;
Chùa Tam Chúc, Bái Đính, Đại Nam và nhiều ngôi chùa lớn khác không chỉ là điểm thu hút du lịch tâm linh, góp phần phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa lịch sử đất nước mà còn là nơi ngoại giao đón tiếp nhiều nguyên thủ, tổ chức các sự kiện tôn giáo mang tầm vóc Quốc tế - Ảnh Chùa Đại Nam,Bình Dương (Nguồn ảnh internet:)
Đánh cho sập chùa, chiến dịch số 3
Chùa Bái Đính và Tam Chúc sẵn sàng đón nhận người cách ly Covid-19
Chùm ảnh: Nghẹn ngào nước mắt đêm hoa đăng khóa tu mùa hè chùa Tam Chúc
Trang Thư viện Hoa Sen, cập nhật ngày 23/8/2020, đăng bài “Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh xẻ núi phá rừng tận diệt tài nguyên quốc gia” (xem: https://thuvienhoasen.org/a34453/du-an-kinh-doanh-nup-ao-du-lich-tam-linh-xe-nui-pha-rung-tan-diet-tai-nguyen-quoc-gia), không ghi nguồn, không có tên tác giả, nhưng trong bài được ghi là trả lời phỏng vấn Đài RFI.
Dưới bài này có tên một loạt bài đã đăng cùng chủ đề, nhấp vào tên là hiển thị bài.
Nếu chỉ là bài của RFI, RFA... thì không lạ, vì các bài đăng trên các trang này thường có cùng nội dung với các trang trên mạng xã hội của bạn đọc các tôn giáo khác, vốn rất khó chịu, xốn mắt, nóng mặt với những công trình Phật giáo, đặc biệt chùa to, Phật lớn.
Nhưng khi trang Thư viện Hoa sen đăng những bài như vậy thì quả là vận tàn hạn mạt đang trùm xuống Phật giáo Việt Nam?
Một số tờ báo Phật giáo vừa đăng những lời lẽ bài xích, chỉ trích am, cốc, thất, dĩ nhiên là hướng đến sự triệt phá, loại trừ?
Bây giờ, trang mạng Phật giáo tiếng tăm ở hải ngoại đăng bài hô hào ngăn chặn việc công ty đầu tư xây chùa?
Như vậy, cơ sở nhỏ, cơ sở lớn gì có thờ Phật, do những thành phần khác nhau xây dựng, đều trong tầm đập phá của những lưỡi búa ngôn từ, theo kiểu tấn kích phê đấu tập thể? Hệ quả chắc chắn là phải có, chứ làm sao mà tránh?
Am, cốc, thất thì bị đấu để xóa, chùa lớn của công ty thì bì đấu để chận, cơ sở Phật giáo còn gì trong bước phát triển?
Những chức sắc tổ chức Phật giáo chống am, cốc, thất, rồi nhà những biên tập truyền thông Phật giáo nhạy bén với những bài đỏ mắt với việc xây chùa, đã cùng mục đích: chùa to cũng “diệt” mà am, thất bé cũng “xử”?
Thế sự phát triển của cơ sở Phật giáo trông chờ vào gì? Các cấp nào trong các tổ chức Phật giáo lập kế hoạch rồi triển khai xây chùa? Sẽ như kiểu các tòa giám mục xây Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Tà Pao...,và mới nhất Đức Mẹ Núi Cúi hoành tráng nhất châu Á? Giấc chiêm bao giữa ban ngày cho Phật giáo Việt Nam?
Cứ mà gục mặt cúi đầu cho tôn giáo từng là đa số tại Việt Nam đã tự diễn biến, tự chuyển hóa thành thiểu số, rồi cùng nắm tay nhau nhắm cùng một cái đích mà lao vào là làm suy kiệt, thiểu số Phật giáo Việt Nam nhanh hơn nữa, hậu quả nặng nề hơn nữa?
Cục diện Phật giáo suy thoái, cơ đồ các tôn giáo phương Tây mở rộng phi thường chưa từng có trong lịch sử truyền giáo phương Tây, thì những quan chức Phật giáo, người làm truyền thông Phật giáo không thấy? Chỉ thấy họ soi rồi đòi xóa, đòi ngăn chặn xây chùa lớn theo miệng lưỡi những người xốn mắt khi Phật giáo chớm có các cơ sở lớn, đến đòi xóa những ngôi am thất mà những người tu hành Phật giáo chắt chiu tiền bạc cả đời để tạo lập?
Gần đây, một tổ chức Phật giáo nở mày nở mặt với thế giới do một vài ngôi chùa lớn do tư nhân đầu tư xây dựng. Nếu không có những chùa như thế thì lấy đâu cơ sở tổ chức đại lễ Phật Đản thế giới này khác tiếp nhau?
Kiểu công ty xây chùa đã trở thành quy trình kiểu mẫu có lợi cho Phật giáo Việt Nam, giúp Phật giáo Việt Nam có thêm chùa to Phật lớn trong bối cảnh các nhà sư Phật giáo thụ động, hạn chế năng lực, tiền cúng dường chạy mất qua nhiều kẽ...?
Công ty X, doanh nghiệp Y, đại gia Z nào đó xây chùa, cho rằng để kinh doanh du lịch đi, nhưng khi ngôi chùa đó được đưa vào “quy trình thu hút công chúng”, thì dầu rằng sớm sủa hay muộn mặn, nhưng ngôi chùa do công ty xây dựng đó cũng sẽ là một ngôi chùa chung của Phật giáo Việt Nam, bất kể giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay hợp đồng thuê đất đứng tên ai.
Trong lịch sử, chùa Phật giáo đã phát triển vì có nhiều nguồn tạo lập. Chùa của các quý tộc, quan lại, bá hộ; am miễu, quán (nơi thờ tự của Lão giáo) được “chùa hóa” chuyển dần chức năng; người già muốn tu “cải gia vi tự”... Số chùa do các sơn môn xây dựng chỉ là một trong nhiều nguồn tạo lập?
Bây giờ, công ty xây chùa, miễn là họ xây chùa có thờ Phật, kiểu như chùa trong khu dịch lịch Suối Tiên (TPHCM), khu du lịch Đại Nam (Bình Dương)...thì không thể lấy lý do nó có liên hệ đến du lịch mà ngăn cản, phê đấu, kích hoạt những bài viết mang đầu đạn nhắm vào nó được?
Người đi chùa trong Suối Tiên, trong Đại Nam... phải mua vé từ mấy chục năm nay sao không ai chì chiết, mà đến giờ, sau khi báo chí mồi lửa vụ Bái Đính, Tam Chúc, thậm chí Ba Vàng (đơm đặt là chùa đầu tư) thì một bộ phận quan chức của một tổ chức Phật giáo Việt Nam và chính truyền thông Phật giáo Việt Nam hú cùng tiếng hú kích động phê đấu xây chùa, lấy lý do “du lịch tâm linh”?
Trong Kinh Địa Tạng, những nỗ lực tạo hình tượng Phật cho dù thô sơ, giản đơn đều đáng trân trọng và có công đức. Nay người theo Phật giáo thấy xây chùa thì kiếm cớ phê đấu, là sao?
Những người phê đấu từ am, cốc, thất đến chùa do công ty xây dựng không phải là những người giả theo đạo Phật? Có lẽ không? Họ theo đạo Phật thật nhưng họ nhìn sự phát triển đạo Phật một cách ẩn ức, muốn tự mình độc quyền Phật giáo, cho nên kích động và đối kháng với mọi trường hợp đến với đạo Phật khác? Nhưng những người như vậy có đi đầu trong việc xây chùa dựng tượng? Nếu được như vậy, thì những bài kiểu được trích dẫn ở trên, cũng có ít nhiều giá trị.
Còn nếu không đi đầu trong việc xây chùa, công ty doanh nghiệp xây chùa dựng tượng cứ hoan hỷ với người ta. Mua vé cả trăm ngàn, trong đó chùa là một trong những địa điểm thăm viếng như vào Hồ Mây (Bà Rịa Vũng Tàu), Suối Tiên (TPHCM), Đại Nam (Bình Dương) thì chắc chắn người xây chùa không có phước bằng việc xây chùa thỉnh mời bá tánh thập phương viếng thăm. Nhưng nếu khách đến chấp nhận mua vé để ghé chùa trong một phần của hành trình tham quan nhiều địa điểm thì đó đã đã là điều chính đáng. Các điện thờ, nhà nguyện, bảo tàng, thư viện... của Vatican còn bán vé và giá vé rất cao, theo từng địa điểm, chứ không phải mua vé vào khuôn viên chung, trong đó có chùa có tượng Phật như ở Việt Nam.
Dù với động cơ làm du lịch, trước hết, cũng phải xác nhận kết quả xây chùa hiển nhiên của họ. Ngôi chùa là biểu hiện vật chất và sống động của Phật giáo, bất kể nó nằm ở đâu, trong khu dân cư, trong khu du lịch, trong trường học, bệnh viện...
Người nào lợi dụng hình tượng Phật Bồ tát để kiếm tiền, đó là tội của họ. Nhưng người nào tạo được nhân duyên để mọi người tiếp cận hình tượng Phật, Bồ tát, đó cũng là các phước của họ.
Còn có phước gì khi tìm cách ngăn trở công việc xây chùa, dựng tượng, lấy cớ đó là du lịch, tàn phá môi trường?
Như vậy, có mà phá đi những tòa, những ngôi thờ Phật nguy nga liên hệ đến du lịch như ở Hồ Mây (Bà Rịa Vũng Tàu), Suối Tiên (TPHCM), Đại Nam (Bình Dương)... để lấy đất trồng cây mới là thích hợp? Mới vừa lòng tiếng nói như của RFA, RFI...
Có phải đáng kinh hãi chăng, khi những quan chức và giới truyền thông Phật giáo đang khép chặt vòng lửa quanh một số nơi thờ Phật liên hệ đến du lịch, chỉ vì nó “cấu thành tội phạm” vì yếu tố được xây dựng để thu hút khách du lịch?
Tôn giáo khác khôn ngoan và viễn kiến hơn người Phật giáo, khi họ cũng dựng những tượng đài đồ sộ, dự trù cả trăm hecta, dĩ nhiên đây rừng hay đất nông nghiệp gì cũng thảy đều phải xử lý dưới tay, nhưng họ dù chỉ mới đóng cọc, thì đất được dán ngay cái nhãn hành hương cho đậm tính tôn giáo, lấy yếu tố tôn giáo chặn hết cái nhìn soi mói? Còn thương hại cho Phật giáo, khi chùa thờ Phật lại vướng vào cụm từ “du lịch tâm linh”, để cứ bị chính người Phật giáo đem ra soi, chọt, sao cho đình đổ mới chịu?
Tôn giáo khác cũng không ngồi chờ công ty xây chùa rồi bàn giao cho tổ chức tôn giáo, mà tổ chức tôn giáo chủ trì xây dựng trung tâm hành hương rồi sau đó du lịch hóa. Chẳng hạn, một ngọn đồi trong rừng ở tỉnh Bình Thuận, sau khi thành trung tâm hành hương, nay trở thành một thị trấn thu hút khách du lịch, hàng quán san sát.
Chúng ta nghĩ sao về quá trình tâm linh hóa du lịch, so sánh với quá trình du lịch hóa tâm linh?
Nhưng so sánh ở đây cũng không cần thiết ở chỗ nếu nhận thức bất kể quy trình nào, miễn sao “xây chùa, dựng tượng, đúc chuông” là được. Bây giờ nó là của ai, có trả tiền hay không trả tiền vào lễ vào kính, ai thu lợi... thì cũng không đáng bàn việc trước sau rồi đó cũng là của Tam bảo, của chung thập phương tăng già, bá tánh.
Nếu những bài viết hằn học với chùa to Phật lớn Phật giáo Việt Nam của RFI, RFA dạng như chúng ta đang tìm hiểu đây đạt mục tiêu thì sẽ hậu quả gì? Các thiết kết, bản vẽ, phối cảnh những ngôi chùa đồ sộ, những tượng Phật vĩ đại sẽ bị trả lại cho những người xin triển khai, bị cho vào máy hủy giấy rồi vứt rác? Không chùa, không Phật gì cả?
Nhà hàng hải sản, spa, xông hơi đấm bóp, vũ trường, beer club... xây dựng ở khu du lịch thì bình thường, nhưng xây chùa dựng tượng thì có những giọng điệu cong cớn từ chính phía Phật giáo để làm sao ngưng, dẹp bằng được mới thôi? Đọc bài viết trên Thư viện Hoa Sen này, tôi thấy chính người Phật giáo càng lúc càng hung tợn với chính những biểu hiện có Phật giáo?
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat1.132@gmail.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610