;
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sanh tử
Ư kim tận hỷ.
Dịch là:
Trên trời dưới trời
Ta là người duy nhất
Kiếp này là kiếp cuối cùng của ta
Vì không còn sinh tử nữa.
“Ngã” ở đây phải được hiểu là chấp ngã, là dính mắc, là bị ràng buộc đủ mọi thứ. Chấp ngã có gốc rễ từ tham, sân, si. Tùy theo cường độ tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi địa ngục (thiên hạ). Các cõi trời được xem như ở trên, các cõi địa ngục được xem như ở dưới; mặc dù thâm ý bài kệ không hẳn là vậy, nhưng chúng sanh đã hiểu vậy, Phật tùy theo đó để khai thị. Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng : “Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham sân si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất vô ngã, duyên sanh từ thân tâm đến hoàn cảnh chung quanh”. Ðó là lời khai thị và cũng là lời cảnh cáo ngay từ buổi bình minh của đời Ngài.
Hãy lắng nghe đức Phật diễn tả lại cuộc hành trình đó trong kinh Pháp Cú câu 154:
“Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...”
Kẻ làm nhà ở đây là tham lam ái dục, là độc đầu tiên trong tam độc. Nhà là tấm thân do ngũ uẩn giả hợp. Cột kèo... là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi nghĩa là đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là Ngài đã thành tựu tuệ giác siêu việt nên không còn bị nghiệp lực đẩy đưa đây đó mà chỉ có nguyện lực độ sanh. Do vậy Ngài tuyên bố:
Câu “Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” nghĩa là vì chưa tìm ra nguyên nhân, nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa. Vì vậy muốn liễu sanh thoát tử thì bắt buộc phải thực chứng chân lý Vô Ngã.
Lịch sử của những vĩ nhân Trung Hoa thì lúc nào cũng đậm màu sắc huyền thoại. Thí dụ khi mẹ vua Hán Cao Tổ ngủ ngoài trời, nằm mộng thấy mình gặp một vị thần và vào lúc ấy bà thấy có một con rồng bao lấy thân mình, trong khi trời nổi gió, tuôn mưa rồi thọ thai sinh ra Hán Cao Tổ. Đức Khổng Tử có lai lịch rất huyền bí không kém. Cha mẹ của đức Khổng Tử vì không có con để nối dõi tông đường, nên phụ mẫu của ngài lên núi Ni Khưu để cầu tự. Sau đó thân mẫu của ngài nằm mộng thấy một con kỳ lân đến trước mặt bà, nhìn bà rồi quỳ xuống nhả ra một cây thước bằng ngọc trên có đề mấy chữ: “Thủy tinh chi tử, kế suy Châu vi tố vương” có nghĩa là con của vì sao Thủy tinh, đến nối truyền cho nhà Châu đã suy vong mà làm vua không ngôi. Khi ngài mới sinh ra thì có rồng bay đến bao quanh nhà. Nhưng có lẽ huyền thoại của đức Lão Tử là đặc biệt hơn cả. Mẹ của Lão Tử là một trinh nữ, một hôm bà đứng dưới gốc cây “lý” thấy trên cây có một trái lý chín rất tươi đẹp và thơm ngon nên bà bèn với tay hái trái lý mà ăn. Từ đó bỗng nhiên bà có thai. Một hôm khác (tám mươi mốt năm sau) bà ra đứng dưới cây lý hóng mát, bỗng nghe ở hông bên trái ngứa ngáy, da thịt rách ra một đường dài và Lão Tử theo đường nứt đó mà chào đời. Lúc ấy trên trời hiện ra 9 con rồng phun nước xuống tắm gội cho ngài. Vì ở trong thai 81 năm nên khi ra đời thì tóc, râu đã bạc trắng nên ngài mới có danh hiệu là Lão Tử. Đây có lẽ là người đàn bà đầu tiên và độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại từ cổ đến kim sinh con lúc bà gần trăm tuổi nghĩa là từ ngàn xưa chưa có ai mang thai trên 80 năm cả! Thật là ngẫu nhiên câu chuyện này sao lại giống như chuyện đức Phật đản sanh từ hông của hoàng hậu Ma-da và có rồng phun nước? Ngày nay những thế hệ sinh ra và lớn lên trong những quốc gia khoa học tân tiến thì hiện tượng ra đời bên hông phải của đức Phật rất khó có thể giải thích một cách hợp lý được. Sự kiện huyền bí này là dựa theo truyền thuyết Phật giáo Trung Hoa được lưu truyền qua các kinh như: Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, Phật Bản Hạnh Tập, Trường A Hàm…Thiền tông Trung Hoa giải thích sự kiện sinh bên hông phải là biểu trương của Phật tánh, chớ không phải là kết tinh do cha mẹ sinh ra. Đó chính là bản tâm vô trụ siêu việt vượt ra ngoài phạm trù đối đãi nhị nguyên thiện ác, đúng sai. Tuy nhiên, kinh điển Nguyên thủy Pali không hề nói đến việc Thái tử sinh ra từ hông phải của Hoàng hậu Ma-da. Trong Trường Bộ Kinh Tập 1, Kinh Đại Bổn 14 có câu:”Này các Tỳ kheo! Pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát Tất Đạt Đa từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy”. Như thế theo kinh tạng Nguyên thủy, sự đản sanh của đức Phật là một con người bình thường, Hoàng hậu Ma-da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đến ngày khai hoa nở nhụy, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác trên thế gian này. Dựa vào những dự kiện đó, chúng ta có thể nhìn việc đản sinh của đức Phật bằng hai góc độ khác nhau:
1)Nếu đức Phật là ứng thân của chư Phật thì phàm nhân và Phật phải có sự ngăn cách. Đó là những gì Phật làm, Phật chứng thì chỉ có Phật mới thực hiện được vì Ngài là một siêu nhân, một Superman. Còn phàm nhân cho dù có nỗ lực cách mấy cũng khó lòng đạt được, nếu không muốn nói là không thể được. Mà nếu tự mình không làm được thì con người phải cầu xin Phật ban cho thế thôi. Từ đó Phật giáo biến thành thần quyền.
2)Nhưng bây giờ nếu nhìn đức Phật sinh ra và lớn lên giống như những đứa trẻ khác trên đời. Ngài thấu biết và cảm nhận tất cả những nỗi khổ trong thế gian cũng như chúng ta và sau cùng Ngài chấp nhận viễn ly tất cả, bỏ lại cung vàng điện ngọc, bỏ lại vợ đẹp con xinh, bỏ lại tất cả để tinh tấn tu tập thiền định và kết quả Ngài chứng được Niết bàn, có giải thoát giác ngộ tự tại. Do đó nếu bất cứ ai có đủ nghị lực, chấp nhận viễn ly, tinh tấn tu hành như Phật thì cũng sẽ có kết quả như Phật. Bằng chứng là vào thời đức Phật đã có hàng vạn vị A la hán chớ đâu chỉ có mình đức Phật chứng Thánh quả.
Tại sao kinh điển thường dùng những hình ảnh như vua chúa, hoàng tử, hoàng hậu hay vương tôn công tử đi xuất gia để làm thí dụ cho đại chúng? Thế thì không lẽ người dân thường không xứng đáng xuất gia hay sao? Thật ra trong Phật giáo không hề có phân biệt phải là vua chúa hay những người quyền quý mới được xuất gia vì đạo Phật là đạo bình đẳng và ai cũng đều có Phật tánh như nhau. Nhưng lý do chính là vì ông hoàng, bà chúa thường thì bản ngã và ngã sở hữu của họ quá to lớn so với người thường nên việc buông xuống, bỏ tất cả sẽ không phải là việc dễ thực hành. Thử nghĩ chúng ta chỉ có một căn nhà rách, một vài cái chén đôi đủa mà còn buông xuống không được huống chi một ông vua nắm trong tay cả một giang san, quyền thế tối thượng, tiền bạc vô kể và biết bao những danh vọng khác thì bỏ hết xuống trở thành một Khất sĩ, đi xin cơm hằng ngày là một thử thách vĩ đại, một hành vi quá cao thượng, không phải ai cũng có thể làm được. Vì vậy người nào muốn có được giải thoát giác ngộ thì người đó phải có một ý chí, nghị lực vô cùng vĩ đại. Một người có cuộc sống giàu sang phú quý đệ nhất thế gian mà chấp nhận bỏ hết để trở thành “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du” là một hành động cực kỳ hiếm có. Nhưng đây chính là chất liệu vạn năng giúp người đó hoàn thành bổn nguyện tức là có giải thoát giác ngộ và chứng đắc chân lý Vô Ngã. Đây là bài pháp thứ nhì đức Phật đã giảng cho nhóm ông Kiều Trần Như sau bài kinh thứ nhất Tứ Diệu Đế để chuyển bánh xe pháp.
Niềm tin là một trong những yếu tố cốt lõi nhất đối với đời sống con người. Nhờ dựa vào niềm tin đó mà cuộc sống của con người trở nên tiêu cực, hay tích cực, năng động hay thụ động và quan trong hơn hết là thất bại hay thành công. Do thiếu niềm tin hoặc do vì niềm tin sai lạc con người có thể đánh mất định hướng của cuộc sống như nó đang xảy ra.
Trong lãnh vực tôn giáo, niềm tin lại càng quan trọng hơn và những tôn giáo thần quyền cho rằng giáo chủ của tôn giáo họ là đấng siêu nhiên, là đấng sáng tạo và dĩ nhiên học thuyết của họ là tuyệt đối chính xác, là cứu cánh của cuộc đời. Thậm chí tín đồ chỉ được phép tin và thực hành học thuyết đó mà không được nghi ngờ, thắc mắc. Phật giáo thì ngược lại, chính đức Phật đã dạy rằng:” "Không được tin bất cứ gì Ta nói là đúng, chỉ vì đấy là do Ta nói. Trái lại phải mang ra thử nghiệm những lời giáo huấn của Ta giống như một người thợ kim hoàn thử vàng. Nếu sau khi quán xét các lời dạy của Ta mà nghiệm thấy là đúng, thì lúc ấy mới nên mang ra thực hành. Dầu sao thì nhất định cũng không phải là vì kính trọng ta mà mang ra thực hành". Vì vậy niềm tin của đạo Phật được xây dựng dựa trên nền tảng của trí tuệ, tu tập và thực nghiệm. Từ đó con người mới có thể giải thoát khỏi nghiệp lực và khổ đau để đạt đến hạnh phúc chân thật Niết bàn. Đây mới chính là Chánh tín.
Cái tinh hoa của Phật giáo là phát triển trí tuệ và sống bằng trí tuệ nên Phật giáo là khoa học và vượt hẳn khoa học vì tất cả những gì đức Phật tìm ra con đường giải thoát giác ngộ rất phù hợp với tiến trình khám phá của khoa học và ngày nay khoa học cũng nương theo con đường đó mà phát triển mạnh. Thống kê mới nhất năm 2011 cho thấy ở những quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ thì số người tin vào Thượng đế và thần quyền đang trên đà sa sút trầm trọng. Ngay cả những người tuy vẫn còn tin vào Thượng đế, nhưng họ rất thất vọng ê chề với hệ thống tôn giáo rườm rà, quá chú trọng vào hình thức và những giáo điều lỗi thời đi ngược lại với dòng tiến hóa của nhân loại, đó là chưa kể hành vi và cách sống thiếu đạo đức của các vị thừa sai nên họ không còn muốn đi nhà thờ nữa. Ngược lại số người tin vào thuyết nhân quả, lý nhân duyên và con đường tự giác của đạo Phật càng ngày càng gia tăng. Con người cảm thấy hạnh phúc hơn, hãnh diện hơn, tự tin và thoải mái hơn khi họ nhận những kết quả tốt đẹp mà do chính tự tay họ gieo. Vì thế không có nhân bản, đạo đức nào bằng nhân bản, đạo đức của đạo Phật. Đức Phật sinh ra trong xã hội Bà la môn (tiền thân của Hindu), nhưng Ngài không chấp nhận lý thuyết tiểu ngã, đại ngã, Thượng đế và thần thánh của Bà la môn giáo nên khai sáng ra đạo Phật với chân lý Vô Ngã, Duyên Khởi, tự giác, tự giải thoát và vô tín ngưỡng.
Trên thế gian này, bất cứ sự thành tựu nào mang tính sáng tạo luôn luôn là kết quả của một sự kiên nhẫn phi thường và một sự tập trung cao độ. Các nhà bác học, các vĩ nhân đã miệt mài, tận tụy nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm vì thế mọi sáng tạo, những phát minh đều là sản phẩm của sự tập trung (thiền định) tột cùng. Dĩ nhiên trong lãnh vực chứng đắc tâm linh việc này lại càng rõ ràng hơn. Sự chứng ngộ của đức Phật tại Bồ Đề đạo tràng sau 49 ngày đêm thực hành thiền định được xem như là một biểu mẫu cụ thể và hùng hồn nhất cho sự thật đó.
KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN 2556
NAMMÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT