;
Thanh Lanh còn được gọi là chùa Thanh Lương, có mặt vào thế kỷ thứ 17, đời vua Tự Đức. Chùa nằm trên ngọn đồi nhỏ được bao bọc bởi các dãy núi khởi nguồn từ Tam Đảo đến Thái Nguyên. Trải qua thời gian dài, chùa đã bị mai một và mất dấu giữa lúc nước nhà lâm vào chinh chiến.
Quang cảnh đơn sơ ngôi chùa Thanh Lanh.
Năm 2008, cư dân địa phương đã vận động tái thiết nơi thờ phương vỏn vẹn 50m2, nằm khuất phía sau ngôi đền làng. Năm 2012, Đại đức Thích Quảng Hỷ được bổ nhiệm về trụ trì để hướng dẫn quần chúng về đạo lý. Cũng từ đây, chỉ 2 năm sau, ngôi Tam Bảo lần lượt được chỉnh trang, xây dựng, mở rộng nhà Tăng, nhà khách, một số phòng ốc phục vụ sinh hoạt của chùa, vườn cây cảnh cũng được thiết kế, và khu đất cũng đã được bồi đắp cao, rộng trên 5.000m2. Để hoàn chỉnh pháp khí cho chùa, Đại đức vận động đúc đại Hồng Chung do thợ chuyên nghiệp ở Huế đảm trách.
Mặc dù nằm sâu trong vùng quê hẻo lánh của tỉnh Vĩnh Phúc, chùa được phục hồi sinh hoạt mà địa phương và một số Tỉnh Thành lân cận đã được biết đến, do tính hoạt bát năng động của vị trụ trì mới 35 tuổi mà Phật giáo tại thôn Thanh Lanh đã khởi sắc. Đặc biệt, các cụ bà được hướng dẫn nghi lễ khá nhuần nhuyễn, các thời kinh do các cụ đảm trách khi thầy quá bận. Trong chùa chưa có điệu chúng, một chú công quả ngoài 20 tuổi, sắp xuất gia, một chú bé 9 tuổi muốn xa gia đình tại Sài gòn, thích ở chùa miền Bắc mặc dù chùa còn thiếu thốn mọi bề.
Trong buổi lễ hôm nay, có sự chứng minh của TT. T.Chân Tính trụ trì chùa Hoằng Pháp, thầy có thời pháp thoại vào chiều cùng ngày cho Phật tử địa phương và những người có mặt. Chư tôn đức đến từ một vài tỉnh thành phía Bắc miền Nam, và miền Trung. Phần lớn Phật tử Hà Nội và một số ít từ miền Nam ra. Về phía chính quyền có các lãnh đạo cấp huyện và xã đến dự; các doanh nghiệp và giáo chức cũng có mặt.
Thượng tọa Thích Chân Tính và Đại đức trụ trì Thích Quảng Hỷ
Cách hai hôm trước ngày lễ, các cụ bà đích thân đi cắm các lá cờ ngũ sắc dọc hai bên đường làng cách chùa khá xa; tinh thần mộ đạo của người dân miền Bắc rất cao, mặc dù thời gian dài Phật giáo lặng chìm trong xã hội lúc bấy giờ, khi có dịp phục hoạt, niềm tin tôn giáo cũng trổi dậy như hoa lá sau cơn mưa. Nhờ tinh thần đó mà các chùa phía Bắc được xây dựng quy mô phát triển rất nhanh, nhưng niềm tin vẫn còn nhuốm màu mê tín.
Cung nghi Chư tôn đức quang lâm.
Một tu sĩ miền Nam ra xây dựng và hướng dẫn quần chúng phía Bắc không còn xa lạ, tại thôn nghèo vùng núi được một Tăng sĩ trẻ hòa đồng với cuộc sống nghèo khó của địa phương cũng không còn xa lạ, một chú bé chưa được 10 tuổi chịu xa cha mẹ với cuộc sống đầy đủ sung sướng từ miền Nam, ở với thầy trong những mùa rét xứ Bắc, chịu thức khuya dậy sớm lao tác phật sự mới là chuyện lạ. Cả thầy trò đang cố vực dậy một cơ sở thờ phượng nhỏ hẹp và đức tin sơ cơ của người dân nơi đây, trong tương lai không xa, sẽ là chốn Già Lam uy nghiêm, một lực lượng tín đồ vững chãi làm cho Phật giáo Vĩnh Phúc có tầm cỡ trong một đất nước.
Đại hồng chung hoàn thành cũng sẽ là tiếng chuông không những cảnh tỉnh cơn mê mà còn là tiếng nói thay lời cho cư dân Thanh Lanh về con đường thăng tiến tâm linh của dân tộc.
12/10/2014
Tin Minh Mẫn - ảnh Phan Văn Sang
Luuvanphu
Đề nghị đính chính lại, xem lại ngay phần niên đại ngôi chùa ứng với đời vua.
Thích Trả lời 9/25/2015 1:12:50 PM