;
Tờ báo cho hay: “Sáng 4/6, tại chùa B, TP. PL, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh tổ chức Lễ khai pháp khóa an cư kiết hạ Phật lịch 2566 – Dương lịch 2022”...
An cư là thông lệ hàng năm của Phật giáo có từ thời Đức Phật sanh tiền. Toàn quốc ba miền cũng đã tiếp tục duy trì pháp giáo, tùy mỗi nơi tổ chức.
Đây là một nghi thức thuộc nội bộ, nó không phải nghi thức hành chánh, thế nhưng, ngoài tỉnh này, còn nơi nào có kiểu tổ chức phi lý khi mà mời đích danh, cung nghinh các quan chức tham gia, tiến vào đạo tràng, chính quyền đi song song với Chư Tăng chức sắc và giáo phẩm giữa hai hàng Phật tử cung kính chắp tay.
Tại lễ này, ngoài lãnh đạo Hội Đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh còn có lãnh đạo UBMT Tổ quốc, đại diện Sở nội vụ, Công an tỉnh, Ban Dân vận Thành ủy PL, Công an các huyện, thị xã, thành phố, các sở ban ngành của tỉnh cùng Tăng ni và đồng bào Phật tử.
Truyền thống, Chư tăng “bất bái quân vương” được minh họa cho sự tôn kính qua pho tượng gỗ nhà vua mặc hoàng bào, cung kính khom mình cõng tượng Phật tại chùa Hòe Nhai hay còn gọi là Hồng Phúc tự, (số nhà 19, phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời nhà Lý và là chốn tổ của phái Tào Động, một Thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam.
Hình ảnh vị vua quỳ sát mặt đất, thái độ cung kính, thành khẩn ăn năn hối lỗi là lời răn dạy cho nhiều đời sau. Ảnh báo PLVN
Tu sĩ là bậc xuất ly tam giới, không còn lệ thuộc những nghi tắc thế tục; ngoại trừ Thiền sư Vạn Hạnh đứng trước tình trạng quốc phá gia vong nên đích thân đảm nhiệm việc triều chính; sau đó vẫn trở lại am tranh thúc liễm thân tâm tiến đến giải thoát.
Trong thời ly loạn bị giặc phương Bắc xâm lăng, Chư tăng cũng phải khoác chiến bào làm tròn nhiệm vụ người dân đối với tổ quốc; nhiệm vụ thế gian hoàn tất, con đường tu hành vẫn cách ly danh chức thế tục, không để thế gian chi phối đời sống thiền môn.
Như thế, xuất gia là hạnh thoát tục nhưng vẫn không quên nhiệm vụ lúc đất nước cần, tuy vậy, không bị danh lợi quyền lực chi phối. Thể cách nhà sư buộc Phật tử chắp tay nghinh đón thế quyền như nghinh đón Chư tăng là rất khó coi.
Quan chức vui gì khi có những nhà sư xu nịnh trắng trợn thô thiển như vậy! Khi lễ, Phật tử, quần chúng không được đứng ngang Chư tăng, lẽ nào quan chức đi song hành Chư tăng để cho Phật tử cung đón? Là chưa nói về giới luật, Phật tử nếu thọ Tam quy, trì Ngũ giới thì thân tâm thanh tịnh và đáng kính hơn rất nhiều người thế tục bình thường.
Tình trạng này nếu trở thành thông lệ, rồi đây Bố Tát tụng giới, tác pháp yết ma…cũng mời quan chức chứng minh?! Hình như một số thầy không nắm vững thế nào thuộc nghi thức hành chánh, thế nào là nghi lễ tôn giáo, chẳng những thế, ngay cả lễ Vesak, có nơi đem tượng Hồ Chủ tịch tắm chung với tượng Phật sơ sinh, cứ tưởng làm thế là lấy lòng.., nhưng thực ra đang có phần xúc phạm là làm trái "tâm nguyện" của họ.
Chắc chắn những cán bộ có nhân cách, biết suy nghĩ họ sẽ rất khó chịu, dù không nói ra. Để chỉnh đốn, thiết nghĩ Giáo hội nên minh định rõ cho một số Tăng biết thế nào thuộc lãnh vực hành chánh, thế nào là nghi thức tôn giáo để diện mạo Phật giáo Việt Nam dưới cái nhìn nước ngoài và các tôn giáo bạn có phần chín chắn hơn.
PGVN hiện nay còn nhiều vấn đề cần nói thẳng nói thật, một số Tăng ni còn cần chỉnh đốn khi mà giới hạnh, giáo luật chưa thông! Việc dù nhỏ, mong thay Giáo hội cũng nên lắng nghe và kịp thời chấn chỉnh.
23/6/022