Phật và đệ tử một ngày
Thong dong tản bộ cạnh ngay cánh đồng
Chợt đâu thấy một đám đông
Quây quần làm lễ vô cùng nghiêm trang
Tiễn đưa một kẻ họ hàng
Mới vừa tạ thế trong làng tuần qua.
Bà con thương tiếc xót xa
Mời nhiều tu sĩ về nhà tụng kinh,
Ra đồng làm lễ linh đình
Mong người quá cố vãng sinh an lành.
Thân nhân cầu khẩn tâm thành
Mong cho siêu thoát vong linh người nhà
Tây phương cực lạc chóng qua,
Tiếng kinh cầu nguyện vang xa trên đồng.
Có người thắc mắc trong lòng
Cúi xin hỏi Phật, cầu mong tỏ tường:
"Thưa Thế Tôn, theo lệ thường
Đọc kinh khi có người thương qua đời
Để mong siêu độ cho người
Đưa phần hồn họ lên nơi Niết Bàn
Mong họ giải thoát dễ dàng
Chẳng hay tác dụng có mang lại gì?"
*
Phật cười, dáng điệu từ bi
Dắt đoàn đệ tử cùng đi băng đồng
Tới ven bờ giếng nước trong
Ngài cầm hòn sỏi ném lòng giếng sâu
Sỏi kia chìm xuống thật mau
Ngài truyền đệ tử cùng nhau quây quần
Đứng quanh miệng giếng thật gần
Phật bèn hỏi: "Nếu thành tâm nguyện cầu
Kinh vãng sinh đọc dài lâu
Sỏi kia có nổi lên mau không nào?"
Cả đoàn đệ tử xôn xao
Ngạc nhiên tự hỏi chuyện sao lạ kỳ
Cùng thưa: "Kính đức Từ Bi
Trên đời đâu có kinh gì giúp ta
Dù tâm thành, dù thiết tha
Dạt dào chú nguyện, chan hòa lòng tin
Đem kinh kệ tụng liên miên
Chẳng làm cho sỏi nổi lên được nào!"
*
Nghiêm trang Phật dạy: "Đúng sao!
Ai khi sống chẳng hướng vào cõi trên
Nơi cực lạc, chốn bình yên
Nơi vùng thanh tịnh, nơi miền sạch trong
Thì khi chết thật khó lòng
Dùng lời kinh kệ mà mong giúp mình
Đưa về 'tịnh thổ' an bình,
Phải nên nhắc nhở chúng sinh xa gần
Kệ kinh chỉ giúp một phần
Chính mình phải giúp bản thân của mình
Khi còn sống phải tu hành
Trái tim hướng nẻo đất lành đừng quên,
Bản thân mình chớ nhận chìm
Xuống lòng nước thẳm, xuống miền giếng sâu
Gắng công tu tập đạo mầu
Giữ tâm cho kỹ trước sau nhiệt tình
Mới mong có phước vãng sinh
Vào miền 'tịnh thổ' đất lành cực vui!"
----------------------------------------------------
SỢI TƠ OAN NGHIỆP
Ngày xưa có một anh chàng
Nổi danh độc ác hung tàn gần xa
Hắn tên là Kiện Đà La
Hồi còn đi học chẳng tha bạn nào
Khắp trường ăn hiếp trước sau
Bạn bè yếu thế buồn rầu khôn nguôi,
Lớn lên hắn phá khắp nơi
Phá trong trường lớp, phá ngoài làng thôn.
Lại thêm háo sát luôn luôn
Các loài gia súc khôn hồn tránh xa
Hắn mà tóm được chẳng tha
Thẳng tay hành hạ thật là thương đau,
Côn trùng, bò sát như nhau
Dù cho nhỏ bé cũng đâu an toàn
Dùng chân hắn dẫm bạo tàn
Con ong, cái kiến nát tan đọa đày.
Kiện Đà La tới một ngày
Giết người mà chẳng gớm tay nữa rồi
Trở thành tên cướp khắp nơi
Bà con thấy hắn tức thời trốn ngay
Kêu nhau tránh nạn khổ này:
"Kìa hung thần đến gieo đầy tai ương!"
Thấy thiên hạ khắp xóm làng
Tỏ ra hãi sợ, hắn càng vui thêm
Toàn thân hắn toát ra liền
Một luồng sát khí triền miên lạnh lùng
Chẳng riêng người mới hãi hùng
Cả ma lẫn quỷ đều cùng hoảng kinh.
*
Một ngày dạo cạnh rừng xanh
Nhìn quanh kiếm vật hy sinh bữa này
Kiện Đà La chợt thấy ngay
Nhện kia bò chậm loay hoay bên lề,
Nhện mang bầu nên nặng nề
Chẳng bò nhanh được, dễ gì thoát thân
Khó mà thoát gót tử thần,
Kìa tên hung ác nhanh chân tới rồi
Định tâm dẫm nát Nhện thôi
Nhện kia run rẩy, rúm người, lăn quay.
Kiện Đà La thấy hay hay
Niềm vui trong dạ hôm nay chợt về
Hắn tha cho Nhện bò đi,
Nhện mừng thoát chết thảm thê chốn này
Thật là may mắn lắm thay,
Nhện từ khi đó ngày ngày gắng công
Tu hành tinh tấn một lòng
Mong đừng vương kiếp côn trùng mãi thêm
Tu nhiều kiếp! Vững lòng tin!
Một ngày Phật độ Nhện lên Niết Bàn
Nghe kinh thơm, tắm đạo vàng
Thần thông Nhện luyện giỏi giang sau này.
*
Thời gian lần lượt vần xoay
Kiện Đà La đến một ngày tàn hơi
Già người, yếu sức, trọn đời
Chết xong bị quỷ kéo lôi đi liền
Đày địa ngục, cột xích xiềng
Một bên móc sắt, một bên vạc dầu
Nhục hình khổ cực đớn đau
Dưới tầng mười tám thẳm sâu hãi hùng,
Đây tầng địa ngục cuối cùng
Dành riêng cho kẻ dữ hung nhất đời.
*
Một hôm địa ngục tơi bời
Thảm thê vang vọng tiếng người kêu la
Phật Đà nhìn xuống nhận ra
Tội nhân là Kiện Đà La đọa đày
Thấu soi tiền kiếp trước đây
Hắn tuy hung dữ, có ngày từ tâm
Đã tha cho Nhện một lần
Dù sao cũng đã gieo mầm nhân duyên,
Phật quay sang Nhện kề bên
Dạy nên giúp hắn một phen trọn tình.
Vâng lời Nhện vận sức mình
Nhả tơ thành sợi phun nhanh ra ngoài
Phun từ cao tít cõi trời
Xuống tầng địa ngục dưới nơi tận cùng.
*
Đang trong cảnh khổ não nùng
Kiện Đà La bỗng thấy buông trước mình
Dây tơ ngũ sắc lung linh
Từ trời thòng xuống rung rinh đón mời,
Hắn ta mừng rỡ nghẹn lời
Vội vàng chụp lấy đu người leo lên,
Leo lưng chừng tới phía trên
Hắn nghe có tiếng vang rền dưới chân
Cúi nhìn thấy đám tội nhân
Tranh nhau ráo riết leo dần lên dây
Hắn suy nghĩ: "Thật nguy thay!
Sợi tơ mỏng mảnh này đây chẳng bền
Nhiều người bám nặng đứt liền
Sẽ rơi trở lại xuống miền khổ đau!"
Mối lo vừa thoáng trong đầu
Ôm dây hắn vội tụt mau xuống rồi
Tính co chân đạp đám người
Đang đeo phía dưới cho rơi xuống dần,
Nào ngờ vừa mới giơ chân
Sợi tơ ngũ sắc bất thần đứt ngang.
Kiện Đà La vội kêu vang
Kéo theo cả đám kinh hoàng thét la
Cùng rơi xuống chốn thẳm xa
Xuống miền địa ngục, lối ra khó tìm.
Phật Đà và Nhện phía trên
Thở dài buông tiếng khi nhìn chúng sinh
Nổi chìm địa ngục điêu linh
Nghiệp xưa chót lỡ, cực hình khó qua.
*
Tiếc thay cho Kiện Đà La
Bao nhiêu nghiệp dữ nếu mà chẳng mang,
Lòng sân phút chót đừng vương
Mọi người chắc đã có đường thoát ra.
(Thi hóa, phỏng theo tập truyện văn xuôi NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY của Lâm Thanh Huyền, Phạm Huê dịch).
-----------------------------------
NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY
Lâm Thanh Huyền
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
Cuối cùng thì bà được một người hành hương tốt bụng truyền cho một câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu thần chú gồm có sáu chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng.. có thể dùng để giải trừ những nghiệp chướng.
Tội nghiệp cho bà già thôn dã, không biết chữ, nên trên đường về nhà bà lẩm bẩm cố học thuộc lòng, nhưng đã nhớ lôn cách phát âm trở thành Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Để khích lệ cho việc đọc câu kinh sám hối này bà bày ra hai cái chén, một cái chén không, còn một cái thì để đầy những hạt đậu nành. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không đã chứa đầy đậu thì bà làm ngược trở lại.
Bà lão đã không ngừng nghỉ, thành tâm tụng niệm suốt 30 năm.
Lòng thành kính của bà đã ứng hiện cho nên sau này những hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấy, cứ một câu thần chú vừa được phát ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh.
Bà lão thấy những hạt đậu tự động nhảy nhót, cộng hưởng với âm điệu của câu thần chú thì biết rằng sự tu hành đã đúng đường và giai đoạn sám hối sắp sửa chấm dứt cho nên bà càng phấn khởi tụng niệm hăng say hơn.
Hôm nọ có một vị cao tăng từ Tây Tạng vân du qua đó, khi đi ngang qua chiếc lều tranh lụp xụp của bà, nhà sư thấy có ánh hào quang tỏa ra rực rỡ. Vị cao tăng này lấy làm kinh ngạc, ông nghĩ rằng bên trong chiếc lều tranh thế nào cũng có một vị chân tu đắc đạo. Ông vội vã ghé vào thăm hỏi.
Bà lão lấy làm vui mừng khi thấy vị cao tăng đến thăm, bà quỳ xuống đảnh lễ, mà miệng thì vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Vị cao tăng lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu ánh hào quang rực rỡ mà ông thấy phía bên ngoài phát xuất từ nơi đâu ?
Ông lần lần hỏi thăm:
- Chẳng hay nữ thí chủ tu luyện bao nhiêu năm rồi và ở đây còn có ai khác nữa hay không ?
- Thưa ngài, ở đây chỉ có một mình tôi sống cô độc hơn ba mươi năm nay.
- Thật tội nghiệp, bà ở một mình chắc hẵn rất buồn ?
- Không đâu, tuy chỉ ở một mình nhưng hàng ngày tôi tu hành và tụng kinh sám hối để kiếp sau có thể hưởng được nhiều phúc đức của kiếp này, nhờ vậy mà tôi không cảm thấy buồn khổ. Nhất là từ lúc được một người hảo tâm chỉ cho cách tu luyện thì tôi càng có nhiều can đảm để sống hơn.
- Bà đang tu luyện kinh sách nào vậy ?
- Thưa ngài, tôi không biết chữ, cho nên chỉ tụng niệm duy nhất một câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Nhà sư thở dài tiếc nuối :
- Bà lão ơi, bà đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát Âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng mới đúng.
Đến lúc này thì bà lão mới biết là đã đọc sai câu thần chú hơn ba mươi năm. Bà rất đau buồn vì sự nhầm lẫn trọng đại này, như vậy thì công trình 30 năm tụng niệm coi như xe cát biển đông. Tuy nhiên bà cũng cảm ơn sự cải chính của nhà sư.
- Dù sao thì ngài cũng đã đính chính kịp lúc, bằng không thì tôi còn tiếp tục sai mà không biết cho đến bao giờ mới điều chỉnh cho đúng được.
Nhà sư từ giã bà lão để tiếp tục con đường truyền đạo của ông. Bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm của bà mà lần này với câu thần chú mới Án Ma Ni Bát Di Hồng. Thế nhưng tâm tư của bà còn hỗn độn vì sự việc vừa rồi cho nên ý chí của bà không được tập trung.
Mỗi câu thần chú của bà đã không còn làm cho những hạt đậu hứng khởi nhảy sang cái chén bên cạnh như lúc trước. Bà lão vừa tụng niệm mà nước mắt cứ tuôn rơi, bà thầm tiếc cho công trình tu luyện hơn ba mươi năm như trôi theo dòng nước vì đã đọc sai câu thần chú.
Nhà sư đi được một đỗi xa, ông ngoái đầu nhìn lại thì thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng. Bây giờ túp lều tranh hiện hình dột nát mà lại âm u buồn bã. Nhà sư giật mình và nghĩ rằng chính ông đã làm hại người Phật tử này không còn tập trung được tư tưởng như lúc trước. Ông vội vã trở lại túp lều tranh và nói với bà lão rằng :
- Lúc nãy ta chỉ đùa với bà thôi, câu thần chú của bà tụng mới thật là đúng.
- Nhưng tại sao sư phụ lại dối gạt tôi như vậy ?
- Ta muốn thử xem lòng thành kính của bà đối với Tam Bảo như thế nào vậy thôi. Từ nay về sau bà cứ tiếp tục tụng niệm y như cũ là phải phép rồi.
- Xin tạ ơn Đức Phật, vậy mà con cứ tưởng rằng công lao 30 năm tụng niệm đã trôi theo dòng nước, xin đa tạ sư phụ chỉ bày.
Sau khi nhà sư ra đi, bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm, mỗi một câu Án Ma Ni Bát Di Xanh được niệm ra thì tâm hồn bà rộn rã tươi vui và một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh.
Nhà sư đi lên đến đỉnh núi, ông ngoái đầu nhìn trở lại thì thấy hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão đã làm sáng rực cả một góc trời.
♥♥♥
Trên đây là một câu chuyện đã được lưu truyền rất rộng rãi trong thế giới Phật Giáo, dù đã có sửa đổi lại một vài chi tiết nhỏ. Câu chuyện này, vô cùng cảm động. Cảm động vì tấm lòng thành kính của bà lão đối với Tam Bảo. Câu chuyện này nói lên rằng Âm điệu của thần chú tuy rất quan trọng, thế nhưng lòng thành kính, sự tín ngưỡng, và ý chí chân thành trong lúc niệm thần chú còn quan trọng hơn nhiều.
Thanh âm trầm hùng, trang nghiêm, đơn thuần, thanh tịnh của Luc Tự Đại Minh đó.. Có thể nói rằng trên thế gian không có một thanh âm nào dõng dạc và tràn đầy quyền năng như câu thần chú này.
Thật là:
Một tấm lòng trong sáng
Hoa sen nở rộn ràng,
Sen nở vùng đất sạch,
Trên ngự một Như Lai.
Chú thích :
1- Án Ma Ni Bát Di Hồng (Phát Âm theo Phạn Ngữ : OM, MANI PADME, HÙM) : Câu thần chú trên đây đã được phổ biến rộng rãi trong thế giới Phật Giáo, nhất là trong phái Mật Tông vùng Tây Tạng. Người ta luyện câu thần chú này như một phương thức rèn luyện nội công thiền định.
Trước hết, tìm một nơi không khí lưu thông, đứng thẳng người, hai tay lật ngữa để ngang bụng, bàn tay trái đặt trên lòng bàn tay phải. Bắt đầu hít vào lồng ngực một hơi thật dài, khi lồng ngực đã chứa đầy dưỡng khí thì mở miệng thở từ từ đồng thời phát ra Âm thanh Án và tưởng tượng như luồng chân khí đang ở đỉnh đầu, kế tiếp theo phát Âm Ma và cố gắng đưa luồng hơi đến mũi.
Tiếp theo đến Âm Ni thì luồng hơi được chuyển xuống đến cổ họng. Tương tự đến Âm Bát thì luồng hơi được đưa đến lồng ngực, Âm Di thì chân khí trong người đã được đưa đến đan điền (bụng), tiếp tục đến Âm Hồng thì luồng hơi được chuyển đến hậu môn và thoát ra bên ngoài cơ thể.
Nên nhớ là trong lúc sáu chữ trong câu thần chú này được phát Âm thì luồng hơi của cơ thể đang ở trong trạng thái thở ra. Sau đó, sự tập luyện bắt đầu tái diễn bằng cách hít hơi vào lồng ngực...
Với hình thức vừa đọc thần chú vừa vận dụng đưa làn hơi trong người tuần hoàn khắp châu thân rồi thoát ra ngoài cơ thể sẽ khiến cho cơ thể con người được giữ ở một trạng thái sạch sẽ và minh mẫn.
Những lúc cơ thể mệt mỏi hoặc tinh thần cảm thấy bồn chồn không được an tâm, quý vị có thể thực hiện như lời chỉ dẫn trên đây để lấy lại được sự bình thản trong tâm hồn.
2- Tam Bảo: Phật Pháp Tăng gọi chung là Tam Bảo, Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn. Pháp là lời của Phật dạy hay còn được ghi chép lại thành kinh điển. Tăng là người tu hành, có nhiệm vụ diễn dịch và giảng dạy những ý nghĩa trong kinh điển cho tín đồ.
3- Hằng Hà sa số: Hằng Hà là tên một con sông lớn của xứ Phật Ấn Độ. Hạ lưu dòng sông này cũng là nơi Phật Giáo khai sinh và phát triển. Phù sa sông Hằng nhiều vô số kể và đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu dân chúng Ấn Độ. Vì vậy, kinh điển Phật Giáo thường dùng số lượng phù sa của sông Hằng để nói lên cái số nhiều không đếm xuể được.
4- Hiện thân A Di Đà Phật: Từ sự tích trên đây, mà bây giờ những hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát đều đội mão, và chính giữa chiếc mão có một tượng Phật A Di Đà. Đây cũng là cách nhìn vào để phân biệt giữa Quán Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.
5- Thập Phương: Từ chữ Thập phương thế giới, thập phương chỉ đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên và dưới. Phật giáo chủ trương có thập phương vô số thế giới gọi là Thập phương thế giới. Trong số thế giới đó có chư Phật và chúng sinh nên còn gọi là Thập phương chư Phật và Thập phương chúng sinh.