;
Sáng 11.8.Bính Thân (11/9/2016), tại chùa Thanh Lương cũng là Hạ trường, nơi các hành giả sắp mãn hạ mùa an cư 2016. BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 – 07/11/2016) - 11 năm ngày tái thành lập GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh (26/12/2004 – 26/12/2016).
Tham dự và chứng lễ kỷ niệm có, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS GHPGVN – Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Hòa thượng Thích Thiện Đức – UV TT HĐTS, Phó trưởng ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN; Đại đức Thích Tâm Thành - Chánh văn phòng BTS PG Nghệ An; Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh: Đại đức Thích Viên Như – UV HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký; Đại đức Thích Hạnh Nhẫn – Phó ban, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp; Đại đức Thích Quảng Nguyên – Phó ban kiêm Trưởng ban Tài chính; Đại đức Thích Chánh Thành – UVTT – Trưởng ban Văn hóa, cùng Chư tôn đức Tăng, Ni, các hành giả an cư, trụ trì các chùa, tự viện trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đại diện chính quyền các cấp có Ông Trần Minh Kỳ, nguyên PCT TT UBND tỉnh Hà Tĩnh; Ông Lê Mạnh Kiều - Phó Ban Dân vận tỉnh ủy; Ông Trịnh Xuân Diệu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; Ông Bùi Nhân Sâm – PCT UBMTTQ tỉnh; Ông Trần Quốc Tuấn - Phó phòng PA 88 công an tỉnh, đại diện lãnh đạo chính quyền huyện Nghi xuân, thị trấn Xuân An cùng các cơ quan, đoàn thể sở tại, hơn 1000 thiện tín nam nữ, Phật tử hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng về tham dự.
Tại buổi lễ, toàn thể đại chúng trang nghiêm, thành kính đứng dậy lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tuyên đọc bức Thông điệp Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN của Đức Pháp chủ GHPGVN gửi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tuyên đọc Thông điệp Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN
Theo đó, Thông điệp của Đức Pháp Chủ nêu rõ quá trình hình thành, phát triển những thành tựu đạt được cũng như những thách thức hiện tại và trong tương lai đối với Phật giáo Việt Nam, Ngài nhấn mạnh: Tôi tha thiết mong muốn các cấp Giáo hội, các Ban, Viện ở trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Hơn lúc nào hết, Tăng Ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một Tỷ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của Đạo Phật trong thời đại ngày nay.
Hòa thượng Thích Thiện Đức tuyên đọc Diễn văn Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GH.
Ngược dòng thời gian 35 năm về trước, ngày 7/11/1981 tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức tại tại chùa Quán Sứ. Đại hội có 165 đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo, đây là bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam và cũng từ lần đại hội này duyên khởi cho sự thành lập GHPGVN ngày nay.
35 năm, qua 7 nhiệm kỳ hoạt động, một khoảng thời gian chưa dài so với hơn 2000 năm Phật giáo du nhập và đồng hành cùng dân tộc nhưng Giáo hội cũng đã không ngừng phát triển, ổn định về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu khả quan trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thống nhất, tổ chức sinh hoạt Phật sự. Những thành quả tốt đẹp đó đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam trong tinh thần truyền thống hộ Quốc, an dân và kết nối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Xứng đáng và tiếp nối những thành tựu vẻ vang trong chiều dài của lịch sử Phật giáo Việt Nam mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng tiền đồ hơn 2000 năm lịch sử.
Toàn cảnh Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN - 11 năm tái thành lập GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh.
Sự ổn định, lớn mạnh cũng như đường hướng hoạt động phù hợp của Giáo hội đã tạo niềm tin sâu rộng cho quần chúng Tăng, Ni, phật tử, nhân dân khắp mọi miền trong và ngoài nước, trong đó có tín đồ Phật tử nơi miền quê Hà Tĩnh.
Nói đến Hà Tĩnh, một tỉnh nằm trên dải đất miền Bắc Trung bộ, theo Dư địa chí và lịch sử được ghi lại qua các văn bia, nơi đây ở những thế kỷ trước là vùng đất cực thịnh hành của Phật giáo với nhiều giai thoại có gắn liền với Đạo Phật như Chữ Đồng Tử, Kim Dung, nhà sư Phật Quang.., vẫn còn đây nhiều tháp mộ của các nhà sư có niên đại hàng trăm năm, hàng ngàn dấu tích của những ngôi chùa còn sót lại đã minh chứng một thời là “kinh đô” Phật giáo như là nơi đây. Thời gian, thời cuộc, cộng nghiệp của cả một vùng đất và giai đoạn lịch sử (1954-1963) đã không cho phép những ngôi chùa và mạng mạch Phật pháp được lưu truyền nối tiếp liên tục cho thế hệ hậu lai...
Khoảng lặng thời gian trôi qua, mãi đến năm 1993 - 1994 Phật giáo Hà Tĩnh vẫn như “rắn không đầu, như nhà không nóc” nhiều nhóm tín đồ Phật giáo chia nhau lập phe nhóm, mỗi người một cách, tà giáo mê tín lan truyền rộng rãi, Phật tử chân chính thì ít, kẻ cơ hội a dua kích động thì nhiều. Trong tình thế mạnh ai nấy làm, đường ai nấy đi chẳng mấy ai có đủ hiểu biết để tìm ra lối thoát cho sự bế tắc này. Lúc bấy giờ cả thị xã Hà Tĩnh và các vùng lân cận hàng chục cây số không có lấy một ngôi chùa nào có thể vào dâng hương, chứ đừng nói đến hoạt động tụng kinh, niệm Phật, nhóm Phật tử (trong đó tôi là một trong vài đứa trẻ có mặt - NV) vẫn thường sinh hoạt tại chùa Hợp Tự (tức đền Võ Miếu). Giai đoạn này, ở nơi đây, trẻ con như chúng tôi (NV) đi chùa bị coi là người...không "bình thường".
Ông Bùi Trọng Cường – pháp danh Thiện Minh, một Phật tử, một trí thức, một cán bộ công nhân viên nhà nước về hưu thông qua một người quen tại thủ đô Hà Nội, biết được Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (HT Thích Bảo Nghiêm bây giờ) ở chùa Quán Sứ, do việc đi lại khó khăn ông đã viết thư gửi cho Thầy trình bày và “năn nỉ” sau nhiều lần gửi tâm thư và đi lại thỉnh cầu, cảm nhận được sự chân thành và nhiệt tâm vì Phật pháp của ông, cũng như lòng từ bi, xót xa, thương tưởng trước vùng đất trắng về Phật giáo, đầu năm 1997 thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cùng HT Thích Thanh Tứ và Đạo tràng Pháp Hoa thuê xe đi vào, mang từng chai nước tương, từng hủ chao, từng bó rau, các dụng cụ cần thiết về đây tổ chức lễ Phật đản đầu tiên trên mảnh đất khốn khó này. Một giai đoạn hết sức khó khăn của Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh ! Cũng may, lúc này, Phật giáo tỉnh nhà được sự trợ duyên tận tình của ông Võ Hữu Duyệt – Nguyên trưởng ban Tôn giáo tỉnh - một vị công chức nhà nước mà mãi sau này Hòa thượng Trưởng ban vẫn trân trọng và xem như ân nhân của Phật giáo tỉnh nhà, ông sắm giường, mua tủ, bàn, ghế các vật dụng thiết yếu, đưa đón thượng tọa Thích Bảo Nghiêm một cách tận tình, ông đã đứng ra làm thủ tục để thượng tọa Thích Bảo Nghiêm trụ trì chùa Cảm Sơn, giúp “yên ngôi chính vị” ổn định tình hình. Khó khăn vẫn chất chồng, và cái nhìn nặng nề sẵn có, cho rằng Phật giáo là huyễn hoặc, mê tín dị đoan, trong khi tà giáo Lưu Văn Ty vẫn tung hoành, lôi kéo càng gây nghi ngờ, chia rẻ tín đồ, một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa tin tưởng trước các hoạt động chân chính của Ban Đại diện Phật giáo tỉnh. Sau này được ông Võ Hữu Duyệt can thiệp giúp đỡ mọi việc được chính quyền thấu hiểu và trở lại đồng tâm ủng hộ. Đó là bước ngoặt quan trọng trong đời sống Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh cho đến hôm nay.
Cư sĩ Thiện Minh - Bùi Trọng Cường (ảnh phải) người góp công giúp Phật giáo Hà Tĩnh đi vào ngôi nhà chung của Giáo hội.
Đến nay đã trải qua gần 3 nhiệm kỳ, 7 mùa an cư, 19 mùa Phật đản được tổ chức, đã có 13/13 huyện, thị xã, thành phố được thành lập Giáo hội Phật giáo hoạt động tương đối ổn định với hơn 45 Tăng ni, hàng chục ngôi chùa được trùng tu, xây mới, 29 vị Tăng, Ni chính thức được bổ nhiệm trụ trì, các hoạt động Phật sự truyền thống được tổ chức trang nghiêm đầy đủ, hơn 20 đạo tràng và một CLB lớp giáo lý cư sĩ Phật tử tu học sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo tỉnh, công tác hoằng pháp, từ thiện xã hội được phát huy và hoạt động hiệu quả cả chất và lượng.
11 năm chưa phải là thời gian dài, những thành tựu Phật sự đạt được đã giúp Phật giáo tỉnh ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự; sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân có nhiều đóng góp thiết thực trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, an sinh xã hội, khắc phục tác động tiêu cực, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tốt đẹp hiện nay, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Diệu - Phó giám đốc sở Nội vụ - Trưởng ban Tôn giáo phát biểu
Tại buổi lễ, đại diện các cấp chính quyền có lẵng hoa tươi thắm chúc mừng BTS Phật giáo tỉnh. Tại đây, ông Trịnh Xuân Diệu thay mặt các cấp lãnh đạo phát biểu bày tỏ những tình cảm tốt đẹp, ghi nhận những khó khăn đã vượt qua và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Ban Trị sự, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực đóng góp cho tỉnh nhà trong thời gian qua. Với những thành tựu đó là tiền đề vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Hòa thượng Chủ tịch HĐTS ban đạo từ.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN nêu tổng quát sự hình thành phong trào và hòa hợp các hệ phái để thành lập GHPGVN, qua các nhiệm kỳ, qua đó Hòa thượng cũng hết sức tán thán những nỗ lực xây dựng Phật giáo Hà Tĩnh của cá nhân Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và tập thể Thường trực BTS đã sáng suốt trong công tác lãnh đạo, vượt qua thách thức, khó khăn để thành tựu những Phật sự quan trọng trong thời gian qua. Trên tinh thần tiếp tục phát huy những ưu điểm đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, đoàn kết, hòa hợp, đó là nền tảng vững chắc để Phật giáo Hà Tĩnh vững niềm tin vào sự thành công, hoàn thành các mục tiêu tốt đẹp góp phần trang nghiêm Giáo hội.
Trước đó, vào ngày 10.8.Bính Thân dưới sự chủ trì của Hòa thượng Trưởng ban, Chư tôn đức hành giả an cư đã tổ chức lễ tạ Pháp, tạ Tổ để kết thúc mùa an cư 2016.
Cuối buổi lễ, thay mặt ban tổ chức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm có lời cảm tạ và nhắc lại những kỷ niệm, những khó khăn vất vả từ ngày đầu về hoằng pháp trên mảnh đất Hà Tĩnh. Hòa thượng gửi lời cảm niệm tri ân sâu sắc đến lãnh đạo chính quyền các cấp hiện nay cũng như các vị lãnh đạo qua các thời kỳ, đồng thời ghi nhận sự hộ trì đóng góp tích cực và đồng hành của quý Phật tử, thiện tín thập phương trong suốt thời gian qua góp phần giúp Phật giáo tỉnh nhà gặt hái được những thành công tốt đẹp trong những năm qua.
Thông tin Phật sự về Phật giáo Hà Tĩnh tại đây.
Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ kỷ niệm.
Thích Quảng Nguyên
Chân thành cam ơn trang Người Phật Tử đã đăng tin đến đại chúng,buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm thắm tình đạo vị,thành công viên mãn,Phật giáo Hà Tĩnh đang hồi sinh trở lại sau nhiều năm vắng bóng, với tiềm năm sẵn có, ưu thế về nhiều mặt, như lịch sử lâu đời gắn bó với dân tộc,đồng hành cùng dân tộc, xây dưng nên nền bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời. giáo lý của Đức Phật mang triết lý nhân sinh, tôn trọng quyền bình đẳng con người, Đức Phật nói" Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" với những ưu thế về nhiều mặt thời gian không xa Phật giáo Hà Tĩnh chúng ta sẽ phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng đúng với tiềm năng Hiếu học, hiếu đạo của người Hà Tĩnh. Và xin được cáo lỗi tới bạn đọc hôm đó ban tổ chức đã trang trí bàn chứng minh tốt đẹp nhưng do đêm hôm đó mưa to gió lớn đã làm hư hỏng hết phông bạt sáng mai trang trí lại ko kịp nên bàn chứng minh trông trang trí ko được đẹp xin mọi người hoan hỷ.
Thích 1 Trả lời 9/16/2016 10:31:29 PM