;
Lời nói đầu
Chư Phật ra đời đều do một Đại nhân duyên, đó là độ hết chúng sinh khổ não giải thoát khỏi sinh tử khổ đau, để tất cả chúng sinh được an vui, thọ dụng giống như chư Phật.
Ngày nay, tuy Phật giáo đã đi sâu vào đời sống, Phật giáo gần như được coi là quốc giáo của nước ta nhưng thực sự hiểu được giáo lý của đức Phật thật không nhiều. Xã hội ngày nay công việc bận rộn, đa phần Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ, cũng chỉ vì pháp môn này giản dị, dễ tu.
Tổ sư Tịnh độ đều cho rằng đây là pháp môn kỳ diệu, thẳng chóng, ổn thỏa dễ dàng nhất, vạn người tu vạn người đắc; vậy mà thực tế ngàn vạn người tu mới có một vài vị vãng sinh, thật đáng buồn thay!
Vì điều này, là người con của Phật, ai đã tu trì pháp môn Tịnh độ có hiểu biết nhất định về pháp môn này đều hoặc làm văn, làm luận, làm thơ, kệ tán thán khen ngợi pháp môn này, để cho các vị đồng tu đều tăng thêm niềm tin với pháp môn này, số lượng nhiều đến vô lượng. Mỗi vị đều ít nhiều đều nêu cơ duyên, Tín nguyện và cách tu trì của mình đối với pháp môn này, ví như mỗi bông hoa khoe sắc trong rừng hoa.
Pháp môn này đặc biệt ở chỗ Sự thì rất đơn giản ai cũng có thể tu trì, nhưng Lý thì thâm diệu, chẳng phải sức bậc trung, hạ căn hiểu được.
Do đó, đối với các bậc thượng căn có trí huệ thì chẳng sao, nhưng đối với bậc trung hạ căn thì lại nảy sinh vấn đề. Vì do cơ duyên, hoàn cảnh chẳng thể tu trì được theo các bậc luận giải nên nảy sinh tâm lý tự ti, phân vân rồi thối lui Bồ đề tâm, mất phần vãng sinh, thật vô cùng đáng tiếc!
Có người hỏi tôi: tại sao pháp môn Tịnh độ không có truyền thừa y bát như các pháp môn khác? Tôi trả lời rằng: vì pháp môn Tịnh độ này là cảnh giới Phật, chỉ có Phật với Phật mới thấu hiểu triệt để, dù là bậc Đẳng giác Bồ tát nếu chẳng nương oai thần Phật cũng chẳng thể thấu rõ. nên chỉ có Phật với Phật mới lưu thông mà thôi. Các vị tổ sư Tịnh độ đều do người sau kính trọng giải hạnh, công phu tu trì và năng lực độ sanh mà có Tổ vị. Các tông môn khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Thiền đốn ngộ, Thiên Thai, Duy thức,.. đều có thể có truyền thừa, chỉ duy nhất pháp môn này tuyệt đối không thể có truyền thừa.
Nên nói pháp môn này cũng gọi là Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, muôn hoa trang nghiêm Phật độ.
Con do khổ quá mà tu, nhưng tu trì lẫn giải hạnh còn cạn cợt, tâm trí ngu ám, có điều ít nhiều hưởng chút hương vị giải thoát nơi pháp môn kỳ diệu này, tuy ngu si nhưng tự thấy Tín niệm vững vàng, mạo muội muốn tìm ra trong muôn kinh luận một tiêu chuẩn thấp nhất đảm bảo sự vãng sinh mà ai ai cũng có thể tin nhận, được lợi ích lớn, bỏ xác thân phàm phu máu thịt này được được hóa sinh nơi Chín phẩm sen vàng cõi Cực lạc. Nguyện con nương oai thần Phật lời phàm thầm hợp ý Phật, nếu được y như pháp, bài viết được lưu thông rộng rãi, nếu chẳng được như vậy, nguyện bài viết này vĩnh viễn chẳng được lưu thông!
Tiêu chuẩn tối thiểu đảm bảo vãng sinh trong pháp môn Niệm Phật
Giống như học sinh đi học, có học sinh lớp chuyên, học sinh lớp chọn và các học sinh kém cá biệt! Rõ ràng tiêu chuẩn lên lớp của mỗi dạng học sinh là rất khác nhau, có thể nói là hoàn toàn khác biệt như trời với đất. Các học sinh trường chuyên lớp chọn vốn đã thông minh còn phải học hành ngày đêm mới theo được chương trình còn với học sinh kém, cá biệt thì chỉ cần chúng nó đến lớp ngồi cũng đã hoàn thành chương trình lên lớp!
Cũng vậy, pháp môn Niệm Phật là pháp môn kỳ lạ, học trò của đức Phật A Di Đà bao gồm toàn bộ cửu giới chúng sinh, trên là bậc Đẳng giác bồ tát, dưới là chúng sinh nơi A tỳ địa ngục.
Hỏi: Chỉ nghe nói con người nơi nhân gian được vãng sinh cõi Cực lạc, chúng sinh nơi ngã quỷ, địa ngục cũng được vãng sinh ư?
Đáp: Vì chúng ta mắt thịt chẳng thấy được xa, không thấy được cõi ngã quỷ địa ngục; như các loài súc sinh như gà trống, vẹt.. còn có thể vãng sinh, huống chi 48 đại nguyện của đức Phật A Di Đà độ tận hết thảy chúng sinh, chẳng nên chấp vào cái thấy mù mịt của mình mà dám chắc chúng sinh cõi ngã quỷ địa ngục chẳng được vãng sinh?
Trong pháp môn Niệm Phật này, bậc thượng căn tu trì, bậc hạ căn chẳng thể theo nổi; nhưng như trong biển giải thoát mênh mông sâu thẳm vô tận, mỗi bậc theo căn cơ có lợi ích chẳng đồng, miễn thân mình được ở trong biển lớn là được.
Xưa nay, cách tu trì pháp môn Niệm Phật nhiều vô số, nhưng thực sự đảm bảo chắc chắn vãng sinh, đa phần đều cho rằng ít nhất phải có công phu Niệm Phật thành phiến hoặc được Phật hiện đến xoa đầu thọ ký biết trước ngày giờ lâm chung.
Nếu theo cách hiểu như thế thì số người niệm Phật vãng sinh chỉ là số ít, vì ngày nay đã đi sâu vào thời Mạt pháp, ngàn người tu chưa chắc có 1,2 người đạt được điều kiện trên. Thành ra pháp môn này lại thành pháp khó tu, chẳng đúng với bản hoài chư Phật!
Như nguyện thứ 18 trong 48 đại nguyện của đức Từ phụ A Di Đà nói rõ những hạng chúng sinh một lòng tin ưa, nguyện vãng sinh về cõi nước ta hoặc hành trì trọn đời, hoặc chỉ niệm mười niệm đều được vãng sinh.
Ngày nay thời đại thông tin phát triển, các vị đồng tu dễ dàng tiếp cận với rất nhiều thông in bổ ích trong đó có rất nhiều kinh luận quý báu, rất nhiều tấm gương người tu hành vãng sinh cùng cách thức tu trì phong phú. Nhưng bên cạnh đó lại có vấn đề rất lớn là đa phần mù mịt không biết nên nghe ai, tu hành theo ai, tu hành theo cách nào… Cách này thử một chút, cách kia thử một chút, những bậc phước đức sâu dầy, tín căn vững vàng thì không sao, nhưng với bậc hạ tín căn phập phù tu hành lâu ngày không có kết quả thành ra nản chí bỏ ngang, thật đáng tiếc thay.
Trong phạm vi bài viết con mạo muội phân tích tìm ra một tiêu chuẩn thấp nhất đảm bảo chắc chắn vãng sinh và phân tích nguyên nhân vì sao nhiều người tu pháp môn Niệm Phật chẳng được vãng sinh.
Theo Quán kinh, tiêu chuẩn bậc hạ phẩm hạ sanh là:
“Hoặc có chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác, làm đủ các việc chẳng lành;
kẻ ngu ấy do nghiệp ác đáng lẽ phải bị đọa vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp
chịu khổ vô cùng.
Nhưng khi lâm chung, người này nhờ gặp thiện tri thức dùng nhiều cách an ủi, nói phép mầu cho nghe, lại dạy bảo tưởng niệm Phật. Hành giả tuy nghe lời dạy, song vì sự khổ bức bách, không yên rảnh để quán tưởng đức Vô Lượng Thọ Như Lai. Thấy thế, thiện hữu lại bảo: "Nếu ông không thể tưởng đức Phật kia, thì nên chí thành xưng "Nam Mô A Di Đà Phật" tiếng tăm liên tiếp không dứt cho đủ mười niệm." Hành giả vâng lời. Và do nhờ xưng danh hiệu Phật nên mỗi niệm trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi mạng chung, người ấy thấy hoa sen vàng rực rỡ như vầng nhật hiện ra trước mặt. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”
Như vậy, 10 niệm hạ phẩm hạ sinh cho chúng sinh gây nhiều tội nghiệt là khi lâm chung. Lâm chung 10 niệm tất nhiên không thể là tiêu chuẩn đảm bảo sự vãng sinh vì nếu phàm phu tội chướng ai có thể chắc chắn khi lâm chung “đủ” thiện căn gặp thiện tri thức chỉ bảo, đủ tỉnh táo niệm Phật được 10 niệm.
Do vậy, chúng ta cần phải chắc chắn tích lũy đủ tư lương trong quá trình tu tập để lâm chung 10 niệm vãng sinh. Vấn đề ở đây tiêu chuẩn “đủ” là như thế nào?
(Tiêu chuẩn “đủ” sẽ được nói ở phần sau).
Trong Kinh pháp diệt tận, đức Thế Tôn từng dạy: khi tất cả kinh pháp diệt hết, do lòng từ bi lưu lại kinh A Di Đà 100 năm, ai có cơ duyên thấy nghe đều được độ thoát. Khi mà kinh pháp đã diệt, con người khi đó toàn gây ác nghiệp, sẽ chẳng còn thiền quán, trì giới, tu thập thiện,.. chẳng biết tới Bồ đề tâm với bát chánh đạo, chỉ có thể nương theo Tín nguyện Niêm Phật mà được độ thoát.
Do đó cho thấy đúng như lời Tổ ngẫu ích dạy: Thiền, giới, thí,… chỉ là trợ hạnh; Tín Nguyện Niệm phật mới là chánh hạnh vãng sinh không cần kiêm tu phương tiện nào khác.
Tự mình xét lại, rõ ràng đa phần Phật tử ngày nay chẳng phải hạng ác nghiệp, tại sao lại chẳng tự tin mình đủ nhân duyên phước đức để chắc chắn vãng sinh?
Suy nghĩ sâu xa có hai lý do chính:
Một là không có đủ động lực thúc đẩy tâm niệm vãng sinh. Được vãng sinh Cực Lạc tức là thành Phật, hưởng vô lượng điều vui gấp trăm ngàn vạn lần thú vui cõi Trời, vì sao nói chẳng có tâm niệm vãng sinh?
Như kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán sát thế gian có hạng người tuy cũng tu thiện mà chẳng cầu vãng sinh, phân biệt Tây Phương chẳng bằng cõi Trời người. Vì sao? Vì ái dục, tình nhiễm quá sâu nặng, quấn quýt vợ chồng con cái chẳng nỡ xa, cho là Tây Phương không có nữ giới, gia đình nên buồn chán; chẳng biết gia đình con cái cũng chỉ do tâm tánh biến hiện, chỉ là huyễn hóa chẳng phải thật, mê muội hết sức.
Lại nữa, do tâm trí si ám, cái thấy biết hạn hẹp, đi chùa lễ Phật, đọc tụng kinh điển chỉ mang tâm cầu phước, chỉ lo hưởng phước đời nay chẳng biết sự khổ kiếp sau, tâm ngã mạn cao dầy chẳng nghe khuyên bảo của thiện tri thức, chẳng chịu suy xét lỗi mình nên chẳng phát sinh tâm nguyện cầu vãng sinh chân thật.
Hai là vì ham đọc quá nhiều luận thuyết, sinh ra sở tri chướng, chướng ngại Tín tâm.
Hỏi: Đức Thế Tôn dạy: đọc tụng kinh điển, hiểu sâu thâm nhập lời kinh sinh ra phước đức trí huệ vô lượng, đúng ra phải tăng trưởng Tín tâm, tại sao lại nói sinh ra chướng ngại Tín tâm?
Đáp: Qủa thật ông hỏi rất hay, rất đúng!
Như Tổ Thiện Đạo nói muốn tu giải hạnh, đa văn thì học rộng kinh điển chẳng hại gì, còn muốn tu giải thoát nên chuyên chú vào một pháp môn.
Đối với bậc thượng căn lợi trí, trí huệ sâu dày thì một pháp thông vô lượng pháp, pháp pháp dung thông chẳng chống trái nhau như nước với sữa, thâm nhập Đại tạng kinh điển chẳng hề trở ngại, chẳng dính mắc chấp trước nơi văn tự ngữ ngôn.
Nhưng với bậc trung, hạ căn Tín tâm còn phập phù như ngọn đèn leo lét trước gió, như người ốm nặng hoặc như người bị đói khát lâu ngày.
Như người ốm nặng cần người săn sóc, ban đầu cho uống thuốc nhẹ để bệnh thuyên giảm, sau đó mới phục thuốc bổ, thuốc tốt để thân thể mạnh khỏe; cũng vậy bậc trung hạ tín tâm chưa vững cần có đồng tu hỗ trợ, tự xét thấy Tín tâm chưa đủ thì tăng cường Tín tâm, nguyện tâm chưa đủ thì tăng cường nguyện tâm, Niệm Phật nhiều được bao nhiêu tốt bấy nhiêu tăng cường phước đức nhân duyên. Khi thấy Tín Nguyện vững vàng thì tự biết chắc đã được vãng sinh.
Nếu như tham đọc nhiều, vì pháp môn Niệm phật như biển rộng sâu thẳm, các luận giải dù là của các Bồ tát hay phàm phu cũng đều do chỗ thấy và kinh nghiệm của mình viết ra nên thường có lý luận và cách hành trì không giống nhau, có vị ngày niệm hoặc 1,2 vạn câu hoặc 5,6 ngàn câu Phật hiệu,hoặc có vị niệm ngày đêm chẳng nghỉ, hoặc dùng ý niệm; hoặc có chỗ nói duy tâm Tịnh độ chẳng cần tìm đâu xa…đọc nhiều tự cảm thấy mình không bằng không hành trì nổi hoặc phân vân như đứng trước ngã ba đường, dẫn đến chán nản, suy thoái Tín tâm; đó chẳng phải tai hại hay sao? Như người nhịn đói lâu ngày mà ra sức ăn sẽ nguy hiểm tính mạng. Nếu chết thì chỉ là mất cái thân người đời nay chứ mất đi Tín tâm nơi pháp môn Niệm phật này là hại mất đi ngàn vạn kiếp luân hồi nơi khổ nạn.
Nếu biết tự suy xét như vậy, hãy nên biết rằng gặp được pháp môn Niệm Phật này đã là nhân duyên phước đức sâu dày, cầm chắc tấm vé lên thuyền Đại nguyện vượt biển khổ sinh tử về với cõi Cực Lạc của đức Từ phụ A Di Đà rồi, hãy chắn chắn như thế!
Trong kinh Niệm Phật Ba la mật, Đức Thế Tôn dạy rằng: Chư Phật ra đời, mục tiêu chân chính không chỉ là tuyên dương diệu pháp bí áo sâu xa cho các Thánh giả, Hiền nhân mà khẩn thiết nhất chính là cứu vớt hạng chúng sinh tội khổ nặng vì tình. Lại nữa, chư Phật muốn cứu độ tất cả chúng sinh cũng phải lấy Chánh pháp làm thuyền bè, đưu chúng sinh đến bờ giác ngộ giải thoát..
Vậy nên tất cả chúng ta, phàm phu đầy ác nghiệp, dù có phạm phải tội thập ác ngũ nghịch, chỉ cần có niềm tin với pháp môn Niệm Phật thì chính là đối tượng trọng yếu trong Đại nguyện độ sinh của đức Từ phụ A Di Đà. Vì sao? Vì chúng ta có động lực để vãng sinh. Vì biết rằng nếu chẳng nương theo Đại nguyện độ sinh của đức Từ phụ chắn chắn phải đọa lạc vô lượng kiếp trong tam ác đạo không còn nghi ngờ.
Vì thế chúng sinh tội khổ nghiệp nặng chẳng cần phải tự ti, phiền não, chỉ cần biết gặp được pháp môn Niệm Phật là cầm chắc chắn trong tay tấm vé về cõi Cực Lạc, ngàn vạn lần chớ nên để lạc mất. Phải hiểu rằng nó còn quý báu gấp trăm ngàn vạn lần tính mạng của chính bản thân.
Nếu tự bản thân có thể khởi được niềm tin như thế thì đó chính là ý nghĩa của 4 chữ “Chí tâm tin vui” trong nguyện thứ 18 của đức Từ Tôn: “Lúc con thành Phật, mười phương chúng sinh, nghe danh hiệu con, chí tâm tin vui, có được căn lành, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con, cho đến mười niệm, nếu không được sanh, con thề quyết không gữi ngôi Chánh giác, chỉ trừ tội ngũ nghịch phỉ báng Chánh Pháp”
Thế nào là chí tâm tin vui? Chính là cái niềm Tin thực sự chân thành tự đáy lòng, không chút hoài nghi. Nếu còn chút hoài nghi, hoặc là nghi pháp môn Niệm Phật này chẳng độ tận được tất cả chúng sinh, hoặc nghi bản thân nhiều nghiệp chướng làm chướng ngại Tín tâm thì đó chưa phải là Chí tâm.
Nói một cách đơn giản, dám tự tin cầm chắc tấm vé vãng sinh thì là Chí tâm tin vui; tấm vé này Phật Di Đà khổ công tu tập vô lượng kiếp đưa đến tận tay mà phân vân chẳng dám nhận thì đó chưa phải Chí tâm tin vui.
Kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ xưng Nam mô Phật một lần, đều đã thành Phật đạo.
Điều đó cho thấy công đức một tiếng xưng Nam mô Phật lớn biết chừng nào, huống chi là Chí tâm tin vui mà niệm; do đó theo tiếng niệm Thánh hiệu mà căn lành tăng trưởng.
Thế nào là căn? Căn theo tiếng Hán, giống như loại thảo mộc có rễ, có thể sinh trưởng, mang ý nghĩa gìn giữ phát triển nên gọi là căn. Như Tín tâm vững chắc, không còn phập phù, như hạt giốngPhật đã nảy sinh trên mảnh đất Tâm, bám rễ thì gọi là Tín căn, có khả năng sinh sôi ra công đức gọi là căn lành.
Thế nào là tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con (Cực Lạc)? Hồi là xoay chuyển, hướng là hướng đến, hồi chuyển công đức mình đã tu hướng đến điều mình mong mỏi thì gọi là hồi hướng, tâm tâm là tấm lòng chân thật thuần nhất. Gom tám chữ lại thì là hồi hướng phát nguyện tâm.
Tổ sư Thiện Đạo dạy: hồi hướng phát nguyện tâm là đem tất cả thiện căn thế gian, xuất thế gian, hoặc do thân khẩu ý nghiệp tự tu tập, hoặc do thân khẩu ý nghiệp tùy hỷ công đức tu tập của tất cả phàm thánh, từ đời quá khứ cho đến hiện nay, dùng lòng tin thâm sâu chân thực, hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc, đây gọi là hồi hướng phát nguyện tâm. Lại nữa, sự hồi hướng phát nguyện vãng sinh này, phải là do tâm chân thực quyết định, hồi hướng phát nguyện cầu sinh; lòng tin thâm sâu chân thực này, cứng chắc như kim cương, quyết không bị những người dị kiến, dị học, biệt giải, biệt hành, làm động loạn phá hoại. Chỉ nên một lòng quyết định, thẳng đường tiến bước, không được nghe lời kẻ khác, rồi phân vân lưỡng lự, sinh lòng sợ hãi, làm mất đi lợi ích lớn của sự vãng sinh.
Lại nữa, hồi hướng còn có nghĩa là sau khi vãng sinh Cực Lạc, khởi tâm đại bi, quay trở lại cõi sinh tử, giáo hóa chúng sinh, đây cũng gọi là hồi hướng.
Đoạn trước nói chỉ cần tin sâu là nắm chắc được chiếc vé của con thuyền Đại nguyện, tiếp đến đoạn văn này thì hồi hướng nguyện sanh chính là cầm tấm vé ấy chính thức bước lên con thuyền Đại nguyện của Phật A Di Đà, HAY NÓI CÁCH KHÁC, THỰC SỰ ĐÃ VÃNG SANH VỀ CÕI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC TRONG LÚC CÁI THÂN XÁC THỊT CÒN Ở CÕI TA BÀ ĐAU KHỔ!
Đây thực sự là sự thật khó tin nhất, khó nhất trong tất cả các việc khó nhất! Cũng là điểm kỳ diệu đặc sắc nhất của pháp môn Niệm Phật, hay nói rộng ra là của Tịnh độ tông!
Tôi sẽ lấy dẫn chứng trong kinh A Di Đà chứng minh.
Phật thuyết A Di Đà kinh viết: “Này Xá lợi Phất, nếu có người đã phát nguyện hoặc nay mới phát nguyện, ngày mai phát nguyện thì những người đó đều được Bất thoái chuyển nơi Đạo Vô thượng Bồ Đề. ở cõi nước kia nếu ai đã phát nguyện thì đã sinh rồi, nếu nay phát nguyện thì nay sẽ sinh…”
Trong Di Đà yếu giải của Tổ Ngẫu ích có viết:
“Hỏi: Nay phát nguyện chỉ có thể nói là sẽ sanh chứ sao lại bảo nay sanh?
Đáp: Điều này có 2 nghĩa:
Một là dựa trên kỳ hạn mà bảo là “nay”. Đời này phát nguyện trì danh thì lâm chung nhất định sanh về Tịnh độ.
Hai là dựa theo sát-na (dễ hiểu hơn thì hiểu là khoảnh khắc) mà gọi là ”nay”. Một niệm phát nguyện tương ứng thì trong niệm ấy sinh về cõi kia; niệm niệm tương ứng thì trong từng niệm ấy đều sanh.
Diệu nhân diệu quả chẳng lìa nhất tâm. Như 2 đầu cái cân, hễ đầu này chúc xuống thì đầu kia nâng lên cùng một lúc, cần gì phải đợi hết báo thân nơi Ta bà mới sinh trong ao báu. Chỉ cần nay tín nguyện trì danh thì nơi Cực lạc, hoa sen rạng ngời, đài vàng hiện bóng, tức là đã không còn là người trong cõi Ta bà này nữa! Cực viên cực đốn, khó nghĩ khó suy, chỉ có bậc đại trí mới tin tưởng chắc thật mà thôi!”
Điều này nhiều người tu Tịnh độ thường quên, phải thường nhớ rằng chỉ cần khởi phát Tín nguyện cầu sinh Cực lạc là nơi ao Thất bảo nảy sinh một bông sen mang tên mình. Kỳ hạn hoa sen báu nở cũng là kỳ hạn hành giả vãng sinh. Vì thế khuyên mọi người thường nên hướng về phương Tây, nhớ nghĩ về hoa sen của chính mình, thường nên phát nguyện hồi hướng chẳng để cho nó lụi tàn.
Do đó Tổ Ngẫu ích có nói: Chỉ cần đủ Tín, nguyện là đã vãng sinh; còn phẩm vị cao hay thấp là do hành trì.
Trong Tứ thiếp sớ của Tổ Thiện Đạo cũng viết rõ ràng:
“Hỏi: Nguyện và hạnh khác nhau thế nào?
Đáp: Như trong kinh có nói: “Nếu chỉ hành trì, thì sự hành trì đó không định hướng, chẳng đạt đến mục đích nào. Còn nếu chỉ phát nguyện, thì nguyện đó chỉ là hư giả, cũng không đạt đến mục tiêu. Nếu như hạnh, nguyện bổ túc cho nhau, thì sẽ đạt đến mục tiêu mong muốn.
Hỏi: Ý nghĩa của phát nguyện thế nào mà nói không được vãng sanh?
Đáp: Nghe có người nói sự khoái lạc ở Tây phương bất khả tư nghì, liền nguyện rằng “Tôi cũng nguyện sanh.” Sau khi phát nguyện xong, chẳng làm gì thêm, cho nên gọi là “phát nguyện suông.” Theo trong Quán Kinh, xưng danh hiệu Phật mười tiếng, tức là đầy đủ mười nguyện mười hạnh.
Thế nào là “đầy đủ”? Xưng “Nam mô”, tức là quy mạng, cũng có nghĩa là “phát nguyện hồi hướng”. Xưng “A Di Đà Phật”, tức là hành. Do đầy đủ ý nghĩa này, nên quyết định được vãng sanh.”
Hỏi: Đối với pháp môn Niệm Phật, tôi cũng đã tu trì nhiều năm rồi; cũng phát khởi niềm tin, hàng ngày cũng thường phát nguyện, hồi hướng và trì niệm sao tâm vẫn thấy bất an, không chắc chắn đối với Đại sự vãng sinh. Vậy thì do đâu?
Đáp: Trước hết, tổng hợp 3 kinh Tịnh độ: Quán Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Thọ và A Di Đà kinh, ta có thể đưa ra một tiêu chuẩn tối thiểu cho sự đảm bảo vãng sinh như sau: Đối với tất cả mọi hạng chúng sinh tội khổ, bất luận ác nghiệp đầy rẫy, chỉ cần chẳng hủy báng Chánh pháp; chỉ cần thành tựu ít nhất một niệm Chí tâm tin ưa, chân thật hồi hướng phát nguyện cầu sinh cõi Tây Phương Cực lạc là đảm bảo chắc chắn hoàn thành Đại nghiệp vãng sinh.
Trong pháp môn Niệm Phật. một niệm như thế gọi là một niệm tương ưng, chính thức có một bông hoa sen báu cõi Tây Phương ghi danh!
Đã có một tiêu chuẩn tối thiểu của sự đảm bảo vãng sinh giờ chúng ta hãy xem xét các nguyên nhân cho người tu Tịnh độ chẳng được vãng sinh.
Muốn xem xét mình đã đạt được tiêu chuẩn tối thiểu đảm bảo sự vãng sinh hay chưa, buộc lòng đồng tu phải quay về tự xem xét soi chiếu lại chính bản thân mình, chẳng được tìm ngoài thân.
Thứ nhất là Chí tâm tin ưa! Đồng tu phải tự xét mình đã có niềm tin chân thật hay chưa? Trong hai nguyên nhân tôi phân tích ở trên nguyên nhân thứ 1 cản trở sự phát nguyện, nguyên nhân thứ 2 cản trở niềm tin.
Chúng sinh gặp được Phật pháp, có được niềm tin nơi Phật pháp đều do nhân duyên. Đức Phật dạy chúng sinh thường lấy 3 ác đạo làm nhà, nghiệp chướng sâu dày nên khó tin lời Phật dạy. Nhất là đối với pháp môn cả thế gian hết sức khó tin này mà chưa sự tin tưởng cũng không có gì lạ.
Kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Kính Phật là điều đại thiện, niệm Phật quan trọng hơn, giúp cắt hết lòng nghi...”
Nếu là nguyên nhân đọc nhiều luận giải, thì mỗi luận giải chỉ nên nhận lấy kinh nghiệm phát khởi Tín, Nguyện trong đó, các điều khác chỉ nên hoan hỷ.
Nếu chẳng phải do đọc nhiều kinh luận làm thiếu tự tin, thì phải nhận biết mình do chấp ngã cao dầy, chấp vào cái thấy nghe hạn hẹp sai lầm của mình là đúng mà chẳng tin lời Phật dạy, do đó phải tự mình chân thành sám hối tội lỗi, gắng sức niệm Phật trong điều kiện có thể để giảm chấp ngã mạn đồng thời tăng cường thiện căn phước đức, khi nào tự thấy niềm tin với pháp môn Niệm phật vững vàng tức là đã “đủ”.
Tiêu chuẩn “đủ” như kinh Vô Lượng Thọ chính là: “Nếu có người nào được nghe danh hiệu Phật A Di Đà sinh tâm hớn hở vui mừng, cho đến một niệm, nên biết người này được lợi ích rất lớn là “đầy đủ” công đức vô thượng”.
Cũng xin nói rõ, chẳng phải tôi không khuyến khích đọc tụng kinh luận, chỉ là xin các đồng tu phải tùy theo căn cơ của mình, quan trọng nhất là tăng trưởng Tín tâm chứ chẳng phải là tăng trưởng kiến thức. Đối với bậc trung thượng tín tâm vững vàng lại càng phải thâm nhập Đại tạng kinh điển, hòng phát dương quang đại, hoằng thông Chánh pháp phá Tà kiến của chúng ma, hỗ trợ , giải trừ nghi nan, làm bóng mát, làm chỡ dựa vững chắc tin cậy cho bậc sơ phát tâm.
Như thế mới đúng tinh thần chân chính của người Phật tử.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nên ưu tiên tu tập giải thoát trước, khi Tín, Nguyện vững vàng mới nên học rộng kinh điển. Tôi khi sơ phát tâm học Phật, quả thật đối với Phật pháp mù mịt, do tự thấy cõi Ta bà quá khổ, cốt bám chặt 4 chữ Thánh hiệu vượt qua biển khổ với niềm tin duy nhất là một câu Thánh hiệu A Di Đà Phật trọn đủ Đại tạng kinh; ngay cả kinh Vô Lượng Thọ hay Kinh A Di Đà cũng chỉ đọc qua một vài biến. Sau thời gian một năm, cảm thấy Tín tâm vững rồi mới tìm hiểu qua các bộ kinh khác, vì thành thật mà nói dù trước đó có đọc cũng chẳng hiểu gì.
Thứ hai là chân thật hồi hướng phát nguyện. Muốn chân thật cầu sinh Cực Lạc cũng phải ít nhất khởi một niệm tâm chân thật chán bỏ cõi Ta bà uế độ này. Nếu chẳng có một niệm nào chán bỏ Ta bà thì chỉ là phát nguyện suông, phát nguyện hư dối. Xin chia sẻ một câu chuyện sau để các đồng tu cùng suy xét:
Chưa buông được vì chưa đau thấu tận tâm can
Con người ta khi phải buông bỏ thứ gì đó thì luôn cảm thấy phiền não, cũng day dứt không yên. Có người dù muốn buông tay nhưng lại không thể hạ quyết tâm mạnh mẽ. Vậy phải làm sao? Hãy đọc câu chuyện sau và cùng chiêm nghiệm.
Có một người đàn ông với vẻ mặt khổ sở hỏi một vị hòa thượng:
“Thưa thầy, có một số thứ và một số người, tại sao con lại không thể buông bỏ được!”
Vị hòa thượng nói:
“Không có gì là không thể buông bỏ được”
Người đàn ông kia lại nói:
“Có những thứ và những người mà con hết lần này đến lần khác đều không buông bỏ được!”
Vị hòa thượng liền bảo người đàn ông kia cầm cái chén lên rồi ngài rót nước trà vào chén. Hòa thượng rót đến tận lúc nước trà trong chén đã trào ra ngoài. Người đàn ông kia lập tức thấy nóng không chịu được liền đặt chén trà xuống.
Lúc này vị hòa thượng lại nói: “Trên đời này không có gì là không buông bỏ được, chỉ cần ngươi cảm thấy bị đau, ngươi sẽ tự bỏ xuống được thôi.” Quả thật: Khi chúng ta đã có công danh, thì liền thấy khó buông bỏ được công danh; Khi chúng ta đã có tiền tài, thì liền thấy khó buông bỏ được tiền tài; Khi chúng ta đã có tình yêu, thì liền thấy khó buông bỏ được tình yêu; Khi chúng ta đã có sự nghiệp, thì liền thấy khó buông bỏ được sự nghiệp.
Tất cả những điều này khiến chúng ta không buông bỏ được là bởi vì trong lòng chúng ta còn có suy nghĩ và mong tưởng về chúng, còn bị chúng hấp dẫn. Hay là bởi vì hành vi của đối phương còn chưa động chạm đến ranh giới của sự chịu đựng. Nói chung là vì chúng còn chưa khiến bản thân chúng ta bị đau nhức đến mức phải buông bỏ.
Ví dụ như khó buông bỏ được tình yêu là bởi vì trong lòng chúng ta còn có hy vọng và mong đợi rằng trong tương lai sẽ có cải biến, trong lòng vẫn còn bị tham dục cản trở. Những người thiếu quyết đoán thường hay nghĩ trước nghĩ sau nên nắm giữ cũng chậm mà buông bỏ cũng chậm.
Nếu như người đó trải qua một lần biến cố to lớn, hay khi cận kề cái chết sẽ có thể khiến họ thay đổi. Khi chúng ta đối với một thứ hay một người nào đó, mà có cách suy nghĩ nhìn nhận thông thoáng hơn, xem nhẹ hơn thì việc buông bỏ cũng dễ dàng hơn.
Chúng ta sở dĩ bị rơi vào đau khổ, là bởi vì trong lòng còn có nhiều dục vọng. Mỗi ngày, chúng ta đều phải suy nghĩ về những thứ dục vọng ấy thì đương nhiên là sẽ thấy mệt. Cũng giống như việc chúng ta mua sắm đồ đạc cho một căn nhà mới vậy.
Lúc ban đầu vì để thỏa mãn nhu cầu hay sở thích nên chúng ta đều muốn mua thật nhiều thứ. Nhưng nhiều năm sau này, chúng ta sẽ phát hiện thấy ngôi nhà này đã bị chồng chất quá nhiều thứ, thậm chí cả những thứ không sử dụng đến.
Lúc đó, chúng ta có suy nghĩ rằng sẽ bỏ đi một vài thứ nào đó, nhưng, bỏ đi thứ gì đây? Cái gì cũng thấy có ý nghĩa, có kỷ niệm, vứt bỏ đi thứ gì cũng không đành nên rốt cuộc lại lưu giữ lại.
Cuối cùng, cái nào chúng ta cũng không nỡ bỏ đi, thế là chúng ta đành phải chấp nhận sinh sống ở một không gian nhỏ hẹp, bức bối mà thôi. Nhưng nếu như có một ngày nào đó, căn nhà của chúng ta bị mưa dột khiến những thứ đó bị ướt, hay là chúng đã bị rách nát thì chúng ta lại dễ dàng vứt bỏ ngay.
Điều này chính là “thật sự đau đớn thì sẽ tự nhiên buông bỏ!”. Trong cuộc đời, có rất nhiều thứ chúng ta nên buông bỏ, nếu như chúng ta cứ lưu luyến chúng thì sẽ khiến chúng trở thành một loại ràng buộc, hãy dũng cảm buông bỏ để được tự do tự tại. Kinh Phật thì nhiều nhưng rốt ráo là dạy chúng sanh buông bỏ tình chấp vào 5 món dục để đạt đến giải thoát, an vui.”
Nếu thấu hiểu được câu chuyện trên thì ta thật sự sẽ chân thật phát nguyện cầu sinh cõi Cực Lạc được.
Nếu thực sự trong quá trình tu tập, đồng tu thành tựu được ít nhất là một niệm chí tâm tin ưa, chân thật hồi hướng phát nguyện vãng sinh; ngay khi đó đồng tu sẽ cảm nhận được pháp vị, được nếm chút hương vị giải thoát, như người uống sữa tự biết hương vị của sữa, chắc thật không dối!
Xin được nhắc lại rằng đó chỉ là tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo chắc chắn sự vãng sinh sau này của người tu Niệm Phật ngay khi còn sống, trong quá trình tu tập khởi được một niệm tương ưng như vậy là được. Ngay cả khi chưa thành tựu được một niệm này thì lúc lâm chung 10 niệm vãng sinh cũng chẳng nên nghi ngờ!
Lại hỏi: Giả sử tôi thành tựu được một niệm tương ưng này, sau đó do hoàn cảnh, bạn bè xúi giục, tạo đủ ác nghiệp cũng được chắc chắn vãng sinh ư?
Đáp: Điều này chắc chắn! Ví như đứa con hư hỏng từ bé bỏ nhà đi chơi bời, thật sự đã quên mất chính mình có một người mẹ hiền, gia đình giàu có vô lượng. Một thân một mình ngoài xã hội tưởng vui mà hóa khổ, hối hận khóc lóc, may mắn được thiện tri thức biết được, chỉ cho đường tìm về bên mẹ. Về bên mẹ thời gian ngắn, tuy hưởng được an lạc, nhưng do tật cũ khó bỏ, nó chẳng chịu nổi cám dỗ bên ngoài lại ra ngoài lêu lổng đủ thói hư tật xấu. Dù vậy người mẹ ấy luôn dõi theo con, chỉ cần con quay về lại dang rộng vòng tay yêu thương chăm sóc. Đứa con ấy nếu chẳng biết quay trở về thì chẳng nói làm gì, nhưng đã một lần quay về bên mẹ, cảm nhận được tình yêu thương vô điều kiện, vô bến bờ sẽ nhất định khắc cốt ghi tâm. Dù nó có tiếp tục bỏ mẹ đi chơi, sau khi gặp đủ thứ thống khổ nhất định sẽ nhớ quay về bên mẹ! Đó là điều chắc chắn!
Trong đó, sự thống khổ nhất chính là thời điểm lâm chung, ác nghiệp hiện ra đủ thứ khủng khiếp chính là lúc con nhớ mẹ tha thiết nhất, người niệm Phật tự nhiên sẽ nhớ hoặc nghĩ hoặc niệm Phật Di Đà, Phật A Di Đà nhất định sẽ tới tiếp dẫn, chắc chắn vãng sinh!
Trong Niệm Phật tông yếu của Ngài Pháp Nhiên thượng nhân, Tổ sư Tịnh độ tông Nhật Bản cũng viết: “Người niệm Phật có lòng cầu vãng sinh và không nghi Di Đà bổn nguyện, khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật tiếp dẫn. Phật tiếp dẫn để người tu niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới tiếp dẫn. Người không biết nghĩa này cho rằng nếu lâm chung không chánh niệm thì Phật không tiếp dẫn, như thế là không tin vào Phật nguyện.”
Trong Tứ thiếp sớ của Tổ Thiện Đạo cũng có ví dụ rất sinh động:
Ví như có người đi về phía Tây, trăm ngàn dặm đường, khoảng giữa có hai dòng sông chắn ngang, dòng sông lửa ở phía nam, dòng sông nước ở phía bắc, mỗi dòng sông rộng độ một trăm thước, sâu không thấy đáy, hai phía nam bắc không thấy ngằn mé, ngăn cách hai dòng sông lửa và nước là một con đường màu trắng rộng độ hơn một tấc chạy từ đông sang tây, dài độ hai trăm bước. Bên phía dòng sông nước, sóng vỗ ào ạt, làm mặt đường trơn trượt; bên phía dòng sông lửa, lửa bốc mù mịt làm mặt đường nóng bỏng, hai bên nước lửa tung tóe không lúc nào ngừng. Người đó đến gần bờ sông, chung quanh đồng không mông quạnh, bỗng nhiên có lũ đạo tặc và ác thú, thấy người đó đơn độc bèn đuổi theo muốn sát hại, người đó sợ chết bèn bỏ chạy về hướng tây, thấy hai dòng sông lớn này, trong lòng tự nghĩ: "Dòng sông này dài không thấy đầu đuôi, băng ngang là một con đường trắng nhỏ hẹp, hai bờ tuy cách nhau không xa, nhưng làm sao qua được. Hôm nay chắc bị chết ở chốn này!" Vừa muốn quay đầu, liền thấy lũ đạo tặc và ác thú phía sau đã đến gần kề, nếu muốn đi về phía nam hoặc bắc thì lại bị ác thú, rắn độc đón đầu, muốn theo con đường chạy về phía tây, lại sợ hai con sông nước, lửa. Trong lúc đang bàng hoàng sợ hãi, bèn tự nghĩ thầm: "Bây giờ quay lại cũng chết, đứng lại cũng chết, đi tới cũng chết, đường nào cũng chết, chi bằng cứ theo phía trước mà tiến bước, nếu đã có con đường này, ắt sẽ thoát hiểm!" Vừa nghĩ như vậy, bỗng nghe bên bờ phía đông (phía sau) có tiếng người khuyến khích: "Ông nên kiên quyết đi về hướng tây, ắt không còn nguy hiểm, nếu đứng lại thì sẽ chết." Lại nghe bên bờ phía tây (trước mặt) có tiếng người gọi: "Ông nên một lòng chánh niệm đi thẳng qua đây, ta sẽ bảo vệ cho ông, không nên sợ bị rơi xuống nước, lửa." Người đó nghe tiếng hai phía, bên khuyên bên gọi, tức thời chấn chỉnh thân tâm, quyết định không còn rụt rè nghi ngại, đi thẳng theo con đường trước mặt. Vừa mới đi được một đoạn, bỗng nghe bọn đạo tặc bên bờ phía đông kêu réo: "Ông hãy quay lại, con đường trước mặt rất hiểm nghèo không qua được, chắc chắn sẽ bị chết, chúng tôi không có ác ý gì với ông!" Người đó tuy nghe tiếng kêu réo, vẫn nhất quyết không quay đầu, một lòng lần theo con đường đi thẳng tới trước, không bao lâu đã qua đến bờ bên kia, vĩnh viễn lìa xa ách nạn, gặp lại bạn bè, vô cùng hạnh phúc.
ở đây bờ phía đông ví cho cõi nhà lửa Ta bà, bờ phía tây ví cho cõi nước báu Cực Lạc, lũ đạo tặc và ác thú giả vờ thân thiện ví cho cho sáu căn, sáu thức, sáu trần, ngũ ấm, tứ đại, v.v..; đồng không mông quạnh ví cho sự việc thường theo bọn ác tri thức, không gặp được thiện tri thức chân thực; hai con sông nước, lửa ví cho chúng sinh tham ái giống như nước, sân ghét giống như lửa; con đường trắng rộng độ hơn một tấc ví cho trong sự tham sân phiền não của chúng sinh, có thể sinh khởi tâm nguyện vãng sinh thanh tịnh.
Lại như tâm tham sân si hẫy hừng, nên ví với nước lửa, còn tâm thiện yếu ớt, nên ví với con đường trắng nhỏ hẹp. Lại nữa, "sóng vỗ ào ạt làm mặt đường trở nên trơn trợt", ví cho tâm tham ái thường khởi động làm nhiễm ô thiện căn; "lửa bốc mù mịt làm mặt đường trở thành nóng bỏng", ví cho tâm sân hận có thể thiêu đốt công đức pháp tài; "người đi về phía tây", ví cho sự hồi hướng các công hạnh tu tập để vãng sinh Cực Lạc; "nghe bên bờ phía đông có tiếng người khuyến khích, bèn đi về phía tây", ví cho sau khi Ðức Thích Ca diệt độ, người đời sau tuy không còn thấy được Ngài, nhưng vẫn còn giáo pháp để lại, giống như âm thanh (lời dạy); "vừa mới đi một đoạn, nghe bọn đạo tặc kêu réo", ví cho những người biệt giải, biệt hành, hoặc những kẻ ác kiến, v.v.., dùng những luận điệu mê hoặc não loạn, làm cho hành giả thoái thất đạo tâm; "bờ phía tây có tiếng người gọi", ví cho nguyện ý của Ðức A Di Ðà; "không bao lâu qua đến bờ bên kia, gặp lại bạn bè", ví cho chúng sinh đắm chìm trong sinh tử, luân hồi dài lâu, mê hoặc điên đảo, tự trói tự buộc, không được giải thoát, nhờ ơn Ðức Thích Ca chỉ dạy pháp môn Tây Phương Tịnh Ðộ, lại nhờ ơn Ðức A Di Ðà thiết tha mời gọi, hiện nay tin tưởng, thuận theo ý nguyện của hai Ngài, không quan tâm đến hai dòng sông nước, lửa, tâm tâm niệm niệm hướng về Tây Phương, nương theo con đường nguyện lực của Phật, sau khi mệnh chung, vãng sinh Cực Lạc, được diện kiến Ðức A Di Ðà, vui mừng không tả xiết.
Lại nữa, tất cả hành giả, trong lúc đi đứng nằm ngồi, ba nghiệp tu tập, bất luận ngày đêm sáng tối, thường phải nên hiểu như vậy, nghĩ như vậy, cho nên gọi là "hồi hướng phát nguyện tâm".
Sở dĩ có con đường trắng đó chính là do một niệm Chí tâm Tín nguyện tương ưng lúc trước đã thành tựu của bản thân hành giả tạo nên Nếu đổi lại là các pháp môn tự lực khác, muốn vượt thoát sinh tử phải luôn luôn giữ được niệm giác ngộ này chẳng có tạp niệm, hay nói cách khác phải hoàn toàn lấp hết hai dòng sông nước lửa, đại triệt đại ngộ vĩnh viễn vượt dòng sinh tử. Nhưng trong Tịnh độ lại có sự khác biệt hoàn toàn. Bản thân hành giả chỉ cần trong quá trình tu tập, thành tựu được một niệm Tín nguyện này, liên thông Ta bà với Cực Lạc thì Tha lực Bổn nguyện của Phật Di Đà giữ nó tồn tại vĩnh viễn, dù là tâm sân hận hay tâm tham ái cũng chẳng bị tiêu mất. Đó chính là điểm đặc sắc mà không pháp môn nào có được của Tịnh tông. Thế nên 48 Đại nguyện của Đức Từ phụ A Di Đà còn gọi là Siêu thế Nguyện.
Dù sau đó, người tu có khởi hoặc nghiệp, tham sân si khởi lên lừng lẫy thì nó chỉ tạm thời bị che lấp chứ vĩnh viễn chẳng mất đi.
Khi nghiệp tham sân si tạm thời lắng xuống, chỉ cần hành giả tịnh tâm để ý sẽ luôn cảm nhận được mối tương thông này. Khi lâm chung, chính là do đây mà hành giả được độ thoát, chẳng có gì phải nghi ngờ!
Kết
Nếu các đồng tu có thể tin tưởng, thấu hiểu thì phải biết rằng gặp được pháp môn kỳ diệu này chính là một bước chuyển phàm thành Thánh. Nhìn lại phía sau, vô lượng kiếp trôi lăn sinh tử, vô lượng kiếp địa ngục, ngã quỷ súc sinh khổ không thể nói, khóc chảy máu mắt; nay nhìn về Phương Tây, sen vàng chờ sẵn, vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau. Chờ ngày chứng Vô sinh nhẫn trở lại Ta bà độ sinh vô lượng, tự tại nhân duyên, tùy ý hóa thân, lại còn gì có thể vui sướng hơn.
ở cõi nhân gian này, tranh giành chút quyền thế, tài sản mà cũng phải trả giá bao nhiêu sinh mạng, nay nhờ ân Phật Di Đà mười niệm vãng sinh, vượt thoát tam giới, có gì có thể kỳ diệu hơn. Nay vãng sinh Tịnh độ, đồng nghĩa thành Phật, làm chủ bản tâm, làm chủ sinh tử, làm chủ vô lượng vô biên cõi nước, nếu chẳng phải nhờ ân đức Di Đà lại có thể thế sao, dù có mổ tim, bày gan cũng chẳng thể nói hết ân đức này, ôi!
Kìa trông Đức Thích Ca tu hành vô lượng kiếp xả thân mạng