;
Am, cốc, thất: phủ nhận hay chấp nhận?
Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am khác nhau như thế nào ?
Theo hướng giải quyết vấn đề “am, cốc, thất”, báo Giác Ngộ số 816, 9/10/2015 đã đăng câu hỏi của tăng ni và câu trả lời của Hòa thượng Thích Minh Thông, nội dung như sau: “Vấn đề thời sự hiện nay là, người xuất gia ai cũng biết “Tăng ly chúng tăng tàn”, nhưng trên thực tế, nhiều Tăng ni dựng am, cốc khắp nơi khiến cho Giáo hội không thể quản lý được. Vì sao lại có hiện tượng này? Vai trò của bổn sư, trụ trì giải quyết như thế nào? Ban Tăng sự nghĩ thế nào, có giải pháp nào không?
Với Hòa thượng, đây cũng là vấn đề nhức nhối, bởi hiện nay ở các huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi… tình trạng tăng, ni lập am, cốc rất nhiều. Có thể đây là một hệ lụy của việc xem thường giới luật, những vị này thích ở tự do, không thích sự ràng buộc của tổ chức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân suy đồi của Phật giáo. Giáo hội cũng đang tìm cách để ngăn chặn tình trạng này. Vì thế, việc an cư tập trung theo chủ trương của Giáo hội hiện nay là cần thiết, vì ở nơi đấy những người tu có thể học hỏim để bổ sung những khiếm khuyết của mình. Những trường hợp ở riêng như vậy thì tinh thần giải thoát, tinh thần hòa hợp của Tăng già bị phá vỡ. Nếu chúng ta có chùa riêng thì chúng ta sẽ có tâm tưởng tư hữu, thì sẽ không khác gì thế gian, điều này vô cùng nguy hại, làm cho bản thể thanh tịnh của Tăng đôi khi không còn nữa”.
Quan điểm giải quyết đã rất rõ ràng: “Giáo hội cũng đang tìm cách để ngăn chặn tình trạng này”, và coi “đây cũng là một trong những nguyên nhân suy đồi của Phật giáo”.
Quan điểm dẫn trên có mâu thuẫn ngay với một câu trả lời khác của Hòa thượng Thích Minh Thông.
“Tỳ kheo lập cốc ở một mình, khi đi chỉ mang theo một y còn hai y gởi lại cho Phật có được không? Hòa thượng cho biết, trường hợp này chỉ đối với Tăng thôi”.
Nếu đạo Phật cho phép tỳ kheo được lập cốc ở một mình, thì không thể loại coi “am, cốc, thất” đối với tăng là nguyên nhân suy đồi của Phật giáo.
Và nếu ni lập cốc, mà không ở riêng một mình, thì sao?
Xác định “am, cốc, thất” là một truyền thống lâu đời của Phật giáo đã là nội dung của một bài viết trước đây của tôi, nên nay không nhắc lại. Bài viết này chỉ tìm hiểu nên có quan điểm và giải quyết thế nào trên cơ sở lợi ích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Căn cứ vào chính lời của Hòa thượng Thích Minh Thông, thì việc tìm cách ngăn chặn là không phù hợp với ý Phật, nếu không muốn nói là trái ngược, trong khi chính Phật đã cho phép như thế. Hơn nữa, quan điểm như vậy cũng không phù hợp với lợi ích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cái khó nằm ở chỗ Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có giáo quyền và không có thể nào tác động nếu “am, cốc, thất” là bất động sản sở hữu tư nhân, chủ sở hữu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là căn cứ về việc công nhận của chính quyền đối với nhà đất dù đó là “am, cốc, thất”.
Trên cơ sở lợi ích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì phải thấy rằng, nếu cố ý hạn chế sinh hoạt tôn giáo tại “am, cốc, thất”, thì điều đó sẽ có tác động làm cho tăng ni chủ “am, cốc, thất” xa rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tách biệt sinh hoạt với giáo hội, rút vào “bí mật”.
“Am, cốc, thất” có thể không treo bảng, nhưng thể hiện bảng hiệu dưới nhiều dạng khác, như “A lan nhã + tên”, “Bồ đề + tên”…, tránh đi các từ chùa, “am, cốc, thất”, tịnh xá…, nhưng vẫn thể hiện là nơi cư trú của người tu hành xuất gia.
Các “a lan nhã”, “bồ đề”… này đương nhiên không còn hướng về sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phần những người chủ “am, cốc, thất” sẽ rơi vào thế cơ sở tôn giáo không được công nhận, thì tăng ni đương nhiên cũng tránh đi sự kiểm soát của Giáo hội. Cơ sở tôn giáo do tu sĩ thành lập một khi trở thành “nhà riêng thờ Phật” để đối phó với quan điểm “tìm cách để ngăn chặn” (lời của HT Thích Minh Thông) thì tất yếu sẽ hình thành ngày càng nhiều cơ sở tôn giáo dưới bề ngoài là nhà riêng, ngoài sự kiểm soát của Giáo hội và hình thành xu hướng thiết lập hệ thống cơ sở Phật giáo ngoài giáo hội. Việc làm như thế rõ ràng không có lợi cho việc vận động tham gia giáo hội. Thời gian trôi qua, lâu dần, số “am, cốc, thất” ngoài giáo hội chắc chắn sẽ tăng mạnh, vì việc thành lập đơn giản, chỉ là “nhà riêng thờ Phật. Khi đó, chắc chắn Giáo hội bị ảnh hưởng.
Hiện nay, đã phát triển nhiều “am, cốc, thất” như vậy. Một số am, cốc, thất đã có hoạt động nổi tiếng, bước đầu có ảnh hưởng sâu rộng (có Phật tử đông đảo, có trang web, blog, facebook, tổ chức xuất bản sách).
Ngay trong tên gọi “chủ trương tìm cách để ngăn chặn” đã phản ánh cách làm bị động, không hiệu quả, thiếu thực tế và bế tắc. “Tìm cách” đến khi nào? Vấn đề đặt ra đã lâu nhưng sao bây giờ vẫn “tìm cách”? Đã le lói “cách” nào chưa, hay vẫn “tìm”?
Chắc chắn sẽ không có một cách nào, nếu đi ngược lại lời Phật, đi ngược lại truyền thống, đi ngược lại xu thế chung, đi ngược lại xu thế luật pháp và đi ngược lại lợi ích của giáo hội.
Để giải quyết vấn đề trên cơ sở lợi ích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội nên có đề nghị trưng cầu ý kiến về phương án giải quyết, theo hướng làm sao để “am, cốc, thất” được giáo hội quản lý, bảo trợ, liên hệ. Nếu tiếp tục “tìm cách để ngăn chặn” thì lại lún sâu hơn nữa vào sự lúng túng, thụ động, thất sách.
Không giải quyết theo hướng chủ động, tích cực thì “am, cốc, thất” là những đường nứt rạn đối với sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam và những đường nứt đó sẽ nhiều hơn, lớn hơn với thời gian. Quá trình lịch sử đã cho thấy điều đó.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.