;
Chùa Hoằng Pháp được Cố Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử mua sáu mẫu đất, khai sơn thành lập năm 1957, làm nơi tu hành và hoằng dương Phật Pháp, tiếp độ Tăng chúng, hướng dẫn Phật tử tu học.
Được biết, ngày Giỗ Tổ là một ngày kỷ niệm truyền thống hằng năm của chùa. Đây là dịp để các hàng đệ tử, đệ tôn trong Tông phong chùa Hoằng Pháp cùng Phật tử các đạo tràng khắp nơi, vân tập về chùa để cùng nhau tưởng niệm, dâng lòng tri ân lên Hòa thượng Tôn sư, vấn an sức khỏe của Thượng tọa Trụ trì. Đồng thời, đây cũng là dịp để quý Thầy trao đổi, san sẻ kinh nghiệm hành trì hay vấn đề hoằng pháp lợi sinh trong thâm tình huynh đệ keo sơn.
Sau khi giới thiệu chương trình, trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, hội chúng đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến bậc đạo sư khả kính. Để nhìn lại cuộc đời và đạo nghiệp của cố Đại lão Hòa thượng, đại chúng theo dõi một đoạn video nói về công hạnh của Tổ sư, cả một đời Ngài dành cho đạo pháp và chúng sanh. Để bày tỏ lòng biết ơn của hàng Phật tử, Phật tử Như Yến đã đại diện cho hàng cư sĩ tại gia trình bày cảm tưởng về sư Tổ.
Kế đến, TT. Thích Chân Tính, Trưởng Ban Tổ chức đã thay mặt cho chư Tăng bổn tự, gởi lời tri ân đến chư Tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử. Sau đó, Thượng tọa đã có đôi điều sách tấn đến đại chúng. Theo lời Ngài, thế giới này có rất nhiều người nhưng được mấy ai đi theo con đường xuất gia cao quý, và sống với chí nguyện “thượng cầu hạ hóa”. Phải chăng là một con người đại hùng, đại lực, đại từ bi thì mới có thể đi trọn con đường xuất gia chân chánh. Và chính tấm gương của sư Tổ là bài học minh chứng, xứng đáng cho hàng hậu học noi theo. Qua đây, Thượng tọa nêu lên sáu điều có được ở Tôn sư, đồng thời khuyến tấn hàng đệ tử hãy cùng nhau kế thừa và tiếp nối sự nghiệp mà Tổ và Thầy đã gầy dựng.
Hàng chục ngàn Phật tử khắp nơi về chùa dự lễ tưởng niệm Tổ khai sáng chùa Hoằng Pháp.
Trong chương trình còn có sự góp mặt của ca sĩ Doãn Minh với ca khúc Cảm Niệm Ân Sư, ca sĩ Phương Thùy với ca khúc Nhớ Ơn Thầy Tổ.
Kết thúc buổi lễ, chư Tăng và Phật tử đã dâng hương tưởng niệm Hòa thượng Tôn sư. Sau đó, đại chúng cùng thọ trai trong không khí thắm tình đạo vị.
Cũng trong buổi lễ, BTC đã gởi tặng quý Phật tử về tham dự sách Giai Cấp, Con Đường Hạnh Phúc và một kỷ vật lưu niệm.
----------------------------------
TÓM TẮT TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG NGỘ CHÂN TỬ (1901-1988)
-----------------
Hòa thượng Ngộ Chân Tử thế danh là Trần Rinh, sinh ngày mùng
3 tháng 3 năm Tân Sửu (1901), tại tỉnh Thái Bình trong một gia đình Nho học.
Thân phụ là cụ Trần Quán, thân mẫu là cụ Trần Thị Phược. Ngài là anh cả trong số
năm anh em (3 trai, 2 gái).
Sớm hấp thụ và thâm hiểu Nho học từ thời niên thiếu, khi trưởng thành ngài chuyển sang nghiên cứu Phật học theo sự hướng dẫn của Sư Tổ Quang Huy.
Năm Kỷ Mùi (1919), trên bước đường vân trình theo thầy học đạo, ngài đã được nhân duyên chiêm bái nhiều nơi cổ tích danh lam. Khi qua Yên Tử, lúc đến Côn Sơn, rồi Non Nước, Tam Đảo, Tản Viên, Hương Tích, chùa Thầy, đều là những thắng địa cho việc tọa thiền tu tập.
Năm 1927, ngài xin phép thầy trở về trùng tu chùa làng tại Cao Mại, Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và thỉnh Tôn Sư đến giảng kinh. Cao đức của Tôn Sư và nhiệt tâm của ngài đã chuyển hóa gia đình quy hướng Phật đạo, đồng tâm xả tục, phát nguyện trai giới tu hành, đem hết tài sản ruộng vườn hiến cúng Tam Bảo để mở mang Phật sự.
Từ năm 1929 đến năm 1932, ngài đến trùng tu các chùa Quan Âm tỉnh Kiến An; chùa làng Úc Gián huyện Kiến Thụy; chùa Quang Đẩu huyện An Lão; chùa Kiền Bái, chùa Côn Sơn, chùa Đỗ Xá huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; chùa Phù Cốc, chùa Khánh Vân phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Năm 1935, ngài mua đất tại Kiến An và sáng lập chùa Hoằng Pháp độ chúng tu
hành, hoằng truyền giáo pháp.Trải qua một thời gian dài tu hành, ngài nhận thấy
con đường đến Phật quả phải thực hành Bồ tát hạnh và lấy lục độ Ba la mật làm
pháp tu căn bản. Do vậy, năm 1938, để thực hiện tinh thần bố thí Ba la mật,
ngài đã thành lập Viện Dục Anh tại tỉnh Kiến An, thu nhận các trẻ em nghèo khổ,
mất cha hoặc mất mẹ, thiếu tình thương về nuôi dạy cho ăn học thành tài. Ngoài
việc nuôi dạy cô nhi ra ngài còn mở thêm tiểu thủ công nghiệp, để giúp đỡ những
người nghèo khó có phương tiện sinh sống. Việc làm này được chính quyền đương
thời và chư tôn thiền đức hết sức tán thán và ủng hộ, vì nó đã thể hiện được
tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật. Như lời một vị Sa môn đã ca ngợi:
Năm 1945 (Ất Dậu), chiến tranh Pháp – Nhật xảy ra trên quê
hương, nạn đói tràn lan miền Bắc, thây chết đầy đường, tiếng khóc than như xé
ruột. Đứng trước thảm cảnh tang thương của đồng bào, ngài đã vận động các cơ
quan từ thiện và những nhà hảo tâm tiếp sức với chùa, tổ chức cứu tế xã hội
giúp đỡ cơm áo thuốc men cho những người đói, bệnh. Hằng ngày, ngài cùng với bổn
đạo kéo xe đi nhặt các tử thi xấu số không người thừa nhận về mai táng.
Năm 1953, ngài mua hai mẫu đất tại tỉnh Hải Phòng, mở tùng lâm tu viện nay là
chùa Phổ Chiếu, và lập thêm Viện Dưỡng Lão giúp đỡ người già yếu có nơi an dưỡng,
tu niệm.
Năm 1955, với mục đích hoằng dương Phật Pháp đến khắp mọi miền, Hòa thượng đã hành đạo đến miền Nam qua các nơi như Gò Công, Cai Lậy, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc.
Năm 1957, nhận thấy Gia Định là nơi thuận duyên trong việc hành đạo, ngài liền mua sáu mẫu đất tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, sáng lập chùa Hoằng Pháp, làm nơi tu hành và hoằng dương Phật Pháp, tiếp độ Tăng chúng, hướng dẫn Phật tử tu học.
Năm 1965, trước cảnh màn trời chiếu đất, nhà tan cửa nát của đồng bào bị chiến tranh tàn phá tại Đồng Xoài, Thuận Lợi, Hòa thượng đã đón nhận 60 gia đình gồm 361 nhân khẩu về chùa nuôi ăn trong 8 tháng. Sau đó, xây cất khu định cư gồm 55 căn nhà vách tường mái tôn cấp cho đồng bào với đầy đủ các đồ dùng cần thiết trong gia đình.Năm 1968, ngài thành lập Giáo Hội Đạo Tràng Thiền Học, nhằm mục đích mở rộng việc truyền bá giáo lý đạo Phật đến khắp mọi miền đất nước. Ngài cũng đã tiếp nhận và trùng tu ngôi chùa Thiện Phước tọa lạc tại số 192/11 đường Nguyễn Trãi, quận 5, Sài Gòn làm nơi giảng kinh thuyết pháp, phổ biến kinh sách.
Cũng năm 1968, chiến tranh vẫn tiếp diễn tàn khốc trên quê hương đất nước, những trẻ thơ mất cha lạc mẹ bơ vơ không nơi nương tựa hoặc nghèo đói thất học ngày càng nhiều. Một lần nữa, ngài lại thành lập Viện Dục Anh tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, tiếp nhận cô nhi và bần nhi từ 6 đến 8 tuổi, khoảng 355 em, nuôi dạy miễn phí, rèn luyện đức trí, thể dục để trở thành người hữu dụng cho đất nước trong tương lai.
Năm 1974, mặc dù tuổi đã cao, nhưng với hạnh nguyện từ bi vô lượng, ngài đã mua 45 mẫu đất tại ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, dự định thực hiện một chương trình xây dựng làng cô nhi Việt Nam với đầy đủ phương tiện cho các em sinh hoạt và một đền thờ quốc tổ Hùng Vương để nhắc con cháu nhớ đến công cuộc mở nước và dựng nước của các vua Hùng oanh liệt thuở trước. Công việc đang được tiến hành xây dựng thì đến tháng 4 – 1975 đất nước được thống nhất, ngài đã hiến số đất đó cho Ban Quản trị khu kinh tế mới sử dụng, hiện nay là nông trường Lê Minh Xuân.
Từ sau 1975, Hòa thượng vẫn tiếp tục những công tác từ thiện xã hội cho đất nước. Mặc dù tuổi cao sức yếu và kinh tế eo hẹp, Hòa thượng vẫn đóng góp hàng tháng vào trường Cao cấp Phật học và trong cuộc hỏa hoạn ở chợ nhỏ phường 24 quận 1 đường Nguyễn Cảnh Chân, TP. Hồ Chí Minh, ngài đã cứu trợ 3 đợt cho 31 hộ tại đó.
Với tâm nguyện hoằng pháp để giác ngộ nhân sinh, Hòa thượng cũng vẫn không quên việc truyền bá
chánh pháp, ngài đã biên soạn một số kinh sách ấn tống như:
1) Kinh Nhật tụng (soạn riêng cho chùa tụng đọc)
2) Nghi luật tu trì thiết yếu
3) Quy giới hành trì
4) Sự tích nhân quả báo ứng
5) Tuyên dương diệu pháp
6) Đạo giải thoát
7) Tuyên dương chánh pháp
8) Trên đường hành đạo
9) Khóa niệm tùy thân
10) Lược sử Phật Tổ
Suốt cuộc đời hành đạo từ Bắc chí Nam, Hòa thượng đã cống hiến
trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Thật đúng với câu “xả phú cầu bần, xả
thân cầu đạo” vì Hòa thượng ăn thì cơm hẩm, mặc thì áo bô, có những lúc thấy
dân tình đói khổ, Hòa thượng đã nhịn bớt phần mình, chỉ dùng rau luộc muối mè
và bảo đồ chúng phải thật tiết kiệm, để giúp đỡ cho những người nghèo khổ.
Năm 1986, tuổi đã quá cao, sức người có hạn, đã mang nhục thân nên có cái hoạn
của nhục thân. Hòa thượng lâm bệnh và mặc dù đã chạy chữa nhiều phương, nhưng bệnh
tình vẫn bất tăng bất giảm. Biết mình sắp rời xa Đạo Tràng, môn chúng, Hòa thượng
đã nhắn nhủ đủ điều, bảo ban căn kẽ. Trước đó một tuần, Hòa thượng không chịu
tiếp thuốc men và bảo: “Hãy để tôi về, đừng nuối tiếc gì nữa”.
Ngài đã an nhiên thị tịch lúc 13 giờ 30 phút ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn tức ngày 26-11-1988 tại chùa Hoằng Pháp, trụ thế 88 năm và được 65 tuổi đạo.
Hình ảnh ghi nhận tại lễ tưởng niệm lần thứ 31: