;
Ở đời, ai cũng đã từng ít nhất một đôi lần nghe tin đồn về ai đó và ai cũng ít nhất một đôi lần dính tin đồn thất thiệt. Tôi cũng thế.
Tin đồn thất thiệt đầu tiên tôi dính là vào tháng 5 năm 2008, khi một loạt nhà báo bị bắt vì liên quan đến vụ PMU18. Buổi sáng hôm ấy, khi tôi đang làm việc ở tòa soạn thì một số đồng nghiệp ở các báo điện thoại cho tôi, giọng đầy lo lắng: “Anh Sướng ơi! Anh có dính líu gì đến vụ PMU18 không?”. Tôi bảo: “Không”. “Thế mà mọi người đang đồn ầm lên, trong danh sách các nhà báo bị triệu tập của cơ quan an ninh điều tra Bộ công an, có tên anh đấy”.
Tác giả, nhà báo Hoàng Anh Sướng và cuộc gặp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 2013.
Buổi chiều, tôi đang đi bộ quanh Hồ Văn Miếu thì ông anh thân thiết, là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng điện thoại: “Em đang ở đâu hả Sướng?”. “Dạ. Em đang tập thể dục ở Văn Miếu”. “Có thật không? Anh nghe thiên hạ đồn em bị công an bắt chiều nay rồi”. Dường như chưa đủ tin, ông anh còn phóng xe đến tận Hiên trà. Khi ngồi đối ẩm trà với tôi, anh ấy mới thực sự yên tâm tin đồn tôi bị bắt chỉ là tin vịt.
Năm 2016, khi tôi chuẩn bị ra mắt cuốn sách về Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, một số người, comment thẳng vào trang Facebook của tôi, tố cáo: “Nhà ngoại cảm Bích Hằng chuyên đi lừa đảo để lấy tiền nuôi thằng Hoàng Anh Sướng. Vì thế, thằng này chuyên viết bài tâng bốc con Hằng. Ngày mai, mày tổ chức họp báo ra sách, tao sẽ đến tận nơi để vạch mặt hai đứa lừa đảo chúng mày”. Họ comment một loạt vào toàn bộ các STT của tôi. Tôi cứ để nguyên. Nhiều fan của tôi, bức xúc, điện thoại cho tôi: “Sướng ơi! Sao em để cho con chó ấy sủa ầm ĩ như thế. Em hãy chặn nó lại đi”. Tôi cười bảo: “Em cảm ơn anh chị đã lo lắng cho em. Nhưng em có phải là người như thế đâu mà anh chị sợ. Kệ họ đi”.
Một số người thân của tôi nghe vậy, cũng rất bức xúc. Tôi bảo: “Xin mọi người đừng bận tâm đến tin đồn. Cứ nghe tin đồn như thế thì tâm an làm sao được. Điều quan trọng là các anh chị hiểu em, tin em là người tốt, không phải là hạng bồi bút là được. Các anh chị thấy, hơn 20 năm làm báo, có bao giờ em đi tống tiền ai bao giờ không? Có bao giờ em viết bài để nhận phong bì của ai bao giờ không? Ngược lại, em chỉ mang tiền của mình đi cho những người nghèo khó. Rất nhiều chuyến đi công tác, khi trở về nhà, ví tiền cũng hết sạch”.
Từ lâu, tôi đã luôn nhắc mình: Đừng bao giờ tin vào tin đồn. Cũng đừng bao giờ bận tâm về những tin đồn. Điều quan trọng nhất mà tôi luôn chú tâm, luôn tự nhắc nhủ mình là: hãy suy nghĩ đúng, hãy nói những lời nói đúng, hãy làm những việc làm đúng, có lợi lạc cho mình, cho người, cho xã hội. Nếu ai đó tung tin thất thiệt về mình chỉ vì mình tốt, mình đúng thì có gì phải bận tâm?
Nhân nói chuyện về tin đồn, tôi lại nghĩ đến chuyện “Tăng Sâm giết người” trong sách “Cổ học tinh hoa”. Chuyện kể rằng: “Ông Tăng Sâm (người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và rất có hiếu, học trò đức Khổng Tử và sau truyền được đạo của ngài), ở đất Phi. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người.
Mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ thì một kẻ hớt hải chạy đến báo: “Tăng Sâm giết người”. Con trai bà vốn hiền lành có một. “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Bà mẹ nói rồi điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc sau, một kẻ khác lại chạy đến báo: “Tăng Sâm giết người”
Bà mẹ giật mình và hơi lo nhưng vẫn tiếp tục công việc.
Một khắc đồng hồ sau đó nữa, lại có kẻ hớt hải chạy đến báo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Thế đấy. Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là ghê.
Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhưng khi nhiều người đưa tin thì cũng dễ khiến cho mình nghi hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải. Ta vừa rửa mặt sạch sẽ xong. Khi đến cơ quan gặp 10 người có đến 9 người bảo mặt bạn có vết nhọ, thể nào cũng phải soi gương.
Mới hay, những ai ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được, mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng mười phần chắc chắn thì mới nên công nhận.
Một câu chuyện nữa, rất hay, liên quan đến tin đồn tốt-xấu. Có lần, Tử Cống, học trò của Khổng Tử hỏi Ngài: “Thưa thầy! Một người bị cả làng nói là xấu, có xấu không?”. Khổng Tử nói: “Chưa chắc”. Tử Cống hỏi tiếp: “Vậy một người được cả làng nói là tốt, có tốt không?”. Khổng Tử cũng đáp: “Chưa chắc”. Tử Cống lại hỏi: “Vậy làm sao biết được người tốt, kẻ xấu?”. Khổng Tử trả lời: “Phải xem cái làng ấy là làng tốt hay xấu đã. Một làng xấu, thì người tốt nhất của làng ấy là kẻ xấu nhất”.
Trong cõi nhân sinh này, không biết có bao nhiêu người có được cái nhìn như Khổng Tử? Tôi tin chắc, không nhiều lắm. Bởi rất nhiều người, vừa nghe thông tin xấu về ai đó, liền tin ngay. Hay vừa nghe thông tin tốt cũng liền tin ngay.
Chúng ta đang sống trong xã hội mạng nhiễu loạn thông tin. Vì vậy, cần thận trọng khi đón nhận. Đừng chỉ thoáng nghe, nghe một chiều đã vội phán xét, "ném đá" các anh chị nhé !