rác và ta phải bài tiết ra, ta bài tiết không chỉ bằng cách đi cầu, đi tiểu mà còn bằng cách thở hay toát mồ hôi. Những chất ta bài tiết đều là rác. Nhìn vào dĩa cơm thơm ngon ta biết đó là từ rác mà ra. Nếu không có phân rác thì làm sao ta làm ra hoa trái, lúa gạo? Đó là đứng về phương diện vật chất. Đứng về phương diện tinh thần cũng vậy, những niềm vui và những đau khổ của ta đều có tính cách hữu cơ. Chúng là hoa, nhưng sau một thời gian thì trở thành rác. Tất cả đều theo định luật vô thường, rác vô thường mà hoa cũng vô thường. Chính nhờ vô thường nên ta có thể biến phiền não thành bồ đề.