;
Dâng hương lễ Phật tác bạch cúng dường tại đại hùng bảo điện chùa Lý Triều Quốc Sư.
Chùa mới, Phật tử mới, mãi đến những ngày đầu tháng hai đạo tràng chùa Vĩnh Phúc, chùa Yên Lạc - những ngôi chùa vừa đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây mới tổ chức hành hương về những ngôi chùa xa lễ Phật, lễ Tổ, lễ Thầy, đây là năm đầu tiên nhóm Phật tử hai đạo tràng xuất hành phương xa trong “màu áo” chùa mình.
Tri ân, báo ân, sống nhớ nghĩ đến những người đã giáo dưỡng giúp đỡ mình, làm lợi lạc cho tha nhân là thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo" khơi dậy nét đẹp truyền thống, đó còn là nề nếp gia phong trong mỗi gia đình cần được xây dựng từ đó lan tỏa, hình thành trong môi trường tập thể trong đó có ngôi chùa, “ngôi trường” giáo dục đạo đức cho xã hội. Người Phật tử sống biết ơn và đền ơn sẽ luôn được người đời kính trọng.
Đức Phật cũng từng ngợi khen tinh thần bốn ơn như sau:
“Nếu có chúng sanh biết báo đền, người này đáng kính, ân nhỏ còn chẳng quên huống là ân lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do-tuần, trăm ngàn do-tuần mà chẳng là xa, vẫn không khác gần Ta. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết, Ta thường khen ngợi người biết báo đền.
Có các chúng sanh chẳng biết báo đền, ân lớn còn chẳng nhớ hà huống nhỏ. Người đó chẳng gần Ta, Ta chẳng gần người đó. Ngay cho họ đắp Tăng-già-lê ở sát bên Ta, người này vẫn xa. Vì sao? Ta thường chẳng nói về người không báo đền. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nghĩ báo đền, chớ học không báo đền…” (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức)
Trên tinh thần lời dạy của Phật, của Tổ và nhiều lần trong các pháp thoại, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm luôn nhắc nhở đại chúng tinh thần tri ân và biết ơn. Hòa thượng cho rằng, muốn dạy thế hệ hậu lai biết ơn, biết tôn trọng thầy tổ, biết gìn giữ tông phong thì trước hết bản thân mình phải sống đúng, sống có trách nhiệm và luôn là tấm gương sáng cho mọi người.
Điểm đến đầu tiên là chùa Bằng (Linh Tiên Tự), ở 63, Bằng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Hôm nay, 8/2 (ÂL) kỷ niệm ngày Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia tìm đạo, do không có hẹn trước nên Hòa thượng trụ trì đang ở chùa Lý Triều Quốc Sư giảng pháp cho Phật tử, chúng tôi gọi điện xin phép và được Thầy hoan hỷ nhận lời chờ.
Hà Nội, giờ cao điểm thật sự bế tắc khi muốn tham gia giao thông, xe chở 29 chỗ vào thành phố bắt buộc phải có giấy phép, gọi xe bus, taxi, xe ôm đều rất khó khăn, nhưng rồi được sự giúp đỡ nhiệt tình của các Chú tiểu trong chùa, đoàn cũng đã có 3 chiếc taxi Grab đón về chùa Lý Triều Quốc Sư. Đến nơi đã thấy Hòa thượng trụ trì ngồi chờ ở phòng khách, thật xúc động, tự thấy mình có lỗi đã để Thầy chờ đợi khá lâu, xá chào sám hối thầy, chúng tôi lên chánh điện đảnh lễ Tam bảo.
Ngồi vào phòng khách, Thầy cho biết đã có hẹn thuyết giảng với đạo tràng của một ngôi chùa ở huyện Đông Anh vào lúc 8h sáng nay. Nhìn đồng hồ lúc này đã là 8h45, vậy là chúng tôi đã lấy đi hơn 45 phút của đạo tràng ngôi chùa nào đó ở Đông Anh. Thật có lỗi !
Đối trước Tam bảo và Hòa thượng trụ trì, Ni sư Thiền Lâm đại diện đoàn dâng lời tác bạch khánh tuế đầu năm, cầu chúc Thầy được nhiều sức khỏe trường thọ, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, là bóng cây đại thụ che mát cho hàng đệ tử nương tựa để tiến tu. Hòa thượng có đạo từ tán dương, và cho biết, qua phương tiện thông tin thầy cũng nắm được phần nào về hoạt động của hai đạo tràng Thầy nhắc nhở mọi người tiếp tục tinh tấn tu học, phụng sự hộ trì Phật pháp.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư.
Thời gian không có nhiều, tại ngôi bảo điện chùa Lý Triều Quốc Sư, năng lượng từ bi hoan hỷ của Thầy đã xóa tan đi sự xa cách, Thầy tranh thủ chia sẻ, tâm sự chúc phúc và tặng quà cho Phật tử, mừng tuổi cho Ni sư. Đoàn chúng tôi thấy thật may mắn và hạnh phúc khi được bái Thầy làm nơi nương tựa chỉ lối đưa đường trong cuộc đời tu nhân học Phật.
Rời chùa Lý Triều Quốc Sư, chúng tôi về chùa Vạn Phúc cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 30km về phía Bắc. Chùa Vạn Phúc ở làng Phù Lỗ Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Chùa tọa lạc ở khu Bến Đáy ở phía Bắc nhìn ra sông Nguyệt Đức (sông Cà Lồ ngày nay) với khuôn viên hơn 1000m2 rộng dài phóng khoáng kề sát dòng sông trong mát chảy xuôi về ngã Ba Sà. Ngôi chùa ở thế đất “Thanh long ngậm thủy”.
Dâng hương lễ Phật tại chùa Vạn Phúc.
Thầy trụ trì là Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, hôm nay Thượng tọa đi vắng, đoàn được thầy Tục Kha tiếp đón nồng hậu, hoan hỷ hướng dẫn đoàn lễ Phật, lễ Tổ mặc dầu nhà chùa có ý phục vụ cơm chay nhưng do thời gian gấp rút nên đoàn chỉ dùng trà nước, trái cây, bánh kẹo. Hạnh phúc thay cho đoàn Phật tử “nhà quê” ra Thủ đô ngắm…chùa học hỏi đươc quý thầy tiếp đón chu đáo.
Một giờ đồng hồ ấm áp tình thầy trò tại Vạn Phúc, mọi người lên xe rời chùa với một cơ số bánh kẹo, trái cây do quý Thầy trao tặng.
Điểm cuối của chuyến đi, thuận đường về lại Hà Tĩnh là Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), thuộc xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) nay thuộc Hà Nội.
Nơi đây có bậc chân tu giới đức phạm hạnh viên dung, bậc tùng lâm thạch trụ thiền môn. Ngài đã có gần 100 năm tu hành nơi miền quê thôn dã, lấy việc cày cấy làm vui, coi chuyện kinh sách làm nghiệp, buông tay cày cầm tay bút, sáng kinh tối kệ, một lòng hướng Phật. Đó là bức chân dung về Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ trụ trì chùa Viên Minh, tục gọi là chùa Ráng. Được biết, khi sức khoẻ còn tốt, ngoài việc sớm hôm kinh sách hầu Phật, ngài còn tự chăm lo cày cấy nuôi thân. Đến năm 80 tuổi mới chịu thôi cày ruộng, nhưng vẫn liên tục làm vườn cho đến những năm gần đây.
Đến chùa Viên Minh đã quá 14h, cảnh chùa rộng rãi trang nghiêm, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, dù đã cải tạo lại nhưng vẫn mang dáng dấp của lối kiến trúc những ngôi chùa cổ miền Bắc.
Tháp Tổ chùa Viên Minh.
Lúc này, tại tầng trên của chánh điện, Thượng tọa Thích Thanh Vĩnh, Chư tăng chùa Viên Minh đang giảng pháp cho hơn 30 nam nữ Phật tử. Đoàn chúng tôi xin phép vào chánh điện lễ Phật, ra vườn tham quan và đảnh lễ tháp Tổ sư. Khu vườn của chùa khá rộng rãi thoáng mát, nhiều cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm, mặt tiền chánh điện tả, hữu có ao rộng lớn được thiết trí tôn tượng Bồ tát.
Khoảng 30 phút sau khi chúng tôi đến, một phái đoàn hơn 20 người do một quý thầy dẫn đầu cũng về đây, họ trao đổi với vị Phật tử giúp việc nhà chùa mong muốn được gặp Hòa thượng Pháp chủ, nhưng không thành, đoàn lễ Phật và ra về, nhiều lời xuýt xoa tiếc nuối...
Mười lăm phút sau khi phái đoàn này ra về, một đoàn Phật tử chừng 7-8 người do một sư cô dẫn đầu từ (Hà Nội) về dâng hương lễ Phật và xin được đảnh lễ Ngài Pháp chủ như phái đoàn trước, nhưng cũng không được gặp.
Đoàn Phật tử “đông ky ra thành phố” chúng tôi tiếp tục ngồi chờ hơn 30 phút, thời pháp thoại của Thượng tọa Thích Thanh Vĩnh đã xong. Thầy Thanh Vĩnh hoan hỷ mời chúng tôi vào chánh điện, ni sư Thiền Lâm dâng lời tác bạch và bày tỏ cả đoàn mong muốn được đảnh lễ Đức Hòa thượng trụ trì chùa Viên Minh. Thượng tọa Thanh Vĩnh đáp từ cảm ơn đồng thời chia sẻ vì lý do sức khỏe của Sư ông nên từ trước Tết đến nay quý thầy thị giả không muốn Ngài tiếp ai, mong đoàn hoan hỷ.
Một chút buồn và thất vọng, ước nguyện đã lâu lắm rồi hôm nay có cơ hội vượt hàng trăm km để được lễ Ngài, mong gieo duyên với bậc chân tu tôn kính thế nhưng…
Đoàn vừa bước chân hết phần sân ra cổng để về, bất ngờ thầy Thanh Vĩnh gọi giật lại và hướng tay phía trước mặt nói; Ồ…ngài ra cửa rồi kìa…chúng tôi ngước nhìn, thì ra Đức Pháp Chủ, Ngài đang tự mở cửa từ phòng riêng đi ra..
Thấy đoàn chạy vội vàng quay lại, Ngài đứng trước cửa nói vọng, sao phải chạy…từ từ thôi coi té ngã đấy!
Ôi tuyệt vời quá! Hạnh phúc quá, vui sướng nào hơn…!
Giây phút hiếm hoi được đảnh lễ Đức Đệ tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.
Không kịp đắp y mặc áo, ni sư Thiền Lâm và đoàn vội quỳ xuống ngay bậc thềm lễ Ngài một cách cung kính, xúc động trong niềm hạnh phúc. Nhiều người trong đoàn vui sướng quá muốn xin chụp ảnh, chắp tay nghe lời dạy của Ngài, muốn được nhìn ngắm Ngài lâu hơn, muốn được ngài che chở…
Chúng tôi đứng lên vọng xá Ngài và chào Thầy Thanh Vĩnh ra về.
Chuyến xe chuyển bánh, trên xe ai nấy cũng hoan hỷ, vui vẻ ngập lòng. Vui vì chuyến đi..“tiền hung hậu kiết” lúc đầu chướng ngại nhưng kết thúc lại thành công hơn mong muốn, những ngôi chùa đến viếng dù không quá nổi tiếng như Yên Tử, Bái Đính…nhưng là những địa chỉ mang nhiều giá trị tu học, hoằng pháp và mang lại lợi lạc nhân sinh, đặc biệt không tốn một khoản tiền phí vé nào.
Những thượng nhân chúng tôi được gặp là bậc tôn sư khả kính, đạo hạnh trí tuệ thâm sâu, được gieo duyên lành thật là một phúc báu lớn.
Chuyến hành hương của hai đạo tràng Phật tử "nhà quê" tuy ngắn ngủi giản đơn, nhưng mang về nhiều xúc động, ấn tượng trong mỗi người đó là đạo phong, thân giáo, pháp ngữ của những vị Thầy. Đức hạnh và tinh thần vô ngã của Hòa thượng chùa Bằng, Hòa thượng Viên Minh là tấm gương sáng là chỗ dựa vững chắc cho hàng sơ cơ chúng con lấy làm tấm gương tự soi mình trên đường học đạo.
Chúng con thấy mình quá bé nhỏ trước Đức Phật, trước quý Ngài. Xin được cho chúng con đảnh lễ các bậc Thầy mà chúng con đã có duyên lành thân cận, hướng dẫn hành đạo cho chúng con trong kiếp này cũng như trong vô lượng kiếp. Có hạnh phúc nào hơn khi trong cuộc đời chúng ta có một lý tưởng để phụng sự và có những vị Thầy để kính trọng, làm gương để học hỏi hướng thượng.