;
Thực hư chuyện “rắn tu“ ở ngôi chùa nổi tiếng miền Trung
Nhà bà Chanh nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh rì ở khu Thới Bình, phường Thới An, quận Ô Môn - TP Cần Thơ. Khi chúng tôi đến nhà, bà đang tỉ mẩn lau chùi chày và cối dùng để giã thuốc. "Cha mẹ tôi đặt tên con cái theo các loại trái cây. Tôi tuy tên Chanh nhưng không chua ngoa gì đâu nhé!" - bà đùa.
Với giọng nói nhẹ nhàng và gương mặt nhân hậu, bà Chanh tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện, gần gũi. Bà Chanh cho biết từ năm lên 8 tuổi, bà đã theo ngoại hái thuốc. Bà ngoại của bà Chanh là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mót, từng nổi tiếng với tài trị rắn cắn. "Hồi nhỏ, tôi hay theo giúp ngoại chữa trị cho người bị độc xà cắn. Dần dà, tôi nguyện lớn lên sẽ học hỏi để cứu người như ngoại" - bà tâm sự.
Bà Chanh trồng những loại cây thuốc trị rắn độc cắn trong vườn nhà để nhanh chóng cứu người. Ảnh: C.L
Trong dòng họ, bà Chanh là con cháu đời thứ 5 nối nghiệp tổ tiên trị rắn cắn. Năm 42 tuổi, bà Chanh bắt đầu tự mình cứu chữa cho nạn nhân của rắn độc. Do cây thuốc phải đi săn tìm, tốn thời gian, trong khi nạn nhân của độc xà cần phải chữa trị gấp nên bà đã dành một khoảng đất trống trước nhà trồng nhiều loại cây trị rắn cắn như é tía, đỗ trọng, chó đẻ, cỏ ống, ráng đồng tiền…
"Mỗi lần cứu sống được một người bị rắn cắn, tôi lại rút ra một kinh nghiệm. Khi tiếp cận nạn nhân, tôi phải quan sát vết cắn, xác định loại rắn để cho liều thuốc phù hợp. Chẳng hạn, vết cắn rắn lục thì 2 dấu răng hơi thưa, hổ lát cắn để lại 2 dấu răng khít, trong khi chàm quạp cắn lại có 7-8 dấu răng…" - bà Chanh nói. Sau đó, bà dùng các loại cây thuốc giã nhuyễn vắt lấy nước cho nạn nhân uống. Kết hợp dùng dầu gió xoa bóp, sau 1-2 giờ là người bị rắn cắn hồi phục. "Rắn càng độc thì liều lượng thuốc dùng sẽ nhiều hơn" - bà giải thích.
Tính đến nay, qua gần 30 năm hành nghề, bà Chanh không khỏi tự hào vì đều cứu sống được tất cả các trường hợp bị rắn cắn tìm đến mình. Dần dần, tiếng tăm của bà vang xa, nhiều người bị rắn cắn ở tận An Giang, Ðồng Tháp… cũng tìm đến. "Mới đây, một người ở tổ thuốc nam trên núi Cấm - An Giang cũng đến xin những cây thuốc và học hỏi kinh nghiệm" - bà khoe.
Ở vùng sông nước miền Tây, rắn độc nhiều vô kể và người dân bị chúng cắn thường xuyên như cơm bữa. Có ngày, bà Chanh cứu chữa khẩn cấp cho 3-4 nạn nhân.
Người dân ở phường Thới An hiện còn nhắc chuyện bà Chanh giành lại mạng sống cho một thanh niên 22 tuổi ở Nông trường Sông Hậu cách nay vài tháng. Trong lúc làm thịt một con rắn độc đã chết, anh này vô tình để tay va vào răng nó và dính nọc độc, người cứng dần. Lập tức, gia đình đưa anh vào bệnh viện nhưng bác sĩ lắc đầu, khuyên nên tìm đến bà Chanh để cầu may.
"Khi đến đây, người thanh niên đó đã cấm khẩu. Tôi vội hái mấy loại thuốc đem giã nhuyễn lấy nước cho anh ta uống. Tuy nhiên, anh ta vẫn không nuốt được, tôi phải dùng ống truyền nước biển đưa thuốc vào. Khoảng một giờ sau, anh ta tỉnh lại rồi ăn được cháo…" - bà Chanh nhớ lại.
Trước đó, cụ Châu Thị Ðịnh, sống gần nhà bà Chanh, bị rắn hổ tre cắn. Cụ Ðịnh vội vã sang hàng xóm tìm "khắc tinh của rắn độc" nhưng chỉ đến được cửa nhà bà Chanh thì bất tỉnh. Cũng như mọi lần, bà Chanh phối hợp các loại thuốc trồng trong vườn nhà đâm nhuyễn, vắt lấy nước cho cụ uống. "Từ nhỏ tới giờ, tôi bị rắn độc cắn 6 lần, cứ tưởng đã phải về chầu Diêm Vương rồi nhưng đều được bà Chanh cứu sống. Tôi nhiều lần biếu tiền để đền đáp nhưng bà ấy cự tuyệt, nhất quyết không lấy" - cụ Ðịnh cảm phục.
Ông Nguyễn Văn Long, chồng bà Chanh, cho biết rất nhiều người sau khi được vợ ông cứu sống đã mang số tiền lớn đến trả ơn nhưng bà từ chối thẳng thừng. "Có lẽ nhờ công đức ấy mà 8 đứa con của chúng tôi lớn lên đều nên người" - ông thổ lộ. "Ngoại tôi luôn dặn dò tuyệt đối không được nhận tiền của người mình chữa trị. Gia đình tôi bao đời làm việc này là để cứu người với quan niệm gieo nhân tốt ắt sẽ gặt quả lành. Tôi cũng truyền bí quyết cho đứa con gái để nó nối nghiệp tổ tiên, làm việc thiện giúp người" - bà Chanh bộc bạch.
Ca Linh - Theo Nguoilaodong