;
NHỜ MA LÀM ĐỐI TƯỢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN PHẬT TÂM.
Hành giả Pháp Hoa muốn thể hiện chân lý phải giáp mặt cuộc đời, phải thực hiện trong cuộc sống mới biết rõ tường tận. Bắt vua làm những việc khó nhọc ông chưa từng làm hay những nghịch cảnh xảy ra để hành giả tự kiểm tra tâm mình có thật sự cầu đạo không.
Trong thử thách khó khăn, mới luyện được ý chí và nó là môi trường cần thiết cho sự tăng tấn đạo hạnh của chúng ta, biết được mức độ dẹp bỏ tham sân phiền não của ta đến đâu. Tuy nhiên, khó khăn tốt nhất là vừa sức mình để đời sống thăng hoa, không bị nhận chìm.
Người hành đạo Bồ tát, mỗi niệm liên tục khéo điều chỉnh thân tâm vượt qua mọi xấu ác trên nhân gian cho đến ngày thành Vô thượng chánh giác. Chỉ trong môi trường nhơ xấu, hành giả Pháp Hoa mới thể hiện trọn vẹn tinh thần trong sáng.
Muốn thành tựu Thánh hạnh, phải bình an ngay trong nghịch cảnh. Trái lại, luôn nuôi dưỡng trong hoàn cảnh thuận tiện, hành giả dễ sanh tâm tăng thượng mạn hay ngờ nghệch. Khi thông được với Phật, hành giả nhận được hộ niệm của Ngài, vượt qua mọi nguy hiểm; nếu còn tham chấp, bực tức, tất nhiên không đồng hạnh nguyện với Phật thì Phật lực không thể truyền đến được.
Nhà vua muốn trở thành người vô thượng, cầu đạo vô thượng, Tiên nhân đặt những vấn đề hoàn toàn trái ngược cho vua làm. Từ địa vị sung sướng nhất phải chịu cực khổ nhất, nghĩa là tinh thần Diệu Pháp Liên Hoa không rời bản vị giải thoát ở Niết bàn mà vẫn hiện hữu tự tại trong sanh tử. Đầy đủ tốt đẹp cả hai mặt bản thể thường hằng và sanh diệt biến đổi, mới chứng được giáo lý bất nhị.
Giáo nghĩa này không dùng lời nói được, phải thể nghiệm trong cuộc sống. Phải có hai đối tượng thuận nghịch để quan sát, vui chứng thể bất nhị. Khi giàu sang đầy quyền lực xem tâm mình ra sao và lúc trắng tay, hành giả cảm nhận thế nào. Ở trong cùng cực đau khổ có rơi vào tuyệt vọng không ? Gặp cay đắng, hành giả mới có điều kiện điều chỉnh thân tâm.
Phật xác định Đề Bà Đạt Đa là đại thiện tri thức, là thắng phước nhân duyên giúp Ngài mau thành Phật. Ý này trong kinh Duy Ma diễn tả rằng Bồ tát Duy Ma nhận chúng ma làm pháp lữ. Nhờ ma làm đối tượng để phát triển Phật tâm. Vì tu hành không chướng ngại, không thể đắc đạo hay vô ma khảo bất thành đại đạo. Riêng chúng sanh gặp chúng sanh thì vỏ quýt dày móng tay nhọn hay ăn miếng trả miếng.
Phật dạy vì có người ác hại, thiện tâm chúng ta mới phát sinh. Từ vô lượng kiếp đến nay, bên cạnh Phật luôn có Đề Bà Đạt Đa đóng vai mặt đen, để vai Phật sáng lên. Đề Bà Đạt Đa mang mặt quỷ nhưng chứa đựng tâm Phật.
Không có Đề Bà Đạt Đa, chúng ta không thấy được tâm từ bi vô lượng của Phật. Thật vậy, sự hiện hữu của một Đề Bà Đạt Đa xấu ác thường song hành bên Đức Phật thuần thiện, đã làm nổi bật trọn vẹn tư cách thánh thiện của Thế Tôn.
Nhiều kiếp xa xưa trước, Đức Thích Ca đã nhờ Đề Bà Đạt Đa giáo hóa và hiện kiếp Đề Bà Đạt Đa cũng tạo những chống phá thử thách giúp cho Phật thể hiện lòng từ, thành tựu những hạnh khó làm.
Điều này gợi nhắc rằng đối tượng tu hành của hành giả là người tệ ác. Họ càng tệ ác, hành giả càng phát triển đạo đức, mới thực sự tiêu biểu cho hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu. Học kinh Pháp Hoa với Tiên nhân hay Đề Bà Đạt Đa, Phật thể hiện tâm từ bi, nhẫn nhục, nhu hòa cao độ, diệt sạch tâm kiêu mạn, mới thành tựu trọn vẹn hạnh Bồ tát.
Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng
LƯỢC GIẢI KINH PHÁP HOA - Phẩm 12 - ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA