;
Thật tai hại khi quý báo đưa tin cúng ông táo theo truyền thống cần phải sát sinh như giết gà, đốt áo mão v.v.. để cầu phúc mà chẳng hiểu đâu là căn nguyên của sự việc.
Điều ấy, làm cho nhiều người ngộ nhận rằng, ông táo chỉ là một vị thần theo tín ngưỡng dân gian chứ không dính dáng gì tới Phật giáo, khiến cho một số Phật tử vin vào lý do Tam Kết: "Quy y Phật rồi, không quy y trời thần quả vật" mà xem thường tập tục này.
Bỏ qua những truyền thuyết tín ngưỡng dân gian, Táo Quân tức là Bồ tát Giám Trai Sứ Giả trong Phật giáo Đại Thừa. Theo Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy ghi rõ: "Cúng ông Táo tuy giống nhưng Tăng, tục tin có khác nhau.
Vị Giám Trai nơi Phật môn là Đại Thánh, sự tích giống chư Thiên, nên cúng vào buổi sáng sớm, bởi vì chư Thiên thọ thực buổi sáng." Tuy nhiên, ngày nay trong chùa quy định cúng giờ ngọ cũng được. Bằng cúng buổi chiều như thế gian là chẳng đúng, là cúng phi thời, thần không thọ hưởng được, lại thêm phí phạm vô ích.
Tương truyền, Đời Đường, ở chùa Thiếu Lâm có một vị Tăng đầu bù, lưng đeo bầu rượu, đi chân trần làm việc ở nhà trù rất chăm chỉ, trong thời gian dài không có pháp danh. Đến năm lên 11 tuổi, giặc khăn đỏ nổi lên ở Hệt Châu, lệnh động viên đến chư Tăng Thiếu Lâm nếu ai muốn thi hành nghĩa vụ quân sự.
Khi ấy, vị Tăng này cầm một hỏa côn đi ra, biến thân cao đến 10 trượng, bay lên đứng trên đỉnh núi. Giặc thấy thế khiếp sợ, ngài hô lớn: "Ta là Khẩn Na La Vương". Nói xong bèn biến mất. Dân chúng mới biết đó là Bồ tát hóa thân, bèn tạc tượng thờ tại chùa Thiếu Lâm, sau trở thành thần Già Lam. Chư Tăng cho là Giám Trai Sứ Giả nên tạc tượng để ở bếp để phụng thờ.
Vì lẽ đó, trong chương hai - Báo Ân của Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy do HT. Thích Bảo Lạc Việt dịch có quy định rõ trong thiền môn, cúng Ông Táo ngày 24 tháng 6, mồng 3 tháng 8, 23 hoặc 24 tháng 12 âm lịch. Nay ở nước ta thông dụng nhất là ngày 23 tháng 12 âm lịch. Như thế đủ để biết, tục cúng ông táo bắt nguồn từ Phật giáo.
Từ một vị Bồ tát hóa thân nơi thiếu lâm tự, trở thành một thần linh cai quản bếp núc trong dân gian, có mối liên thông với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phật giáo tuy không phủ định thế giới chư thần, như xem Táo Quân là một vị thần bình thường trong Đạo giáo là một điều vô lý, điều đó mất đi hạnh nguyện lợi tha của Giám Trai Đại sĩ.
Càng đau đớn hơn, khi dân gian bày ra tập tục, giết gà, dâng rượu, đốt giấy tiền để hiến cúng cho ngài. Thử hỏi đã là Bồ tát hóa thân, sao có thể dùng máu huyết chúng sanh, vui vẻ hưởng mỹ tửu, cũng như cần đến những đồ vàng mã phi lý? Điều ấy, trái hẳn hoàn toàn với đạo lý nhân quả.
Bá Trượng Tòng Lâm Thanh Quy ghi rõ: "Nhà bếp đốt nhang đèn; lập bàn thờ trước tượng Giám Trai, thiết đèn nến, hoa quả, cơm cúng đầy đủ"; chứ không hề có việc hiến tế như chư thần trong Quỷ đạo. Nên nhớ, trong kinh Địa Tạng có dạy: "Nhà nào có treo một lá phan, thắp hương lễ Phật, dù làm việc phước nhỏ như giọt nước, cọng lông, thì chư vị quỷ thần ở nơi cục đất đó đều theo hộ vệ, cung kính như đối trước đức Phật.
Bằng nhân các dịp vui mà sát sinh hại vật, thì thổ địa buồn rầu, chẳng sanh mảy may phước báo mà còn bị đọa lạc. Nên cẩn thận chớ có sát sanh". Nếu tín ngưỡng dân gian tin rằng táo quân là vị thần tâu chuyện họa phước, thì trong ngày tiễn táo quân về trời cớ sao lại bày thêm rượu thịt, như thế là tự mình chuốc họa. Lấy tội ác mà cầu phước ắt không được vậy.
Cho nên, chúng tôi mong mỏi quý Phật tử tiếp tục giữ gìn truyền thống thờ cúng Táo Quân sao cho thật trong sạch và đúng nghĩa. Chư Thần già Lam dù có thưởng phạt phân minh đều do nhân thiện hay ác mình đã tạo ra. Nếu thành tâm hiến cúng ngài một nén nhang, hoa, quả, bánh, kẹo, cơm chay vào buổi sáng cho đến giờ ngọ thì đó là việc làm hoàn toàn phù hợp với chánh pháp.
Bồ tát xem ba cõi như hoa đóm trong hư không, như chùm bọt nước nổi trôi , chẳng khác bóng trăng in trên mặt nước. Bởi rõ tất cả các pháp đều vô ngã, tự thân đã không thì cần gì những thứ vàng mã ấy. Nếu có cần chăng, đều do ảo tưởng chấp trước trong cảnh giới quỷ thần, nhưng sự hiện thân của ngài chẳng phải trong quỷ đạo vậy.
Thanh Quy có lời tụng rằng:
"Cung kính nghe rằng Giám Trai đại sĩ
Ngài là bậc vô cùng đại trí
Ứng hiện thần diệu tùy nghi
Xôi nếp cúng đầy công niệm nghĩ
Một hạt biến thành núi Tu Di
Không thấy tướng ẩn khuất trong mây
Thân to lớn hiện nhiều cõi đó đây
Hộ pháp an Tăng hưng hiển
Việc Phật quyền phương tiện
Ngưỡng mong uy đức
Chứng pháp trai diên".
Lại nguyện:
"Nhờ thần minh nguyện lực
Chứng lòng thành thực kính dâng
Tùy cơ duyên cảm hóa thân
Hiện có thân nhưng không sắc tướng
Hiển hóa khôn lường
Hiện thân ăn uống mà trợ pháp luân
Khiến bày bếp núc nhưng tu chứng
Độ khắp quần sanh
Khiến tiếp mùi biết quay về
Mong ủn hộ già lam an tịnh
Tăng chúng đều tinh tấn tu hành
Thấm nhuần pháp lạc
Chốn chốn vững tông phong".
Như vậy, cúng ông táo theo tập tục dân gian đều không đúng, không cần phải thiết rượu thịt, đốt vàng mã hay thả cá chép. Nếu vì nhân dịp này mà phóng sanh cá chép thì rất tốt. Tuy nhiên, do tâm lý mê tín, nhiều người cúng cá chép rồi, làm thịt ăn phỏng có ích gì? Nên ngày vía ông táo nhất định phải cúng chay và ăn chay. Chúng ta không sợ thần linh tấu đều gì xấu, mà chỉ sợ chính mình chưa dừng việc ác. Đó là "Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả" vậy.
Ngày cúng ông Táo, theo thiển ý của chúng tôi, Phật tử tại gia nên lau dọn bàn thờ táo quân cho sạch. Trưng hoa quả đàng hoàng. Châm trà nước đầy đủ. Nếu nghèo thì lo một ít mức ngọt, bằng khá hơn nữa thì làm một mâm cơm chay để cúng.
Trước khi cúng, các vị nên mặc áo tràng nghiêm chỉnh, lễ Phật dâng hương, rồi đến bàn thờ táo quân thành tâm khấn nguyện Giám Trai Đại sĩ, sau đó lạy rồi lui. Nếu cần thiết, có thể tụng theo nghi thức sau đây.
NGHI CÚNG TÁO QUÂN GIẢN YẾU
1. Lễ vật: Bày bông, trái cây, trà nước, kẹo mức, cơm chay ngay bếp.
2. Thời gian: Cúng từ sáng sớm đến trưa không được quá ngọ.
3. Phật tử mặc áo tràng nghiêm chỉnh, dâng hương, khấn ngài giám trai đại sĩ, có thể tụng như sau:
DÂNG HƯƠNG
Hương Thiền phảng phất khắp mười phương
Giới định huân tu nguyện cúng dường
Xả thân chẳng ngại vì chánh pháp
nước tịnh nguyện xin rưới mọi miền.0
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát ma ha tát (3 lần).0
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Ánh sáng từ bi soi khắp chốn
Muôn loại nhuần ân sạch não phiền
Nguyện về nương tựa ba ngôi báu
Phước trí nghiêm thân chứng nhất thừa.0
- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời tột hư không khắp pháp giới .0 (1 lạy)
- Chí tâm đảnh lễ : Tất cả chánh pháp ba đời tột hư không khắp pháp giới. 0 (1 lạy)
- Chí tâm đảnh lễ tất cả Tăng bậc hiền thánh ba đời tột hư không khắp pháp giới.0 (1 lạy)
- TỤNG ĐẠI BI - BÁT NHÃ TÂM KINH - THIỆN NỮ THIÊN CHÚ
TÁN ĐẠI SĨ
Giám Trai Sứ Giả
Bồ tát hóa thân
Giữ gìn gia đạo mãi khương ninh
Phước lộc thọ miên trường
Dứt sạch tai ương
Quả phúc khó lường.0
Nam mô Giám Trai Sứ Giả Bồ Tát (3 lần).0
BIẾN THỰC, BIẾN THỦY CHÂN NGÔN:
Nam mô tát phạ đát tha nga đa, phạt lồ chỉ đế, án tam bạt ra, tam bạt ra hồng (3 lần). 0
Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha, án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha (3 lần).0
PHỔ CÚNG DƯỜNG CHÂN NGÔN
Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. ( 3 lần)
Nay con dâng hiến vị cam lồ
Biến khắp tất cả châu sa giới
Cúng dường tam bảo khắp mười phương
Xin đem hồi hướng đến chúng sanh
Thảy đều sung mãn tài, pháp thí.
Dứt hẳn nhiệt não do ba độc
Sớm vượt ba cõi độ quần sanh
Phước tuệ tự tại không gì sánh
Đại sĩ xót thương xin thọ nhận.
Nam mô Mỹ Hương Trai Bồ Tát (3 lần)
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo. 0
Dù văn thô, ý thiển nhưng cũng đủ để thể hiện là chút lòng thành của chúng tôi. Nhưng cũng khó mong tránh sai sót, vì sở học nông cạn. Rất mong được các bậc thiện hữu tri thức từ bi chỉ giáo.
KÍNH CHÚC QUÝ VỊ VÔ LƯỢNG AN LẠC.
PHỔ MÔN THIỀN THẤT
Thích Như Dũng