;
Lewis Richmond nói: Bạn không cần phải nuôi dưỡng những ước muốn xấu xa, kể cả khi chúng có vẻ rất chính đáng hay hợp lý.
Câu hỏi: Một ai đó đã đối xử với tôi cực kỳ bất công, tồi tệ và bây giờ tôi đang bị ám ảnh bởi ý định trả thù. Mặc dù cho rằng trả thù là thỏa đáng, tôi vẫn thấy mình không nên cố gắng ăn miếng trả miếng bằng cách làm tổn thương họ. Vậy tôi phải làm gì để giải tỏa ý định trả thù đang nung nấu trong tâm trong khi tôi vẫn đang phải chịu đựng những thiệt hại mà họ gây ra cho tôi?
Trả lời: Tình huống này là một phản ứng tự nhiên về mặt con người. Sự trả thù có vẻ như là phương cách giúp con người ta giải tỏa nỗi đau hay ức chế và chúng ta tin rằng đây là phương cách hữu ích. Như Thrangu Rinpoche, một bậc thầy Mahamudra đương đại(Đại Thủ Ấn, một phương pháp Thiền của Kim Cương Thừa), nói, "Chúng ta cho rằng chúng ta có quyền được nổi giận."
Trong thâm tâm bạn nhận ra rằng thái độ này không lành mạnh và muốn cắt bỏ nó đi. Bằng cách này, bạn đang tôn vinh giới luật Phật giáo không "dung chứa những ý nghĩ xấu xa". Nhưng thẳm sâu trong vô thức, cái tôi của bạn vẫn giữ gốc rễ của ý nghĩ xấu xa đó. Cái tôi đó bị tổn thương và muốn được chữa lành một cách hợp lý.
Lòng nhân ái có thể giúp giải tỏa được vấn đề này, đặc biệt là khi bạn đang chữa trị cho chính mình: "Xin cho tôi được lấp đầy với lòng nhân ái; xin cho tôi thoát khỏi sự đau khổ này". Bạn có thể nói lên hay thầm nghĩ về lời cầu nguyện này. Cái tôi sâu thẳm trong vô thức của bạn như một đứa trẻ đau khổ rất thích lời cầu nguyện êm dịu như thế.
Phương pháp căn cơ lâu dài để giải tỏa ý nghĩ xấu xa là nhìn thẳng vào tính Không của suy nghĩ xấu xa đó. Thầy của tôi, Suzuki Roshi, dạy rằng khi chúng ta thở ra, chúng ta buông xả và giải tỏa phiền não; khi hít vào chúng ta mở ra một tâm trạng trong trẻo và tinh khiết. Trong một hơi thở, ta có thể khiến ý định trả thù biến mất. Và mỗi khi chúng trỗi dậy, ta lại làm chúng biến mất. Dần dà qua thời gian, ý nghĩ xấu xa, ý định trả thù sẽ biến mất hoàn toàn.
Suzuki Roshi gọi phương pháp thực hành này "Làm mới nội tâm", và cho biết đây là bí mật của mọi phương pháp tu Thiền. Nhìn thấy Tánh Không của mọi sự vật hiện tượng là chuẩn mực của Phật giáo, nhưng để có thể thực sự chữa lành phiền não trong tâm, lý thuyết hay ý tưởng không chưa đủ. Chúng ta cần phải tu học thực hành trong thiền định và trong cuộc sống. Bằng cách này, sự nung nấu ý định trả thù có thể trở thành thầy dạy của chúng ta.
Giới thiệu về LEWIS RICHMOND
Chikudo Lewis Richmond là đệ tử thọ giáo và là đại đệ tử kế thừa dòng thiền của Thiền sư Shunryu Suzuki. Ông quản lý Tăng Đoàn Thiền Viện Vimala ở Mill Valley, California. Ông cũng là tác giả của bốn cuốn sách:
* Work as a Spiritual Practice (tạm dịch là “tu học thực hành trong khi làm việc)
* Healing Lazarus – Chữa lành cho những người khốn khổ
* A Whole Life’s Work: Nhiệm Vụ của cuộc đời, và
* Aging as a Spiritual Practice – Tuổi tác là lợi thế trong tu học thực hành.
By Lewis Richmond – Lion’s Roar
Việt dịch: Ánh Ban Mai