;
Hình minh họa
Phật Thuyết Bần Cùng Lão Công Kinh
Kinh Lão Ông Bần Cùng
Việt dịch: Thích Thiện Trí
Như thật tôi nghe một thuở nọ Phật cùng 1.250 vị Tỷ Kheo vân tập ở vườn cây của Trưởng giả Cấp-Cô-Độc và Thái tử Kỳ-Đà (*) tại nước Xá Vệ. Bấy giờ có 10.000 vị Bồ Tát và Trời, Rồng, Quỷ, Thần, vô số Thính chúng đều cung kính tựu hội vòng quanh Phật, nghe Phật thuyết pháp, tất cả đều vui vẻ.
Trong khi đó, có một Ông già bần cùng mà thọ đến hai trăm tuổi, lông mày dài đẹp, hai lổ tai rộng lớn, răng trắng và đều đặn, hai tay dài quá gối, xem qua dung mạo tựa như người có phước tướng nhưng chịu phải cảnh nghèo khổ, quần áo không đủ để che thân, rách nát loã lồ, lại thường bị cảnh đói khát, kéo lê từng bước, vừa đi vừa thở một cách mỏi mệt.
Đã trải qua mười năm, ông nghe có Phật tại thế, trong lòng rất vui mừng, ngày đêm luôn luôn phát nguyện được gặp Phật. Ông chống gậy lần hồi tìm đến, cầu mong được yết kiến Ngài. Chẳng may vừa đến ngõ Tịnh Xá, ông lại gặp phải các vị Phạm Thiên, Đế Thích chận lại không cho vào. Uất ức, ông già mới kêu than:
“Tôi sanh ra đời bất hạnh! chịu cảnh nghèo khổ khốn cùng, đói khát, lạnh lẽo. Cầu chết mà không chết được, sống mà không biết nhờ cậy ai! Tôi nghe Thế Tôn là một bậc nhân từ, thương yêu che chở khắp tất cả. Muôn loài đều được đượm nhuần ân đức của Ngài, bởi thế lòng tôi rất đỗi vui mừng. Đã mười năm qua, ngày đêm phát nguyện, cầu mong được gặp Phật.
Nay mới được biết quả thật có Phật. Vì vậy, không sờn lòng, kéo lê chiếc thân già yếu từ xa xôi đến, tôi xin một đều duy nhất là được yết kiến Phật, cầu Ngài ban ân từ, cứu cho tôi được thoát khỏi cảnh thống khổ. Nhưng Quý Vị lại ngăn cấm không cho tôi vào.Thế là quý vị đã làm trái với bản ý của Phật. Đâu nên làm như vậy!”
Ở trong đã biết việc gì đang xảy ra giữa ông già và Phạm Thiên Đế Thích ở ngoài ngõ tịnh xá, Phật mới quay sang hỏi A-Nan:
“Ông đã thấy ông già nào có phước tướng, kỳ lão trường thọ mà bị nhiều tội lỗi hay không ?”
A-Nan quỳ thẳng, vòng tay bạch Phật:
“Làm sao có người kỳ lão trường thọ, có phước tướng, lại có nhiều tội lỗi?- Người có nhiều tội lỗi làm sao lại có phước tướng ? Đời con chưa từng thấy người như thế. Ngưới ấy hiện giờ ở đâu ?”
Phật đáp: Ta thấy có một ông già như thế hiện ở ngoài ngõ, bị Phạm Thiên Đế Thích ngăn chận không cho vào. Ông hãy ra bảo ông ấy vào.
Bấy giờ ông già lòm còm đi vào, vừa trông thấy Phật, ông rưng rưng hai hàng nước mắt, vừa mừng vừa khóc, cúi đầu sụp lạy đức Phật, rồi quỳ thẳng, vòng tay sụt sùi kính bạch: “Con sanh ra đời bất hạnh, chịu cảnh bần cùng khốn khổ, đói khát lạnh lẽo.
Cầu chết mà chết không được, sống thì không biết nhờ cậy ai. Con nghe Thế Tôn là một bậc nhân từ yêu thương che chở khắp tất cả. Muôn vật đều được đượm nhuần ân đức của Thế Tôn. Tâm con vui sướng, đêm ngày phát nguyện, mong được một phen chiêm ngưỡng Tôn nhan từ mười năm qua, nay mới được kết quả như nguyện, nhưng vừa rồi con đến ở ngoài ngõ hồi lâu, không vào được.
Muốn đi trở lui, nhưng khí lực đã yếu không kham nổi, tấn thối lưỡng nan không biết tính đường nào. Con chỉ sợ rằng bỏ mạng nơi đó, làm ô uế cửa Phật, càng thêm tội lỗi. May thay được đấng Thiên Tôn thương xót tiếp dẫn, nên con mới được vào đây.
Được may mắn như thế nầy, dù bây giờ có chết con cũng không còn ân hận gì nữa. Con chỉ mong muốn mau dứt trừ hết tội lỗi, đời sau không còn phải chịu cảnh thống khổ. Nguyện Phật giũ lòng từ, ban cho con Phật huệ!”
Phật dạy: “Phàm làm người thọ sanh ra cõi đời, sanh tử đều do nhơn duyên. Do nhiều nhơn duyên tạo ra gốc rễ tội lỗi. Ta sẽ nói cho ông rõ nguồn gốc của tội lỗi mà ngày nay ông đã gánh chịu: Đời trước ông sanh vào nhà Minh Huệ Vương, là một ông Vua cai trị một đại cường quốc.
Khi đó ông là Thái Tử Kiêu Quí. Trên được Phụ Vương và Mẫu Hậu quí trọng, dưới được thần dân kính phụng. Vì thế nên ông hết sức kiêu căng, tự cao, tự đại, tâm ý buông lung, khinh ngạo mọi người, xem thường tất cả. Giàu có cự phú, tài sản muôn ức, đều là chiếm đoạt của dân.
Trăm họ nghèo cùng bởi vì thuế khoá thu hết. Ông chỉ biết tom góp, chứ không biết bố thí. Bấy giờ có một vị Sa Môn tên là Tịnh Chí từ xứ xa đi đến. Vì thiếu một cái pháp y, nên tìm đến ông, mong ông bố thí một cái mà thôi, chứ không mong cầu gì nhiều. Nhưng ông tuyệt nhiên không cho, lại còn đối xử một cách quá tệ ác, đã không cho pháp y, lại cũng không cho ăn. Ông bắt vị Sa Môn vô tội ngồi mãi trước nhà, muốn đi ông vẫn không cho.
Qua bảy ngày đêm không thí cho một hớp nước. Thân thể đã ngất xỉu, hơi thở thoi thóp, tánh mạng sắp nguy kịch. Coi đó như một trò vui, cho tập trung nhiều người đến xem, ông lấy làm vui thích lắm! Lúc ấy có vị cận thần khuyên can ông rằng: “ Thái Tử chớ nên làm như vậy. Đây là một Sa Môn hiền từ, khiêm tốn, bên trong mang cả tinh thần đạo đức. Sự lạnh lẽo bên ngoài, đối với con người ấy không có gì đáng gọi là lạnh lẽo, và sự đói khát cũng không đáng là đói khát.
Sở dĩ đến đây xin là muốn gây phước đức cho kẻ khác thế thôi. Thái-tử đã không bố thí cho thì thôi, đừng nên gây cùng bức cho người ta. Tốt hơn là Thái-tử trả tự do cho vị Sa-môn này đi. Đừng nên gây thêm điều gì tội lỗi!”
Thái tử đáp rằng: “Đây là người gì mà giả xưng là đạo đức. Ta cho chịu khốn khổ thử chơi, chứ ai để cho chết làm gì? Khanh đừng lo. Thôi Khanh thả cho cho ông đi”. Đoạn thả vị Sa-môn đi ra khỏi thành. Vị Sa-môn đi cách thành khoảng mười dặm, lại gặp phải bọn giặc cướp bị đói lâu ngày muốn bắt vị Sa-môn giết ăn thịt. Vị Sa-môn nói rằng: “Tôi là Sa-môn nghèo khổ lạnh lẽo, thân thể ốm yếu, chỉ còn da bọc xương, thịt lại hôi tanh, ăn chẳng được nào. Các ông có giết tôi cũng chỉ thêm khổ công chờ không dùng được!”.
Bọn giặc đối đáp rằng: "Bọn tui đã bị đói lâu ngày, chỉ ăn cây đất. Ông tuy ốm nhưng vẫn là thịt. Không thể nào thả ông đi được. Chỉ có cách là ông phải hy sinh”. Hai bên nói tới nói lui, phân vân hồi lâu. Tình cờ có Thái-tử đi đến, thấy sự kiện như thế, tự nhủ rằng: Ta đã không cơm áo vị Sa-môn ấy thì thôi chớ đâu lại nỡ để cho bọn giặc đói giết hại! Ta phải cứu người.
Bọn giặc đói thấy Thái-tử can thiệp, nên cả bọn đều sụp lạy xin tạ tội và thả vị Sa-môn đi.
Vị Sa-môn lúc đó nay là Bồ-Tát Di-Lặc đây, Thái-tử Kiêu-Quí lúc đó, nay là ông đây. Sở dĩ nay ông chịu phải tội bần cùng khốn khổ là do đời trước tham lam bỏn xẻn. Lý do nay ông được trường thọ là bởi cứu mạng sống vị Sa-môn. Tội phước báo ứng như bóng theo hình, như vang ứng tiếng!
Ông già bạch Phật: “Việc quá khứ đã rõ ràng như vậy. Con xin nguyện được giũ sạch từ đây mà nguyện đem mạng sống thừa này được làm Sa-môn, về sau đời đời thường được hầu bên Phật”.
Phật dạy: Hay thay! Hay thay!
Liền khi đó, râu tóc ông già rụng hết, pháp y tự nhiên được đắp lên thân. Thân thể, trí lực trở nên mạnh mẽ tráng kiện, tai mắt thông sáng, ông liền được trí tuệ cao thượng, nhập pháp môn chánh định.
Bấy giờ Thế-tôn nói lại kệ rằng:
Ngươi xưa là Thái-tử
Kiêu-Quí tự buông lung,
Không biết điều nhân nghĩa.
Ỷ con đại quốc vương
Tự bảo không tội phước
Tưởng được thế mãi mãi
Không hiểu lẽ sanh tử
Ngày nay chịu hoạ này
Tạo tội lại may phước
Nên được gặp lại Như-lai
Thoát khỏi những tội xưa
Nương thân vào pháp môn
Xa lìa tâm xan tham
Thường được căn trí tuệ
Đời đời hầu bên Phật
Sống lâu muôn vạn kiếp.
Ông già đó đã trở thành một vị Tỳ-kheo, nghe kinh và hoan hỉ lạy Phật:
Bấy giờ Thế Tôn bảo A-Nan:
“Nếu có người nào chuyên tụng kinh này, thì người ấy sẽ thấy được ngàn đức Phật ở Hiền kiếp. Người nào thực hành theo kinh này phổ biến rộng rãi, lưu truyền cho hậu thế, thì người ấy sau sanh ra đời sẽ gặp Phật Di-Lặc và được Phật thọ ký. Như-Lai lưỡi rộng dài không bao giờ nói sai!
Tất cả đại chúng nghe Phật nói xong đều lạy Phật, vui vẻ tuân hành.
Lưu Tống Huệ Giản dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Thiện Trí
Bản Việt dịch (2) của Thích Bửu Hà