;
Tình yêu và hôn nhân theo quan điểm Phật giáo
Đứng trước tình trạng đó, trong những năm gần đây, các chùa (tự viện) trên cả nước đã và đang tổ chức lễ hằng thuận (hôn lễ ở chùa). “Hằng” có nghĩa là mãi mãi, thường còn, “thuận” là hòa thuận với ý nghĩa nhắc nhở đôi vợ chồng trẻ luôn luôn sống hòa thuận, hạnh phúc, thương yêu nhau. Chùa Từ Xuyên (P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình) là ngôi chùa đầu tiên trong tỉnh làm được Phật sự ý nghĩa này.
Buổi lễ có sự chứng minh của chư tôn đức; quý Phật đông đảo họ hàng, bạn bè hai bên. Trước sự cầu nguyện gia hộ của quý thầy và toàn thể đạo tràng, hai đôi bạn trẻ đã kết duyên vợ chồng. Cả đạo tràng cùng cầu chúc tân lang tân nương “Sắt cầm hòa hợp – Loan phụng sum vầy – Bách niên giai lão”.
Dâng hương Tam Bảo chứng minh
Chúc cho đôi trẻ chung tình trăm năm
Dầu cho dâu bể thăng trầm
Đẹp đời, sáng đạo, sắt cầm bên nhau.
Phần nghi lễ tâm linh sẽ tạo nền tảng cho hai vợ chồng trẻ có đời sống hạnh phúc. Đôi bạn sẽ đối trước Tam Bảo đọc lời thệ nguyện yêu thương nhau trọn đời và hộ trì chính pháp. Trong buổi lễ có các nghi thức tạ ơn cha mẹ, giao bái phu thê. Hẳn nhiều bạn trẻ chưa một lần trong đời rửa tay, rửa chân, dâng trà hay lễ lạy cha mẹ. Hôm nay, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn đỉnh lễ công ơn sinh thành, dưỡng dục của song thân, sám hối những tội lỗi làm cha mẹ buồn lòng, cùng nhau nguyện trọn đời hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ hai bên; Phu thê đỉnh lễ thể hiện bình đẳng, tôn trọng người bạn đời, không coi khinh hay phụ bạc nhau, nguyện thủy chung, đồng cam cộng khổ.
Ảnh: Hai bạn trẻ làm lễ hằng thuận tại chùa Từ Xuyên (P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình)
Tục lệ lễ thành hôn có nghi thức trao nhẫn cưới, là kỷ vật ngày trọng đại trong cuộc đời. Theo quan điểm của nhà Phật, chiếc nhẫn làm bằng vàng, hình khuyên tròn tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn, là bảo vật quý giá, không thay đổi chất lượng và màu sắc. Chiếc nhẫn nhắc nhở đôi tân hôn phải thủy chung, không thay đổi trong tình cảm vợ chồng. Tên gọi của nó là “nhẫn”, nhắc nhở hai người luôn sống nhẫn nhịn, nhu hòa khi phải đối mặt với những nghịch cảnh, bất hòa trong đời sống hôn nhân. Trong giáo lý nhà Phật, nhẫn nhục là một trong sáu pháp tu lục (độ lục độ ba – la - mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) mà các hàng Bồ - tát phải thực hành để đạt đến đạo quả giác ngộ. Chư Tăng gia trì vào nhẫn để tân lang, tân nương trao cho nhau nhắc nhở các cặp vợ chồng trẻ tu hạnh nhẫn nhục. Có như vậy mới chính là người con Phật, hạnh phúc mới bền lâu, gia đình được êm ấm, con cái được nên người.
Để tân lang, tân nương có thêm những hành trang trong cuộc sống, quý Thầy không quên nhắc nhở hai bạn trẻ phải sống trọn vẹn bổn phận làm vợ và làm chồng, làm dâu hiền, rể thảo cùng xây dựng hạnh phúc gia đình theo tinh thần kinh Thiện Sinh.
Năm điều đức Phật dạy người chồng là: 1. Lễ độ với vợ; 2. Không xem thường vợ; 3. Chung thủy với vợ; 4. Trao quyền nội chính cho vợ; 5. May sắm đầy đủ cho vợ. Ngược lại, người vợ đối với chồng cũng có năm điều: 1. Thay chồng quản lý nhà cửa ngăn nắp; 2. Săn sóc giúp đỡ chồng; 3. Trinh thuận với chồng; 4. Giữ gìn gia sản chung; 5. Siêng năng làm việc và thuận thảo với cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hai bên.
Kết thúc buổi lễ, đại diện hai bên gia đình đã có lời cảm tạ, cảm niệm công đức của chư Tôn đức và toàn thể đạo tràng; đồng thời nhắc nhở hai con: “Là bậc làm cha, làm mẹ ai cũng mong muốn con mình sinh ra được vẹn toàn, chăm lo cho con đủ đầy, không quản nắng mưa khó nhọc, lớn lên cho đi học để mong con thành người, lo cho con công ăn việc làm nên danh nên phận.
Đến khi trưởng thành, xây dựng hạnh phúc riêng, cha mẹ nào cũng mong muốn con tìm được ý trung nhân, cùng nhau xây dựng gia đình êm ấm, hòa thuận, có thủy có chung, hiếu thảo với cha mẹ hai bên, nối dõi tông đường. Các con, các cháu biết yêu thương nhau là niềm hạnh phúc vô biên của cha mẹ. Chính vì lẽ đó, hôm nay cha mẹ và gia đình hai bên đã xin phép chư tôn đức cử hành lễ hằng thuận tại chùa để cầu mong đức Phật, Tam Bảo gia hộ độ trì cho cuộc sống gia đình các con được bình an, hạnh phúc. Hai con hãy ghi nhớ những lời quý Thầy đã chỉ bảo ngày hôm nay, lấy đó làm phương châm sống, cư xử với nhau theo đúng bổn phận của người con Phật và giữ gìn nề nếp gia phong”.