;
KIM CANG CẢM ĐỂ
Tâm như vượn khỉ lăng xăng mãi
Lôi kéo chúng sanh nẻo lỗi lầm
Làm sao Tâm được an trụ lại?
Cách nào hàng phục những vọng tâm?
Phật dạy Bồ Tát hạnh lợi sanh
Hết thảy trứng, thai, thấp, hóa sinh
Ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả
Không chấp, độ sanh nhập Niết Bàn.
Bố thí ban cho với Tâm Từ
Rỗng rang vắng lặng tợ thái hư
Không chấp sáu trần, ban cho khắp
Thí Ba La Mật với Tâm Như.
Cách nào giao cảm được Như Lai?
Tướng tốt vẻ đẹp thật không hai
Âm vọng hùng hồn như Sư Tử
Không thể nương theo Tướng bên ngoài.
Các pháp hữu vi tựa hơi sương
Cũng như giấc mộng suốt đêm trường
Ví như tia chớp, bong bóng nước
Thoạt có rồi không, giả, vô thường.
Không từ đâu đến, chẳng đi đâu
Ra khỏi tướng nằm, đứng, đi, ngồi
Thấy tướng không tướng là nhận biết
Chân Không Diệu Hữu, thấy Như Lai
Từ khi Thành Đạo đến Niết Bàn
Đức Phật chiếu soi Ánh Đạo Vàng
Chúng sanh có duyên đều hóa độ
Thoát vòng khổ lụy, đến bình an.
Nhưng nếu bảo rằng : Đức Như Lai
Độ sanh, thuyết pháp – kiến chấp sai
Bởi có Pháp chi mà thuyết giảng?
Phật với chúng sanh thể không hai.
Pháp tợ ngón tay chỉ mặt trăng
Ví như chiếc bè để qua sông
Đến bờ còn vác bè chi nữa?
Ôm giữ khư khư luống uổng công!
Như Lai tu Hạnh Nhẫn Nhục không?
Pháp Nhẫn, Như Lai dạy rằng không
Mặc Vua Ca Lợi cho cắt xẻ
Thân nát như tương, chẳng xao lòng.
Như Lai chẳng chứng Quả Giác chi
Tứ quả Thanh Văn chẳng có gì
Nếu bảo viên thành hay chứng đắc
Đều là vọng tưởng với mê si.
Phật độ nào cần phải trang nghiêm?
Tác ý công phu chỉ thêm phiền
Nhạn chẳng cố tình in bóng vết
Nước lưu ảnh Nhạn thật ngẫu nhiên.
Mắt trông thấy sắc chẳng ghét ham
Nghe tiếng rồi thôi, sạch lỗi lầm
Dính chấp sáu trần tâm vọng động
Không trụ nơi nào nên sanh tâm.
Của báu trân châu với bạc vàng
Mang đi ban rải khắp thế gian
Làm sao sánh được người trì tụng
Giảng giải Kim Cang – dẫu bốn hàng.
Phước duyên vô lượng gặp được Kinh
Trùng trùng nghĩa lý thật cao minh
Con nguyện tỏ thông chơn thật nghĩa
Hiển khai Bát Nhã sẵn nơi mình.
Từ đây thành Đạo với độ sanh
Sự nghiệp lớn lao chẳng bận lòng
“Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ.
Làm người một kiếp cũng như không.”