;
Một buổi sáng, do Phật tử Vũng Liêm giới thiệu, về hướng Bình Đại, huyện Châu Thành, Bến Tre, Xã Giao Hòa giáp chân cầu mà trước kia là bến phà, quẹo vào làng quê của xứ dừa, cổng chùa xuất hiện như khiêm tốn ẩn mình giữa không gian tĩnh lặng. Thật tình mà nói, nhiều người có tâm hồn từ thiện rất ngán ngẫm mỗi khi nghe nói đến các nhà mở, các mái ấm, các viện mồ côi do xã hội đảm trách hay tôn giáo cai quản. Mạnh thường quân đến viếng, hầu hết đều cảm nhận rằng các cháu ăn mặc rất bẩn, sinh hoạt bừa bãi, thiếu vệ sinh, không ngăn nắp và việc ăn uống cũng chưa tương xứng với sự ủng hộ của những tấm lòng hào hiệp dành cho trẻ con trong các tụ điểm nuôi trẻ mồ côi như thế, ngược lại, các vị cai quản lại quá thừa thải trong mọi phương tiện sinh hoạt như xe cộ, điện thoại cầm tay, áo quần, trà nước…chưa nói đến một ngân khoản khá lớn dành cho việc giao tế của viện.
Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi gặp sư cô Ngộ Mai, người vừa là trụ trì một cổ tự, vừa là bà mẹ của 70 đứa trẻ không mẹ cha, đang xúm xít trong một ngôi chùa mà chỗ ăn chỗ ở chưa đủ không gian sinh hoạt hợp lý. Lần đầu gặp sư cô, không ai nghĩ người là trụ trì chứ chưa nói là bà mẹ hào hiệp của những mãnh đời bất hạnh. Cô cho biết nguyên nhân đầu tiên thành lập chùa mồ côi là khi gặp trẻ con sắc tộc vùng cao nguyên, đói ăn, bắt trùng dế và bất cứ con gì ăn được đều cho vào mồm; chúng thất học, thậm chí lang bạt vì không có mẹ cha, từ đó sư cô phát tâm nuôi các con em bị bỏ rơi. Khi nghe kể như thế, người đối diện liên tưởng ngay có lẽ sư cô là người sắc tộc, vì vóc dáng quê mùa, ăn nói cục mịch chân chất, đen đúa, thậm chí ăn mặc xuề xòa như một nông dân chân lấm tay bùn, nhưng khi biết ra, sư cô là đệ tử của cố HT T. Minh Phát, chùa Ấn Quang, được thầy đưa về đảm nhận ngôi chùa nầy trên 25 năm, nuôi trẻ trên 20 năm.
Phật tử Vũng Liêm đến thăm viếng lần đầu, không gặp do sư cô đi đám lấy tiền nuôi các cháu, mãi 18 năm sau, quần chúng các nơi mới biết nơi đây có nuôi trẻ mồ côi, tức hai năm trở lại chùa mới được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm khắp nơi. Có lẽ vì thế mà thợ đang xây dựng thêm chỗ cho các cháu cư trú sinh hoạt. Nhiều đoàn đến thăm, phát quà, các cháu đều quy tụ trên chánh điện.
Hiện nay, sư cô nuôi 70 em, lớn nhất là vào đại học được 4 cháu, hoặc các ngành nghề khác nhau. Nhỏ nhất là còn nằm nôi; hai cháu đang học lớp 12. các cấp còn lại có 50 cháu. Lớp mầm lá có 12 cháu. Sư cô được một số người tình nguyện làm bảo mẫu không lương. Các tình nguyện viên như thế được 25 vị.
Các trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện khi sanh xong, được bác sĩ gọi cho sư cô đến bảo lãnh. Hiện hai cháu được hơn một tháng tuổi. Một cháu khác được năm tháng đang nằm sốt, có lễ cần hơi ấm của mẹ, nhưng cháu thiêm thiếp trong nôi được bao phủ tình thương của sư cô và các bảo mẫu. Theo sư cô, việc lo cái ăn, cái học cho các cháu không đáng ngại bằng lúc ốm đau, những lúc như thế, sư cô vay mượn khắp nơi để đưa các con đi bệnh viện. Với tình thương và trách nhiệm như thế, nhiều cháu trưởng thành, ra ngoài lập nghiệp, vẫn không quên ân đức nhà chùa nên thường trở về thăm viếng bà mẹ nhân ái và mái ấm nhà chùa nơi thôn quê êm ả!
Tuy cái ăn cái mặc chưa được đầy đủ, tươm tất, nhưng vẫn không thiếu so với những trẻ con nơi thôn quê nghèo khó nầy. Hàng ngày sư cô giao cho các bảo mẫu trông nom cơ sở để chạy vạy kiếm tiền. Nguồn thu nhập chính của những năm trước là đi đám, bây giờ chùa làm thêm sữa đậu nành cho khách tham quan để có thêm thu nhập, và cũng được sự quan tâm từ các mạnh thường quân gần đây. Mùa Trung Thu nầy được một số huynh đệ Mỹ Tho, Vĩnh Long, Vũng Liêm ủng hộ hàng trăm chiếc bánh, trong đó, một số dân quê nghéo ăn theo mỗi khi có đoàn từ thiện đến ủng hộ.
Một chùa Cô nhi nằm giữa thôn quê nghèo,cuộc sống chung tất phải khó khăn mọi bề, nhưng sư cô, với đầu trần chân đất hòa nhập chung nếp sống cơ hàn, đã tạo được niềm tin đối với quần chúng, vì thế, họ không ngại xa xôi, đến phụ giúp sư cô để góp phần an ủi những mãnh đời bất hạnh mà tương lai là công dân của một dân tộc, biết đâu trong số các cháu, sẽ là một trong những nhân tài cho đất nước.
Rất may là chính quyền địa phương không gây khó khăn cho chùa như một vài nơi mỗi khi mở điểm nuôi trẻ mồ côi; nhờ vậy mà sư cô ngày một phát triển theo hạnh nguyện, vì sư cô vốn xuất thân từ trẻ mồ côi. Chính vì vậy người mới hiểu thế nào là giá trị của một tình thương cần sưởi ấm lòng người.
Địa chỉ: Chùa Phật Minh 69, ấp 3, xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre. ĐT 0753865049 DĐ 0919638871, Tài khoản ngân hàng: Nguyễn Thị Liễu (Thích Nữ Ngộ Mai) 7108205010810 ngân hàng Nông nghiệp Agribank.