;
Chúng ta đang sống trong một đất nước bình an dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Nhờ đó chúng ta cũng đang được sống trong một xã hội tràn đầy nhân văn và nhân bản của dân tộc Việt Nam.
Nhân văn đó chính là đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Nhân bản đó chính là "ăn quả nhớ người trồng cây" và cũng chính là lời dạy nổi tiếng của Hồ Chủ Tịch: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước".
Thiết nghĩ từ thời sơ sử, nước Việt ta vào năm 40 sau công nguyên. Cuộc khởi nghĩa chống lại giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo tài tình của hai Bà Trưng, trong đoàn quân đó có một người con gái là con của một Ni Cô (sau khi có gia đình rồi vị Ni Cô này mới xuất gia - Theo Tiến Trình Văn Hoá Việt Nam của GS Nguyễn Khắc Thuần). Điều đó cho chúng ta thấy rằng Đạo Phật đã có mặt tại đất nước ta từ những năm đầu của Công nguyên.
Tại các tự viện, chùa chiền đều treo bảng hiệu "Đạo Pháp Dân Tộc" Điều này khẳng định rằng: Đạo Phật Việt Nam là của Việt Nam, luôn phụng sự cho con người và Tổ quốc Việt Nam.
Bằng chứng lịch sử vào thời kỳ Lý Trần từ năm 1009 - 1400 đất nước ta lấy Phật giáo làm quốc giáo. Tổ tiên đã được hưởng thái bình huy hoàng lâu nhất từ trước tới giờ. Nhờ có Phật giáo nên trong thời kỳ này ông cha ta đã đánh bại tư tưởng ít dân, ít học để dễ bề cai trị của Lão giáo và tư tưởng tôn quân đại thống nhất của Nho giáo (chỉ tôn vinh, tôn phò thiên tử, Hoàng đế Trung quốc, họ coi đây là hành lang pháp lý để ngăn cản mọi hành vi phản kháng của nhân dân ta).
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có nhiều vị tu sĩ Phật giáo cởi áo cà sa khoác chiến bào. Nhiều tự viện, chùa chiền đã biến thành nơi che chở, gặp gỡ, hội họp, giao liên...của cách mạng.
Ngọn đuốc sống của Bồ Tát Thích Quảng Đức cũng là bằng chứng sống động chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Ngài đã tiếp sức cho lòng yêu nước, yêu dân tộc và yêu đạo pháp vì dân tộc.
Nhiều hộ dân Hà Nội có tín ngưỡng đạo Phật treo Đạo kỳ mừng Phật đản tại tư gia - Ảnh: chuabang.com
Nay trong khuôn khổ pháp luật của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ta, đã và đang ban hành luật quyền tự do tín ngưỡng, tự do Tôn giáo. Vậy tại sao có một số địa phương như ở TPHCM và Gia Lai lại không cho phép treo cờ Phật giáo cũng như các băng rôn, biểu ngữ kính mừng Phật đản ra khỏi khuôn viên Tự Viện với lý do không chính đáng đó là "giữ gìn nét đẹp văn hoá đường phố". Vậy thử hỏi các biển hiệu, quảng cáo của các cửa hàng, quán sá, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, mát xa, xông hơi, bia ôm, nhận nạo phá thai ngoài giờ... được trưng bày nhan nhản một cách tuỳ tiện, phải chăng đây là có văn hoá, có nét đẹp, có giữ gìn nhân văn?
Giả thiết được đặt ra, nếu như các biểu tượng đạo Phật nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng được in hoặc vẽ lên mũ, nón, áo, khăn quàng, túi xách, cặp sách, áo đi mưa, dù che nắng, xe máy, xe ô tô, xích lô, xe đạp, máy cày, máy kéo... liệu rằng các cấp chính quyền ở các địa phương đó có cấm được không?
Đôi dòng tâm tình xin kính gửi đến các cấp chính quyền, những địa phương đã, đang và sẽ có quyết định cấm như trên nên xem xét lại vấn đề "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây"!
Xin kính chúc an lành!
Nguyễn Đức Công
_________________________________________________
Xã Bà Điểm - huyện Hóc Môn cấm treo cờ mừng Phật đản
Ngày 21/4/2017, Phật giáo xã Bà Điểm đã nhận được một Thông cáo 531/UBND của UBND xã chỉ đạo các cơ sở Phật giáo không được treo cờ ngoài khuôn viên chùa, không giăng băng rôn, pano ngang qua đường
Hòa cùng niềm vui chung của người con Phật trên toàn thế giới, Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chưc Vesak tại Hà Nội (2008 -2014), trước và sau đó, trên toàn quốc cũng đã nghiêm trang tổ chức Phật Đản theo tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng của nước Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Với tinh thần thượng tôn luật pháp, với ý thức bảo vệ môi trường và trật tự xã hội, chưa một đại lễ nào của Phật giáo vi phạm những điều trên đây. Có được những điều như vậy, một phần do sự chỉ đạo sâu sát từ Giáo hội, một phần tinh thần có ý thức, có kỷ luật của người con Phật.
Ngày 21/4/2017, Phật giáo xã Bà Điểm đã nhận được một Thông cáo 531/UBND của UBND xã chỉ đạo các cơ sở Phật giáo không được treo cờ ngoài khuôn viên chùa, không giăng băng rôn, pano ngang qua đường với lý do:
Nhằm đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị và xây dựng tuyến đường văn minh-mỹ quan đô thị, gắn với việc thực hiện phong trào "xây dựng nông thôn mới - văn minh đô thị trên địa bàn xã".
Nâng cao vai trò trách nhiệm cộng đồng dân cư đối với việc xây dựng môi trường sống-xanh-sạch đẹp trên địa bàn xã.
Nhân dịp đại lễ Phật Đản 2561, UBND xã Bà Điểm kính đề nghị các cơ sở tự viện của Phật giáo Việt Nam trên địa bàn xã
+ Chấp hành đúng theo quy định của Pháp luật về tổ chức đại lễ Phật Đản PL 2561 chỉ treo cờ, phan phướng, lồng đèn, biểu ngữ Kính mừng Phật Đản v.v...trong khuôn viên của các cơ sở.
+ Không được treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi khuôn viên của các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, không được treo băng ngang qua đường, trên các vỉa hè, lòng lền đường, gây mất mỹ quan đô thị nhằm góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tạo mỹ quan đô thị, giúp các tuyến đường giao thông được thông thoáng sạch đẹp.
Công văn do Phó chủ tịch UBND xã Bà Điểm ký .
Với những lý do mà ông phó chủ tịch xã Bà Điểm nêu thiếu thuyết phục. Không cho treo cờ ra ngoài khuôn viên là thể hiện "văn minh, mỹ quan đô thị" và "xây dựng nông thôn mới".
Thế thì những bảng quảng cáo kinh doanh ăn uống, sửa xe, bán hột vịt lộn,hớt tóc, các tờ rơi dán khắp cột đèn- tường nhà... là thể hiện văn minh đô thị - xanh sạch đẹp, trong khi cờ đèn tôn giáo chỉ treo một tuần mà mất vẻ mỹ quan và không giữ đô thị xanh-sạch-đẹp??? và suốt thời gian Phật giáo không treo các biểu tượng ra ngoài khuôn viên, xã Bà Điểm đã là văn minh đô thị, xanh, sạch đẹp chưa?
Quy định luật pháp về việc treo cờ, biểu ngữ nhân mùa Phật Đản trong khuôn viên cơ sở tự viên thuộc văn bản, pháp quy nào, nếu đúng như thế, chả lẽ Thông Bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật Đản 2561 là sai quy định pháp luật?
Nội dung Thông bạch,do Hòa thượng Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, hướng dẫn, mục thứ III:
HÌNH THỨC TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN :
2. Treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni, biểu ngữ Kính mừng Phật đản v.v… tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cơ sở Tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tại tư gia Phật tử trong cả nước. Để việc treo cờ được trang nghiêm, cờ Tổ quốc bên tay trái, cờ Phật giáo bên tay phải (từ mặt chính diện trụ sở nhìn ra).
Trường hợp treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi địa điểm tổ chức lễ đài, cần trình Sở, Phòng Văn hóa Thể thao Du lịch địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
Như thế, việc treo cờ và các biểu tượng mừng lễ do Sở, Phòng văn hóa Thể Thao Du lịch quy định, cho phép chứ không phải sự cho phép và chỉ đạo của UBND xã.
Thiết nghĩ lễ Noel hàng năm, tín đồ và giáo xứ Bà Điểm, Xuân Thới Thượng đều được bày hang đá, chúa hài đồng, cờ và biểu ngữ giăng ngang đường lộ nội bộ, mà chính quyền không dám hé môi. Khu vực Biên Hòa - Hố Nai - Phú Túc ... không hề bị chỉ định treo cờ trong khuôn viên. Mỗi lần Phật Đản là các cơ sở Phật giáo cứ phải đối diện với những quy định "áo tròng khỏi đầu", mà đa phần chùa chiền đều nằm trong thôn xóm chứ ít có nơi lộ diện ra mặt tiền đường.
Xã Bà Điểm có toàn quyền chỉ định hay Phòng Thể thao du lịch có quyền quy định? Thông cáo 531 của Xã Bà Điểm đúng hay Thông bạch của Trung ương GHPG VN đúng?
Đây là quyền hạn tuyệt đối được trao cho cấp xã hay sự chỉ đạo từ cấp Thánh phố, quận huyện? Phật giáo xã Ba Điểm nói riêng và Huyện Hốc Môn nói chung mong có sự hồi đáp của các cấp thẩm quyền để Phật giáo được hưởng một mùa Phật Đản an lành.Chả lẽ chính sách nhà nước đối với tôn giáo thiếu nhất quán?
Hơn lúc nào hết, xã hội cần tạo sự dễ dãi cho Tôn giáo sinh hoạt trong sự tự tôn và hiểu biết. Cuộc sống người dân có quá nhiều khó khăn, hãy để cho quần chúng có một sinh khí từ tôn giáo hầu giải tỏa bao áp lực đang đối diện.
Dù thể chế nào, tôn giáo vẫn là mầm sống, là nguồn sinh lực cho quảng đại quần chúng, đặt tôn giáo trước những áp chế là điều thiếu khôn ngoan trong tình thế hiện nay.
27/4/2017
Minh Mẫn
Gia Lai: Sở Nội vụ “không chấp thuận” cho treo cờ Phật giáo, có hợp lý?
Sau thông tin về việc UBND xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP. HCM), ra văn bản 531/UBND “không được” trang hoàng cờ Phật giáo, pano mừng Phật đản ngoài khuôn viên cơ sở các tự viện trên địa bàn đã gây ra một sự phản ứng từ Tăng Ni và Phật tử địa phương. Tình trạng này cũng đã xảy ra ở một số địa phương như tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng…
Các cấp quản lý chính quyền cũng đã có những động thái tiếp xúc làm việc với chư tôn đức và rút lại văn bản trên. Có thể nói đây là một thái độ cầu thị và tiếp thu những sai sót trong công tác quản lý; đặc biệt là công tác quản lý tôn giáo.
Sự việc tưởng chừng như sẽ hạn chế xảy ra thêm ở các địa phương khác, để cho mùa Phật đản PL.2561 được hoan hỷ một cách trọn vẹn. Tòa soạn Báo Giác Ngộ lại được phản ánh thêm về một trường hợp xảy ra ở một tỉnh Tây Nguyên. Văn bản số 119/SNV-BTG của Sở Nội vụ phúc đáp công văn số 32/CV-BTS của BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai về việc Tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ, do ông Hồ Hải Tần - Phó Giám đốc sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo ký ngày 18-4-2017.
Công văn này thông báo cho BTS việc treo cờ Phật giáo: “Phải thực hiện theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể: ‘Trong khu vực Lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ lễ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thơi gian tổ chức lễ hội’. Vì vậy đề nghị Ban trị sự GHPGVN tỉnh treo Quốc kỳ, cờ Phật giáo tại các cơ sở tự, viện trong khoảng thời gian tổ chức lễ hội; việc treo cờ Tổ quốc phải cao hơn cờ Phật giáo. Không chấp thuận treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử và những nơi khác không phải là điểm tổ chức Đại lễ theo đề nghị của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai tại công văn số 32/CV-BTS ngày 30-3-2017” (chỗ in đậm là của GN).
Thực hiện Thông bạch của TƯGH về việc tổ chức Phật đản PL.2561, BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai đã có văn bản trình bày kế hoạch tổ chức Phật đản, trong đó có việc treo cờ cần liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ và giúp đỡ. Tuy nhiên, sự đề nghị này đã bị Sở Nội vụ mà ở đây là Ban Tôn giáo tỉnh - cấp quản lý trực tiếp về tôn giáo - bác những yêu cầu chính đáng từ phía BTS cũng như Tăng Ni và đồng bào Phật tử.
Có thể về mặt quản lý, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã viện dẫn lý do “không chấp thuận” khi áp dụng Thông tư 15 quy định về tổ chức lễ hội. Đây là thông tư hướng dẫn Nghị định số 103/2009/NĐ-CP Ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
Tuy nhiên, từ những năm qua việc treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên tự viện cũng như tư gia Phật tử đã tạo ra một nét đẹp văn hóa. Việc áp dụng một điều được quy định “Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội” để “không chấp thuận treo cờ Phật giáo”, liệu có hợp lý?
Qua tìm hiểu ở tại một số địa phương của tỉnh Gia Lai, chúng tôi đều nhận được sự bức xúc và cả phản ứng từ phía Tăng Ni và Phật tử khi đề cập đến sự “không chấp thuận” cho treo cờ trong văn bản quản lý này. Bởi những năm qua cờ Phật giáo được treo ở các ngã đường và tư gia Phật tử để thể hiện lòng tôn kính.
Đặc biệt là từ năm 2008, khi Chính phủ Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc thì việc treo cờ Phật giáo được các tự viện trang trí bên ngoài khuôn viên một cách chính thức, với sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương. Tư gia Phật tử cũng được khuyến khích treo cờ Tổ quốc và Phật giáo nhân ngày lễ Phật đản. Đây là một nét đẹp không chỉ trong lĩnh vực Tôn giáo Phật giáo mà còn là văn hóa, biểu thị cho “nếp sống văn minh” của một xã hội hiện đại.
Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng Ban Thường trực HĐTS phía Nam (VP II), Thượng tọa cho biết TƯGH mà cấp quản lý ở đây là VP II chưa nhận được sự việc này từ phía Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, dù bằng văn bản hay điện thoại. Vì thế TƯGH không có thông tin để làm việc với chính quyền địa phương, nhằm có biện pháp bàn bạc, tháo gỡ. Thượng tọa cũng đề nghị BTS có những khó khăn trong công tác tổ chức Đại lễ Phật đản nên chủ động báo cáo, phản hồi để có được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ TƯGH.
Chia sẻ với GN, một vị giáo phẩm tại thị xã An Khê thuộc tỉnh Gia Lai đã bộc bạch: “Khi nhận được văn bản của Sở Nội vụ từ BTS GHPGVN tỉnh, bản thân chúng tôi rất ngỡ ngàng; riêng Phật tử tại địa phương họ rất phản ứng. Vì nhiều năm qua việc treo cờ Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản đã thành một ‘thói quen’, nó tạo ra một không khí lễ lạt sinh động và màu sắc vốn dĩ rất hiếm hoi tại vùng cao nguyên trầm tĩnh này. Bản thân các Phật tử cũng thấy hụt hẫng vì họ không được phép treo cờ và tỏ ra bức xúc khi nói với chúng tôi về Đại lễ Phật đản năm nay.
Theo chúng tôi, việc các tự viện có treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên tự viện cũng là hình thức trang trí nhằm làm đẹp thêm cho đường phố nhân một đại lễ - một sự kiện lớn. Việc đó không những là nét đẹp văn hóa mà còn là sự biểu hiện các chính sách về tôn giáo của Nhà nước. Với Phật tử, việc treo cờ là sự biểu hiện tình cảm tôn giáo đối với Đạo mà họ tín ngưỡng; việc này đã được Pháp luật thừa nhận và quy định, không ai có quyền cấm sự biểu hiện tình cảm tôn giáo đối với các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận trong tư gia của mình.
Chúng tôi có trình bày lại những bức xúc của chúng tôi và Phật tử địa phương cho Chư tôn đức BTS. Chư tôn đức có nói sẽ đem việc này trình bày cho TƯGH. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một thông tin mới nào, dù ngày chính thức của Đại lễ Phật đản đã cận kề…”.
Thiết nghĩ, việc áp dụng cứng nhắc văn bản pháp luật về Quy chế hoạt động văn hóa mà ở đây là Thông tư hướng dẫn về tổ chức lễ hội, phần nào tạo ra một sự phản ứng tâm tư nguyện vọng bày tỏ tình cảm tôn giáo của người dân, đối với các tổ chức tôn giáo có pháp nhân pháp lý.
Chưa kể trong Thông tư 15 tại Điều 3 quy định về “Các loại hình lễ hội” lại không có điều khoản nào quy định “Lễ hội tôn giáo” trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Tại điều 3 của Thông tư 15 có 4 khoản triển khai “Các loại hình lễ hội quy định tại khoản 1 Điều 17 Quy chế hoạt động văn hóa bao gồm:…”; hoàn toàn không có một điều khoản nào quy định, triển khai cho khoản 2 Điều 17 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định về “Lễ hội Tôn giáo do tổ chức Giáo hội hoặc chức sắc chủ trì…”.
Việc áp đặt Đại lễ Phật đản vào một khái niệm “Lễ hội” chung trong Điều 3 để điều chỉnh; rồi áp dụng Điều 8 “Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội” của Thông tư 15 để Sở Nội vụ “Không chấp thuận cho treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử và những nơi khác không phải là địa điểm tổ chức Đại lễ…”, phải chăng là cách làm máy móc và đầy áp đặt?
Mong rằng, qua các hiện tượng như thế này, Giáo hội Trung ương và địa phương cần làm việc với chính quyền tỉnh Gia Lai để điều chỉnh lại công văn hướng dẫn. Nhằm tránh tình trạng áp đặt, diễn dịch các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý. Tăng Ni và Phật tử tỉnh Gia Lai đang chờ vào sự “chấp thuận” được treo cờ Phật giáo trong Đại lễ Phật đản năm nay theo đúng tinh thần của các quy định pháp luật cũng như chủ trương và chính sách của Nhà nước về công tác tôn giáo.
Pháp Đăng - Báo Giác Ngộ