;
Chúng ta đều biết, trước khi kỹ thuật in máy du nhập, thì cha ông chúng ta xuất bản sách bằng kỹ thuật in mộc bản.
Việc du nhập kỹ thuật in mộc bản vào nước ta và việc triển khai kỹ thuật này có phần đóng góp lớn lao của Phật giáo Việt Nam, cụ thể là Phật giáo đời Lý.
Sách “Thiền uyển tập anh” ghi nhận về việc in mộc bản như sau: “Thiền sư Tín Học họ Tô, người làng Chu Minh phủ Thiên Đức vốn làm nghề khắc bản in, ông mất vào ngày 12 tháng 5 năm 1190 vào đời Lý Cao Tông” (1).
Đoạn văn trên được coi là ghi nhận sớm nhất về hoạt động in mộc bản vào nước ta.
Từ ghi nhận trên, có thể khái quát liên hệ của việc phổ biến kinh Phật và kỹ thuật in mộc bản như sau, theo tác giả Đinh Thị Thạch Ủng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM qua bài “Nghề in khắc mộc bản Việt Nam”, đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 834: “Kỹ thuật in khắc mộc bản được truyền vào Việt Nam đầu tiên phục vụ nhu cầu in kinh Phật. Triều Lý là triều đại coi trọng Phật giáo, việc truyền bá Phật giáo trong nước được chú tâm, vì vậy nhu cầu kinh sách ngày càng cao, việc in ấn kinh Phật trở thành nhu cầu thiết yếu của triều đình và cộng đồng Phật giáo trong cả nước. Từ khi Phật giáo truyền vào nước ta khoảng thế kỷ I Công nguyên, sách kinh lưu hành chủ yếu phải chép tay lại từ sách của Trung Quốc, trong khi đó ở Trung Quốc vào thời nhà Đường từ thế kỷ VIII đã biết đến kỹ thuật khắc in mộc bản và sách kinh phần lớn ra đời chủ yếu bằng phương pháp này”.
Chúng ta có thể có một số nhận định rút ra từ sự việc trên như sau:
Đời Lý mà thời gian cao điểm hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam. Việc Phật giáo hưng thịnh được biểu hiện bằng nhu cầu lớn lao về số lượng kinh Phật, nhu cầu phổ biến rộng rãi kinh Phật. Chính nhu cầu này đã thúc đẩy việc phát triển kỹ thuật in mộc bản.
Kỹ thuật in mộc bản cho phép nâng cao số lượng kinh Phật được phổ biến, đồng thời cũng tạo ra một bước phát triển lớn trong hoạt động xuất bản sách ở nước ta.
Đời nhà Trần, có ghi nhận việc khắc in hơn 5000 quyển kinh Phật. Đời nhà Hồ có in tiền giấy.
Chúng ta có thể thấy ở đây quan hệ giữa nhu cầu phổ biến kinh Phật và sự phát triển của trước tác Phật giáo với sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam. Nhu cầu về đọc tụng kinh Phật gắn liền với sự hưng thịnh của Phật giáo. Không thể có một đạo Phật hưng thịnh nếu không có sự truyền bá rộng rãi của giáo pháp.
Ngược lại, hoạt động phổ biến kinh Phật là một biểu hiện cho Phật giáo hưng thịnh. Biểu hiện này được ghi nhận rõ nét ở vương triều Lý, khi nhu cầu in kinh Phật thúc đẩy kỹ thuật in mộc bản.
Đây là một bài học quý cho việc truyền bá Phật giáo. Không thể quan niệm sự phát triển của việc cúng bái là biểu hiện sự hưng thịnh Phật giáo. Sự hưng thịnh của Phật giáo phải gắn liền với sự phổ biến của giáo pháp, cụ thể là sự phổ biến kinh điển.
Ngược lại, việc hoằng truyền giáo pháp tất yếu có tác động tích cực đến sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn sau đó, thời nhà Trần.
MT
(1) Lê Mạnh Thát dịch, 1999, Thiền Uyển tập anh, nhà xuất bản TPHCM, trang 64, dẫn theo Đinh Thị Thạch Ủng: “Nghề in khắc mộc bản Việt Nam, Tạp chí Kiến thức ngày nay số 834 trang 11.
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh