;
Tôn giả Ananda xin phép Đức Phật cho Di mẫu Gotami và các vương phi, thể nữ xuất gia.
Đức Phật và Ananda
Ananda là người anh em họ với Đức Phật, và từng là người phụ tá của Ngài trong hơn hai mươi năm, vì thế nên khó có ai có thể hiểu Đức Phật hơn Ananda được. Mỗi khi Đức Phật được mời dự tiệc thì Ananda cũng đi theo, trong các buổi thuyết giảng thì Ananda cũng đều có mặt. Khi Đức Phật tiếp những người đến viếng hoặc trả lời các câu hỏi thì Ananda cũng có ở đó. Lúc nào Ananda cũng ở bên cạnh Đức Phật, chẳng khác gì như hình với bóng.
Nêu lên các điều trên đây là để thấy rằng đối với Ananda thì Đức Phật là tất cả. Tất nhiên những giây phút trong khoảng thời gian cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập-niết-bàn đã khiến Ananda đau đớn hơn bất cứ một người nào khác. Theo kinh Mahaparinibbana (Kinh Đại-bát Niết-bàn), Ananda tìm đến một tịnh xá gần đó, gục đầu vào thành cửa và nghĩ đến Đức Phật đang sắp ra đi, trong vài ngày hay vài giờ nữa mà thôi. Ananda đã khóc thật thảm thiết và thốt lên: "Thế là vị Thầy từng yêu quý mình vô vàn lại sắp từ bỏ mình để ra đi".
Những lời than thở đó mang thật nhiều ý nghĩa và đã được các vị đồng tu nghe thấy (nhờ vậy, cử chỉ đó và cả những lời than khóc đó của Ananda đã được các tỳ kheo khác ghi nhớ và lưu lại đến ngày nay). Suốt hai mươi năm bên cạnh Đức Phật, Ananda từng được nghe thật nhiều bài giảng và các lời giáo huấn, mà phần lớn mang nhiều ý niệm thật phức tạp, khúc triết , thật cao siêu hoặc huyền bí. Ananda cũng từng được nghe các câu trả lời của Đức Phật trước những câu hỏi đủ loại. Ananda rất kính phục trí thông minh, sự khả ái cùng các sự giải thích lưu loát và giản dị của Ngài trước các câu hỏi thật khúc mắc.
Ngoài ra Ananda cũng đã từng chứng kiến nhiều hiện tượng thật phi thường. Thế nhưng sự kính phục Đức Phật của Ananda không phải chỉ vì trí tuệ của Ngài, sự hiểu biết sâu sắc của Ngài, cách lập luận lưu loát của Ngài, quyền năng tạo phép lạ của Ngài, cũng không phải là sự dũng cảm hay nghị lực phi thường của Ngài, tất cả các thứ ấy chỉ là những gì phát sinh từ tâm thần Ngài. Đối với Ananda lòng nhân ái của Đức Phật mới chính là phẩm tính phi thường nhất nơi Ngài. Qua những năm tháng bên cạnh Đức Phật, Ananda từng cảm nhận được nhiều điều, nhất là cảm tính của Đức Phật đối với mình, và cảm tính đó có thể thu gọn trong một câu nói: "Đức Phật quả hết lòng thương yêu ta".
Một nửa Phật giáo nằm bên trong câu nói đó (tình thương của Đức Phật đối với Ananda và sự hy sinh của Ananda đối với Đức Phật biểu trưng cho một nửa Phật giáo, giáo huấn là một nửa còn lại: "tình thương" là lòng từ bi, "giáo huấn" là trí tuệ ). Trở lại với chủ đề của chúng ta, thì câu nói trên đây cũng chính là nguyên nhân đưa đến sự hình thành của lý tưởng người bồ-tát. Trí tuệ của Đức Phật không phải chỉ phản ảnh từ giáo huấn của Ngài, mà cả từ tình thương yêu và lòng từ bi của Ngài, hiện lên từ cuộc sống gương mẫu của chính Ngài, và đó là những gì đã in đậm trong tâm trí của Ananda.
Một số đệ tử của Ngài đã cảm nhận được điều đó, có nghĩa là họ không thể nào quy hết Phật giáo vào những lời giảng dạy của Đức Phật (ngoài giáo lý còn có cả tình thương yêu và lòng từ bi). Theo họ Phật giáo không chỉ đơn giản là trí tuệ có nghĩa là giáo huấn, mà còn là tình thương yêu và lòng từ bi, hiện lên từ cuộc sống của chính Đức Phật. Nói đến Phật giáo thì phải nghĩ ngay đến cả hai khía cạnh đó.
Thật vậy, chúng ta phải đạt được sự giác ngộ hầu giúp mình trông thấy sự thật: đấy là khía cạnh trí tuệ. Thế nhưng chúng ta cũng phải cố gắng đạt được trí tuệ vì mục đích mang lại phúc hạnh cho tất cả chúng sinh: đấy là khía cạnh của lòng từ bi. Hai khía cạnh đó gộp chung với nhau sẽ làm hiện lên lý tưởng của người bồ-tát. Đấy chính là phương thức và nguyên nhân đưa đến sự hình thành của lý tưởng người bồ-tát.
Ananda hết lòng chăm lo cho Đức Phật, không nghĩ gì đến sự thăng tiến tâm linh của mình, vì thế người ta có thể xem Ananda như là người bồ-tát đầu tiên. Nếu có thể tin vào những điều thuật lại trong kinh sách thì sau khi Đức Phật nhập diệt, Ananda lại tiếp tục con đường của Ngài, tức là đi hết nơi này đến nơi khác để thuyết giảng Dhamma, bước theo sau là cả một đoàn các tỳ kheo đông đảo. Thế nhưng chính cung cách hành xử đó của Ananda cũng đã từng bị chỉ trích (cho rằng Ananda không màng đến sự giải thoát và giác ngộ cuối cùng cho riêng mình).
Tuy nhiên nếu như có một người nào đó hành xử gần nhất với Đức Phật, thì nhất định người ấy sẽ không phải là ai khác hơn là Ananda. Các câu chuyện thuật lại đôi khi không được trung thực (trách Ananda không quyết tâm tu tập cho riêng mình); thì không thể tin hết được. Dầu sao Ananda cũng đã vượt qua lịch sử Phật giáo như là một nhân vật tạo được nhiều sự chú ý nhất, không có một vị arahant (A-la-hán) nào sánh kịp, kể cả Mahakassapa (Ma-ha Ca-diếp) và cả Moggallana (Mục-kiền-liên).
Một số người cho rằng Ananda cố ý trì hoãn việc tu tập của mình là để có thì giờ chăm lo cho Đức Phật, vì thế nên không đạt được giác ngộ trước khi Đức Phật nhập-niết-bàn. Cách suy nghĩ đó khá hời hợt, bởi vì đấy là cách cho rằng sự chăm lo cho kẻ khác không liên hệ gì đến sự thăng tiến tâm linh của mình. Thế nhưng phải hiểu rằng phục vụ kẻ khác cũng chính là một thành phần của việc tu tập. Hơn thế nữa người ta có thể bảo rằng lý tưởng phục vụ kẻ khác là một trong số các con đường phát triển tâm linh hữu hiệu nhất. Trên con đường đó, người tu hành sẽ vượt lên trên cái ngã của mình, các quyền lợi cá nhân và các tham vọng của mình, và đấy cũng là những gì mà Ananda đã làm.
Ananda chăm lo cho Đức Phật không hề là cách chọn cho mình con đường dễ dãi và hời hợt. Kinh sách đã rất dứt khoát về điểm này: Ananda trì hoãn việc phát triển tâm linh của mình là để nhận lãnh một trọng trách khác cao quý hơn. Thật vậy, Kinh điển Pali cho biết Ananda chỉ đạt được cấp bậc arahant (A-la-hán) sau parinirvana (nhập-niết-bàn) của Đức Phật, thế nhưng không hề có ý nêu lên sự trể nãi đó là vì lý do Ananda phải chăm lo cho Đức Phật. Thế nhưng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên suy nghĩ thêm về sự kiện đó, sở dĩ sự trể nãi đó đã xảy ra phải chăng là vì Ananda không xem cuộc đời tu tập của mình là để đạt được một mục đích nhất định nào đó như các vị arhant khác.
Dường như Ananda không quan tâm mấy đến mục đích đó của mình. Nếu muốn làm sáng tỏ về vấn đề này thì phải cần thêm nhiều khảo cứu khác nữa. Đối với nhiều thể dạng tu tập khác cũng vậy, cũng cần phải nghiên cứu thêm. Người ta có thể suy đoán được ý nghĩa tâm linh về các thể dạng tu tập đó, thế nhưng nguồn gốc lịch sử thì hết sức khó truy tìm (những gì trên đây cho thấy sự cố gắng của nhà sư Sangharakshita trong việc tìm hiểu và truy tìm nguyên nhân và nguồn gốc đưa đến lý tưởng của người bồ-tát và cũng có nghĩa là của cả Đại thừa. Trên phương diện tín ngưỡng thì điều đó có thể "suy đoán" được, thế nhưng trên phương diện sử học thì thật hết sức khó chứng minh các điều "suy đoán" đó).
Cũng vậy, thật khó giải thích tại sao lý tưởng của người bồ-tát lại xuất hiện dưới hình thức một trào lưu tu tập nêu lên một sự khác biệt với quan điểm của những người không bước theo cùng một đường hướng tu tập với mình. Thế rồi vào một ngày nào đó, họ tự gọi cách tiếp cận ấy của mình là Mahayana, có nghĩa là "con đường rộng lớn" hay "cỗ xe lớn", và gọi những người không chấp nhận cùng một phương cách tiếp cận như họ là những người bước theo Hinayana, là "con đường nhỏ" hay "cỗ xe nhỏ" (Trong số tất cả các học phái xưa, đại diện duy nhất ngày nay của con đường Hynayana là Phật giáo Theravada) (các lời ghi chú trong hai dấu ngoặc này là của dịch giả trong bản dịch tiếng Pháp.
Thiết nghĩ cũng có thể xem Phật giáo Theravada là cốt lõi của Phật giáo nóí chung. Nếu muốn bước theo Phật giáo Đại thừa một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh thì trước hết phải thấu triệt và nắm vững "cốt lõi" đó của toàn bộ Phật giáo. Mahayana là một "cỗ xe lớn" có thể chuyên chở được nhiều người, thế nhưng dường như cũng khá nặng nề và kềnh càng. một cỗ xe nhỏ dường như đôi khi cũng có cái lợi của nó. Dầu sao trí tuệ cũng phải cần đến từ bi và ngược lại từ bi cũng phải cần đến trí tuệ. Trí tuệ không từ bi hay từ bi không trí tuệ có thể đưa đến những sự tai hại khôn lường).
Các sự kiện lịch sử đôi khi thiếu chính xác. Giáo huấn do Phật giáo Theravada lưu giữ, tuy phải trải qua một thời gian thật dài gồm nhiều thế kỷ, thế nhưng vẫn bảo toàn được một phần lớn tinh thần và cả các lời giảng trong giáo huấn nguyên thủy của Đức Phật. Vậy nếu những người "hynayana" (tiểu thừa) không hề quan tâm đến cuộc đời của Đức Phật [mà chỉ nghĩ đến giáo lý] thì tại sao trong Kinh điển Pali các câu chuyện về cuộc sống của Đức Phật lại được ghi chép tỉ mỉ đến như thế? Điều đó phải chăng đã cho thấy không những họ chỉ biết chú tâm vào giáo huấn của Đức Phật mà cả cuộc đời của Ngài nữa.
Tuy nhiên người ta cũng có thể bảo rằng họ lưu giữ kinh điển chủ yếu chỉ là để bảo toàn giáo huấn của Đức Phật, nhưng đồng thời thì họ cũng ghi chép luôn cả những gì mà họ có thể làm được, nhưng không hề quan tâm đến các thứ ấy. Dầu sao chúng ta cũng phải biết ơn họ về những gì mà họ đã làm, bởi vì nếu không có các kinh sách mà họ lưu giữ được thì ngày nay làm gì mà chúng ta có được một ý niệm về Phật giáo trong các thời kỳ tiên khởi.
Tất nhiên chúng ta không thể nào hình dung được Phật giáo là gì qua các trước tác của Mahayana (Đại thừa). Các trước tác đó trên phương diện tổng quát cho thấy một sự cố gắng tái lập một cấu trúc mới cho toàn thể giáo huấn Phật giáo, với chủ đích không những chỉ quan tâm đến Đức Phật lịch sử mà cả những gì mà người ta gọi là cuộc sống mẫu mực (khuôn mẫu, lý tưởng/archetypal) của Ngài (có nghĩa là Đức Phật là hiện thân của một chúng sinh siêu nhiên, ngoài trí tuệ còn hàm chứa cả một quyền năng thiêng liêng. Và đấy cũng là những gì đưa dần giáo huấn của Đức Phật đến gần một tín ngưỡng).
Các phần cuối trong Kinh điển Pali (tức là phần bình giải trong Tạng Luận) dù đã được chọn lọc cẩn thận, thế nhưng vẫn còn giữ được một số khía cạnh nguyên thủy trong giáo huấn, giúp chúng ta tìm hiểu thêm về giáo huấn này. Một số kinh sách Mahayana, chẳng hạn như các bài kinh trong Ratnakuta (Bảo tích kinh, một bô kinh của Đại thừa, gồm 49 bài kinh, nêu lên một đường hướng tu tập cân bằng giữa từ bi và trí tuệ) dường như cũng hàm chứa một vài dấu vết nguyên thủy trong giáo huấn của Đức Phật.
Thế nhưng một số khác, chẳng hạn như kinh Hoa Sen (Suddharmapundarikasutra, là một bộ kinh có xu hướng chú trọng nhiều hơn đến các phương tiện thiện xảo/upaya thay vì "giáo huấn". Đây cũng là một điểm tế nhị, có thể khiến người tu tập không trông thấy rõ con đường do Đức Phật vạch ra, có nghĩa là dễ bị lạc hướng trong các ngõ ngách của các phương tiện thiện xảo.
Ngoài ra cũng cần lưu ý là chữ Đại thừa/Mahayana lần đầu tiên được nêu lên trong bộ kinh này) gần như không có một sự liên hệ nào với giáo huấn lịch sử của Đức Phật cả. Qua các kinh sách Mahayana người ta có thể tạo ra cho mình một sự hiểu biết khá đầy đủ về tinh thần Phật giáo, thế nhưng nếu muốn tìm lại những lời thuyết giảng nguyên thủy mà tinh thần Phật giáo đó đã được hình thành, thì nhất thiết phải quay lại với Kinh điển Pali. Dầu sao đi nữa, như đã được trình bày trên đây, chúng ta cũng có thể tìm thấy trong các các kinh sách này các mẫu chuyện thật sinh động về con người và cả cuộc sống của Đức Phật.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Bài viết trên đây cho thấy một sự cố gắng vượt bực của nhà sư Sangharakshita trong việc tuy tìm nguồn gốc tiên khởi nhất đưa đến lý tưởng của người bồ-tát và cũng là của toàn thể Đại thừa. Nguồn gốc đó phát sinh từ Con người và Cuộc sống của Đức Phật và của cả người đệ tử bên cạnh Ngài là Ananda.
Các học giả Tây phương nói chung thường quan tâm đến những gì thật chính xác, trên phương diện sử học cũng như triết học, riêng đối với tôn giáo thì các nhân vật lịch sử thường thu hút họ nhiều hơn là các nhân vật sáng tạo mang tính cách tín ngưỡng. do đó tư liệu tìm hiểu về Ananda thật dồi dào và phong phú.
Ananda được gia nhập Tăng đoàn hai năm sau khi Đức Phật đạt được giác ngộ và bắt đầu thuyết giảng. Ananda được chính Đức Phật thụ phong và cũng là một trong số các đệ tử lâu đời nhất luôn bên cạnh Ngài và từng chứng kiến giây phút parinirvana (nhập-niết-bàn) của Ngài. Tóm lại Ananda là một trong số các đệ tử chịu nhiều ảnh hưởng của Đức Phật nhất, và cũng được thừa hưởng nhiều giáo huấn nhất, ngược lại Ananda cũng là người tạo được nhiều ảnh hưởng đối với Đức Phật. Sau đây chỉ xin đơn cử vài sự kiện đáng lưu ý.
Ananda từng thuyết phục Đức Phật cho phép mẹ nuôi của mình là Mahaprajapati Gautami được gia nhập Tăng đoàn, đánh dấu sự thành lập của Tăng đoàn tỳ-kheo-ni đầu tiên. Một sự kiện khác đáng để suy nghĩ là sau hơn bốn mươi năm gia nhập Tăng đoàn cho đến khi Đức Phật nhập diệt, Ananda vẫn chưa đạt được cấp bậc arahant (A-la-hán).
Thế nhưng nếu muốn tham gia vào ban điều hành của Đại hội kết tập Đạo Pháp tổ chức lần thứ nhất sau parinirvana của Đức Phật thì ít ra cũng phải đạt được thể dạng arahant. Trong khi đó hầu hết các đệ tử khác lúc bấy giờ đều cho rằng sự tham gia của Ananda vào ban điều hành không thể nào thiếu sót được, vì thế Ananda dã phải ra sức biệt tu trong một khu rừng cho đến khi kiệt lực, gần như ngất xỉu, để đạt được cấp bậc này. Kinh sách cho biết Ananda có một trí nhớ phi thường, một mình Ananda nhớ được 82000 bài kinh, các tỳ kheo khác chỉ nhớ được 200 bài.
Thế nhưng thiết nghĩ dường như sự kiện đáng lưu ý nhất và cũng quan trọng nhất trong cuộc đời tu tập của Ananda là trở thành người phụ tá thường trực của Đức Phật sau 20 năm đầu tiên sinh hoạt với Tăng đoàn. Trong suốt thời gian này các tỳ-kheo luân phiên nhau làm phụ tá cho Đức Phật, thế nhưng một hôm Đức Phật triệu tập toàn thể Tăng đoàn và cho biết là Ngài muốn chọn một người phụ tá thường trực bên cạnh Ngài.
Nhiều tỳ kheo tỏ ý muốn nhận lảnh trách vụ đó, thế nhưng Ananda không tỏ lộ gì cả. Đức Phật bèn hỏi Ananda tại sao lại không có ý kiến gì, và chỉ khi đó Ananda mới cho biết là mình rất muốn làm phụ tá cho Đức Phật, thế nhưng Ananđa cũng xin Đức Phật chấp nhận tám điều kiện do mình đưa ra.
Tám điều kiện đó gồm chung trong ba điểm chủ yếu: điểm đầu tiên là Đức Phật sẽ không ban tặng hoặc dành riêng bất cứ một sự ưu ái nào cho cá nhân mình; điểm sau đó là Ananda có quyền từ khước hoặc chấp thuận lời mời Đức Phật của bất cứ ai, và đồng thời cũng có quyền khước từ hoặc chấp thuận lời thỉnh cầu yết kiến Đức Phật của bất cứ ai; điểm sau cùng là Đức Phật chấp nhận trả lời các câu hỏi do mình nêu lên và được phép lập lại những lời thuyết giảng của Đức Phật trong khi Ngài vắng mặt. Đức Phật đã chấp thuận những lời thỉnh cầu đó, và bắt đầu từ đó Ananda đã trở thành người phụ tá của Đức Phật cho đến ngày Ngài nhập-niết-bàn. Sau 20 năm gia nhập Tăng đoàn và sau đó là hơn 20 năm làm phụ tá cho Đức Phật, gồm chung tất cả là hơn 40 năm Ananda đã sống bên cạnh Đức Phật.
Thế nhưng phía sau sự kiện trên đây còn có những gì khác hơn và sâu xa hơn khiến chúng ta phải suy nghĩ hay không? Phải chăng Đức Phật đã có ý chọn Ananda làm người phụ tá cho mình trước khi nêu lên ý định đó trước đại hội, thế nhưng Ngài không chỉ định ngay trước đại hội mà chờ Ananda đưa ra điều kiện và sau đó thì mới chấp thuận? Dó là cách tránh mọi sự ganh tị và phân bì có thể xảy ra trong Tăng đoàn, và phải chăng đấy cũng là một tầm nhìn xa về sự tiếp nối của con đường Dhamma do Ngài vạch ra?
Trước khi nhập diệt, Đức Phật đưa ra các lời di huấn, nhưng không chỉ định một đệ tử nào thay mình giảng dạy và hướng dẫn Tăng đoàn. Trong bài viết trên đây nhà sư Sangharakshita nêu lên hình ảnh Ananda, sau parinirvana của Đức Phật, đã tiếp tục con đường của Ngài, tức là đi hết nơi này đến nơi khác để thuyết giảng, với cả một đoàn tỳ-kheo đông đảo bước theo sau. Phải chăng Đức Phật đã trông thấy hình ảnh đó từ hơn hai mươi năm trước?
Ngoài ra trong bài viết trên đây, nhà sư Sangharakshita cũng đã nêu lên cho thấy sự hy sinh của Ananda đối với Đức Phật và lòng nhân từ vô biên của Đức Phật, là hai yếu tố đưa đến sự hình thành của lý tưởng người bồ-tát. Cái lý-tưởng đó là một sức mạnh, một cái gì đó từ bên ngoài thu hút chúng ta nhìn vào đó để bước theo. Thế nhưng trong khi bước đi trên con đường đó, thì sức mạnh đó, lý tưởng đó, sự thu hút đó lại tạo ra các tác động hướng vào bên trong con người của mình, biến cải tâm thức của chính mình.
Thật vậy khi nào nhận thấy được thật sâu xa và chân thật khổ đau của từng mỗi chúng sinh và của tất cả chúng sinh, từ trong quá khứ cho đến hiện tại và cả tương lai, trên hành tinh này và cả trong cùng khắp vũ trụ, thì khi đó chúng ta cũng sẽ nhận thấy được sự rộng lớn của lý tưởng đó, cái trọng trách bao la đó nơi người bồ-tát.
Cái lý tưởng hay trọng trách đó không nhất thiết chỉ hiện ra trước mắt mình qua hình ảnh của Đức Phật, của Ananda hoặc của đoàn người bước theo họ, mà là ở bên trong chúng ta, hiện lên từ con tim và khối óc của chúng ta, từ Phật tính của từng mỗi chúng ta. Cái trọng trách đó, cái sức mạnh đó, cái lý tưởng đó dường như không có một điểm chấm dứt nào cả.
Bures-Sur-Yvette, 24.04.20
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)