;
DỊCH:
Khi ấy Đại sư đến chùa Bảo Lâm tại Thiều Châu, Thứ sử Vi Cừ cùng với quan liêu vào núi thỉnh Sư đến trong thành, ở chùa Đại Phạm, tại giảng đường vì chúng khai duyên nói pháp. Sư đăng tòa, Thứ sử quan liêu hơn ba mươi người, Nho tông học sĩ hơn ba mươi người, Tăng Ni đạo tục hơn một ngàn người đồng thời làm lễ, nguyện được nghe pháp yếu. Lục Tổ bảo chúng rằng: Này Thiện tri thức, Bồ-đề tự tánh xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm này, thẳng đó trọn được thành Phật. Này Thiện tri thức, hãy lắng nghe Huệ Năng nói về hành do được pháp.
Nghiêm phụ của Huệ Năng bổn quán ở Phạm Dương, bị giáng đày ra Lãnh Nam, làm thường dân ở Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, mẹ góa con côi dời đến Nam Hải, gian nan nghèo khổ, thường ra chợ bán củi. Khi ấy có một người khách mua, bảo gánh đến khách điếm, khách nhận củi xong, Huệ Năng lãnh tiền, lui ra khỏi cửa, thấy một người khách tụng kinh, Huệ Năng một phen nghe lời kinh, tâm liền khai ngộ, bèn hỏi khách tụng kinh gì. Khách bảo: “Kinh Kim Cang.” Huệ Năng lại hỏi: “Ở đâu đến thọ trì kinh này ?” Khách bảo: “Tôi từ chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai, Kỳ Châu đến. Chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư làm chủ giáo hóa, đệ tử có hơn một ngàn người, tôi đến đó lễ bái, nghe nhận kinh này. Đại sư thường khuyên kẻ tăng người tục chỉ trì kinh Kim Cang liền được thấy tánh, thẳng đó thành Phật.”
Huệ Năng nghe nói, do đời trước có duyên, mới được một người khách cho Huệ Năng một số bạc là mười lượng để giúp nuôi dưỡng mẹ già và bảo đến Huỳnh Mai tham vấn Ngũ Tổ.
Huệ Năng an trí mẹ xong liền từ giã ra đi, không hơn ba mươi ngày liền đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ. Tổ hỏi: “Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì ?” Huệ Năng đáp: “Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam, từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác !” Tổ bảo: “Ông là người Lãnh Nam, lại là người quê mùa, làm sao kham làm Phật ?” Huệ Năng liền đáp: “Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.” Ngũ Tổ muốn cùng tôi nói chuyện, lại thấy đồø chúng hai bên đông, mới bảo theo chúng làm công tác. Huệ Năng thưa: “Huệ Năng xin bạch Hòa thượng, tự tâm đệ tử thường sanh trí tuệ, không lìa tự tánh tức là phước điền, chưa biết Hòa thượng dạy con làm việc gì ?” Tổ bảo: “Kẻ nhà quê này, căn tánh rất lanh lợi, ông chớ nói nữa, xuống nhà trù đi.” Huệ Năng lui lại nhà sau, có một người cư sĩ sai Huệ Năng bửa củi, giã gạo, trải hơn tám tháng. Một hôm, Tổ chợt thấy Huệ Năng, mới bảo: “Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi có thể dùng, nhưng sợ có người ác hại ngươi, nên không nói cùng ngươi, ngươi có biết chăng ?” Huệ Năng thưa: “Đệ tử cũng biết ý của Thầy nên không dám đến nhà trên, để người không biết.”
Một hôm, Ngũ Tổ bảo các đệ tử: “Tất cả hãy đến, ta nói với các ông: Người đời sanh tử là việc lớn, các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu ra khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê thì phước nào có thể cứu? Các ông, mỗi người hãy đi, tự xem trí tuệ của mình, nhận lấy tánh Bát-nhã nơi bản tâm mình, mỗi người làm một bài kệ đến trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý thì ta trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Phải nhanh đi, không được chậm trễ, suy nghĩ tức là không trúng. Người kiến tánh ngay lời nói phải thấy, nếu như người này dù khi múa đao giữa trận cũng được thấy tánh.”(Đây là dụ cho người lợi căn thấy cơ thì làm.)
Chúng được chỉ dạy, trở về họp bàn với nhau: “Tất cả chúng ta không cần phải lắng lòng dụng ý làm kệ để trình Hòa thượng, đâu có lợi ích gì ? Thượng tọa Thần Tú, hiện làm Giáo thọ sư, ắt là người được, chúng ta có gắng làm kệ tụng cũng uổng dụng tâm lực.” Mọi người nghe lời này, thảy đều đồng ý nói: “Chúng ta về sau y chỉ Thượng tọa Thần Tú, nhọc gì phải làm kệ.”
Thần Tú suy nghĩ: “Các người đều không trình kệ vì ta làm Giáo thọ sư cho họ, ta cần phải làm kệ trình lên Hòa thượng; nếu không trình kệ thì Hòa thượng đâu biết được kiến giải trong tâm ta cạn hay sâu ? Ý ta trình kệ, cầu pháp thì tốt, cầu làm Tổ thì xấu, vì đồng với tâm của kẻ phàm, muốn cướp được ngôi vị Thánh không khác, nếu chẳng trình kệ thì trọn không được pháp. Rất khó ! Rất khó !”
Trước nhà của Ngũ Tổ có một hành lang ba gian, Ngũ Tổ nghĩ mời ông Cung Phụng Lư Trân đến vẽ “Lăng-già biến tướng và Ngũ Tổ huyết mạch đồ” để lưu truyền cúng dường. Ngài Thần Tú làm kệ rồi, mấy phen muốn trình, đi đến nhà trước thì trong tâm hoảng hốt, khắp thân đổ mồ hôi, nghĩ trình chẳng được. Trước sau trải qua bốn ngày, đến mười ba lần, trình kệ không được. Thần Tú mới suy nghĩ: “Chẳng bằng đến dưới hành lang viết (bài kệ), Hòa thượng đi qua xem thấy, nếu chợt bảo rằng hay thì mình ra lễ bái thưa của Thần Tú làm; nếu nói không kham, thật uổng công ở núi mấy năm, thọ người lễ bái, lại tu đạo gì ?” Canh ba đêm ấy, không cho người biết, Ngài tự cầm đèn viết bài kệ ở vách phương Nam để trình chỗ tâm mình thấy được. Bài kệ rằng:
Thân là cội bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.
(Thân thị bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.)
Ngài Thần Tú viết kệ xong, liền trở về phòng, mọi người đều chẳng biết. Thần Tú lại suy nghĩ: “Ngày mai Ngũ Tổ thấy bài kệ, nếu hoan hỉ tức ta cùng pháp có duyên, nếu nói không kham, tự là ta mê, nghiệp duyên đời trước nặng nề, không hợp được pháp, thật là Thánh ý khó lường.” Trong phòng suy nghĩ, ngồi nằm chẳng an cho đến canh năm.
Ngũ Tổ đã biết Thần Tú vào cửa chưa được, không thấy tự tánh. Sáng hôm sau, Tổ gọi ông Lư Cung Phụng đến hành lang phía Nam để vẽ đồ tướng trên vách, chợt thấy bài kệ, Ngài bảo Cung Phụng rằng: “Thôi chẳng cần phải vẽ, nhọc công ông từ xa đến. Trong Kinh có nói: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, chỉ để lại một bài kệ này cho người tụng đọc thọ trì, y bài kệ này tu thì khỏi đọa trong ác đạo, y bài kệ này tu thì được lợi ích lớn.” Khiến đồ đệ thắp hương lễ bái cung kính và tụng đọc bài kệ này tức được thấy tánh. Môn nhân tụng bài kệ đều khen: “Hay thay !”
Đến canh ba, Tổ mới gọi Thần Tú vào trong thất hỏi: “Kệ đó, phải ông làm chăng ?” Ngài Thần Tú thưa: “Thật là con làm, chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòa thượng từ bi xem đệ tử có chút ít trí tuệ chăng ?” Tổ bảo: “Ông làm bài kệ này chưa thấy được bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào được trong cửa, kiến giải như thế tìm Vô thượng Bồ-đề, trọn không thể được. Vô thượng Bồ-đề phải được ngay nơi lời nói mà biết bản tâm mình, thấy được bản tánh mình chẳng sanh chẳng diệt, đối trong tất cả thời mỗi niệm mỗi niệm tự thấy, muôn pháp đều không kẹt, một chân tất cả đều chân, muôn cảnh tự như như, tâm như như đó tức là chân thật. Nếu thấy được như thế tức là tự tánh Vô thượng Bồ-đề. Ông hãy đi, một hai ngày sau, suy nghĩ làm một bài kệ khác đem lại tôi xem, bài kệ của ông nếu vào được cửa, sẽ trao y pháp cho ông”. Ngài Thần Tú làm lễ lui ra, trải qua mấy ngày, làm kệ cũng không thành, trong tâm hoảng hốt, thần tư bất an, ví như ở trong mộng, đi ngồi không vui.
Lại hai ngày sau, có một chú bé đi qua chỗ giã gạo, đọc bài kệ này. Huệ Năng vừa nghe liền biết bài kệ này chưa thấy được bản tánh. Tuy chưa nhờ chỉ dạy mà sớm đã biết được đại ý, bèn hỏi chú bé: “Tụng đó là kệ gì ?” Chú bé đáp: “Cái ông nhà quê không biết, Đại sư nói: Người đời sanh tử là việc lớn, muốn được truyền y pháp, khiến đệ tử làm kệ trình Ngài xem, nếu ngộ được đại ý, liền trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ Vô tướng ở vách hành lang phía Nam, Đại sư khiến người đều đọc, y kệ này tu sẽ khỏi đọa đường ác, y kệ này tu sẽ có lợi ích lớn.”
Huệ Năng thưa: “Thượng nhân, đã hơn tám tháng, tôi ở nhà trù giã gạo, chưa từng đến nhà trên, mong thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ lễ bái.”(Có bản nói: Tôi cũng cần tụng bài kệ này để kết duyên.) Chú bé dẫn Ngài đến trước bài kệ lễ bái. Huệ Năng bảo: “ Huệ Năng không biết chữ, nhờ thượng nhân vì tôi đọc.” Khi ấy có quan Biệt Giá ở Giang Châu họ Trương tên Nhật Dụng liền to tiếng đọc. Huệ Năng nghe rồi bèn nói: “Tôi cũng có một bài kệ, mong Biệt Giá vì tôi viết.” Quan Biệt Giá nói: “Ông cũng làm kệ nữa sao ? Việc này thật ít có !” Huệ Năng nói với Biệt Giá rằng: “Muốn học đạo Vô thượng Bồ-đề, không được khinh người mới học. Kẻ hạ hạ cũng có cái trí thượng thượng, còn người thượng thượng cũng không có ý trí. Nếu khinh người thì có vô lượng vô biên tội”. Quan Biệt Giá nói: “Ông chỉ tụng kệ, tôi vì ông viết, ông nếu được pháp, trước phải độ tôi, chớ quên lời này.” Huệ Năng đọc bài kệ:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm ?
(Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai ?)
Khi viết bài kệ rồi, đồ chúng thảy đều kinh hoàng, không ai mà chẳng xuýt xoa, mọi người bảo nhau rằng: “Lạ thay ! Không thể do tướng mạo mà đoán người, đã bao lâu nay sai nhục thân Bồ-tát làm việc.” Tổ thấy cả chúng đều kinh ngạc, sợ có người làm hại Ngài, mới lấy giày xóa hết bài kệ, nói: “Cũng chưa thấy tánh.” Chúng cho là đúng. Ngày kế Tổ thầm đến chỗ giã gạo thấy Huệ Năng đeo đá giã gạo, mới bảo rằng: “Người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư ?” Tổ lại hỏi: “Gạo trắng hay chưa ?” Huệ Năng thưa: “Gạo trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng.” Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ, đến khi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy cà-sa che chung quanh không để người thấy, vì nói kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, liền thưa Tổ rằng:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp !
Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã ngộ được bản tánh mới bảo: “Chẳng biết bản tâm, học pháp vô ích, nếu biết được bản tâm mình, thấy được bản tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Thầy của trời người, là Phật.” Canh ba thọ pháp, người trọn không biết, Tổ liền truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng: “Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu, khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng hữu tình, truyền khắp đời sau, không khiến cho đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ :
Hữu tình đến gieo giống,
Nhân đất quả lại sanh.
Vô tình cũng không giống,
Không tánh cũng không sanh.”
(Hữu tình lai hạ chủng,
Nhân địa quả hoàn sanh.
Vô tình diệc vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.)
Tổ lại bảo: “Xưa Đại sư Đạt-ma ban đầu đến cõi này, người chưa tin nên mới truyền y này để làm tín thể, đời đời truyền nhau, pháp thì dùng tâm truyền tâm, đều khiến cho tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, thầy thầy thầm trao bản tâm, y là đầu mối của sự tranh giành, nên dừng ngay nơi ngươi, chớ truyền nữa. Nếu truyền y này thì mạng của người nhận y cũng như sợi chỉ mành. Ông phải đi nhanh e người hại ông.” Huệ Năng thưa: “Bây giờ con phải đi đâu ?” Tổ bảo: “Gặp ấp Hoài thì dừng, gặp ấp Hội thì ẩn.” Huệ Năng canh ba lãnh được y bát, thưa: “Huệ Năng vốn là người miền Nam, không biết đường đi, làm sao ra được bến đò ?” Ngũ Tổ bảo: “Ông chẳng phải lo, ta tự đưa ông đi.” Tổ liền đưa đến bến đò Cửu Giang, Tổ bảo lên thuyền, Ngũ Tổ bèn cầm chèo tự chèo. Huệ Năng thưa: “Thỉnh Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo.” Tổ bảo: “Phải là ta độ ông.” Huệ Năng thưa: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ. Độ tên tuy là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng sanh nơi biên phương, tiếng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp nay đã được ngộ, chỉ nên tự tánh tự độ.” Tổ bảo: “Như thế ! Như thế ! Về sau Phật pháp do ông mà được thạnh hành, ông đi ba năm, ta sẽ thệ thế. Nay ông đi an vui, nỗ lực hướng về Nam, không nên nói pháp sớm, Phật pháp sẽ gặp tai nạn.” Huệ Năng từ giã Ngũ Tổ rồi cất bước đi về phương Nam, trong khoảng hai tháng đến ngọn núi Đại Dữu.
Ngũ Tổ trở về, mấy ngày không thượng đường, chúng nghi mới đến hỏi: “Hòa thượng có ít bệnh, ít não chăng ?” Ngài đáp: “Bệnh thì không, mà y pháp đã về Nam rồi.” Chúng hỏi: “Ai là người được truyền ?” Tổ bảo: “Người có khả năng thì được.” Chúng liền biết. Khi đó vài trăm người đuổi theo, muốn cướp y bát, một vị tăng họ Trần, tên Huệ Minh, trước là tướng quân bậc Tứ phẩm, tánh hạnh thô tháo, hết lòng theo tìm, chạy trước mọi người, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng để y bát trên bàn thạch nói: “Y này là biểu tín, có thể dùng sức mà tranh sao !” Huệ Năng liền ẩn trong lùm cỏ, Huệ Minh đến cầm y lên mà không nhúc nhích, mới kêu rằng: “Cư sĩ, cư sĩ ! Tôi vì pháp mà đến chớ không phải vì y.” Huệ Năng bèn bước ra ngồi trên bàn thạch. Huệ Minh liền làm lễ thưa: “Mong cư sĩ vì tôi nói pháp.” Huệ Năng bảo: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi vì ông nói.” Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?” Huệ Minh ngay câu nói đó liền đại ngộ. Lại hỏi: “Ngoài mật ngữ, mật ý trên, còn có mật ý khác chăng ?” Huệ Năng bảo: “Vì ông nói tức không phải mật vậy, ông nếu phản chiếu thì mật ở bên ông.” Huệ Minh thưa: “Huệ Minh tuy ở Huỳnh Mai, thật chưa có tỉnh diện mục của chính mình, nay nhờ chỉ dạy như người uống nước lạnh nóng tự biết. Nay cư sĩ tức là Thầy của Huệ Minh.” Huệ Năng bảo: “Ông nếu như thế thì tôi cùng ông đồng thờ Thầy Huỳnh Mai, khéo tự hộ trì.” Huệ Minh lại thưa: “Huệ Minh từ nay về sau nhằm chỗ nào đi ?” Huệ Năng bảo: “Gặp Viên thì dừng, gặp Mông thì ở.” Huệ Minh liền lễ từ. Huệ Minh trở về, xuống núi bảo những người đuổi theo: “Đi trên những đồi núi này trọn không tìm ra tung tích, phải đi qua đường khác tìm.” Cả chúng đuổi theo đều cho là đúng. Huệ Minh về sau đổi tên là Đạo Minh, đó là tránh chữ đầu của tên Thầy.
Huệ Năng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tìm đuổi mới ở nơi Tứ Hội tị nạn trong đám thợ săn, trải qua mười lăm năm, khi đó cùng những người thợ săn tùy nghi nói pháp. Những người thợ săn thường bảo giữ giềng lưới, khi Huệ Năng thấy những con vật mắc lưới đều thả. Mỗi khi đến bữa ăn, hái rau gởi luộc trong nồi thịt, hoặc có người hỏi thì đáp: “Chỉ ăn rau ở bên thịt.” Một hôm, mới suy nghĩ: “Thời hoằng pháp đã đến, không nên trọn trốn lánh.” Huệ Năng liền đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn. Khi ấy có gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió động, một vị tăng nói phướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến tới nói: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động.” Cả chúng đều ngạc nhiên. Ấn Tông mời Huệ Năng đến chiếu trên gạn hỏi áo nghĩa, thấy Huệ Năng đối đáp, lời nói giản dị mà nghĩa lý rất đúng, không theo văn tự. Ấn Tông nói: “Cư sĩ quyết định không phải là người thường, đã lâu nghe y pháp của Huỳnh Mai đi về phương Nam, đâu chẳng phải là cư sĩ ?” Huệ Năng nói: “Chẳng dám.” Ấn Tông liền làm lễ, xin đưa y bát đã được truyền cho đại chúng xem. Ấn Tông lại thưa: “Huỳnh Mai phó chúc, việc chỉ dạy như thế nào ?” Huệ Năng bảo: “Chỉ dạy tức không, chỉ luận về kiến tánh, chẳng luận thiền định giải thoát.” Ấn Tông thưa: “Sao chẳng luận thiền định giải thoát ?” Huệ Năng bảo: “Vì ấy là hai pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.” Ấn Tông lại hỏi: “Thế nào Phật pháp là pháp chẳng hai ?” Huệ Năng bảo: “Pháp sư giảng kinh Niết-bàn, rõ được Phật tánh, ấy là Phật pháp là pháp chẳng hai. Như Bồ-tát Cao Quí Đức Vương bạch Phật: Phạm tứ trọng cấm, tạo tội ngũ nghịch và nhất xiển-đề v.v... sẽ đoạn thiện căn Phật tánh chăng ? Phật bảo: Thiện căn có hai, một là thường, hai là vô thường, Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, thế nên chẳng đoạn, gọi là chẳng hai; một là thiện, hai là chẳng thiện, Phật tánh chẳng phải thiện, chẳng phải chẳng thiện, ấy là chẳng hai; uẩn cùng với giới, phàm phu thấy hai, người trí rõ thấu tánh nó không hai, tánh không hai tức là Phật tánh”. Ấn Tông nghe nói hoan hỉ chấp tay thưa: “Tôi giảng kinh ví như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa ví như vàng ròng.” Khi ấy vì Huệ Năng cạo tóc, nguyện thờ làm Thầy.
Huệ Năng bèn ở dưới cây bồ-đề khai pháp môn Đông Sơn. Huệ Năng được pháp ở Đông Sơn, chịu tất cả những điều cay đắng, mạng giống như sợi chỉ mành. Ngày nay được cùng với Sử quân, quan liêu, Tăng Ni, đạo tục đồng ở trong hội này đâu không phải là duyên của nhiều kiếp, cũng là ở trong đời quá khứ cúng dường chư Phật, đồng gieo trồng căn lành mới nghe cái nhân được pháp môn đốn giáo này. Giáo ấy là các vị Thánh trước đã truyền, không phải tự trí Huệ Năng được, mong những người nghe các vị Thánh trước dạy, mỗi người khiến cho tâm được thanh tịnh, nghe rồi mỗi người tự trừ nghi, như những vị Thánh đời trước không khác. Cả chúng nghe pháp đều hoan hỉ làm lễ rồi lui.
GIẢNG:
Khi ấy Đại sư đến chùa Bảo Lâm tại Thiều Châu, Thứ sử Vi Cừ cùng với quan liêu vào núi thỉnh Sư đến trong thành, ở chùa Đại Phạm, tại giảng đường vì chúng khai duyên nói pháp. Sư đăng tòa, Thứ sử quan liêu hơn ba mươi người, Nho tông học sĩ hơn ba mươi người, Tăng Ni đạo tục hơn một ngàn người đồng thời làm lễ, nguyện được nghe pháp yếu.
Trong phẩm này Lục Tổ thuật lại cho toàn chúng nghe về sự tích đắc đạo của Ngài. Đây là lần thuyết pháp đầu tiên của Ngài, Đại sư tức chỉ Lục Tổ. Lần đăng tòa đầu tiên này, kể số chúng dự nghe gồm quan liêu hơn ba mươi người, học sĩ hơn ba mươi người, đó là trên sáu mươi người rồi. Còn Tăng Ni đạo tục, đạo tức là người xuất gia, tụïc là cư sĩ, tất cả cộng lại hơn một ngàn người, tức là thời thuyết pháp đầu tiên hơn một ngàn chúng. Khi đó tất cả đều lễ bái cầu được nghe pháp yếu.
Lục Tổ bảo chúng rằng: “Này Thiện tri thức, Bồ-đề tự tánh xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm này, thẳng đó trọn được thành Phật.”
Ngài nói tự tánh Bồ-đề của mình, xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm Bồ-đề của mình mà tu thì sẽ thẳng đến thành Phật không nghi. Ngài nói thẳng cho chúng ta biết, ai ai cũng có tánh Bồ-đề, nếu biết ứng dụng tu hành sẽ được thành Phật không nghi gì cả.
Này Thiện tri thức, hãy lắng nghe Huệ Năng nói về hành do được pháp. Nghiêm phụ của Huệ Năng bổûn quán ở Phạm Dương, bị giáng đày ra Lãnh Nam, làm thường dân ở Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, mẹ góa con côi dời đến Nam Hải, gian nan nghèo khổ, thường ra chợ bán củi. Khi ấy có một người khách mua, bảo gánh đến khách điếm, khách nhận củi xong, Huệ Năng lãnh tiền, lui ra khỏi cửa, thấy một người khách tụng kinh, Huệ Năng một phen nghe lời kinh, tâm liền khai ngộ, bèn hỏi khách tụng kinh gì.
Tiếp đến Ngài yêu cầu chúng lắng nghe Ngài kể lại sự tích, lý do về việc Ngài được pháp. Thuở trước ông thân Ngài cũng làm quan, sau bị cách chức đày ra Lãnh Nam làm dân thường tại Tân Châu. Bất hạnh, cha mất sớm, mẹ già dời về Nam Hải, thật là gian nan nghèo khổ. Ngài thường ra chợ bán củi, một hôm có người khách mua củi, bảo Ngài gánh đến tiệm, nhận tiền xong vừa ra khỏi cửa Ngài thấy một người khách tụng kinh. Một phen nghe lời kinh, tâm liền khai ngộ. Thảnh thơi quá, không có cực như chúng ta hiện nay phải không ? Chúng ta nghe năm này sang năm khác mà không khai ngộ chi cả. Ngài chỉ cần nghe người ta tụng liền khai ngộ, mới hỏi khách tụng kinh gì. Chưa biết tên kinh mà đã ngộ rồi !
Khách bảo: “Kinh Kim Cang.” Huệ Năng lại hỏi: “Ở đâu đến thọ trì kinh này ?” Khách bảo: “Tôi từ chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai, Kỳ Châu đến. Chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư làm chủ giáo hóa, đệ tử có hơn một ngàn người, tôi đến đó lễ bái, nghe nhận kinh này. Đại sư thường khuyên kẻ tăng người tục chỉ trì kinh Kim Cang liền được thấy tánh, thẳng đó thành Phật.” Huệ Năng nghe nói, do đời trước có duyên, mới được một người khách cho Huệ Năng một số bạc là mười lượng để giúp nuôi dưỡng mẹ già và bảo đến Huỳnh Mai tham vấn Ngũ Tổ.
Trong đoạn trên Ngài kể lý do đi tìm Ngũ Tổ, chúng ta thấy túc duyên của Ngài quá dầy, sau này Ngài thường được gọi là nhục thân Bồ-tát. Sanh trong hoàn cảnh cơ cực nghèo khốn, mồ côi sớm lại dốt nát vì không được học hành, nhưng vừa nghe một câu kinh liền ngộ, tại sao thế ? Thường chúng ta cho rằng người có phúc duyên mới được sanh trong những gia đình giàu có, mới thông minh học giỏi. Còn sanh trong gia đình nghèo, lại mồ côi sớm, không được học hành thì gọi là vô phước. Tại sao vô phước mà nghe một câu kinh liền ngộ, còn những người có phước nghe hoài mà không ngộ ? Như vậy ai hơn ai ? Ai có phước hơn ai ? Đó là điều chúng tôi muốn nhắc cho tất cả quí vị hiểu để khỏi thắc mắc. Nếu nói một đời này, ra đời, nghe một câu kinh liền ngộ, như trong kinh thường nói: Nhất văn thiên ngộ (một nghe ngàn ngộ) thì đã là bậc Bồ-tát rồi. Đã là Bồ-tát, tại sao lại thiếu phước phải sanh trong cảnh côi cút, nghèo nàn, dốt nát ? Như vậy Bồ-tát kém phước hơn mình sao ? Đó là điều chúng ta thấy đáng hoài nghi, nhưng sự thật không có gì đáng hoài nghi cả. Chúng ta đã nói Ngài là một vị nhục thân Bồ-tát, mà Bồ-tát giáo hóa chúng sanh luôn luôn tùy nguyện. Có vị sanh trong cung vua có kẻ hầu người hạ rồi chán đời đi tu, như thế để cho người đời thấy rằng cảnh vương giả không câu thúc được các Ngài, các Ngài vẫn từ bỏ tất cả để đi tu và những người sống trong hoàn cảnh sang cả trông gương đó mà phát tâm. Có khi các Ngài sanh trong gia đình trung lưu, học hành chút ít rồi phát tâm xuất gia, như thế những người hạng trung lưu thấy các Ngài ở trong hoàn cảnh đó mà tu được thì mình cũng tu được. Có khi các Ngài nguyện sanh trong cảnh nghèo nàn, dốt nát mà đi tu để những người nghèo nàn dốt nát thấy mình cũng đồng hoàn cảnh với các Ngài thì mình cũng đi tu được.
Tóm lại, Bồ-tát muốn cho tất cả chúng sanh đều phát Bồ-đề tâm, nên có khi thị hiện trong cảnh sang cả, có khi ở trong cảnh bần cùng, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào Bồ-tát cũng tu được cả, đó là việc tùy duyên hóa độ của các Ngài. Chúng ta đừng nghĩ rằng Ngài ít phước hơn mình, không phải thế, đó là vì nguyện của Bồ-tát, cốt làm sao cho tất cả chúng sanh đều tin rằng mình tu được. Thế là các Ngài mãn nguyện. Chúng ta đọc sử thấy có những vị trong gia đình trưởng giả phát tâm tu, có những vị trong gia đình bần hàn phát tâm tu, có vị bỏ quan đi tu v.v... như thế để hiểu ý nghĩa Bồ-tát, chớ không nên cố chấp bảo rằng Ngài thiếu phước mà tại sao Ngài lại mau ngộ. Đó là hiện tượng thị hiện của chư Bồ-tát tùy bản nguyện. Sau khi phát tâm tu, liền có một người bạn giúp Ngài một số tiền để nuôi mẹ. Quí vị thấy, nếu theo thế gian thì Ngài phạm lỗi bất hiếu phải không ? Vì có một mẹ một con mà nay bỏ mẹ đi tu, đó là bất hiếu. Như thế chúng ta thấy nếu giữ chữ hiếu thì Ngài không đi tu được, không thể đem lợi ích cho chúng sanh được. Thế nên Ngài phải nhờ người giúp một số tiền gởi lại nuôi mẹ già. Nếu bất hiếu thì buổi đầu Ngài đâu có gánh củi bán để nuôi mẹ, chỉ vì khi ngộ đạo rồi, thấy chỗ cao siêu của đạo, Ngài mới quyết tâm đi học đạo để tự giác ngộ và giác ngộ chúng sanh, vì thế Ngài phải cam nhận lỗi không tròn chữ hiếu.
Huệ Năng an trí mẹ xong liền từ giã ra đi, không hơn ba mươi ngày liền đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ.
Ngài từ giã mẹ ra đi, không quá một tháng thì đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ. Ngày xưa người đi tầm đạo chỉ đi bộ nên đi từ tỉnh này đến tỉnh kia phải cả tháng trời, còn chúng ta hiện nay đi từ đây ra Huế khoảng một tuần lễ là nhiều, vậy mà còn than khổ, than cực. Đối với tâm cầu đạo, chúng ta thật không thể sánh với người xưa.
Tổ hỏi: “Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì ?” Huệ Năng đáp: “Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam, từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác !” Tổ bảo: “Ngươi là người Lãnh Nam, lại là người quê mùa, làm sao kham làm Phật ?”
Quí vị thấy Ngũ Tổ là một vị Tổ mà sao Ngài nói bất công vậy ? Ngài dư biết rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, thế tại sao đối với người tới học đạo Ngài lại khinh miệt, bảo rằng ngươi là người Lãnh Nam, là người ở nơi rừng núi, người quê mùa dốt nát, đâu thể kham làm Phật. Tại kiểu cách phong kiến của Ngài như thế hay là Ngài có ý gì ? Đó là cách Ngài dọ thử xem sự hiểu biết của người cầu thành Phật này ra sao, nên mới có thái độ như thế.
Huệ Năng liền đáp: “Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.”
Như thế do Ngài nghe một câu mà ngộ, biết được Phật tánh của tất cả đều đồng nhau.
Ngũ Tổ muốn cùng tôi nói chuyện, lại thấy đồ chúng hai bên đông, mới bảo theo chúng làm công tác.
Qua câu đối đáp, Ngũ Tổ đã biết khả năng của Ngài như thế nào rồi, nên muốn cùng Ngài nói chuyện, nhưng thấy chung quanh quá đông, đang lắng nghe, e bại lộ rồi hại cho Ngài nên bảo Ngài đi xuống làm công tác, nhưng Ngài chưa vừa ý nên lý luận thêm:
Huệ Năng thưa: “Huệ Năng xin bạch Hòa thượng, tự tâm đệ tử thường sanh trí tuệ, không lìa tự tánh tức là phước điền, chưa biết Hòa thượng dạy con làm việc gì ?” Tổ bảo: “Kẻ nhà quê này căn tánh rất lanh lợi, ông chớ nói nữa, xuống nhà trù đi.”
Bấy giờ Ngũ Tổ “nạt kẻ nhà quê lanh lợi, xuống nhà trù đi”, vì Tổ thấy nói thêm là có hại.
Huệ Năng lui lại nhà sau, có một người cư sĩ sai Huệ Năng bửa củi, giã gạo, trải hơn tám tháng.
Ngài Huệ Năng mới lui lại nhà sau, có một cư sĩ sai Ngài giã gạo. Có quyển sách khác kể thêm: Một hôm Ngũ Tổ xuống thấy Ngài giã gạo, cột sợi dây ngang lưng đèo thêm một viên đá, vì Ngài ốm quá không đủ sức nặng cho cái chày đạp cất lên, nên phải đeo thêm một viên đá, thấy thế Tổ mới than: “Người cầu đạo quên mình đến thế ư ?” Như vậy chúng ta mới thấy công tám tháng giã gạo của Ngài. Trong tám tháng giã gạo, Ngài đã quên mình, làm việc cực nhọc không kể đến thân. Có nơi còn tô điểm thêm rằng: Khi giã gạo Ngài đeo đá nên sợi dây siết vô thịt, lâu ngày thịt bị thúi có giòi, khi Ngài giã gạo, sợi dây chạm vào, giòi rớt ra, Ngài lượm bỏ lên. Những lời này e hơi quá đáng, còn việc Ngài đeo đá giã gạo thì các sách đều có nói.
Một hôm, Tổ chợt thấy Huệ Năng, mới bảo: “Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi có thể dùng, nhưng sợ có người ác hại ngươi, nên không nói cùng ngươi, ngươi có biết chăng ?” Huệ Năng thưa: “Đệ tử cũng biết ý của Thầy nên không dám đến nhà trên, để người không biết.”
Như thế là thầy trò cảm thông nhau. Nhưng quí vị có thắc mắc về điểm này hay không ? Thầy trò nói chuyện thì cứ nói, tại sao lại sợ có người hại ? Ở chùa chớ đâu phải ở chỗ tranh giành quyền thế mà sợ bị hại ? Thuở trước khi đọc tới chỗ này tôi cũng ngạc nhiên, tại sao nói chuyện đạo lý mà phải sợ có người hại ? Sau này tôi mới biết sự thật là như vậy. Bởi vì đồ chúng của Ngũ Tổ, cả cư sĩ và học chúng khoảng hơn một ngàn người, riêng chư Tăng khoảng năm trăm người, có sách nói bảy trăm vị, ở đấy đã nhiều năm, trong đó lại có ngài Thần Tú là vị Giáo thọ sư, giảng kinh cho học chúng. Cả năm trăm người, Ngũ Tổ chưa chấp nhận một người nào, nay một người cư sĩ quê mùa, từ xa mới đến, nếu được Ngũ Tổ truyền y bát thì thế nào ? Cả năm trăm Tăng chúng nghĩ sao ? Dĩ nhiên là không chấp nhận được, thế nên sợ hại là vì lý do đó. Cũng vì thế sau này chư Tổ không truyền y bát nữa, nếu còn truyền y bát chắc cái hại cũng còn kéo dài. Tại sao ? Vì người được truyền y bát là người xứng đáng làm Tổ. Nhưng Tăng chúng ở chùa đã mấy mươi năm, tu học đã lâu, nay một cư sĩ quê mùa vừa mới đến lại được làm Tổ thì Tăng chúng nghĩ sao ? Có tức hay không ? Thế nên họ không thể chấp nhận được, mà không chấp nhận được thì phải hành động như thế nào ? Phải thủ tiêu ! Nếu trong chúng có người tu học lâu, hiểu đạo sâu, nay được Tổ truyền y bát thì không có gì phải nghi ngờ, cũng không sợ bị ai hại vì người đó được chúng kính phục, xứng đáng làm Thầy. Nhưng đây là một cư sĩ, lại quê mùa nữa, đủ điều kiện để người ta khinh bỉ mà thình lình được làm Tổ thì không ai chấp nhận, thế nên có thể phải bị hại. Ngũ Tổ hiểu hoàn cảnh đó, Ngài biết người cư sĩ này xứng đáng kế thừa Ngài mà Ngài không dám để cho chúng biết. Nếu như ngài Thần Tú có khả năng như thế, chắc không có gì khó khăn cả. Trường hợp của ngài Huệ Năng rất đặc biệt, nên Ngũ Tổ dè dặt bảo: “Theo ngôn ngữ của ngươi, ta biết ngươi có thể dùng được nhưng e có người ác hại ngươi, nên không nói chuyện với ngươi, ngươi biết chăng ?” Lục Tổ thưa: “Con biết ý của Thầy nên con không dám lên nhà trên”. Con biết phận con nên chỉ ở nhà dưới giã gạo. Như vậy quí vị thấy ông thầy biết hoàn cảnh của người học trò, mà người học trò cũng biết được hoàn cảnh của mình, do đó mới đánh lừa được cả chúng, chớ nếu trong hai người, có một người không biết được hoàn cảnh đó thì có thể bị chúng phát giác sớm rồi.
Một hôm, Ngũ Tổ bảo các đệ tử: “Tất cả hãy đến, ta nói với các ông: Người đời sanh tử là việc lớn, các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu ra khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê thì phước nào có thể cứu ? Các ông, mỗi người hãy đi, tự xem trí tuệ của mình, nhận lấy tánh Bát-nhã nơi bản tâm mình, mỗi người làm một bài kệ đến trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý thì ta trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Phải nhanh đi, không được chậm trễ, suy nghĩ tức là không trúng. Người kiến tánh ngay lời nói phải thấy, nếu như người này dù khi múa đao giữa trận cũng được thấy tánh.”
Chúng được chỉ dạy, trở về họp bàn với nhau: “Tất cả chúng ta không cần phải lắng lòng dụng ý làm kệ để trình Hòa thượng, đâu có lợi ích gì ? Thượng tọa Thần Tú hiện làm Giáo thọ sư, ắt là người được, chúng ta có gắng làm kệ tụng cũng uổng dụng tâm lực”. Mọi người nghe lời này, thảy đều đồng ý nói: “Chúng ta về sau y chỉ Thượng tọa Thần Tú, nhọc gì phải làm kệ.”
Tất cả đều đinh ninh là về sau sẽ y chỉ vị Giáo thọ sư nên không nhọc công làm kệ trình.
Tôi nhắc lại ý nghĩa lời dạy của Ngũ Tổ. Điểm thứ nhất Ngũ Tổ dạy: Người đời sanh tử là việc lớn, phải tìm cách thoát khỏi biển khổ sanh tử, chớ trọn ngày mải lo làm việc phước điền thì phước đó không thể nào cứu được mình, khi mình chưa thấy đạo, phước đó chưa giúp mình giải thoát. Không cứu được là không cứu cho mình giải thoát sanh tử. Muốn ra khỏi biển khổ sanh tử, mỗi người phải tự phát trí tuệ của chính mình, trí tuệ đó phát khởi, mới thoát khỏi biển khổ sanh tử; nếu chúng ta mải lo việc phước điền thì phước điền đó chỉ giúp chúng ta bớt nghèo, bớt khổ ở trong sanh tử thôi, chớ không giải thoát sanh tử. Tổ bảo tiếp: “Như vậy mỗi người phải về làm một bài kệ đến trình, nếu người nào làm bài kệ đúng ý, ta sẽ truyền y pháp làm Tổ thứ sáu.” Nghe như thế cả đại chúng đều xôn xao. Tại sao các năm về trước Ngài không bảo trình kệ mà ngay lúc này Ngài bảo trình kệ ? Quí vị thấy ý gì trong việc đó chưa ? Trước khi vị cư sĩ này tới hỏi đạo, Ngài không bảo chúng trình kệ, khi có vị cư sĩ này thì Ngài lại bảo chúng trình kệ. Dĩ nhiên chúng ta thấy rõ ý của Ngài. Khi biết có người xứng đáng kế thừa, Ngài mới bảo chúng trình kệ để thử xem mọi người trình như thế nào để Ngài chọn. Thế nên đại chúng xôn xao bàn tán phải trình kệ như thế nào. Vì vậy tiếp theo Tổ dạy thật là kỹ.
Điểm thứ hai Ngũ Tổ bảo rằng: Người thấy tánh dù ở trong chỗ binh đao vẫn thấy tánh chớ không mất. Người thật tình được đạo thì ở chỗ nào cũng thấy đạo, chớ không phải nói rằng ngồi chỗ vắng mới thấy đạo, đến chỗ ồn thì hết thấy, như thế chưa phải là thấy đạo. Quí vị phải nhớ như vậy. Dù ở cảnh nào, thấy đạo cũng vẫn là thấy đạo, vì đạo ở ngay nơi mình. Mình thấy nó thì ở đâu cũng thấy. Ngồi chỗ vắng cũng có nó, đến chỗ ồn cũng có nó, chớ đâu phải chỗ ồn không có đạo, chỗ vắng mới có đạo. Sở dĩ đến chỗ ồn không thấy đạo là vì mình thấy ồn. Thấy ồn tức thấy ở ngoài, chớ thật tình chúng ta thấy cái chân thật của mình thì ở đâu cũng có đạo, không phải đợi đến chỗ vắng vẻ mới có. Quí vị phải nhớ kỹ như vậy. Đó là chỗ Ngũ Tổ chỉ dạy cho tất cả chúng, nhất là Ngài bảo: Nếu suy nghĩ thì không trúng. Làm kệ mà ngồi cắn bút, bóp trán suy nghĩ thì điều đó không đúng rồi. Vì thế gần đây tôi hay chê những vị mới tu học sơ sơ hay làm thơ. Tại sao ? Các Tổ ngày xưa không phải là nhà văn, nhà thơ chi cả, nhưng mỗi hành động đều đúng với lẽ thật nên vừa xuất khẩu là hợp ý Tổ, không phải ngồi bóp đầu bóp trán, vì vừa ngồi bóp đầu bóp trán là sai rồi. Khổ nỗi hiện nay có một số người tu thiền sơ sơ, lâu lâu tổ chức uống trà, người này làm thơ đưa người kia xem, người kia làm thơ trình người nọ xem rồi phê bình nhau v.v... và cho đó là mình làm thơ thiền, làm kệ thiền... Đó là thiền gì ? Là thiền loạn tưởng chớ không phải thật là thiền. Thật là thiền thì khi đối cảnh liền phát hiện chớ không đợi suy nghĩ. Vì người thấy được lẽ thật nói điều gì cũng đúng lẽ thật, còn người chưa thấy lẽ thật dù suy nghĩ thế nào cũng không đúng. Thí dụ như chúng ta có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ bình bông trên bàn, nếu có người hỏi bình bông như thế nào, dù chúng ta không tả rõ tất cả chi tiết, nhưng chúng ta nói bình bông màu xanh, màu vàng... chúng ta cũng nói đúng. Trái lại, nếu tôi hỏi một người mù bình bông trên bàn như thế nào thì dù họ suy nghĩ thế mấy cũng không đúng, dù có nghe người ta nói họ suy nghĩ theo cũng không đúng. Thế nên đã thấy thì dù nói đơn sơ cũng đúng, còn không thấy dù cố suy nghĩ thế mấy cũng vẫn không đúng. Chỗ này không phải chỗ suy nghĩ mà được, nhưng nhiều người lại chuộng suy nghĩ, cho suy nghĩ ra được lẽ đạo. Đó là điều lầm lẫn lớn. Thế nên cái thấy đạo là tự thấy, chớ không phải suy nghĩ, do đó Ngũ Tổ mới quở: Không nên có dụng tâm, nếu người thấy tánh dù ở giữa trận cũng thấy.
Sau khi nghe Ngũ Tổ dạy, tất cả chúng đều xôn xao bàn với nhau, chúng ta có một vị Giáo thọ sư, trên là Tổ, dưới là vị Giáo thọ sư, Tổ chọn vị này dạy chúng ta, hẳn nhiên vị này phải như thế nào rồi, người dạy chúng ta sẽ là người được kế thừa không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta đã học với ông ấy tức nhiên ông ấy đâu có dở, dù chúng ta có làm cũng vô ích, hãy nhường ông ấy cho xong. Đó là một cái thế dồn vị Giáo thọ sư này đến chỗ bất khả kháng. Ông không muốn trình, nhưng toàn chúng đều không làm thì làm sao ? Hoàn cảnh đã đưa Thần Tú đến một cái thế khó xử, vì chính Ngài cũng còn nghi ngờ không chắc là Ngài sẽ được Tổ chấp nhận.
Thần Tú suy nghĩ: Các người đều không trình kệ vì ta làm Giáo thọ sư cho họ, ta cần phải làm kệ trình lên Hòa thượng; nếu không trình kệ thì Hòa thượng đâu biết được kiến giải trong tâm ta cạn hay sâu. Ý ta trình kệ cầu pháp thì tốt, cầu làm Tổ thì xấu, vì đồng với tâm của kẻ phàm, muốn cướp được ngôi vị Thánh không khác, nếu chẳng trình kệ thì trọn không được pháp. Rất khó ! Rất khó !
Đó là Ngài tự lượng ý Ngài: Nếu trình kệ để cầu được pháp đó là điều tốt, nếu trình kệ để cầu làm Tổ đó là xấu vì còn ham danh, ham lợi không khác kẻ phàm phu. Thật là khó vì nếu không trình kệ thì thầy không biết ý mình làm sao thầy truyền pháp, nhưng làm kệ, xem như mình muốn làm Tổ !
Trước nhà của Ngũ Tổ có một hành lang ba gian, Ngũ Tổ nghĩ mời ông Cung Phụng Lư Trân đến vẽ Lăng-già biến tướng và Ngũ Tổ huyết mạch đồ (tức là huyết mạch truyền trao từ chư Tổ.) để lưu truyền cúng dường. Ngài Thần Tú làm kệ rồi, mấy phen muốn trình, đi đến nhà trước thì trong tâm hoảng hốt, khắp thân đổ mồ hôi, nghĩ trình chẳng được. Trước sau trải qua bốn ngày, đến mười ba lần, trình kệ không được.
Tại sao ? Ai ngăn mà trình không được ? Đó là tại nghi bài kệ của mình chưa chắc là được, vì mình không có tự ngộ, do suy lý mà nói thì không tin lời mình là đúng nên muốn trình lại ngại, vì thế trong bốn ngày, mười ba lần đến cửa rồi thối lui, không trình được, như vậy cái khổ của Ngài lúc đó thật vô cùng !
Thần Tú mới suy nghĩ: Chẳng bằng đến dưới hành lang viết (bài kệ), Hòa thượng đi qua xem thấy, nếu chợt bảo rằng hay thì mình ra lễ bái thưa: Của Thần Tú làm; nếu nói không kham, thật uổng công ở núi mấy năm, thọ người lễ bái lại tu đạo gì ?
Bởi vì Ngài bán tín bán nghi chưa tin mình được đạo, nay phải trình thẳng, Ngài sợ nếu Ngũ Tổ bảo chưa được thì còn gì thể diện, nên kế hay nhất là nơi hành lang Ngũ Tổ thường đi qua, Ngài lén viết bài kệ lên đó. Nếu Ngũ Tổ xem rồi hỏi ai làm bài kệ hay quá thì Ngài ra đảnh lễ thưa: Bạch con làm ! Còn nếu Ngũ Tổ chê thì lánh mặt cho rồi, mặt mũi nào nhìn đại chúng. Thật là uổng công ở núi ! Ngài nghĩ đó là kế an toàn nhất. Thế nên người dở mà ở địa vị thấp thì thật dễ, còn ở địa vị cao thật khó xử vô cùng. Người ta đã suy tôn mình làm Thầy, nếu mình làm không tròn trách nhiệm, mặt mũi nào nhìn học trò. Đó là cái khổ tâm của người lớn mà chưa thật lớn !
Canh ba đêm ấy, không cho người biết, Ngài tự cầm đèn viết bài kệ ở vách phương Nam để trình chỗ tâm mình thấy được. Bài kệ rằng:
Thân là cội bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.
Thế thì thật hay ! Ví dụ thân mình như cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng, cũng hay chứù ! Và đài gương sáng muốn cho sáng mãi thì phải làm thế nào ? Phải lau, phải chùi, chớ để dính bụi. Như vậy trên phương diện tu hành, bài kệ này thật là hay. Người mới đọc qua thì thấy bài kệ thật hay, nào những hình ảnh cụ thể, thân mình giống cây bồ-đề, tâm mình như đài gương sáng, nào khuyên mình tu một cách cụ thể, hằng ngày lau gương đừng để dính bụi. Nhưng đối với người thấy tánh thì bài kệ này chưa thấy tánh. Tại sao ? Gương mờ phải lau, đang lau thì làm sao thấy tánh ? Nếu thấy tánh thì không còn lau nữa. Tại sao ? Vì thể tánh đó bụi không dính được, còn nghĩ như mặt gương phải lau mãi là chưa thấy tánh. Chúng ta dốt mà đọc qua còn biết Ngài chưa thấy tánh.
Ngài Thần Tú viết kệ xong, liền trở về phòng, mọi người đều chẳng biết. Thần Tú lại suy nghĩ: Ngày mai Ngũ Tổ thấy bài kệ, nếu hoan hỉ tức ta cùng pháp có duyên, nếu nói không kham, tự là ta mê, nghiệp duyên đời trước nặng nề, không hợp được pháp, thật là Thánh ý khó lường. Trong phòng suy nghĩ, ngồi nằm chẳng an cho đến canh năm.
Như thế là suốt đêm Ngài trằn trọc mãi, không ngủ được. Viết bài kệ rồi Ngài cũng vẫn bất an, thật là khổ tâm, vì không biết ngày mai Ngũ Tổ khen hay chê, khen thì còn được, nếu chê thì còn mặt mũi nào, thế nên ngồi nằm không an mãi đến canh năm.
Ngũ Tổ đã biết Thần Tú vào cửa chưa được, không thấy tự tánh.
Thật ra Thầy lúc nào cũng biết rõ học trò, nên tuy bảo làm Giáo thọ dạy chúng, nhưng biết là ngài Thần Tú chưa vào cửa nổi. Vì biết rõ như thế nên tuy bảo làm kệ nhưng thật ra Ngũ Tổ không nhắm vào ngài Thần Tú, mà Tổ có chỗ nhắm khác. Để cho công bằng Tổ phải tuyên bố cho tất cả chúng trình kệ, nếu không như thế mà riêng truyền y pháp cho một người nào khác thì chúng sẽ thắc mắc.
Khi nào chúng trình kệ không được, Tổ truyền y pháp cho người khác, họ mới không thắc mắc.
Sáng hôm sau, Tổ gọi ông Lư Cung Phụng đến hành lang phía Nam để vẽ đồ tướng trên vách, chợt thấy bài kệ, Ngài bảo Cung Phụng rằng: “ Thôi chẳng cần phải vẽ, nhọc công ông từ xa đến. Trong kinh có nói “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, chỉ để lại một bài kệ này cho người tụng đọc thọ trì, y bài kệ này tu thì khỏi đọa trong ác đạo, y bài kệ này tu thì được lợi ích lớn”. Khiến đồ đệ thắp hương lễ bái cung kính và tụng đọc bài kệ này tức được thấy tánh. Môn nhân tụng bài kệ đều khen: “Hay thay !”
Đây là kế của Ngũ Tổ, nếu Tổ không khen thì không làm sao biết được tác giả vì dưới bài kệ đâu có ký tên, thế nên Tổ mới khéo bày kế đánh lừa mọi người. Tổ bảo: Nhọc công Cung Phụng từ xa đến, kinh Kim Cang có nói, phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, thôi ông không cần phải vẽ đồ tướng, hãy để bài kệ này cho chúng đọc, người nào y đó tu hành sẽ khỏi đọa trong ba đường ác, sẽ được lợi ích, sẽ thấy tánh. Tổ lại bảo đồ đệ đốt hương kính cẩn lễ bái bài kệ. Nghe như thế dĩ nhiên là ngài Thần Tú mừng không kể xiết, Ngài phải nhận là của Ngài làm chớ đâu còn ẩn tránh nữa, vậy là Ngài đã mắc kế của Ngũ Tổ rồi ! Khi đó tất cả môn nhân đều tụng và đều khen bài kệ hay. Đệ tử thì thường như thế. Thầy khen điều gì hay là đồ đệ cũng khen theo, chớ không biết hay ở điểm nào, nghe Thầy tán dương việc gì thì đệ tử cũng tán dương theo, đó là bệnh chung ! Người học trò luôn luôn lệ thuộc thầy, nói theo thầy chớ không biết rõ đâu là đúng, đâu là sai.
Đến canh ba, Tổ mới gọi Thần Tú vào trong thất hỏi: “Kệ đó, phải ông làm chăng?” Ngài Thần Tú thưa: “Thật là con làm, chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòa thượng từ bi xem đệ tử có chút ít trí tuệ chăng ?”
Ngài nghĩ rằng Ngũ Tổ khen như vậy là chấp nhận Ngài làm Tổ rồi, nhưng vì khiêm nhường nên Ngài thưa: Bạch con làm, nhưng con không dám mong cầu Tổ vị, chỉ trình để Thầy xem con có chút ít trí tuệ chăng ? Đó là lời nói khiêm nhường, không ngờ :
Tổ bảo: “Ông làm bài kệ này chưa thấy được bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào được trong cửa, kiến giải như thế tìm Vô thượng Bồ-đề, trọn không thể được. Vô thượng Bồ-đề phải được ngay nơi lời nói mà biết bản tâm mình, thấy được bản tánh mình chẳng sanh chẳng diệt, đối trong tất cả thời mỗi niệm mỗi niệm tự thấy, muôn pháp đều không kẹt, một chân tất cả đều chân, muôn cảnh tự như như, tâm như như đó tức là chân thật. Nếu thấy được như thế tức là tự tánh Vô thượng Bồ-đề. Ông hãy đi, một hai ngày sau, suy nghĩ làm một bài kệ khác đem lại tôi xem, bài kệ của ông nếu vào được cửa, sẽ trao y pháp cho ông.” Ngài Thần Tú làm lễ lui ra, trải qua mấy ngày, làm kệ cũng không thành, trong tâm hoảng hốt, thần tư bất an, ví như ở trong mộng, đi ngồi không vui.
Như thế là Ngũ Tổ thật khéo, thật tâm lý, nếu không thì việc lớn hỏng hết. Nếu buổi sáng giữa đông đảo chúng vừa khen bài kệ xong, Ngũ Tổ gọi ngài Thần Tú lại hỏi: Phải ông làm bài kệ này không ? Dĩ nhiên ngài Thần Tú sẽ thưa: Bạch con làm. Lúc ấy Ngũ Tổ bảo rằng: “Bài kệ này không vào cửa được” thì còn gì thể diện của ngài Thần Tú. Tuy khen bài kệ, tuy biết tác giả mà Tổ không hỏi liền, đợi đến canh ba vắng vẻ Tổ mới gọi ngài Thần Tú vào hỏi. Khi ngài Thần Tú nhận là bài kệ của Ngài, Tổ mới bảo ông chưa vào cửa được. Lúc đó Ngài mới kinh ngạc, tuy kinh ngạc mà không mất thể diện với đồ chúng. Đó là cái khéo của Ngũ Tổ, thật là khéo ! Thế nên người lớn muốn cho vẹn toàn với đồ đệ cũng là cực lắm. Nếu người nóng nảy thì gọi ra hỏi và phê bình ngay giữa đồ chúng đông đảo, như thế chắc ngài Thần Tú không chịu đựng nổi sự hổ thẹn. Tổ bảo tiếp: Thôi ông trở về vài ngày làm một bài kệ khác đem đến trình, nếu được ta sẽ trao y pháp cho. Ngài Thần Tú lễ rồi lui ra. Bấy giờ Ngài còn tinh thần nào làm kệ nữa. Bao nhiêu cố gắng mới làm được bài kệ đó, nay Ngũ Tổ không chấp nhận thì còn tinh thần nào để làm bài kệ thứ hai.
Lại hai ngày sau có một chú bé đi qua chỗ giã gạo, đọc bài kệ này. Huệ Năng vừa nghe liền biết bài kệ này chưa thấy được bản tánh.
Người đến được cảnh đó nghe bài kệ liền biết tác giả bài kệ chưa vô cửa được. Đó là đệ tử mà còn biết, huống nữa là ông Thầy !
Tuy chưa nhờ chỉ dạy, mà sớm đã biết được đại ý, bèn hỏi chú bé: “Tụng đó là kệ gì ?” Chú bé đáp: “Cái ông nhà quê không biết, Đại sư nói: Người đời sanh tử là việc lớn, muốn được truyền y pháp, khiến đệ tử làm kệ trình Ngài xem, nếu ngộ được đại ý, liền trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ Vô Tướng ở vách hành lang phía Nam, Đại sư khiến người đều đọc, y kệ này tu sẽ khỏi đọa đường ác, y kệ này tu sẽ có lợi ích lớn.” Huệ Năng thưa: “Thượng nhân, đã hơn tám tháng, tôi ở nhà trù giã gạo, chưa từng đến nhà trên, mong Thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ lễ bái.”
Thật là lời nói khiêm nhường ! Chú bé mà Ngài gọi là Thượng nhân. Ngài nói: Tôi ở đây làm công quả hơn tám tháng trời, chưa lên tới nhà trên, nay nhờ Thượng nhân dẫn tôi đến lễ bái bài kệ để kết duyên. Dĩ nhiên là chú bé thích rồi.
Chú bé dẫn Ngài đến trước bài kệ lễ bái. Huệ Năng bảo: “Huệ Năng không biết chữ, nhờ Thượng nhân vì tôi đọc.” Khi ấy có quan Biệt giá ở Giang Châu họ Trương tên Nhật Dụng liền to tiếng đọc. Huệ Năng nghe rồi bèn nói: “Tôi cũng có một bài kệ, mong Biệt giá vì tôi viết.” Quan Biệt giá nói: “Ông cũng làm kệ nữa sao ? Việc này thật ít có !” Huệ Năng nói với Biệt giá rằng: “Muốn học đạo Vô thượng Bồ-đề, không được khinh người mới học. Kẻ hạ hạ cũng có cái trí thượng thượng, còn người thượng thượng cũng không có ý trí. Nếu khinh người thì có vô lượng vô biên tội.” Quan Biệt giá nói: “Ông chỉ tụng kệ, tôi vì ông viết, ông nếu được pháp, trước phải độ tôi, chớ quên lời này.”
Quan Biệt giá ban đầu ngạc nhiên nên nói: Ông cũng có kệ nữa sao ? Thấy quan Biệt giá ngạc nhiên, ngài Huệ Năng biết ông này khinh người, cho mình là quê mùa dốt nát nên Ngài mới bảo: Kẻ hạ hạ cũng có trí thượng thượng, còn người được xem là thượng thượng cũng không có ý trí, đừng tưởng người ở cấp cao là người hay. Nghe thế quan Biệt giá liền bảo: Ông nói đi, tôi viết cho nhưng phải nhớ là ông được pháp thì độ tôi trước. Thành ra cũng là tham phải không ? Khi giúp người cũng đòi quyền lợi trước !
Huệ Năng đọc bài kệ:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm ?
Bồ-đề chỉ cho tánh giác, tánh giác không có hình tướng thì không phải là cây, đây là bác câu “Thân là cây bồ-đề”. Ngài Thần Tú nói thân này là cây bồ-đề, Ngài nói trái lại: Bồ-đề là tánh giác, tánh giác thì đâu có hình tướng mà nói là cây. Câu thứ nhất bác hình thức cây bồ-đề. Đến câu thứ hai ngài Thần Tú nói: “Tâm như đài gương sáng”, như vậy đài gương sáng là gương sáng hay đài sáng ? Nếu nói đài gương sáng thành ra nhấn mạnh chữ đài. Gương là tự nó sáng không cần có đài mới sáng, nếu nói đài gương sáng là đã lầm cái hình thức thứ hai. Đến hai câu sau “Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi bặm”, tức là chỗ chân thật đó xưa nay không một vật huống nữa là dính bụi bặm ? Ngài Thần Tú nói “Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bụi bặm” nhưng xưa nay nó không dính một vật thì chùi cái gì ? Đã không có một vật thì có gì dính bụi ? Như thế rõ ràng ngài Huệ Năng thấy được bản tánh xưa nay không có một hình trạng, không có một tướng mạo, chính bản tánh đó tự thanh tịnh, không cần lau chùi mới thanh tịnh. Đó là Ngài đã thấy được, còn ngài Thần Tú không thấy được nên suy nghĩ theo lối tu nặng về hình thức: cái gương có bụi dính nay rán chùi cho hết bụi, đó là chưa thấy được bản tánh thật vì tánh giác không tướng mạo, đã không tướng mạo thì có gì nhiễm, có gì dính được nó, thấy rõ được như vậy thì không bao giờ lầm, không phải lau chùi gì cả. Lau chùi là chỉ hình thức bên ngoài, chớ tánh giác không có tướng mạo nên nó hằng thanh tịnh, hằng thanh tịnh thì chỗ nào dính bụi mà phải lau chùi ? Như vậy qua bài kệ này mọi người thấy rõ là Ngài đã vô cửa, còn bài kệ của ngài Thần Tú chưa vô cửa.
Khi viết bài kệ rồi, đồ chúng thảy đều kinh hoàng, không ai mà chẳng xuýt xoa, mọi người bảo nhau rằng: “Lạ thay ! Không thể do tướng mạo mà đoán người, đã bao lâu nay sai nhục thân Bồ-tát làm việc !”
Thế nên, ai đọc bài kệ này cũng giật mình, cả chúng đều ngạc nhiên, thảy đều kinh hoàng, không ai mà chẳng xuýt xoa. Đồ chúng bảo nhau thật không ngờ, không nên xem tướng mà đoán người, vì chúng ta thường có bệnh xem tướng đoán người, ai ăn mặc tề chỉnh, gương mặt sáng sủa thì cho người đó là thông minh, ai ăn mặc lôi thôi, gương mặt hơi khờ thì cho đó là người quê dốt. Nay chúng mới ngạc nhiên không ngờ mấy tháng nay mình sai vị nhục thân Bồ-tát làm việc. Như thế là họ hốât hoảng cho Ngài là Bồ-tát. Nhưng trong đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ thấy Ngũ Tổ thật là người hiểu tâm lý.
Tổ thấy cả chúng đều kinh ngạc, sợ có người làm hại Ngài, mới lấy giày xóa hết bài kệ, nói: “Cũng chưa thấy tánh.” Chúng cho là đúng.
Người học trò thường như thế. Khi mới đọc bài kệ thì thấy hay hơn bài kệ trước. Tự biết như vậy, nhưng khi nghe vị thầy bảo cũng chưa thấy tánh và lấy giày xóa thì cũng nói theo: À, phải rồi cũng chưa thấy tánh và cũng yên tâm như vậy ! Thế nên người học đạo khi nghe ai bảo điều gì là phải mà mình thấy rõ chưa phải thì vẫn biết là chưa phải, ai nói điều gì là sai mà mình xét thấy đúng vẫn biết là đúng, như thế mới có lập trường. Còn người ta bảo “phải” mình thưa phải, người ta nói “sai” mình cũng dạ sai, rồi theo đó mà khen mà chê là không có lập trường, đó là cái hại. Nhất là khi đọc sách, người hướng dẫn hoặc người viết sách khen điều gì, ta cũng khen theo, chê điều gì, ta cũng chê theo, mà không biết hay dở ở điểm nào, đó là khuyết điểm lớn của người học.
Ngày kế, Tổ thầm đến chỗ giã gạo thấy Huệ Năng đeo đá giã gạo, mới bảo rằng: “Người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư ?”
Thật cũng khổ sở ! Tổ thấy ngài Huệ Năng đeo đá giã gạo mới bảo: Người cầu đạo vì pháp quên mình đến như thế ư ? Tức là nếu cần làm thì cứ làm chẳng nghĩ đến thân, còn chúng ta như thế nào ? Vào chùa, khi làm việc gì nặng là than ngay: Ôi, tôi làm không nổi, một mình tôi làm không nổi, phải hai, ba người mới được; còn Ngài nếu một mình không nổi thì đeo thêm một viên đá cho đủ sức nặng, đó là vì đạo quên mình. Trái lại nếu vì mình thì thế nào ? Nơi nào dù có đạo mà cực quá thì bỏ đi tìm chỗ sung sướng hơn; thế nên vì mình thì quên đạo, còn vì đạo thì quên mình. Người cầu được đạo thì dù khổ cực thế mấy cũng chấp nhận, người vì mình thì dù nơi có đạo lý nhưng cực nhọc quá cũng bỏ đi tìm nơi khác sung sướng hơn. Vậy người học đạo phải lấy đây làm gương. Thật ra trong chúng mấy trăm người, nếu mình yếu không đủ sức nặng để giã gạo thì kêu thêm một người nữa, đâu có hại gì, nhưng Ngài không cần, ví dụ phải sáu mươi kí mới cất nổi cái chày mà Ngài chỉ có bốn mươi kí thì Ngài đeo thêm viên đá hai mươi kí nữa là được rồi, không cần gọi thêm người thứ hai. Chính việc làm vì đạo quên mình của Ngài khiến cho người sau mỗi khi đọc đến đều cảm động và chính Ngũ Tổ cũng phải khen: “Vì pháp mà quên mình đến thế ư ?”
Tổ lại hỏi: “Gạo trắng hay chưa ?” Huệ Năng thưa: “Gạo trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng.” Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ, đến khi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy cà sa che chung quanh không để người thấy, vì nói kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, liền thưa Tổ rằng:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp !
Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã ngộ được bản tánh mới bảo: “Chẳng biết bản tâm, học pháp vô ích, nếu biết được bản tâm mình, thấy được bản tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Thầy của trời người, là Phật.” Canh ba thọ pháp, người trọn không biết, Tổ liền truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng: “Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu, khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng hữu tình, truyền khắp đời sau, không khiến cho đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:
Hữu tình lai hạ chủng,
Nhân địa quả hoàn sanh.
Vô tình diệc vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.
Chữ tình không có nghĩa thức tình, chữ tình đây chỉ cho những người đã có được hạt giống tức là có cái chủng tánh về đạo lý. Người có tình đến nên gieo giống cho họ, nhân nơi đất mà quả lại sanh, tức là người đã có chủng tánh về đạo lý này, khi họ đến nên gieo giống cho họ, nhân nơi đất tự tánh của họ sẵn có sẽ sanh ra quả. Còn vô tình tức là người không có hạt giống đó, không có giống thì không có tánh, cũng không có sanh. Người không có chủng tử đó mình có gieo cũng khó mà được, nên nói không tánh cũng không sanh. Đây là bài kệ truyền pháp.
Tôi lặp lại đoạn này cho quí vị thấy chỗ cần yếu khi ngài Huệ Năng ngộ. Chúng ta thấy khi nghe đọc một câu kinh Kim Cang Ngài đã ngộ rồi, tại sao tới đây Ngài lại ngộ nữa ? Như thế lần ngộ trước và lần ngộ sau khác nhau ở điểm nào ? Thường chúng ta không hiểu kỹ nên thắc mắc, khi trước Ngài cũng ngộ nên Ngài mới thưa chuyện với Ngũ Tổ, Ngài mới làm bài kệ và được Ngũ Tổ chấp nhận là vào cửa, đến đây Ngài lại ngộ nữa là ngộ cái gì ? Cái ngộ trước là Ngài mới thấy “Bản lai vô nhất vật”, nghĩa là thấy thể tánh đó không có một hình tướng, không có một vật tượng, chỉ là một thể tánh rỗng lặng, vì thấy được chỗ đó nên vào cửa. Đến chỗ này Ngài thấy thế nào ? Ngài nói : Đâu ngờ tâm mình thanh tịnh, đâu ngờ tâm mình chẳng sanh diệt, nó tự đầy đủ, nó không dao động, nó hay sanh muôn pháp, như thế đến đây Ngài mới thấy thật thể của bản tâm. Khi trước Ngài chỉ mới thấy chỗ không có vọng, đó là tánh không, bởi thấy được tánh không nên mới được vào cửa. Vào cửa chưa phải là xong việc, phải thấy được cái đầy đủ, thanh tịnh, chưa từng sanh diệt, không dao động và hay sanh muôn pháp, thấy tột cái đó mới gọi là thấy được bản tánh mình. Như vậy qua đoạn này chúng ta mới thấy rõ người học đạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà thiền thường nói rằng đại ngộ ít ra cũng ba bốn lần, còn tiểu ngộ thì vô số. Tiểu ngộ là sao ? Tỉ dụ nghe một thời giảng, chúng ta có lóe sáng một điều gì mình thích, thấy điều đó từ trước đến nay chưa từng biết, nay mình biết, đó là tiểu ngộ. Còn đại ngộ là một lần nhận ra được thì vui cả năm bảy ngày, nghĩa là điều đó là một việc lớn mà từ trước đến nay chưa bao giờ mình phát minh được, nay phát minh được, đó là đại ngộ. Nhưng một lần cũng chưa xong, phải đôi ba lần như thế, thế nên người học đạo phải có ngộ chớ không ngộ thì khó vào đạo. Ngài Thần Tú hiểu lý kinh mà chưa ngộ đạo nên vào cửa không nổi.
Đến trường hợp Tổ muốn truyền y pháp cho ngài Huệ Năng. Trước hết là pháp, muốn truyền pháp, đầu tiên Tổ đem kinh Kim Cang giảng cho Ngài nghe, nhưng khi giảng kinh, tại sao lại lấy y che hết các cửa sổ không cho ai thấy cả ? Có phải tại vì truyền pháp thì phải bí mật không ? Vì hoàn cảnh của Tổ là khác. Tổ biết rằng nếu có người nào hay Tổ truyền cho ngài Huệ Năng họ sẽ chống đối, bởi vì lúc ấy ngài Huệ Năng chưa cạo tóc, Ngài chỉ giã gạo tám tháng rồi Tổ gọi lên truyền y bát. Thế nên Tổ phải che kín hết không cho ai thấy, chỉ một thầy một trò, Tổ giảng kinh Ngài nghe rồi ngộ. Tổ lén truyền pháp xong rồi đưa ra cửa sau đi luôn không dám cho ở. Còn chúng ta hiện nay, khi truyền pháp có cần che kín như thế không ? Tỉ dụ tôi có đạo lý gì muốn truyền cho Phước Hảo hay những chú lớn trong đây, tôi có cần che kín không ? Vì trường hợp của Tổ là trường hợp đặc biệt phải giấu. Còn trường hợp thông thường, thầy nói đệ tử nghe, nhận hiểu tức là được đạo. Nay có một sốù người bắt chước cho đây là mật truyền, gọi vào phòng che kín lại rồi truyền và nói là y theo Tổ thuở xưa. Thật đúng với câu “ôm cây đợi thỏ” hay “khắc mạn thuyền mò gươm”, thật là khờ dại ! Hoàn cảnh của người xưa khác, nay lại bắt chước cái mật đó! Phật pháp không phải mật vì có những trường hợp quá đặc biệt nên mới mật thôi. Như thế quí vị phải hiểu rõ tinh thần truyền pháp, không phải là chỉ truyền khi nào có một thầy một trò trong trường hợp đóng cửa, đó là cái họa, không phải đúng. Tổ khi xưa làm như thế, vì đặc biệt ngài Huệ Năng là người chưa được mọi người tin tưởng, nếu Tổ để cho họ biết là có hại nên phải dùng phương tiện đó. Khi truyền pháp Tổ dùng kinh Kim Cang. Thế nên tôi thường nói với quí vị, đầu tiên chúng ta học kinh Kim Cang để nhân kinh mà nhận được bản tánh. Những câu sau đây quí vị thấy Ngũ Tổ nói thật là gần. Ngài bảo rằng: Người học đạo không biết được bản tâm thì học đạo vô ích, học đạo mà không nhận được bản tâm thì học cái gì ? Học đạo là cốt ngộ được bản tâm mà không ngộ được tức nhiên là học bên ngoài chớ chưa phải là học đạo. Còn nếu biết được bản tâm, thấy được bản tánh, đó là Trượng phu, là Thầy của trời người, là Phật, tức là đủ mười hiệu. Như thế người muốn thành Phật phải y thế mà tu. Sau khi dặn dò, Lục Tổ nhận pháp rồi, Ngũ Tổ truyền y bát, bảo rán gìn giữ. Tổ lại dặn trong một bài kệ: Nếu người có chủng tử đạo lý đến thì phải rán vì họ mà gieo giống tức là làm phương tiện để cho họ khai ngộ, chính nơi đất tâm của họ có sẵn thì mình gieo hạt giống, quả từ đó phát triển sanh khởi không khó; còn người chưa có chủng tử đó thì không gieo giống được, đã không có chủng tử, có gieo giống cũng không sanh khởi vì thế mới nói rằng “vô tánh diệc vô sanh”.
Tổ lại bảo: “Xưa Đại sư Đạt-ma ban đầu đến cõi này, người chưa tin nên mới truyền y này để làm tín thể, đời đời truyền nhau, pháp thì dùng tâm truyền tâm, đều khiến cho tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, Thầy Thầy thầm trao bản tâm, y là đầu mối của sự tranh giành, nên dừng ngay nơi ngươi, chớ truyền nữa. Nếu truyền y này thì mạng của người nhận y cũng như sợi chỉ mành.”
Phật cũng truyền cho mình cái bản thể, chư Sư cũng truyền cho mình cái bản tâm, đó là điều chính yếu. Tại sao khi xưa Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa truyền y bát, đến đời Lục Tổ, Ngũ Tổ lại cấm truyền y ? Vì ngay đời Tổ Bồ-đề-đạt-ma, Ngài chỉ mới có vài đệ tử thôi nên người nào xuất sắc hơn thì được Ngài truyền y để làm bằng chứng cho người sau tin. Đến đời Ngũ Tổ số đệ tử lên đến năm bảy trăm người, đến Lục Tổ số chúng đông đến cả ngàn người, nay truyền y cho một người, bao nhiêu người khác ganh tị, tranh giành là cái họa cho người đó. Thế nên về sau, người nào được pháp rồi, Tổ bảo họ đến một nơi nào đó truyền bá chớ không giao y cho vì giao y là giao họa cho họ. Chúng ta đã thấy rõ lý do, chớ thường chúng ta hay cố chấp nói, khi xưa Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền pháp rồi truyền y bát cho Tổ Huệ Khả, Tổ Tổ truyền nhau tới sáu đời. Sau này không truyền nữa tức là đến đó không còn Tổ nữa, tức là hết người ngộ rồi, đó là lầm lẫn lớn. Tỉ dụ như ở đây, trong chúng có cả trăm người nghe chúng tôi giảng dạy, giả sử có một người trả lời đúng câu tôi hỏi, tôi nói: Người này xứng đáng kế thừa cho tôi. Khi nghe như thế quí vị tin người đó chưa ? Dĩ nhiên là tin rồi, đâu cần truyền cái gì nữa. Thế nên, trong các hội chúng sau này, hội nào cũng từ năm trăm đến một ngàn người, nếu có người nào ngộ đạo, Tổ chỉ nói tỉ dụ như “Trái mai đã chín” là thiên hạ hiểu rồi, đua nhau tìm tới học chớ không phải truyền y gì cả. Hoàn cảnh thuở xưa khác, người sau không hiểu cứ cố chấp, nói tại sao sau này không có truyền y bát, mà truyền y bát để làm gì ? Điều quan trọng là mình phải ngộ đạo, cho nên nói Phật Phật truyền nhau tâm thể đó, Tổ Tổ truyền nhau bản tâm này, vậy phải hiểu y bát chỉ để làm biểu tín bên ngoài khi chưa có người biết, còn khi mọi người đều biết thì nó không cần thiết nữa. Ngũ Tổ bảo tiếp:
“Ông phải đi nhanh, e người hại ông.” Huệ Năng thưa: “Bây giờ con phải đi đâu ?” Tổ bảo: “Gặp ấp Hoài thì dừng, gặp ấp Hội thì ẩn.” Huệ Năng canh ba lãnh được y bát, thưa: “Huệ Năng vốn là người miền Nam không biết đường đi, làm sao ra được bến đò ?” Ngũ Tổ bảo: “Ông chẳng phải lo, ta tự đưa ông đi.” Tổ liền đưa đến bến đò Cửu Giang, Tổ bảo lên thuyền, Ngũ Tổ bèn cầm chèo tự chèo. Huệ Năng thưa: “Thỉnh Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo.” Tổ bảo: “Phải là ta độ ông.” Huệ Năng thưa: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ. Độ tên tuy là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng sanh nơi biên phương, tiếng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp nay đã được ngộ, chỉ nên tự tánh tự độ.” Tổ bảo: “Như thế ! Như thế ! Về sau Phật pháp do ông mà được thạnh hành, ông đi ba năm, ta sẽ thệ thế. Nay ông đi an vui, nỗ lực hướng về Nam, không nên nói pháp sớm, Phật pháp sẽ gặp tai nạn.” Huệ Năng từ giã Ngũ Tổ rồi cất bước đi về phương Nam, trong khoảng hai tháng đến ngọn núi Đại Dữu.
Lục Tổ ở trong hoàn cảnh bị người khinh, nhưng Ngũ Tổ nhìn Ngài ở chỗ tâm sáng, vì tâm sáng nên xứng đáng được truyền pháp, còn cái hình thức, sự dốt nát v.v... là những điều bị thiên hạ khinh, người bị khinh mà được truyền pháp làm Tổ thì thiên hạ tức, do đó có thể bị hại. Thế nên giữa đêm Ngũ Tổ phải cực khổ lén đưa ngài Huệ Năng đi, có thể hai thầy trò cầm đèn đưa nhau ra bến đò, rồi qua bên kia sông lên bờ. Ngũ Tổ lại dặn dò: “Ngươi đi rồi, ba năm sau ta sẽ tịch, vậy ngươi đi bình yên, rán đi về phía Nam, đừng có dạy sớm.” Thật là chí tình !
Ngũ Tổ trở về, mấy ngày không thượng đường, chúng nghi mới đến hỏi: “Hòa thượng có ít bệnh, ít não chăng ?” Ngài đáp: “Bệnh thì không, mà y pháp đã về Nam rồi.” Chúng hỏi: “Ai là người được truyền ?” Tổ bảo: “Người có khả năng thì được.” Chúng liền biết.
Vì họ đã được đọc bài kệ của ngài Huệ Năng nên khi nghe Ngũ Tổ nói họ liền biết là Ngài. Biết rồi họ có tha không ?
Khi đó vài trăm người đuổi theo, muốn cướp y bát, một vị tăng họ Trần, tên Huệ Minh, trước là tướng quân bậc Tứ phẩm, tánh hạnh thô tháo, hết lòng theo tìm, chạy trước mọi người, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng để y bát trên bàn thạch nói: “Y này là biểu tín có thể dùng sức mà tranh sao !” Huệ Năng liền ẩn trong lùm cỏ, Huệ Minh đến cầm y lên mà không nhúc nhích, mới kêu rằng: “Cư sĩ, cư sĩ ! Tôi vì pháp mà đến chớ không phải vì y.” Huệ Năng bèn bước ra ngồi trên bàn thạch. Huệ Minh liền làm lễ thưa: “Mong cư sĩ vì tôi nói pháp.” Huệ Năng bảo: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi vì ông nói.” Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?” Huệ Minh ngay câu nói đó liền đại ngộ.
Đây là bài thuyết pháp đầu tiên của Lục Tổ. Ngài thuyết pháp quá đơn giản. Ngài bảo: Ông dừng tất cả vọng tưởng, đừng nghĩ gì cả. Huệ Minh đứng lặng yên giây lâu thì Lục Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?” Huệ Minh liền ngộ. Như thế chỉ một câu nói, Huệ Minh ngộ được bản lai diện mục của mình.
Lại hỏi: “Ngoài mật ngữ, mật ý trên, còn có mật ý khác chăng ?” Huệ Năng bảo: “Vì ông nói tức không phải mật vậy, ông nếu phản chiếu thì mật ở bên ông.”
Ông đừng hỏi nữa, đã vì ông mà nói rồi thì đâu còn mật. Cái mật là cái ông biết phản chiếu trở lại đó. Chúng ta thường có bệnh nghe nói chứùng được Phật quả thì có tam minh, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng v.v... ai nấy đều thích, nhưng nay nghe nói bản tâm mình thanh tịnh, hằng tri thì thắc mắc: Thế là không còn gì lạ nữa sao ? Nếu chỉ được cái thanh tịnh hằng tri đó thì có vẻ thường quá, không có điều gì mật, điều gì quan trọng cả ! Nhưng thật ra chính cái thanh tịnh hằng tri đó nếu mình sống được, lâu sau tự nhiên có cái mật. Đừng hỏi thêm, không ai chỉ thêm được điều gì nữa, cái đó là ở nơi mình chớ không phải ở nơi người chỉ. Người chỉ giúp cho mình nhận ra được cái đó, rồi mình sống với nó, lâu ngày bao nhiêu diệu dụng theo đó mà có, chớ không phải người khác làm cho mình được. Như vậy là Ngài chỉ rõ mật là tại ông, tức là ông biết phản chiếu, cái mật ở nơi ông.
Huệ Minh thưa: “Huệ Minh tuy ở Huỳnh Mai, thật chưa có tỉnh diện mục của chính mình, nay nhờ chỉ dạy như người uống nước lạnh nóng tự biết. Nay cư sĩ tức là Thầy của Huệ Minh.” Huệ Năng bảo: “Ông nếu như thế thì tôi cùng ông đồng thờ thầy Huỳnh Mai, khéo tự hộ trì.”
Câu: “Nay nhờ chỉ dạy như người uống nước lạnh nóng tự biết” là câu trình kiến giải. Như thế Huệ Minh cũng can đảm, là người xuất gia mà dám nhận một cư sĩ làm thầy.
Huệ Minh lại thưa: “Huệ Minh từ nay về sau nhằm chỗ nào đi ?” Huệ Năng bảo: “Gặp Viên thì dừng, gặp Mông thì ở.” Huệ Minh liền lễ từ.
Đây là điểm tôi nghi, vì trước đó Ngài chưa biết phải đi đâu, nên hỏi Ngũ Tổ “con phải đi đâu” thì Ngũ Tổ bảo “phùng Hoài... ngộ Hội v.v...”, nay thình lình Huệ Minh vừa ngộ hỏi con đi đâu thì Ngài cũng dặn bảo được, thành ra mau quá, nên tôi nghi. Trong đoạn trước tôi có nói, người sau ghi lại muốn cho có vẻ huyền bí một chút, nên điểm tô thêm một ít nét, nếu chúng ta kiểm điểm lại thì thấy rõ. Nếu trước Ngài đã biết tức Ngài không hỏi Ngũ Tổ, vì Ngài chưa biết thân phận mình, nên phải nhờ Ngũ Tổ định đoạt, trong lúc chạy trốn Ngài đâu có ngày giờ ngồi tu mà nói tâm Ngài được sáng, biết quá khứ vị lai ? Đến khi Huệ Minh ngộ hỏi, Ngài liền biết chỗ nào nên ở, chỗ nào nên đi, đó là Ngài biết quá khứ vị lai rồi. Điều này e là người sau bổ túc, đó là điểm tôi nghi, vì khi nghiên cứu, chúng ta phải thấy điểm nào là thật, điểm nào là không thật, chớ không thể đọc sao nghe vậy.
Huệ Minh trở về, xuống núi bảo những người đuổi theo: “Đi trên những đồi núi này trọn không tìm ra tung tích, phải đi qua đường khác tìm.” Cả chúng đuổi theo đều cho là đúng. Huệ Minh về sau đổi tên là Đạo Minh, đó là tránh chữ đầu của tên Thầy.
Huệ Minh nói gạt chúng là đi theo mấy ngọn đồi núi chập chùng này không tìm ra dấu vết gì cả, thôi tìm đường khác đi, đó là gạt chúng đừng đuổi theo.
Huệ Năng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tìm đuổi, mới ở nơi Tứ Hội (Tứ Hội thuộc tỉnh Quảng Đông.), tị nạn trong đám thợ săn, trải qua mười lăm năm, khi đó cùng những người thợ săn tùy nghi nói pháp. Những người thợ săn thường bảo giữ giềng lưới, khi Huệ Năng thấy những con vật mắc lưới đều thả. Mỗi khi đến bữa ăn, hái rau gởi luộc trong nồi thịt, hoặc có người hỏi thì đáp: “Chỉ ăn rau ở bên thịt.”
Tu theo Ngài cũng hơi dễ, rau luộc trong nồi thịt cũng dễ ăn hơn rau luộc bằng nước trong. Như thế quí vị thích tu theo cách này không ? Mình ăn rau gởi luộc trong nồi thịt thôi, không ăn thịt ! Nói thế thì có nhiều vị bắt chước, về nhà vợ con nấu thịt cũng bỏ rau vào luộc, đến khi ăn thì ăn rau thôi ! Nhưng chúng ta không nên bắt chước như vậy. Chúng ta phải hiểu hoàn cảnh của Ngài, Ngài còn hình thức cư sĩ và Ngài cũng giấu không cho người ta biết tung tích của Ngài, nếu Ngài tỏ ra là người tu, sợ người ta biết t