;
Nếu hỏi rằng: Có sự khác biệt nào giữa một người tu hành chân chính với một người không biết tu sống đời bình thường hay không ?
Thì câu trả lời là:
Sự khác biệt nằm ở chỗ người tu, họ biết cách kiểm soát và làm chủ sự ham muốn, còn người không biết tu thì chạy theo sự ham muốn, làm nô lệ cho các ham muốn, để chúng chi phối, điều khiển và dẫn dắt.
Ví dụ: Một người rảnh rỗi không biết làm gì, thế là dành nhiều thời gian vào việc chơi game, khi cứ tập trung vào chơi như thế, dần dần người đó bị trò vui trong game lôi kéo, khiến họ tăng sự ham muốn, phấn khích, bỏ điện thoại ra không chơi thì chịu không được, lúc này người ấy gọi là người nghiện game.
Ta lấy một ví dụ khác:
Một vấn đề nghiện khác mà ngày nay người trẻ hay bị, đó là nghiện tình dục. Vì ham mê chút vui nhục dục, mà nhiều bạn trẻ đã không thoát ra được, bị chúng chi phối, để rồi làm nô lệ cho các cảm xúc và sự ham muốn, để rồi khiến họ rơi vào việc tạo nghiệp xấu cũng chỉ vì không kiểm soát được lòng ham muốn.
Hoặc một người có sở thích là ham ngủ nhiều chẳng hạn.
Trước đây tôi có biết trường hợp vài cô gái trẻ, cô ngủ từ 10h tối mà tới 12h trưa hôm sau mới dậy (ngủ gì mà 14 tiếng một ngày, thử hỏi quý vị còn thời gian đâu mà cống hiến cho xã hội, cuộc đời chỉ có đi làm về, ăn rồi ngủ cả ngày như thế thì thật là vô vị và lãng phí quá).
Nếu chúng ta sống mà buông tuồng, phóng túng, muốn gì làm đó, không biết dùng lý trí để phân định đâu là ham muốn tốt, có lợi ích, đâu là ham muốn xấu cần loại bỏ, để rồi không kiểm soát, không biết kiềm chế, thì dần dần chúng ta sẽ rơi xuống đẳng cấp của loài thú, đang gieo nhân tạo nghiệp để sau khi chết đoạ làm các loài thú. Vì loài thú chúng không có ý thức về việc kiểm soát ham muốn, tiết chế dục vọng, chúng chỉ sống thuần theo bản năng (đây là nghiệp của chúng đã gieo tạo lúc còn là con người).
Ví dụ: Chúng không biết ngại khi quan hệ tình dục, hay đi vệ sinh ở những nơi công cộng, chúng thích ăn thì ăn mà không biết đó là đồ dơ hay sạch,...
Còn với con người chúng ta thì khác, khi làm gì cũng cần quan sát, xem coi điều đó có hợp lý hay không, có vi phạm các chuẩn mực đạo đức, có tổn hại sức khỏe hay bất ổn về mặt tinh thần hay không...Lúc đó mới đưa ra quyết định là có làm hay không làm.
Khi một người sống có kiểm soát, có ý thức như vậy, thì họ đang còn giữ được vị trí làm người, nhưng một khi người đó sống bắt đầu buông lung, nuông chiều cho lòng dục, để cho ham muốn ngự trị, thì khi đó họ đang dần tiến về vị trí làm loài thú ( để tương ưng với nghiệp mới).
Do đó, là người tu hành hiểu đạo, quý vị phải cố gắng kiểm soát được tâm ham muốn, đặc biệt là các ham muốn không chính đáng, ham muốn tạo ra nghiệp xấu,...thì cần phải được kiểm soát và chuyển hóa năng lượng ham muốn này để tâm thức được thăng hoa...
NN-TTT