;
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
BAN TỔ CHỨC LỄ TANG
------------------------------
LỜI TƯỞNG NIỆM GIÁC LINH
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THANH TỨ
Của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Chân dung cố HT.Thích Thanh Tứ
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch . . . . .
Kính bạch . . . .
Kính thưa . . . .
Trước khi cử hành lễ phụng tống kim quan Hòa thượng nhập Bảo tháp, nơi an nghĩ ngàn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài có đôi lời tưởng niệm.
Kính bạch Giác Linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ,
Nhớ Giác linh xưa, thiện căn đầy đủ, hạnh nguyện đại thừa từ vùng đất địa linh nhân kiệt Trần gia thọ mạng một đời, Hòa thượng đã hiện thân Đại sĩ, xứ Hưng Yên thác tích hiện thân, nương các duyên thực hành Bồ tát đạo. Hòa thượng đã sớm kết duyên lành với ngôi Tam Bảo, tuổi mười hai xả tục cầu chân chùa Đống Long, Tổ Thanh Hồ truyền thụ tâm tông. Kể từ đó, đường giải thoát nâng nâng nhẹ gót; rồi đến độ tâm hoa khai phát, suối nghĩa dạt dào, đèn Thiền tỏ rạng, sáng danh Thích tử nghìn đời.
Sau bao năm vun bồi cội đức, nỗ lực tinh chuyên, thuận lý chân như, nhân duyên hội đủ theo luật Phật định kỳ, Hòa thượng đã được Nghiệp sư cho đăng đàn thụ Tỷ khiêu giới. Kể từ đây, giới thể châu viên, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, đạo nghiệp từ đây phát tích. Hòa thượng đã tỏa ngát hương thơm giải thoát, gióng trống lôi âm vang rền tiếng pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, tự tại thong dong, tùy duyên hóa độ chúng sinh, thừa hành Phật sự, làm cho pháp phái thiền gia ngày càng tỏ rạng, Tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạn, ân đức bay xa, chan hòa tình Đạo pháp. Quả thật:“Nào ai biết được trời không ấy, một bậc chân tu hiện giữa trần”.
Bằng hạnh nguyện lợi tha, nêu cao chí cả “Hộ quốc an dân”, là tu sĩ cũng là công dân nước Việt, khi nước nhà lâm cơn nguy biến, với lòng yêu nước thương dân, Hòa thượng đã bí mật tham gia phong trào Cách mạng và các phong trào phụng đạo yêu nước của giới Tăng Ni, Phật tử thời bấy giờ cho đến khi đất nước giành độc lập những năm 1945, góp phần làm cho xã hội an vui hạnh phúc, đất nước hòa bình thịnh vượng, đạo đời hòa quyện một thể viên thông. Quả thật: “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.
Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ. Với ân đức trang nghiêm, đạo tâm trác thế, trí tuệ viên dung, tùng lâm thạch trụ, ánh sáng của rừng thiền, cho nên mỗi lời nói của Hòa thượng là những đạo từ thâm thúy đã in đậm trong tâm của người con Phật; mỗi bước chân đi của Hòa thượng đã ghi dấu biết bao tình Đạo pháp nghĩa đồng bào; mỗi cử chỉ của Hòa thượng đều thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa. Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước noi gương.
Khi nước nhà thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum hợp một nhà, trong tinh thần hòa hợp, tứ chúng đồng tu, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức các tổ chức, Hệ phái Phật giáo tiến hành sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi Giáo hội được thành lập, Hòa thượng đã dành nhiều tâm huyết, công sức để làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm vững mạnh trên mọi phương diện, nhất là vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế. Quả thật:
""Mỗi người mỗi nước mỗi non
Khi vào cửa Phật như con một nhà
Cùng nhau thực hiện lục hòa
Chúng sinh lợi lạc chan hòa Bắc Nam ".
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, gần 70 năm hoạt động, Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, là một trong những Trưởng lão Hòa thượng lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có những quyết sách thuận trong vừa ngoài trong việc hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đối với sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng mở trường Cao cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam và đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có đầy đủ sở tu sở học, tích cực dấn thân và kiên định trong chí nguyện phụng sự đạo pháp theo phương châm của Giáo hội. Rất nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử là học đồ, môn đệ do Hòa thượng đào tạo, hoặc ảnh hưởng ân đức của Ngài, hiện nay đang đảm nhiệm các trọng trách của các cấp Giáo hội, tiếp nối sự nghiệp mà Ngài đã dầy công tạo dựng.
Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm tịnh độ tại thế gian, báo Phật ân đức và báo đáp công ơn của Thầy Tổ, Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chốn tổ chùa Châu Long, chùa Thọ Cầu, Đống Long, Nho Lâm, Bình Kiều, Bái Đính để những nơi đây xứng đáng là chốn phạm vũ huy hoàng tại nhân gian và cơ sở của Giáo hội tại địa phương. Đặc biệt, chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được đại trùng tu khang trang, tố hảo xứng tầm cơ sở Phật giáo của Việt Nam.
Là bậc đống lương, thạch trụ tùng lâm, kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 đến nay. Dù ở cương vị nào, Hòa thượng đều hoàn thành trọng trách, làm cho hình ảnh người Tu sĩ Phật giáo đi vào lòng người bằng những việc làm cụ thể, vì đạo nhưng không quên đời. Chính hành trạng và công đức của Hòa thượng đã viết nên trang sử rạng ngời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay. Quả thật,
Một mai thân xác tiêu tan,
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.
Pháp thân lồng lộng tuyệt vời,
Chiếu soi Pháp giới rạng ngời sử xanh.
Thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, thừa hưởng sự nghiệp to lớn mà Trưởng lão Hòa thượng đã trọn đời góp công góp sức làm nên, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn phát triển ở chiều rộng lẫn chiều sâu bằng cách sống, hành động, tư duy, ý chí của bậc xuất trần thượng sĩ.
Theo lý vô thường có sinh có diệt, Hòa thượng đã mãn nguyện Sa bà, thuận lý vô thường, trở về cõi Niết bàn vô tung bất diệt. Sự ra đi của Trưởng lão Hòa thượng để lại một sự trống vắng vô cùng, mất mát to lớn cho Giáo hội, cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước cũng như ở ngoài nước, môn nhân đệ tử học đồ và họ Trần. Song hành trạng, công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng ni, Phật tử, các cấp Giáo hội. Môn đồ đệ tử, họ Trần và Phật tử Việt Nam, nhất là trong trang sử Việt Nam thời hiện tại.
Trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo có đôi lời tưởng niệm để vĩnh biệt bậc chân nhân Đại sĩ sáng ngời gương đạo hạnh. Kính nguyện Giác linh Trưởng lão Hòa thượng bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích; và xin đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Trưởng lão Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chính pháp, xin hứa sẽ tiếp tục thực hiện những sự nghiệp mà Trưởng lão Hòa thượng còn để lại, nhất là làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh trang nghiêm trong lòng dân tộc như tâm nguyện của Trưởng lão Hòa thượng lúc sinh tiền.
Cuối cùng trong ý nghĩa Niết bàn vô tung bất diệt, trong bảo tháp trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng hãy an nghỉ cho ngàn thu vang bóng, pháp thân lồng lộng với hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy trong pháp giới vô biên – quả thật:
“Từ chân như Người đến ba miền,
Nay viên tịch trở về chín phẩm,
Tông phong, Tổ ấn gởi lại non sông,
Giáo hội, Môn đồ nghìn thu vĩnh biệt ”.
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THƯỢNG THANH HẠ TỨ GIÁC LINH THIỀN TỌA HẠ
Xin bái biệt Hòa thượng!
Giáo hội Phật giáo Việt Nam