;
Không riêng ấp 2 mà nhiều ấp lân cận chưa có một ngôi chùa, tịnh xá, hay niệm Phật đường nào để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương; mỗi ngày lễ vía, người dân phải lặn lội đi về Đức Hòa, Hốc Môn hoặc những nơi xa hàng chục km để lễ Phật. Từ ngày tịnh thất không tên xuất hiện, bà con thôn xóm tỏ ra mãn nguyện và thường xuyên đi về lễ bái tụng niệm. Thượng tọa Thích Chơn Trí cũng thường xuyên ủy lạo cho dân nghèo tại địa phương vào Vu Lan, Trung Thu và ngày lễ lớn. Một số thanh thiếu niên hư hỏng nhờ thế mà được ảnh hưởng nhất định về phong cách lối sống hàng ngày. "Tốt đạo đẹp đời" được thấy rõ, nhưng càng có uy tín với quần chúng thì Thượng tọa càng gặp khó khăn với chính quyền xã. Thường xuyên họ đến hạch sách đủ mọi chuyện. Gần đây nhất, mùa Xuân và tháng giêng là tục lệ của nhân dân đến các cơ sở tôn giáo lễ bái, một lần nữa đoàn làm việc của xã gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Mặt trận, An ninh, Ban Tôn giáo...trên chục người đến chất vấn ni sinh Thích nữ Huệ Nghiêm (người thừa kế do Thượng tọa Chơn Trí bổ cử vế chăm sóc ngôi Tịnh thất) đã biểu hiện thái độ khiếm nhã, lời lẽ thô lỗ, thiếu văn hóa kể cả không nắm rõ luật pháp và pháp lệnh tôn giáo, ăn nói như những người không có học.
- Đoàn bắt phải hạ cờ và cờ ngũ sắc cho là cờ bướm (lá cờ đại diện linh hồn Phật giáo mà cán bộ phát ngôn mang tính miệt thị). Nhà dân còn có quyền sử dụng treo trong nhà huống nữa là nơi cư ngụ của tu sĩ không có quyền treo cờ đạo trong ngôi gia của mình sao?
- Tín ngưỡng là quyền thiêng liêng được luật pháp bảo vệ, người dân có quyền lễ bái, tại sao bảo là lôi kéo. dụ dỗ, dẫn dắt? dụ dỗ lôi kéo đám dân nghèo đang chờ chùa phát tâm chẩn thí thường kỳ mà chính quyền không đủ khả năng lo cho dân cơm no áo ấm, như vậy là có tội sao? lôi kéo để làm gì? nhà nước đủ quyền lực không lôi kéo được thì nhà chùa hai bàn tay trắng lôi kéo làm gì?
- Không cho tụ tập đông người? kể cũng lạ, ma chay đám tiệc người dân còn có quyền tụ tập chè chén la lối hát xướng, nhà chùa chỉ có một tháng hai lần dân đến lễ bái một cách có ý thức trong trật tự sao lại cấm?
- Giữa đồng mông hiu quạnh tụng kinh không cho mở loa, thế thì các tiệm Karaoke, đám ăn nhậu đờn ca trống kèn inh ỏi, làm phiền lối xóm sao không cấm?
- Không cho mặc áo lam? Đây quả là chuyện lạ thế kỷ? ăn mặc nham nhỡ ngoài phố không ai cấm. Mặc đồ lam khi lễ Phật là cái tội ở điều khoản nào của luật pháp vậy cán bộ xã Đức Hòa Đông?
- Buộc tụng kinh phải cầm sách, không cho thuộc kinh? ô hay, chính quyền lại xen vào sinh hoạt tôn giáo một cách ngớ ngẩn, việc cầm kinh bổn lúc chưa thuộc; cầm kinh sách hay không là chuyện nhà chùa, sao cán bộ có quyền áp đặt ngây ngô thế?
- Đi chùa phải có giấy phép? lại là một chuyện của thời thượng; xin quý cán bộ xã Đức Hòa Đông cho biết luật pháp hiện nay quy định khoản nào cấp phép cho đi chùa?
- Tại sao chỗ ni cô ở mà có đàn ông đến làm công quả? cán bộ xã có lẽ nghĩ mình là người nắm toàn quyền đời đạo như thời đế quốc La Mã? Ngay trong đạo cũng không quy định giới tính cho người làm công quả. Nói như thế người cán bộ không phải không biết mà ý muốn vu vạ chụp mũ với ý đồ đen tối cho nhà tu.
- Người nơi khác không có quyền đến sinh hoạt ở đây? lại một quy luật vô lý khi mà Ðiều 68 Hiến pháp, quy định " Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật". Vậy cán bộ xã nên học lại luật trước khi giao tiếp với dân, không phải người dân nào cũng ngu dốt.
Còn rất nhiều câu phát ngôn vô lý, thiếu ý thức của tập đoàn cán bộ xã đối với một ni cô trẻ ở miền quê; bà phó chủ tịch xã nổi máu điên khi ni sinh Huệ Nghiêm im lặng trước những câu nói không đâu vào đâu, bà ta vổ bàn xỉ vả như hàng tôm hàng cá. Thử hỏi một phó chủ tịch làm việc với một tu sĩ còn như thế thì đối với người dân thường sẽ ra sao? Điều 71 Hiến pháp Việt Nam quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.”
Thiết nghĩ tổ chức và cấp trên nên huấn luyện lại cán bộ các cấp về chuyên môn, nhân cách, kiến thức...trước khi đảm nhiệm công việc. Không phải có quyền là có tất cả, lại là quyền cấp xã chỉ đủ làm uy với dân ngu chân lấm tay bùn mà thôi.
Về cơ sở tôn giáo, xét về luật của chuyên ngành như kiến trúc, xây dựng, quản lý đô thị...nếu có sai phạm thì chỉ giải quyết hoặc hướng dẫn người dân theo đúng nguyên tắc pháp lý chứ không xen qua lãnh vực tôn giáo, việc tôn giáo có giáo hội giải quyết; lại không nên tỏ ra cửa quyền. Cán bộ đại diện cho luật pháp và là hình ảnh của một thể chế; Nhân cách cán bộ cho phép khách quan đánh giá về một thể chế. Những cán bộ bôi tro trét trấu vào mặt chế độ, cần phải loại trừ và kiểm điểm.
Pháp lệnh tôn giáo và luật pháp hiện hữu cho phép sinh hoạt tôn giáo và bảo vệ đức tin tôn giáo của người dân một cách rõ ràng, một vùng ven đô còn hành xử như thế thì vùng sâu vùng xa cán bộ sẽ là ông trời con?
Khó khăn về tôn giáo vẫn còn tồn tại thì luật pháp cần nghiêm minh hơn đối với các cấp thừa hành hiện nay.
16/02/2014