;
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật!
Thời gian
trôi đi thuận theo thế vô thường, bả lợi danh như điện chớp mây bay. Mọi sang
hèn, vinh nhục rồi cũng lùi vào dĩ vãng và có thể bị bỏ quên. Con người mãi
rong ruổi trên bước đường mưu cầu hạnh phúc mà quên đi chánh niệm tỉnh giác,
quay trở về với hải đảo tự thân để rồi cứ ngụp lặn trong ba cõi sáu đường,
không phân “mê – ngộ”. Xã hội ngày càng phát triển, thì những nhu cầu của con
người ngày càng cao, áp lực cuộc sống ngày càng lớn. Do đó, chúng ta muốn tìm
về một bến đỗ tâm linh lấy đó làm điểm tựa để đối mặt với thực tại.
Đức Phật-
Ngài vì lòng từ bi mẫn xót thương nhân sinh thống khổ, thế sự vô thường mà xuất
gia cầu đạo giải thoát. “Bài pháp Tứ Thánh đế” thuyết giảng cho năm anh em ông
Kiều Trần Như là câu trả lời chính xác, đầy đủ, toàn vẹn nhất cho câu hỏi: Nỗi
khổ là gì? Do đâu mà có? Ở đâu thì hết khổ? Làm thế nào để thoát khổ? Khái niệm
Tam bảo cũng ra đời từ đó. Tam bảo là ba ngôi báu: Phật – Pháp – Tăng. Tam bảo
chính là con thuyền lớn dẫn dắt chúng sinh thoát bờ sinh tử, chuyển “Mê” thành
“Ngộ”, đưa con người đạt đến an lạc, hạnh phúc, chân – thiện – mỹ ngay tại thế
gian này.
Tôi biết đến
đạo Phật từ tấm bé nhưng thực sự giác ngộ chân lý mà Đức Phật truyền lại cho
nhân- thiên thì hơi muộn (20tuổi). Quả thật, trong tâm trí tôi thuở nhỏ chùa và
tượng Phật là cái gì đó huyền bí, xa lạ và chỉ hợp cho những người già. Nhưng
rồi, mọi thứ đã thay đổi sau buổi tối đáng nhớ. Người bạn cùng đoàn thực tập
với tôi rủ tôi đến chùa. Cô ấy bảo tối nay ở chùa Từ Xuyên có sinh hoạt câu lạc
bộ thanh niên Phật tử (CLB TNPT). Cô ấy thích mặc áo lam lắm. Hôm đó là lần đầu
tiên tôi được ngồi thiền, nghe chia sẻ giáo lý, kinh hành niệm Phật và tập đi
những bước đi trong chánh niệm. Cảm giác rất an lạc. Kể từ đó trở đi, tôi coi
chùa Từ Xuyên và CLB TNPT Thái Bình như ngôi nhà thứ hai của mình, gắn bó và
yêu quý màu áo lam thân thương.
Những lần đi
sinh hoạt câu lạc bộ, được nghe những lời pháp nhũ của Sư ông(ĐĐ) Thích Thanh
Minh – người thầy thứ hai của tôi và những chia sẻ giáo lý của sư chú và các
anh chị em làm tôi ngộ ra rất nhiều điều mà kiến thức sách vở không nói tới.
tôi nhận ra bản chất của đời sống là vô thường, vô ngã và chỉ có tu tập theo
giáo lý Phật đà mới đem đến cho con người an vui, tự tại. những lần được đến
chùa chấp tác, ăn cơm chay, tụng kinh, niệm Phật, tham dự khóa tu sao mà đáng
nhớ và an lạc, giải thoát đến thế. Tôi còn nhớ ngày mới đến chùa, lạ lẫm với
thầy trụ trì, tôi luôn cố tránh mặt thầy, nhưng bằng sự gần gũi, cởi mở, nhất
là với thanh niên đến chùa tôi dần cảm mến đức hạnh của TT. Thích Thanh Định –
thầy bổn sư của tôi. Đại Phật đản năm 2010 của chùa Từ Xuyên được tổ chức trong
hai ngày 22- 23/5 (9-10/4). Đó là lần đầu tiên tôi được tham gia văn nghệ mừng
Phật đản. Cảm giác lúc đó khó tả vô cùng.Ngày 23/5 là ngày có ý nghĩa trọng đại
trong đời tôi. Tôi được thầy trao truyền tam quy, ngũ giới tại chùa Từ Xuyên
với pháp danh Phúc Hào. Kể từ đây, tôi chính thức là một người con Phật, nguyện
suốt đời noi gương từ bi mà chư Phật, chư Tổ đã làm.
Có thể nói,
kể từ ngày đến chùa và quy y Tam bảo đến nay, tôi gặt hái được khá nhiều thành
công và có rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ với chùa Từ Xuyên, chùa Phúc Minh,
các chùa khác trong tỉnh và chùa Diên Quang –Việt Hùng - Quế Võ –Bắc Ninh. Tôi rất ít khi ốm nữa. Tôi
được đi hát chùa, ăn cơm chay, tham dự các khóa tu, giao lưu với các anh chị em
trong các CLB TNPT trên cả nước. Kỷ niệm với chùa Diên Quang rất đáng nhớ. Đó
là nơi tôi được diễn vở chèo “Hòa thượng Cua” dù chỉ trong một vai phụ trong
khóa tu một ngày mừng vía Đức Phật A Di Đà. Sau này, vở chèo được nhà chùa quay
lại, in đĩa, post lên Youtube. Chỉ tiếc rằng mình không có đĩa gốc của nó. Có
lẽ đây là vai diễn để đời của tôi. Năm 2011 cũng là một năm đáng nhớ, với những
kỷ niệm vui buồn bên Sư ông Thanh Minh – người mà tôi không bao giờ quên công
ơn được. Tôi ở chùa cùng thầy, được ngày ngày cùng chú Duẩn mặc áo nâu, công
quả, thị giả thầy…, sao mà yên bình và tự tại đến vậy cho dù cuộc sống ở chùa
lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ công đức quy y Tam bảo mà tôi đã
thoát nạn trong một vụ ngã từ ô tô xuống, đầu không sao nhưng chân trái bị
sưng. Nhờ cái tủ lạnh ở chùa của thầy mà cái chân dần bình phục.Những ngày
tháng ở chùa là quãng thời gian không thể nào quên trong suốt ba năm học cao
đẳng của tôi. Và có lẽ, nếu không đi chùa thì ba năm học cao đẳng cũng chỉ “le
lói” như đóm lửa sắp tàn thôi. Bây giờ không còn ở chùa nữa, không được ngày
ngày bên thầy, Sư ông và sinh hoạt cùng các anh chị em CLB TNPT TB nữa nhưng
những kỷ niệm về mái chùa Từ Xuyên, Phúc Minh thân thương luôn là những gì tốt
đẹp, cao quý, đáng nhớ trong suốt cuộc đời tôi!
Hai năm sau
ngày tôi quy y Tam bảo mẹ tôi cũng được TT.Thích Thanh Khôi –Ủy viên BTS THPG
Thái Bình – Chánh đại diện Phật giáo huyện Thái Thụy làm lễ quy y Tam bảo tại
chùa làng với pháp danh Diệu Long (gần giống với tên mẹ tôi). Như thế, tôi cũng
đã thực hiện được một phần nào tâm nguyện đưa giáo lý Phật đà về với gia đình,
xây dựng gia đình tâm linh của mình. Mẹ tôi thường đọc kinh sách, niệm Phật,
xem đĩa do tôi mang vềkhiến tôi rất vui như mình đã làm được chữ “Hiếu”.
Ba năm thời
gian chưa phải là dài so với đời người nhưng những gì tôi học được từ giáo lý
của Phật, những lời dạy của thầy và Sư ông sẽ là hành trang tư lương cho tôi
bước đi trên con đường tìm về cội nguồn thân tâm thường trú. Qua đây, con xin
thành kính cảm niệm tri ân công đức của thầy Thích Thanh Định, Sư ông Thích
Thanh Minh, Sư Bác Thích Minh Hiền những bậc xuất gia tu hành đã chỉ dạy cho con
những điều hay lẽ phải, cho con biết đến Phật pháp và sự nhiệm màu. Nhờ có
thầy, có Sư ông mà con có thêm những người anh, người chị, người em, người bạn
thân thiết dù không phải là ruột rà máu mủ. dù đi đâu, làm gì con vẫn nhớ những
gì mà thầy và Sư ông đã chỉ dạy cho con. Tôi gửi lời cảm ơn đến “cô ấy” người
bạn thân của tôi, người đã đưa tôi đến chùa. Cho dù bây giờ chúng ta không đi
chung trên một con đường nhưng chúng ta vẫn là anh chị em, bạn bè trong “mái
nhà chung” – CLB TNPT Chùa Từ Xuyên!