;
Lật tẩy trò bịp của ông thầy dị dạng
Video và sự thật về tà đạo tự xưng "Tâm linh Hồ Chí Minh"
Sư già diện thời trang không phải người tu
Lúc này có một nam thanh niên nhỏ thó, vẻ khắc khổ, rụt rè đứng lên: “Mấy ngày nay con bị đau nhức, ê ẩm mình mẩy, xin sư phụ trị giùm”. Ông nhìn người thanh niên ra vẻ ân cần: “Con đi khám bác sĩ chưa?”. “Con uống thuốc rồi mà chưa hết, nghe nói sư phụ có khả năng chữa được nhiều bệnh nên con đến đây nhờ chữa giúp”.
Ông nhìn chằm chằm người bệnh, giọng dứt khoát: “Có dám bỏ ra sáu triệu đồng để mua lễ cúng không?”. Người thanh niên bần thần ngồi xuống đáp lí nhí: “Dạ... con không đủ tiền”. Nghe xong, sư phụ cười khẩy rồi hỏi: “Giữa sáu triệu và mạng sống, anh chọn cái nào? Bác sĩ bó tay thì phải mua lễ đến đây cúng mới mong thoát chết”.
Lúc này, một thanh niên khác khoảng 30 tuổi trông mặt kém sáng sủa - là đệ tử của “sư phụ”, bước đến chắp tay, quỳ gối xin ông chữa bệnh đau lưng. Ông gắt gỏng: “Mấy ngày trước không đau sao hôm nay lại đau. Nhất định lúc ngủ bị âm binh quấy nhiễu”.
Như màn kịch dựng sẵn, một đệ tử vào trong lấy cái khăn màu vàng trùm kín đầu người thanh niên. Cùng lúc đó, hai người khác hộ tống anh ta đến ngồi giữa chánh điện và bê cái mõ to tướng đặt lên đầu anh ta.
Sư phụ bước đến, niệm kinh và “nện” dùi liên tục vào mõ. Vừa nghe sư phụ cất lời tụng kinh, đám đệ tử xung quanh cầm micro đồng loạt rướn cổ đọc theo thật to. Ngôi chùa vốn khiêm nhường về diện tích nay phải “gồng gánh” thêm những giọng thét, nghe nhức óc.
Sư nện mõ khoảng mười phút thì ra hiệu cho một đệ tử khác đến thay. Người này nện mỏi tay thì gọi người khác đến thế chỗ. Cứ thế, sau hơn 30 phút trần mình đội mõ, người thanh niên cần trị bệnh phải chắp tay, quỳ gối hứng chịu từng tiếng mõ chát chúa dội vào đầu để xua đuổi tà ma.
Sau buổi chữa bệnh đó, không biết sư này có “trục” được âm binh nào để người thanh niên hết đau lưng không, nhưng theo quan sát của chúng tôi, khi tấm khăn trùm đầu được tháo ra thì gương mặt người thanh niên đờ đẫn đến thảm hại.
“Nện mõ thình thình lên đầu như vậy, mặt anh ta không ngây dại ra mới là chuyện lạ”, anh Nguyễn Văn Hưng, ngồi cạnh chúng tôi, chua chát nói.
Nếu không còn ai yêu cầu chữa bệnh, sư phụ sẽ chuyển sang màn lên đồng. Trong một buổi cầu kinh - lên đồng, chẳng biết có ai nhập xác không nhưng hôm ấy bà Hạnh huyên thuyên về một người đàn ông nào đó ở nước ngoài nhập hồn.
Ông ta bảo: “Trước đây con làm ăn thua lỗ, nhờ sư phụ giúp nên mới phát đạt. Hiện nay vốn liếng đã lên tới 10,5 tỷ đồng. Con muốn cúng cho thầy khoảng 1,5 tỷ đồng. Con yêu cầu mọi người ở trong đạo tràng này cùng với con cúng cho thầy”.
Nghe bà Hạnh nói, chúng tôi không khỏi thắc mắc: “Chẳng hiểu sao một người đã chết rồi mà vẫn còn kiếm được 10,5 tỷ đồng?”. Người đàn ông nhập vào xác bà Hạnh tiếp tục kể: “Con mới cưới thêm cô vợ, vợ con bị thất lạc nên hôm nay đến nhờ thầy tìm giúp”. “Người đàn ông” này cho biết: “Chỉ cần sư phụ đưa chân của mình và chân của một phụ nữ nào đó là con biết đó có phải vợ mình hay không?”.
Bà Hạnh dứt lời, sư phụ liền ngồi giạng háng, kéo ống quần của mình lên rồi gọi một phụ nữ mặc áo lam đến chìa đôi chân ra cho bà Hạnh xem. Bà Hạnh sụp người bò đến ngó nghiêng như muốn hôn lên chân sư phụ và người phụ nữ kia.
Hạnh“Sư phụ” và bà Hạnh đang thực hiện trò lên đồng
Không thấy sư hỏi thêm điều gì, “người đàn ông” nhờ thầy thoát khỏi xác bà Hạnh. Một nam đệ tử tên Tú đưa đến cho ông ta một ly nước lọc và một cái ly khác màu đen chứa bia. Uống ngụm nước lọc, sư phụ phun ra một ít vào bàn tay rồi múa máy trên mặt ly để diễn cho những người xung quanh như thể làm bùa chú.
Sau đó ông ta tiếp tục đọc kinh, bà Hạnh lại lên đồng. Sư quay qua nhìn bà Hạnh ra vẻ suy tư hỏi: “Báo cáo xem đã siêu độ được bao nhiêu vong linh?”. Để thể hiện mình đang lên đồng, bà Hạnh vẽ chuyện bằng giọng cà lăm: “Đã siêu thoát 3.789 vong linh binh gia, 275 vong linh chiến sĩ, 89 bé nhi, trong “làng Bình An” thì có thêm 567 người nữa”.
Nói đoạn bà chỉ vào người đàn ông trước mặt và nói: “Lúc nãy, sư phụ đã lấy trong người chú ra hai lá bùa rồi đấy. Một lá ngay cổ và một lá ngay ngực”. Bây giờ chúng tôi đã hiểu vì sao khi sờ tay vào “làng Bình An”, các đệ tử ông ta vội can ngăn: “Đừng sờ vào đó, các vong linh trong “làng” sẽ nhập vào người mình, sinh ra đau ốm, bệnh tật. Vong nặng, còn đè cho mình chết”.
Tan nát gia đình
Chúng tôi đến đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) thì tá hỏa khi biết, mấy tháng trước, chỉ vì tin lời thầy mà nhiều gia đình ở đây đua nhau thỉnh ông về cúng ma, giải hạn. Khi cúng, không chỉ mỗi gia đình mất vài triệu để biếu công sư phụ mà có người tan cửa nát nhà.
Gia đình chị Cẩm H. là điển hình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà của cha mẹ ruột, đôi mắt trũng sâu khô khốc, chị thở dài: “Vì tin lời sư phụ, gia đình chồng tôi từ cuộc sống bình yên, khá giả bây giờ mỗi người một nơi, tài sản tiêu tán, con cái bơ vơ...”.
Đầu tháng 8-2012, gia đình chị Cẩm H. được người quen giới thiệu về một ông sư phụ biết cầu hồn, chữa bệnh, rước vong, bắt ma quỷ... Mẹ chồng chị vốn tin vào những chuyện ma mỵ, chồng chị thì rất thích đi chùa nên hai người theo người quen đến cầu hồn và xem gia đạo. Mẹ chồng chị bị bệnh tiểu đường và thường nhức mỏi, mỗi lần như vậy đều nôn nóng muốn gặp sư phụ để chữa bệnh. Chồng chị cũng bỏ bê việc nhà, lén lút đến chùa mọi lúc có thể để được “tầm sư học đạo”.
Tin tưởng vào chuyện cầu hồn, mê tín, chồng và mẹ chồng chị Cẩm H. thường xuyên ngồi đồng tại chùa, bỏ bê cả việc làm ăn khiến kinh tế gia đình ngày càng suy kiệt. Nhiều lần chị lựa lời khuyên ngăn nhưng do quá “kết” sư phụ, chồng và gia đình chồng không chỉ bỏ ngoài tai những lời khuyên đó mà còn cùng sư phụ tổ chức lên đồng để xem ai ám hại gia đình khiến bệnh tật triền miên.
Một buổi tối đầu tháng 9-2012, sư phụ cùng đám đệ tử đến nhà chồng chị Cẩm H. tổ chức lên đồng. Sau 22 giờ khuya, sư phụ đọc kinh gọi vong nhập vào xác bà Hạnh khiến bà ta giãy đành đạch trên nền gạch. Chồng chị Cẩm H. gặng hỏi xem ai đang quấy phá gia đình mình, bà Hạnh đổi giọng: “Hôn thê của anh chơi bùa hại cả gia đình đó”. Tưởng mình nghe nhầm, mẹ chồng chị ngồi bên cạnh liền hỏi lại thì bà Hạnh cũng trả lời y như vậy.
Sau buổi đó, gia đình chồng “cô lập” chị Cẩm H. bởi cho rằng chị yểm bùa hại cả nhà. Bơ vơ, lạc lỏng trong ngôi nhà mười mấy năm sinh sống, không còn cách nào khác chị đành về nhà cha mẹ ruột lánh nạn. Tuy nhiên, mỗi lần trở về nhà chồng chăm sóc con, chị H. luôn bị gia đình chồng tìm cách xua đuổi.
Lúc chị Cẩm H. ra khỏi nhà, gia đình chồng tiếp tục rước sư này về bắt ma, chữa bệnh vì tin rằng chị đã yếm ba lá bùa sau lưng chồng khiến anh thường xuyên đau bệnh. Sư phụ “phán”: Chị Cẩm H. còn yếm một hình nhân sau lưng chồng làm anh ta lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh. Muốn thoát chết, chồng chị phải theo sư phụ ra Nha Trang một tuần để chữa bệnh. Khi trở về chùa, đệ tử ruột tên Tú của sư phụ khẳng định nhìn thấy sau lưng chồng chị H. có một chữ thập.
Sau đó, sư lại tổ chức nhập xác và “kê toa” cho chồng chị: “Muốn bình an, anh phải bắt con về nuôi, không cho tiếp xúc với mẹ đẻ, nếu không sẽ tạo ra bùa chuyền (chuyền từ mẹ sang con - N.V) khiến mọi người ốm đau, bệnh tật”. Mê muội trong những chuyện nhập xác, lên đồng, chồng chị lạnh lùng cắt đứt mọi mối liên lạc với nhà vợ; cấm con cái gặp mẹ mình và quyết ly dị bằng được người vợ mười mấy năm đầu ấp tay gối.
Tống được vợ về nhà cha mẹ đẻ, chồng chị say sưa vào những chuyện ma, quỷ do sư phụ thêu dệt. Anh ta bỏ bê việc nhà để đến chùa đợi lệnh sư phụ và trở thành đệ tử ruột, cộng tác tích cực cho sư trong việc tìm và chữa cho những con bệnh khác. Tại đây, anh còn bị bà Út mê hoặc nên thường xuyên bỏ nhà về sống chung với người phụ nữ này.
Ngậm nỗi oan suốt hai năm, nhưng thương chồng, chị H. không nỡ dứt áo ra đi. “Hồi nào đến giờ chồng tôi rất hiền. Anh ấy thích làm từ thiện và chăm lo làm ăn, không ngờ lần này tin nhầm người nên lầm đường lạc lối. Chỉ vì tin lời xằng bậy cho rằng vợ dùng bùa ngãi hãm hại mình chứ bình thường anh ấy rất yêu thương vợ con. Dù gì cũng là vợ chồng mười mấy năm, lại còn có hai mặt con, mong thời gian tới anh ấy hiểu và quay về để gia đình không còn ly tán”, chị H. sụt sùi.
Mới đây, ở xã Phước Kiển có thêm trường hợp tương tự như gia đình chị H. Chỉ vì tin lời “sư phụ” mà người vợ đã ngoại tình với một gã tài xế khiến đôi vợ chồng phải nghi kỵ nhau dẫn đến ly tán.
Thời gian gần đây, bà Hạnh và Út tách ra khỏi “sư phụ”, lôi kéo thêm một số người khác hợp tác làm ăn. Người dân xã Phước Kiển cho biết: “Bà Út và bà Hạnh đang tổ chức lên đồng, xin xăm, bói toán cho những người mê tín dị đoan”.
Lần theo thông tin, chúng tôi đến nơi cư ngụ mới của hai người phụ nữ. Đó là khu đất có nhiều ao nuôi tôm ở xã Phước Kiển, được hai bà chuyên lên đồng dựng lều ở tạm. Xung quanh lều có nhiều miếu thờ tạm bợ, trong đó có một ngôi miếu để một bộ đồ nghề cầu cơ gồm: ống xin xăm, bàn ghi các con số từ 0 đến 9 và hương đèn vàng mã...
Chính quyền đành bất lực?
Chúng tôi nhiều lần liên hệ với UBND phường Tân Hưng, quận 7 để tìm hiểu về nguồn gốc của ngôi chùa và danh tính của “sư phụ” nhưng một số cán bộ phường cho biết: “Không đủ chức năng trả lời báo chí”. Người đủ chức năng trả lời báo chí thì “bận” họp và đi học?!
Ngày 12-4-2013, chúng tôi liên hệ với Ban đại diện Phật giáo quận 7 thì được biết: Trước khi ngôi chùa hình thành thì khu đất này có một cái đình. Trước đình có ao sen, người ta thường gọi là đình Ao Sen. Trước ngày giải phóng miền Nam, có gia đình nọ đến cất nhà ở cạnh đình Ao Sen. Chủ nhà là một vị tu hành, ông ta lập tư gia của mình thành ngôi chùa để tu hành, gọi là chùa Phước Thạnh.
Tuy ông ta tu tại gia nhưng không làm chuyện gì trái với đạo giáo nên được mọi người mến mộ. Khi có nhiều người đến nghe kinh, Ban phật giáo quận 7 đề nghị ông ta vào giáo hội và được ông này đồng ý. Không lâu sau, ông ta qua đời để ngôi chùa lại cho hai người con gái.
Khoảng 12 năm trở lại đây, chùa Phước Thạnh không còn nằm trong sự quản lý của Giáo hội Phật giáo quận 7. Ngôi chùa trở thành nơi thờ phượng mang tính chất cá nhân và bị nhiều người lợi dụng để làm những việc mang màu sắc mê tín dị đoan.
“Đồ nghề” cầu cơ trong miếu tạm bên cạnh nhà bà
Theo quy định, một ngôi chùa được thành lập hợp pháp phải bảo đảm có thâm niên, có quá trình hoạt động thường xuyên; trụ trì của chùa phải có quá trình tu hành bài bản, có trình độ, được giáo hội và các cơ quan chức năng công nhận đủ điều kiện làm trụ trì. Vậy sư phụ này ở đâu ra? Không biết ông “thầy” này có trải qua quá trình tu hành, đào tạo hay không nhưng ông ta cho biết: “Chùa của thầy chưa có tên và thầy cũng chưa có pháp danh”.
Hòa thượng Thích Lãng Huỳnh, Trưởng ban đại diện Phật giáo quận 7, cho biết: “Bất kỳ một người xuất gia nào cũng có pháp danh và tùy theo ý nguyện của trụ trì mà mỗi ngôi chùa có những cái tên khác nhau. Chùa phải luôn mở cửa để đón mọi người đến thờ cúng, niệm phật... Đối với chùa Phước Thạnh, trụ trì không có pháp danh, không ghi tên chùa và thường xuyên tổ chức chuyện lên đồng, ma mỵ để lừa bịp dân chúng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ban phật giáo quận 7 nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về những hành vi trái với quy định của phật giáo nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Ban phật giáo quận 7 đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở lợi dụng tôn giáo để làm chuyện bất hợp pháp”.
Theo H.Văn - L.Bình - M.Kha - CA.TPHCM