;
Có một số Phật tử tại gia và những nhà học giả nghiên cứu đến hỏi tôi về lịch sử Tịnh độ tông ở Việt Nam.
Tôi đáp : Căn cứ vào lịch sử Phật giáo Việt Nam,thì Tịnh độ tông không có sự truyền thừa từ đời theo thế hệ như ở Trung Quốc. Việt Nam Phật giáo, Thiền tông luôn là chủ lực tinh thần kiêm hoằng dương các tông, Tịnh, Mật, Giáo – xem lịch sử truyền thừa và hành trạng chư Tổ sư các Thiền phái Việt Nam.
Nhưng vào giữa thế kỷ thứ 19 do hoàn cảnh xã hội của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, cần phải có những giáo phái đơn giản hóa Phật giáo, nhằm đáp ứng cho tầng lớp Công Nông tay lấm chân bùn, có tỷ lệ ít biết đọc chữ rất cao, cho nên Kinh điển phải diễn dịch theo thể loại văn vần, Song thất – Lục bát. Đọc ngân nga theo vần điệu dân ca. Ai đó đã thuộc lòng thì mỗi khi làm nông cày cấy, lúc đau lưng, nhức mõi thì cứ ngân nga lãnh lót, Ê.. A..vài câu để mọi người thưởng thức pháp âm vi diệu của Phật Tổ, để cùng nhau ôn nhớ thuộc long để lo tu tâm sửa tánh. . .
Việc này bắt nguồn từ Thiền sư Minh Huyên hiệu Pháp Tạng thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 38 (là một trong những đồ đệ ưu tú của Tổ sư Tiên Giác – Hải Tịnh, tổ đình Giác Lâm, Gia Định), được người đời tôn xưng là Phật Thầy Tây An, vì Ngài Trụ trì Tổ đình Tây An, núi Sam, Châu Đốc. Ngài khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1949 và từ mạch nguồn ấy truyền nhiều thế hệ cho đến Phật tử Ngô Lợi khai sáng giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật tử Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng giáo phái Phật giáo Hòa Hảo
Vào năm 1939, là thế hệ thứ năm.
Truyền thống các giáo phái này đều cùng một Tông chỉ, do Phật Thầy Tây An chủ xướng : “Phật Phật Tu Nhân” làm nổi bật giáo lý : “Tứ TrọngÂn”. Nhưng phải đặt Ân Tổ Quốc trên hết khi Đất nước lâm nguy – Sơn hà nguy biến, chỉ thuần niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Đầu thế kỷ 20 vào thời chấn hưng Phật giáo thì có Phật tử pháp danh Minh Trí sáng lập Tịnh Độ Cư Sĩ ngài dựng lập Tông chỉ : “Phúc Huệ Song Tu”.
Tu Phúc là chuyên làm từ thiện, duy trì và phát triển nền Y học Dân tọc Cổ truyền. Ngài dạy xem mạch bốc thuốc để điều chỉnh cho bệnh nhân thân tứ đại điều hòa, còn người do Thẩt tình Lục dục làm Thất điên Bát đảo, tâm, trí loạn động thì dùng Bát Chánh Đạo và trì danh niệm Phật để Tâm an tịnh.
Tu Huệ là Niệm Phật cầu Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, lấy ba thứ kinh : - A Di Đà – Kinh Vô Lượng Thọ - Kinh Quán Vô Lượng Thọ làm Kim Chỉ Nam. Dùng Kinh Thiện Sinh (Lễ bái lục phương) làm Kim chỉ nam cho Phật tử tại gia đối nhân xử thế theo luân thường Đạo đức xã hội.
Vào đầu thập niên 50 giữa thế kỷ 20, Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, hiện đương kim đệ nhất Phó Pháp Chủ - Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Ngài đã khởi xướng phong trào chuyên tu Tịnh Độ và trước tác quyển : Đường Về Cực Lạc cùng dịch và giảng giải các kinh sách Tịnh Độ làm rõ lời Phật ý Tổ, ngõ hầu khuyến tấn mọi người đồng Sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, đồng thành Phật đạo.
Năm 1967, Hòa thượng Thích Thiền Tâm ngài ý nguyện tiếp nối theo đường lối của bậc Thầy Tổ đi trước. Năm 1967, Ngài đến Đại Ninh, ấp Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kiến thiết Hương Quang Thất, chuẩn bị cho giai đoạn ẩn tu.
Năm 1968, Hòa thượng chính thức về trụ hẳn ở Đại Ninh, lập nên đạo tràng Tịnh độ. Ngài không câu nệ vào việc nhập thất, mà sẵn sàng tiếp hóa chư Tăng Ni Phật tử đến tham vấn học đạo, Ngài còn soạn thuật: Niệm Phật thập yếu, Tây phương nhựt khóa, Tịnh độ pháp nghi và phiên dịch kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni. Ngày nay khu này thành một Liên xã Tịnh Độ.
Thiền sư Thích Duy Lực là người chuyên hoằng dương Tịnh độ, hướng dẫn người Hoa tu Tịnh độ mấy mươi năm và Ngài là người khởi xướng Niệm Phật Thất tại Việt Nam trong thế kỷ 20.
Dịp các tự viện và tư gia Phật tử khắp nơi cúng lễ vía Đức Phật A Di Đà và cũng là sắp đến tưởng niệm ngày cố Thiền sư Thích Duy Lực Viên tịch lần thứ 11, môn đồ pháp quyến chúng tôi thành kính ghi lại những lời khai thị của Ngài về Tịnh Độ để gởi đến quý đọc giả chúng ta cùng tham khảo :
Hỏi : Thế nào là Tông chỉ của Tịnh độ ?
Đáp : Tông chỉ của Tịnh độ là : TÍN, NGUYỆN, HÀNH
* TÍN : Có ba thứ :
- Tin lời Phật Thích Ca chẳng dối gạt người.
- Tin cõi Cực Lạc không già, không bệnh, không chết, muốn gì được nấy.
- Tin mình kiếp này sẽ được Vãnh sanh, chẳng cần đợi kiếp sau.
* NGUYỆN : có hai thứ :
- Tiểu nguyện : Hễ phát tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, chẳng được vãng sanh. Tại sao ? Vì tiểu nguyện chỉ phát nguyện cho một mình được vãng sanh, nếu không trở lại đầu thai thì làm sao có quả báo ? Bây giờ chẳng nói về kiếp trước, chỉ nói kiếp này : Từ nhỏ tới lớn có sát sanh không? Có giết chết con muỗi con kiến không ? Có ăn thịt chúng sanh không ? Theo nhân quả là giết một mạng phải đền một mạng, ăn một cục thịt trả một cục thịt, thế thì làm sao trả nợ mạng, nợ thịt ? Nên phải phát đại nguyện.
- Đại nguyện : Ví như mình hiện nay không có tiền mặt để trả nợ, ký phiếu hẹn đến kỳ sau. Sau này được sanh cõi Cực Lạc rồi, thành Phật trở về độ hết tất cả chúng sanh. Ngoài phát nguyện như thế, còn phải thực hành.
HÀNH : Cần nhất là phải hành theo đại nguyện của mình, nếu không thực hành là nguyện giả, cũng như người tu Tịnh Độ mà không ăn chay là nguyện giả. Tại sao ? Vì đã phát nguyện độ chúng sanh, còn ăn thịt chúng sanh, chẳng phải nguyện giả ư ? Như câu hồi hướng trong Kinh Di Đà :"Thập phương tam thế Phật, A Di Đà đệ nhất, phàm hữu chư phước thiện, chí tâm cùng hồi hướng", tức làm bất cứ việc phước thiện gì đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, trong đó có chủ nợ của mình. Bất cứ con người hay súc sinh; gặp con chó cũng phải phát tâm độ, mặc dù con chó không biết nghe mình nhưng cũng nói, gặp con mèo thì độ con mèo. Thử hỏi hiện nay có ai làm như vậy không ? Có người phát tâm tu Tịnh Độ đã hơn ba mươi năm, cũng có phát đại nguyện, nhưng hỏi về phần thực hành thì không có.
Hỏi : Về vấn đề tu Thiền nhờ tự lực, và Tịnh Độ nhờ tha lực như thế nào ?
Đáp : Tất cả phương tiện của Phật dạy đều phải nhờ tự lực, phải tự ngộ chứ không thể nhờ tha lực. Nói Pháp môn Tịnh Độ nhờ tha lực là sai lầm; bởi tông chỉ của Tịnh Độ là TÍN, NGUYỆN, HÀNH, cũng là nhờ tự lực. Nhất là về cái nguyện, khi đã phát đại nguyện rồi thì phải thực hành, ấy là nhờ tự lực. Niệm Phật cũng phải tự lực tự làm, chẳng được nhờ người khác niệm dùm.
Tông phái nào cũng phải nhờ tha lực, nhưng tự lực là chánh, tha lực là trợ duyên. Còn nói Thiền tông là nhờ tự lực chẳng nhờ tha lực cũng không đúng, tại sao ? Thế có phải khi mình sanh ra đã biết tham Thiền đâu ! Pháp môn này là do Phật dạy, ấy là trợ duyên; do chư Tổ truyền lại đời sau, ấy là trợ duyên; Thầy dạy chúng ta tham Thiền, ấy cũng là trợ duyên, là tha lực.. Cho nên chẳng có Tông phái nào chỉ nhờ tự lực hoặc chỉ nhờ tha lực mà được, tại con người chấp tâm sai lầm thôi.
Hỏi : Trước tu Tịnh độ, nay chuyển qua tham Tổ Sư thiền được không ?
Đáp : Mục đích tu Tịnh Độ hay tham Tổ Sư Thiền đều là để giác ngộ thành Phật, giải quyết tất cả khổ. Chỉ là Pháp Tịnh Độ thuộc pháp thiền gián tiếp, Tổ Sư Thiền là pháp thiền trực tiếp. Đức Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, chỉ có Tổ Sư Thiền là pháp trực tiếp, ngoài ra đều là pháp gián tiếp. Lại, tu pháp môn nào phải đúng theo tông chỉ pháp môn đó mới được thành tựu, nếu tu không đúng, chẳng những không được thành tựu, có thể trở thành ngoại đạo.
Pháp môn Tịnh Độ là do pháp sư Huệ Viễn đời nhà Tấn Trung Quốc dựa theo Kinh Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ sáng lập, chứ chẳng phải do Phật Thích Ca sáng lập hay từ Ấn Độ truyền qua. Trong đó có bảy vị Tổ là tu theo Tổ Sư Thiền kiến tánh rồi, tùy theo nhân duyên giúp cho Tịnh Độ hoằng pháp. Đến Tổ thứ 13 là Pháp sư Ấn Quang, sau đó mấy mươi năm nay chưa có Tổ thứ 14.
Còn Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp, rồi do Tổ sư từng đời truyền xuống, đến đời tôi, mỗi đời đều có sự truyền thừa rõ ràng.
Đối với Lịch sử Thiền tông ở Việt Nam tôi chưa được rõ, nghe nói Tổ Sư Thiền ở Việt Nam là truyền từ Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi rồi thành tông phái mang tên ngài, và các tông Thiền phái như : Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm, Lâm Tế, Tào Đồng hay dòng thiền của ngài Liễu Quán. Đến nay đã thất truyền gần hai trăm năm, có Tổ sư từ Trung Quốc qua Việt Nam dạy về pháp môn Tổ Sư Thiền, sau đó cũng thất truyền.
Còn Tổ sư Tịnh Độ của Việt nam thì không nghe nói, cũng không biết do vị Tổ nào sáng lập, đa số do tự mình xem sách, nhiều người tự lấy ý mình tu, cho tụng kinh niệm Phật là tu Tịnh Độ. Còn hỏi về tông chỉ của Tịnh Độ thì nói là; Tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, phát nguyện. Sự thật, tông chỉ của Tịnh Độ là TÍN, NGUYỆN, HÀNH.
Hỏi : Vậy có Tông chỉ Tịnh độ không ?
Đáp : Theo Phật pháp, nguồn gốc của Bản thể là Phật tánh, đức Phật gọi là Chơn như Phật tánh. Bản thể của Phật tánh không dính líu với Có Không. Có Không là nguồn gốc của 62 kiến chấp, phàm có đối đãi là nhị biên, là biên kiến, thuộc một trong năm thứ ác kiến. Hễ chấp thật Có và Không đều lọt vào biên kiến, nên Phật dạy phải lìa tứ cú, tuyệt bách phi, nếu chấp thật sự có và không, đã nghịch với bản thể tự tánh, dẫu cho siêng năng tu tập, cũng chẳng thể thành tựu.
Hỏi : Thiền tông và Tịnh độ một thể phải không ?
Đáp : Nói thì đúng, nhưng sự hiểu không đúng. Cách thực hành giữa Tổ Sư Thiền và Tịnh Độ có khác, nhưng mục đích không khác, chỉ là pháp thiền trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Tức Tổ Sư Thiền có thể kiến tánh lúc còn sống, không cần đợi sau chết mới vãng sanh.
Tịnh Độ dù được vãng sanh, vẫn chưa được kiến tánh. Tại sao ? Vì tất cả pháp đều không ngoài nhân quả. Nhân vô vi mới được quả vô vi, nhân hữu vi chỉ được quả hữu vi. Do cách tu của Tịnh độ chỉ gieo được nhân hữu vi, bản thể Tự tánh không đối đãi, chẳng thuộc Có Không, nên khi thực hành theo đường lối, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi.
Tịnh độ cuối cùng cũng thành Phật, nhưng còn xa, vì là pháp gián tiếp. Người được sanh cõi Tịnh độ mới bắt đầu tu, nếu sanh nơi biên địa, là chưa được vào cõi Tịnh độ, sanh nơi Hạ phẩm phải ở trong hoa sen mười hai đại kiếp mới được ra; Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp gồm hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp là mười sáu triệu năm.
Quý vị thử nghĩ xem là bao lâu ?
Còn tu pháp Tổ Sư Thiền, có thể ngay trong kiếp này được kiến tánh, như Long nữ trong Kinh Pháp Hoa tám tuổi thành Phật. Cho nên, pháp trực tiếp với pháp gián tiếp có khác, nhưng khi thành Phật là không khác.
Như trên đã nói, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi, người tu Tịnh độ sau khi sanh cõi Tịnh độ, lòng tin vững chắc rồi, bỏ được chấp tâm, mới chuyển từ niệm Phật qua tham thiền, từ nghi đến ngộ. Nghi tình là nhân vô vi, mới được sự Ngộ là quả. Tại sao nói Nghi tình là nhân vô vi ? vì Nghi tình là tâm không biết, chẳng dính mắc gì cả. Hễ có dính mắc là hữu vi.
Hỏi : Con nghe nói Tịnh độ niệm Phật một câu tiêu tám muôn ức kiếp tội, nay tham thiền thì sao ? Được mau tiêu tội không ?
Đáp : Chớ nói niệm một câu Phật hiệu tiêu được tám muôn ức kiếp tội, hễ niệm Phật một câu tiêu được một ngày tội cũng đủ rồi ! Cứ suốt ngày tạo tội, chỉ cần niệm một câu Phật liền tiêu, vậy thì đâu có sợ tạo tội ! Một kiếp biết bao lâu không ? Hễ một câu niệm Phật tiêu được tám muôn ức kiếp tội, thì hiện nay tội đã không còn.
Niệm Phật hiệu rất dễ, đời người chỉ có một trăm năm, vậy cứ tạo tội mãi mà chẳng sao !
Nếu được như thế, đâu cần làm thiện, cực khổ tu hành làm gì ? Nên biết câu nói trên là sai, vì không có nhân quả, tức tạo ác nhân cũng được thiện quả ? Việc không có nhân quả là phá hoại Phật pháp, không nên theo.
Hỏi: Tịnh độ tông trì kinh niệm chú, có công dụng như tham thiền không?
Đáp: Ông đã hiểu lầm, trì chú thuộc Mật tông, chứ không thuộc về Tịnh độ. Tịnh độ thì niệm Phật, mà nếu niệm hiệu Phật A Di Đà là thuộc Tây phương Tịnh độ, niệm hiệu Phật Lưu Ly Quang Như lai là thuộc Dược sư Tịnh độ, (cũng gọi Đông phương Tịnh độ), còn Đâu Suất Tịnh độ niệm hiệu Phật Di Lặc, ba Tịnh độ này đều có người hoằng dương, phổ biến nhất là Tây Phương Tịnh độ, ngoài ra còn có vô lượng vô biên Tịnh độ.
Hỏi: Trong cuốn Noi Gương Niệm Phật nói:”Niệm một câu A Di Đà Phật diệt được tám mươi bốn ngàn tội sanh tử, được tám mươi bốn ngàn công đức vi diệu.” Trong công quả hằng ngày, lúc quét nhà lau nhà lỡ giết hại con kiến côn trùng thì câu Phật hiệu có diệt được tội đó không ?
Đáp: Nếu nói niệm Phật diệt được tội thì không có nhân quả, ví như tạo ác nhân mà niệm Phật có thể tiêu tội thì đâu sợ tạo nghiệp ! Ai cũng biết niệm Phật, kể cả con nít biết nói, chỉ cần dạy cho nó niệm Phật cũng được vậy ! Chúng ta không thể y văn giải nghĩa, làm oan cho tam thế Phật. Hễ người phạm giới mà sám hối cũng chỉ diệt được tội phá giới, vẫn phải chịu tội nhân quả, chứ chẳng thể sám hối tội nhân quả. Nếu vô ý giết hại con vật thì sau này sẽ bị vô ý giết lại.
Hỏi: Tu theo tông chỉ của Tịnh độ và tông chỉ của Thiền tông đưa đến kết quả như thế nào?
Đáp: Tông chỉ của Tịnh độ, của Thiền tông, kể cả của các tông các phái trong Phật giáo, mục đích đều như nhau, cũng là muốn thành Phật. Thành Phật không phải trở thành một vị thần linh, mà là giác ngộ, ở trong chiêm bao thức tỉnh thì khổ trong chiêm bao tự dứt. Vì giác ngộ mới giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại, cho nên nói là thành Phật, kỳ thật Phật đã thành sẵn, Kinh Viên Giác nói “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”.
Tất cả pháp môn cuối cùng chỉ là hiện ra Phật tánh, thật ra nói Phật tánh là Tâm. Tại sao nói Phật tánh ? Vì chữ Phật nghĩa là Giác ngộ, Tâm này có tánh Giác ngộ, nên gọi Phật tánh; nếu không có tánh Giác ngộ thì chẳng thể thành Phật.
Nói đến chữ TÂM thì tất cả đều là Tâm, “Vạn pháp duy Tâm,” “tất cả do Tâm tạo,” vũ trụ vạn vật, địa, thủy, hỏa, phong v.v… đều bao gồm trong đó, chẳng cái nào thiếu sót, cho nên nói tất cả pháp thế gian đều là Phật pháp; Lục Tổ nói “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian giác,” cái tách này, bình này, kể cả cái thân này đều từ Diệu Tâm sanh ra. Bây giờ chúng sanh chấp cái thân này là ta, còn cái tách, cái bình chẳng phải ta, nếu theo Phật pháp thì tất cả đều là ta, bởi vì tất cả đều từ Tâm sanh ra, thì đâu có cái nào ở ngoài Tâm? Nên nói đều là tự kỷ. Nếu tất cả đều là tự kỷ, thì mặc dù nói là ta, nhưng đã phá được ngã chấp, chẳng còn tương đối, nên nói là Đồng thể Bi, tất cả đồng một Bản thể (Tâm).
Thế thì Tịnh độ cũng là Tâm, Thiền cũng là Tâm, những người tu Tịnh độ do không biết nên chấp thật cái thân này.
Nếu nói cho đúng thì Phật giáo chẳng phải là một Tôn giáo, hai chữ Tôn Giáo là do người Nhật đặt ra, tất cả các tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo… chú trọng về tín ngưỡng, phải tin Giáo chủ, nên thuộc về tôn giáo; còn Phật giáo thì khác, Phật Thích Ca nói “Tất cả chúng sanh đều là Phật,” đều bằng với Phật.
Vì Tâm chẳng có hình tướng số lượng, bộ não chẳng thể nhận biết, nhưng sự dụng thì rõ ràng, ví như cái thân này, cái tách này, cái bàn này, ghế này… đều là dụng của Tâm, vũ trụ vạn vật đều là dụng của Tâm, nên Đức Phật nói “Nhất thiết duy Tâm tạo.” Nhưng nhà khoa học thì không tin, chỉ tin vào vật chất, nói tâm này cũng do vật chất sanh ra. Trong quyển Đại Thừa Tuyệt Đối Luận, Ngài Nguyệt Khê có một biểu đồ nói về bốn thừa:
Sự phát triển của Phật pháp chia làm 4 giai đoạn để thuyết minh như sau :
1.Tỉểu Thừa | 2. Trung Thừa | 3. Đại Thừa | 4. Tối Thượng Thừa |
-Giai đoạn ngã chấp | -Giai đoạn pháp chấp | -Giai đoạn không chấp | -Giai đoạn thực tướng |
-Chủ quan Duy vật luận | -Chủ quan Duy tâm luận | -Tâm và vật Hợp một | -Phi tâm phi vật |
-Phạm vi tương đối | -Phạm vi tương đối | -Phạm vi tương đối | -Phạm vi tuyệt đối |
-Ở trong nhất | -Ở trong nhất | -Đến Vô Thủy | -Chân Như Phật tánh |
-Thanh Văn | -Duyên Giác | -Bồ Tát | -Phật |
Tiểu thừa nói về duy vật, Trung thừa nói về duy tâm, Đại thừa nói tâm vật hợp một, Tối thượng thừa thì vô sở trụ, nói chẳng phải tâm, chẳng phải vật, tức chẳng phân biệt tâm khác với vật, là phi phi vật, chẳng phải có hai.
Ví như mấy mươi cây đèn trong một phòng, đèn lớn ánh sáng mạnh, đèn nhỏ ánh sáng yếu, đèn dù khác nhau nhưng ánh sáng chẳng phải có hai; năm cây đèn cũng chỉ một ánh sáng, một triệu cây đèn cũng chỉ một ánh sáng. Lại nữa, những người học khoa học thì biết rõ ánh sáng cùng khắp hư không, đã cùng khắp thì sự tương đối tự nhiên tiêu diệt, chẳng còn tương đối nữa.
Theo Phật pháp, nguồn gốc của tương đối là Hữu và Vô, Hữu là Có, Vô là Không. Tất cả chúng sanh đều do chấp ngã mới gây ra đủ thứ khổ và phiền não, tức chấp thân này là ta, bây giờ thành lập có ta tức hữu ngã, được không? Ví dụ thân ta là một trong những cây đèn, muốn thành lập hữu ngã thì phải chỉ ra ánh sáng đèn nào thuộc về của ta, quí vị có ai chỉ ra được không? Ánh sáng đèn cùng khắp chánh điện này, có ai chỉ ra được ánh sáng nào là của ta? Không được. Tại sao? Vì ánh sáng đèn nào cũng cùng khắp, dù lớn hay nhỏ, bao nhiêu triệu cây đèn cũng cùng một ánh sáng, chẳng sức mạnh nào chia thành hai ánh sáng được.
Thế thì nói là không có ta, tức vô ngã, được không ? Muốn thành lập vô ngã, quí vị phải chỉ ra chỗ nào không có ánh sáng đèn của ta ? Chỗ nào cũng cùng khắp, vậy muốn thành lập nghĩa vô ngã cũng không được, vì chẳng thể chỉ ra.
Mặc dù chẳng thể chỉ, nhưng không phải là không có những cây đèn khác biệt, ví như một trăm cây đèn vẫn là một trăm cây, đèn lớn vẫn phát ra ánh sáng mạnh hơn, đèn nhỏ vẫn phát ra ánh sáng yếu hơn, chứ chẳng phải tương đối tiêu diệt rồi ánh sáng và đèn cũng tiêu diệt luôn. Cho nên, tất cả chúng sanh dù cùng một Phật tánh, cùng một Tâm, nhưng mỗi mỗi chúng sanh vẫn là khác nhau, cũng như tất cả đèn cùng chung một ánh sáng mà mỗi mỗi đèn vẫn khác nhau vậy. Nếu chúng ta sanh khởi tâm chấp thì có cái này cái kia, muôn ngàn sai biệt; có Tịnh độ, Thiền tông, Thiên thai, Hiền thủ, Duy thức, Tam luận… đủ thứ tông phái, cho đến tà ma ngoại đạo, thế gian công thương kỹ nghệ… Nhưng công thương kỹ nghệ, tà ma ngoại đạo, tông phái này tông phái kia đều là một Tâm chứ chẳng phải hai Tâm. Do đó, nói Phật giáo chẳng phải tôn giáo, vì tất cả đều gồm trong đó. Nếu hiểu được tất cả đều ở trong Tâm, chẳng phải ở ngoài thì khỏi cần phân biệt Tịnh độ và Thiền, sở dĩ có phân biệt vì có Tâm chấp vậy.
Nay người đời nhìn Phật giáo như là một tôn giáo, vì thấy Phật giáo đồ Mê Tín, cho rằng Phật giáo là một tôn giáo Mê Tín. Sự thật thì giáo lý của Phật giáo là Chánh Tín, là phá Mê Tín, nhưng vì Phật giáo đồ không hiểu, trong Thiền tông có nói: ”Ấy chẳng phải lỗi tại đệ tử, là lỗi tại người Thầy,” tại Tu sĩ tự mình Mê Tín rồi dạy Phật tử cũng Mê Tín theo.
Tại sao nói Chánh Tín là phá Mê Tín ? Như Bát Nhã Tâm Kinh, các chùa ngày thường đều tụng mấy lần, tụng thì tụng, mà trong cuộc sống hằng ngày thì nghịch với Kinh: Trong Kinh nói “Vô lục căn, lục trần, lục thức, vô lão tử… cho đến vô Khổ, Tập, Diệt Đạo, vô trí diệc vô đắc,” vô lão tử là không có già chết, cái đó còn thuộc phạm vi Giáo môn chứ chưa phải Thiền môn, người ta còn tin không nổi, huống là Thiền môn bất lập văn tự, làm sao tin nổi ! Nếu muốn phổ biến cho nhiều người thì phải dạy người ta Mê Tín, đó mới dễ tin và phổ biến được nhiều, vì những người Mê Tín rất dễ dàng đem gia tài đi cúng, họ cho rằng càng cúng nhiều càng được phước nhiều. Còn dạy người Chánh Tín thì tất nhiên khó tin rồi. Chỉ có những người đã phát tâm tu giải thoát, kiếp trước đã tu, đã gieo trồng thiện căn rồi, kiếp này mới có lòng tin chơn thật. Kinh Kim Cang nói: ”Phát lòng tin trong sạch, chẳng phải chỉ kiếp trước nơi một Phật hai Phật gieo trồng thiện căn, mà là vô lượng vô biên hằng sa chư Phật gieo trồng thiện căn,” mới được lòng tin trong sạch như hiện nay vậy. Có lòng tin chắc chắn, sự tu mới chắc chắn, giải thoát mới chắc chắn.
Nhiều người đã phát tâm tu, ấy là nhiều kiếp đã gieo trồng thiện căn, mới có nhân duyên đến dự Thiền thất, đến nghe tôi giảng về pháp Chánh Tín. Tôi không bao giờ giảng về Mê Tín, người cúng dường Chánh Tín không mong đợi phước báo và cúng dường vô điều kiện, không đòi hỏi tôi tụng kinh Cầu An Cầu Siêu, cũng không cần biết phước báo đó lớn như thế nào.
Tôi đến giảng tại các Phật Học viện, mặc dù tôi chuyên hoằng Tổ Sư Thiền, nhưng người ta hỏi về Tịnh độ thì tôi giải đáp về Tịnh Độ, hỏi về Thiền tôi giải đáp Thiền, cho đến các pháp môn khác. Ai thích tu pháp môn nào thì tôi dạy pháp môn đó, chứ chẳng phải bắt buộc mọi người phải tu Tổ Sư Thiền.