nguoiphattu.com Năm 2012 (PL.2556), không khí Đại lễ Phật đản lần đầu tràn ngập trên các quần đảo Trường Sa. Tiếng chuông chùa đã vang khắp nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Cảnh lễ chùa ở đảo Trường Sa Lớn
Phát nguyện phụng sự đất nước
Những ngày tháng 4/2012, 6 vị chư tăng gồm thượng tọa Thích Giác Nghĩa, Thích Tâm Hiện, các đại đức Thích Ngộ Thành, Thích Thánh Thành, Thích Đạo Biên, Thích Đức Hỷ đã phát nguyện để ra tu hành tại các chùa Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Trong đó, Đại đức Thích Thánh Thành và Thượng tọa Thích Tâm Hiện tới chùa Song Tử Tây ở xã đảo Song Tử Tây, Đại đức Thích Đạo Biện và Đại đức Thích Đức Hỷ tới chùa Sinh Tồn ở xã đảo Sinh Tồn, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa và Đại đức Thích Ngộ Thành tới chùa Trường Sa Lớn ở thị trấn Trường Sa.
Để hoàn thành Phật sự nơi đảo xa, các vị chư tăng đã chuẩn bị rất kỹ càng các vật dụng lễ nghi; những chuông chùa, tượng Phật cũng đã theo các vị ra đảo trong niềm tin của Phật tử trên quần đảo Trường Sa.
Chia sẻ với PV Báo Bưu điện Việt Nam, Đại đức Thích Ngộ Thành, phó trụ trì chùa Trường Sa Lớn chia sẻ: “Trên đất nước ta, từ đất liền đến biển đảo, bây giờ nơi nào cũng có sự hiện diện của Phật giáo. Điều đó cho thấy sự quan tâm, chăm lo đầy đủ của Nhà nước đến đời sống tâm linh của mỗi người dân dù là ở nơi xa xôi nhất của Tổ quốc”.
Đại đức Thích Ngộ Thành đang chuẩn bị cho lễ Phật đản.
“Đến với quần đảo Trường Sa từ tâm phát nguyện, những chư tăng như chúng tôi sẽ ra sức tu hành, cầu cho cuộc sống bình yên nơi biển đảo; cầu cho đất nước, cho vùng biển Đông và các nước trên thế giới sẽ luôn được sống trong hòa bình để cùng nhau phát triển”, Đại đức Thích Ngộ Thành nói.
Một mùa Phật đản yên vui
Trong những ngày cận kề Đại lễ Phật đản 2556, bước vào ngôi chùa ở nơi xa xôi của Tổ quốc, chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, an bình chẳng khác gì đất liền. Đó là hình ảnh một ngôi chùa mang dáng dấp Việt Nam dưới những tán cây bàng vuông, cây phong ba của đất Trường Sa; là hình ảnh những phật tử trên đảo đang thắp hương, tịnh tâm khấn vái,…
Chùa Trường Sa Lớn sẵn sàng đón một lễ Phật đản yên vui
Đại đức Thích Ngộ Thành cho biết, ngoài những hộ dân sống trên đảo, các ngư dân quanh đảo, những người tham gia xây dựng các công trình trên đảo cũng thường xuyên ghé chùa để cầu an cho gia đình, cho sức khỏe để làm việc, xây dựng đất nước.
Trong ngôi chùa Trường Sa Lớn còn có pho tượng Phật ngọc bằng đá quý, đến với chùa như một cơ duyên. Đó chính là pho tượng Thích Ca Mâu Ni do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng khi đến Chùa Vàng ở Thủ đô Yangon trong chuyến thăm chính thức Myanmar.
Theo Đại đức Thích Ngộ Thành, trong dịp lễ Phật đản này, ngoài những lễ vật của đảo, các vị chư tăng cũng đã chuẩn bị thêm các vật dụng trang trí, những bức hoành phi, hoa lễ… từ khi còn ở đất liền. Ngoài ra, trong dịp lễ, nhà chùa cũng sẽ dựng các đài cầu an cho dân quân trên quần đảo quê hương, cầu siêu cho những anh em, chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ vùng biển đảo quê hương.
Còn với anh Nguyễn Văn Trung, một Phật tử, chủ hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn, lần đầu được đón Đại lễ Phật đản trên quần đảo thân yêu đã cho anh rất nhiều cảm xúc, đó là được thỏa tâm nguyện tu hành chính trên mảnh đất đang sinh sống, được đón một mùa Phật đản hạnh phúc, yên vui bên những người hàng xóm, những chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương.
“Với hành trang mang theo là tâm lý sẵn sàng tu hành nơi đảo xa, phát triển Phật sự đến những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc và với một tinh thần dân tộc, chúng tôi tin sẽ hoàn thành Phật sự đi đôi với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Đại đức Thích Ngộ Thành chia sẻ.